CEO Cisco Việt Nam: Tôi luôn thấy mình “được” nhiều hơn “mất”
Sôi nổi, nhiệt huyết khi nói chuyện công nghệ. Thận trọng, kín đáo khi chia sẻ về bản thân. Hai thái cực ấy dung hòa trong một người phụ nữ tự tin, duyên dáng, với đôi mắt “biết cười” luôn lấp lánh, chị là Lương Thị Lệ Thủy – Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam từ năm 2015 đến nay.
Nhân ngày 8/3, ngày của phái đẹp, ngày của "một nửa Thế giới", chị đã có những chia sẻ thú vị về công việc và cuộc sống của mình.
Đến giờ, tôi vẫn không ngừng theo đuổi các ước mơ
Kể về "cơ duyên" đến với công nghệ và rồi gia nhập Cisco của mình, chị Thủy thừa nhận: "Đó là một lĩnh vực đầy thách thức, nhất là với một người "tay ngang" như tôi... Công nghệ không chỉ thay đổi cách người ta làm việc, tư duy, mà còn buộc họ phải thay đổi. Nó cuốn hút tôi học hỏi, tìm tòi, dù đây không phải một lĩnh vực dễ dàng để gia nhập, thậm chí còn rất dễ bị đào thải trước sự thay đổi, cải tiến từng ngày từng giờ của dòng chảy công nghệ..."
Mang cái tâm thế coi "việc học như con thuyền đi ngược thác" ấy, người phụ nữ đầy bản lĩnh và quyết đoán, vị "nữ tướng" của Cisco Việt Nam đôi lúc lộ dáng vẻ hồn nhiên, mơ mộng khi tâm sự rằng đến giờ chị vẫn ấp ủ những hoài bão, những ước mơ và không ngừng nỗ lực để thực hiện chúng.
Người ta thường cho rằng, do đặc thù về tâm sinh lý, phụ nữ thường vất vả và gặp nhiều áp lực hơn nam giới khi ở các vị trí lãnh đạo. Đặc biệt, với công nghệ – lĩnh vực mà nam giới có ưu thế nổi trội hơn – thì những trở ngại dành cho lãnh đạo nữ càng nhiều. Với chị thì sao?
Tôi thích được thử thách. Vượt qua được trở ngại khó khăn, vượt qua giới hạn, vượt qua định kiến, là yếu tố chứng minh được khả năng bản thân. Do đó, tôi sẵn sàng đón nhận các áp lực.
Bên cạnh đó, lại phải nói đến một hình ảnh kinh điển: Khi nhìn vào một ly nước đầy 1 nửa, có người thì nói rằng ly nước còn ĐƯỢC một nửa, có người nhìn vào nửa vơi của nước và nói rằng ly nước MẤT một nửa. Như thế, "Được" và "Mất" chỉ là hai khái niệm mang tính chủ quan.
Với tôi, tôi không ngừng theo đuổi ước mơ và hoài bão của mình và luôn nhìn tất cả vấn đề một cách tích cực. Khi ta yêu thích và đam mê công việc của mình, thì ta sẽ luôn nói rằng "tôi được làm việc", chứ không phải là "tôi phải làm việc". Do đó, tôi luôn thấy mình "ĐƯỢC" nhiều hơn "MẤT".
Được biết, chị đã từng tốt nghiệp trường ĐHSP TP.HCM năm 1993? Vì sao có sự "chuyển hướng" khá đột ngột sang lĩnh vực công nghệ?
Từ nhỏ, thầy cô giáo luôn là hình ảnh thần tượng nhất trong mắt tôi. Tôi đã luôn mơ ước rằng khi lớn lên, mình sẽ trở thành cô giáo với những kiến thức uyên bác, truyền đạt lại cho học trò và được các em kính trọng và ngưỡng mộ như mình đã từng ngưỡng mộ thầy cô giáo. Theo đuổi ước mơ đó, tôi quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm, khoa Ngoại ngữ.
Còn với công nghệ, có lẽ là một cái "duyên". Tôi vẫn nhớ như in, khi tôi quyết định chuyển qua sales, ai cũng ngạc nhiên và cho rằng sư phạm và sales là 2 ngành nghề có quá nhiều điểm khác biệt, thậm chí còn có người đặt câu hỏi phải chăng tôi đã chọn nhầm đường. Nhưng thực tế đã trả lời, những kiến thức, kỹ năng học được và những trải nghiệm trong ngành sư phạm đã giúp tôi có được những thành công như hôm nay.
Tôi cho rằng, không có đường biên nào cho những giấc mơ. Tất cả chỉ là việc chúng ta điều chỉnh những ước mơ, tự xây cho mình những hoài bão mới và nỗ lực thực hiện những điều đó. Ví dụ, người đi bán hàng không chỉ đặt ước mơ về doanh số, mà họ mang hoài bão rằng những sản phẩm mình bán ra ngày một nhiều sẽ mang đến sự đổi thay tích cực cho một lĩnh vực cụ thể nào đó, góp phần giúp xã hội phát triển, cuộc sống của mọi người tốt hơn... Ở những vị trí lớn hơn, nhiều trách nhiệm hơn, chúng ta sẽ có những ước mơ mới, những hoài bão to lớn hơn. Cũng như tôi, đến giờ vẫn có những hoài bão mà tôi không ngừng theo đuổi.
