CEO CK Tiên Phong: Củng cố vị thế, cung cấp sản phẩm, dịch vụ khác biệt.
Không chỉ tập trung phát triển hệ thống công nghệ để hỗ trợ tối đa trải nghiệm của khách hàng, TPS với nền tảng quản trị công ty tốt và đội ngũ nhân sự chuyên môn cao – sẽ cung cấp những dịch vụ chất lượng, sản phẩm ưu việt được đóng gói thành những sản phẩm đầu tư phù hợp với từng khẩu vị đầu tư hiện nay.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS – mã chứng khoán ORS) chia sẻ, TPS đã và đang tạo nền tảng vững chắc hướng đến mục tiêu là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường với các dịch vụ khác biệt.
Liên tục tăng vốn và dư nợ cho vay margin tăng vọt trong nửa đầu năm 2021, phải chăng đây là chiến lược đẩy mạnh khối khách hàng cá trên thị trường chứng khoán của TPS, thưa ông?
Tiền thân của TPS là công ty chứng khoán đã bị thua lỗ nhiều năm, thương hiệu giảm mạnh, không đầu tư hệ thống, công nghệ lỗi thời, thiếu các tiện ích cơ bản, đội ngũ nhân sự không có…. Vì vậy, TPS chưa thể phục vụ ngay khối khách hàng cá nhân, mà tập trung cho khách hàng tổ chức là chính. Song song đó, công ty tích luỹ kinh nghiệm, cải thiện mọi mặt và phát triển nguồn lực (vốn, bộ máy nhân sự, phát triển hệ thống, đầu tư công nghệ…). Năm 2021, TPS đã sẵn sàng để phục vụ và đáp ứng nhu cầu đa dạng cho khách hàng cá nhân.
Dựa trên thế mạnh nằm trong hệ sinh thái ngân hàng TPBank, công ty ngay từ đầu đã định hướng tiếp cận và tập trung ở cả khối khách hàng cá nhân và tổ chức. Đồng bộ với đó là chiến lược xây dựng sản phẩm tài chính cũng dựa trên nhu cầu của mass market – là nhóm khách hàng có số lượng chiếm đa số trên thị trường với lượng tiền nhà rỗi và có mong muốn trải nghiệm hoặc muốn thay đổi chiến lược đầu tư vào các sản phẩm tài chính mang lại hiệu quả vượt trội, nhưng vẫn bảo đảm được tính thanh khoản cùng có những chính sách giảm thiểu rủi ro đi kèm.
Thành quả mà đội ngũ TPS nhận được là số lượng khách hàng cá nhân tăng mạnh, dư nợ cho vay margin theo đó cũng phát triển tốt. Tính đến nay, dư nợ cho vay khoảng 1.200-1.300 tỷ đồng, trong khi con số đầu năm chỉ hơn 100 tỷ đồng. Nguồn thu của TPS cũng đa dạng hơn từ năm 2021 với đầy đủ các mảng nghiệp vụ cơ bản của một CTCK.
Mức độ cạnh tranh trên phân khúc này đang rất gay gắt, TPS có thế mạnh gì?
Những chỉ số tài chính chủ lực trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 tiếp tục được cải thiện, duy trì tốc độ tăng trưởng vượt bậc nhưng vẫn đảm bảo an toàn cao. Có thể nói, đến nay, TPS đang sở hữu nhiều lợi thế vượt trội đó là tiềm lực tài chính lành mạnh, hệ thống bán hàng đa dạng hiệu quả và đặc biệt xây dựng sản phẩm đa dạng, ưu việt, an toàn và công nghệ thân thiện với người dùng, qua đó gia tăng trải nghiệm khách hàng khi đến với TPS.
Để có sự hiện diện ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, TPS sẽ thành lập chi nhánh Đà Nẵng trong năm 2022, nhưng TPS hướng đến việc tập trung phát triển công nghệ và sản phẩm để cạnh tranh chứ không phải từ mở rộng mạng lưới.
Thực tế, TPS đã chủ trương triển khai xây dựng nền tảng giao dịch điện tử từ những ngày đầu thông qua hợp tác với các chuyên gia Fintech hàng đầu của Việt Nam. TPS xác định, tiên phong áp dụng các xu hướng Fintech, kết hợp phát triển nền tảng công nghệ tiên tiến vào hoạt động giúp công ty nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, góp phần đưa thị trường chứng khoán tiếp cận gần hơn với người dân Việt Nam, trở thành một kênh đầu tư gần gũi, an toàn, hấp dẫn.
TPS cùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ đã xây dựng và triển khai thành công nền tảng giao dịch trái phiếu trực tuyến. Qua đó, các đơn vị bán hàng, đơn vị nghiệp vụ có thêm nền tảng quản lý hoạt động, vận hành, giao dịch; đặc biệt khách hàng được trải nghiệm hình thức đầu tư thông minh, chính xác, nhanh chóng, tiện lợi với các thông tin được hiển thị rõ ràng, minh bạch, có dự đoán được dòng tiền trong tương lai tại từng thời điểm, đồng thời có tính bảo mật cao và an toàn.