Điều gì khiến chị rất thành công với công việc sale thuở ấy?
Trong công việc cũng như trong cuộc sống, và nhất là khi chúng ta hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chữ tín vô cùng quan trọng. Nó là chìa khoá để giúp chúng ta đi đến thành công. Tôi vẫn nhớ như in lời bố mẹ tôi dạy rằng "một lần bất tín, vạn lần bất tin".
Tôi khắc ghi và luôn lấy điều này làm tôn chỉ và chuẩn mực trong cuộc sống và công việc. Do đó, tôi luôn được khách hàng và đối tác tin tưởng khi hợp tác, được nhân viên yêu quí, được các lãnh đạo tin tưởng giao ngày càng nhiều trọng trách…
Hình ảnh thường thấy của chị trên các kênh truyền thông là một nữ lãnh đạo tự tin, trả lời ngắn gọn nhưng rất duyên dáng chứ không khô cứng. Theo chị, đó là do thiên bẩm hay phải tập luyện? Nếu được đề nghị tư vấn, chị sẽ nói gì về những yếu tố CẦN CÓ để hình thành nên phong thái đó?
Để đạt được thành công, thiên tài cũng phải nỗ lực và quyết tâm rất nhiều. Tôi rất thích câu nói nổi tiếng của Thomas Edison "Genius is one percent inspiration, ninety-nine percent perspiration", tạm dịch là "Thiên tài chỉ có 1% là thiên phú, 99% còn lại là do mồ hôi, sự rèn luyện mang lại".
Thật khó để tư vấn cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ là trong hành trình hoàn thiện bản thân, mỗi cá nhân sẽ có những tiêu chí riêng để trở thành mẫu người mình mong muốn.
Ưu thế của phụ nữ là dung hòa được giữa "Giếng khơi" với "cơi đựng trầu"
Ca dao xưa có câu: "Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Chị nghĩ điều này có còn đúng trong xã hội hiện đại, nơi các phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào chính trường và thương trường?
Ca dao thường phản ánh quan điểm xã hội của thời đại nó sinh ra. Trong xã hội ngày nay, tôi thấy phụ nữ đang ngày càng chứng minh sự nổi trội của họ trong nhiều lĩnh vực. Và một cách rất linh hoạt, họ có thể là "giếng khơi" thâm trầm, quyết đoán, hiểu xa tính rộng trong công việc; nhưng lại là "cơi đựng trầu" biết vừa đủ, lo vừa tầm... khi lui về với gia đình hay bên người đàn ông của mình.
Tất cả đều do vị trí của họ, cũng như do góc nhìn của chúng ta khi quan sát họ mà thôi.
Chị có áp lực gì khi phải "tròn vai" của mình ở công sở và ở gia đình không? Đặc biệt là khi những ngày lễ tết hoặc dịp kỷ niệm đặc biệt lại trùng với lịch công tác? Chị sẽ "đền bù" lại cho những người thân yêu nhất của mình như thế nào?
Chồng tôi là người rất tâm lý và thấu hiểu các áp lực công việc của tôi. Điều này đã giúp tôi dễ dàng "tròn vai" trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình.
Việc tôi vắng nhà vào những ngày quan trọng chưa bao giờ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của anh ấy, và việc linh động chọn một ngày khác cho một dịp kỷ niệm không phải là điều hiếm thấy ở gia đình tôi.
Nếu phải "bình chọn" quyển sách yêu thích nhất, nhân vật có ảnh hưởng với mình thì câu trả lời của chị là gì?
Tôi thích nhất "Chicken Soup for the Soul" của Jack Canfield, Mark Victor Hansen. Sống tử tế không phải là mơ mộng, mà là một hệ giá trị. Bộ sách này mang đến nguồn cảm hứng trong mọi vấn đề của cuộc sống cũng như việc làm.
Chị có câu châm ngôn tâm đắc nào trong cuộc sống không? Vì sao chị tâm đắc với nó?
Tôi rất tâm đắc với một câu nói được cho là của Khổng Tử "Bất cứ nơi nào bạn đi, hãy đi với tất cả trái tim". Chúng ta hãy sống và theo đuổi ước mơ của mình với một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu thương và sự chân thành. Tôi luôn lấy đó làm tôn chỉ trong cuộc sống.
Là một phụ nữ làm trong lĩnh vực công nghệ, chị có cụ thể hóa sự am hiểu của mình vào cuộc sống hàng ngày không? Thiết bị gia dụng hay phần mềm, ứng dụng yêu thích nhất của chị là gì?
Tôi không quá phụ thuộc vào thiết bị. Một phần mềm rất đơn giản nhưng vô cùng hữu dụng đối với tôi là Calendar. Nó như một trợ lý đắc lực, giúp tôi ghi nhớ và nhắc tôi tất cả các công việc cần làm một cách hiệu quả, đặc biệt trong nhịp sống ngày càng bận rộn như hiện nay.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!