Dù "sinh sau đẻ muộn", TPS vẫn có những sản phẩm vượt trội, khác biệt. Điển hình như dịch vụ TOPUP chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản chứng khoán và ngược lại thông qua hệ kết nối các core hoàn toàn tự động với thời gian hoàn tất dưới 5s, khách hàng tự chủ giao dịch chứng khoán trực tiếp từ nguồn tiền tại tài khoản ngân hàng ... Để có các dịch vụ công nghệ mang tính ứng dụng cao và bảo mật hiện đại là nhờ lợi thế riêng có khi TPS nằm trong hệ sinh thái của TPBank - Ngân hàng số xuất sắc nhất Việt Nam" (The Asian Banker 2021).
TPS có nhiều sản phẩm khác liên tục được phát triển và cập nhật, hướng đến phục vụ trọn gói các nhu cầu đầu tư, tiết kiệm và các nhu cầu tài chính khác được tích hợp trong hệ sinh thái, thông qua việc kết nối và sử dụng các ứng dụng công nghệ. Mới đây, TPS đã nâng cấp hệ thống giao dịch, ứng dụng công nghệ eKYC, hợp đồng điện tử - eContract để thuận tiện cho khách hàng mở tài khoản online và tham gia thị trường.
Vậy trong 3 đến 5 năm tới, TPS định vị trở thành công ty chứng khoán như thế nào, thưa ông?
Nằm trong Top 10 CTCK trên TTCK Việt Nam, cả về quy mô vốn (dự kiến năm 2022 sẽ tiếp tục tăng vốn), cả về Top thị phần giao dịch – thông qua dịch vụ giá trị, sản phẩm chất lượng và cơ hội đầu tư tốt cho khách hàng để xây dựng nguồn khách hàng bền vững. TPS cũng phấn đấu nằm trong Top 10 CTCK về doanh thu, lợi nhuận để đảm bảo hiệu quả hoạt động, mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông.
TPS đã xây dựng nền tảng và kế hoạch hành động như thế nào để bứt phá, đạt được mục tiêu trên?
Giai đoạn tới, TPS vẫn tập trung nâng cao hiệu quả và không ngừng nâng cao chất lượng khách hàng, đẩy mạnh các mảng hoạt động của một CTCK. Hoạt động Ngân hàng đầu tư (IB) là trụ cột vững chắc cho các khối hoạt động của TPS đã và đang tạo nên tên tuổi của công ty khi liên tiếp mang lại lợi nhuận ngay cả trong những giai đoạn công ty đang tái cấu trúc. Theo đó, TPS tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có của IB, cụ thể là tư vấn phát hành trái phiếu, tư vấn huy động vốn, tư vấn chào bán và niêm yết chứng khoán. Đồng thời, TPS sẽ triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động tư vấn M&A, tư vấn thoái vốn… nhằm nâng cao thương hiệu và vị thế TPS trên thị trường.
TPS tự hào có lượng khách hàng lớn cùng khả năng phân phối rộng. hệ thống phân phối rất đa dạng, bao gồm đội ngũ kinh doanh riêng của TPS, mạng lưới cộng tác viên và đối tác với ngân hàng TPBank, qua đó tối ưu hoá mô hình bán hàng. Hiện TPS sở hữu hơn 20.000 khách hàng thường xuyên, bao gồm các mảng: đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán và các dịch vụ tài chính khác. Hiện tại mảng IB còn nhiều thương vụ đang trong kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2024 và chúng tôi đang nỗ lực để triển khai thêm nhiều sản phẩm mới, đặc sắc với mức sinh lời cạnh tranh.
Với sự mở rộng quy mô hoạt động của Công ty, cùng với sự am hiểu về thị trường, mối quan hệ hợp tác từ phía các đối tác chiến lược và tiềm năng, TPS sẽ giữ vững được tốc độ phát triển và tiếp tục là một đơn vị IB lớn tại thị trường Việt Nam.
Đối với hoạt động môi giới và phân phối, TPS chú trọng phát triển đội ngũ kinh doanh, triển khai các dịch vụ, sản phẩm tài chính theo nhu cầu về kỳ hạn với hiệu quả sinh lời cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, TPS tạo ra một "sàn giao dịch" cho các sản phẩm tài chính do TPS mang lại, bảo đảm được thanh khoản cho khách hàng.
Trong quý 3 năm 2021, TPS đã tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng để bổ sung cho mảng margin 1.500 tỷ đồng, tự doanh và hoạt động khác 500 tỷ đồng. Theo đó, mảng cho vay margin và tự doanh cũng đang được đẩy mạnh, như mảng tự doanh năm nay dự kiến có lợi nhuận 60-70 tỷ đồng.
Xuyên suốt các mảng hoạt động, TPS luôn tuân thủ quy định, nguyên tắc về quản trị rủi ro, nhằm mang lại sự an toàn trong sản phẩm, hoạt động của TPS, từ đó an toàn cho chính khách hàng của TPS.
TPS quyết tâm duy trì là một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả nhất tại Việt Nam.