CEO Công ty Tư vấn OD CLICK Đỗ Tiến Long: Đã hết thời doanh nghiệp đi lên từ khai thác đặc quyền cơ chế và tài nguyên thiên
Ông Đỗ Tiến Long là CEO Công ty Tư vấn Quản lý OD CLICK, công ty chuyên tư vấn về phát triển tổ chức và chiến lược cho rằng, dịch bệnh làm bộc lộ vấn đề lớn là tư duy khai thác đặc quyền cơ chế, tài nguyên thiên nhiên và việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã đi vào thoái trào.
- 24-05-2020Điện mặt trời: Hàng loạt dự án được chủ nội "sang tay" cho nhà đầu tư ngoại là chuyện bình thường theo cơ chế thị trường, thậm chí là điểm sáng của ngành điện
- 23-05-2020Ngấm đòn Covid-19: Một công ty giày da ở TP. HCM tuyên bố phá sản, lãnh đạo cúi đầu xin lỗi, hàng nghìn công nhân mất việc?
- 23-05-2020BizFlyCloud có gì khi hưởng ứng Lễ phát động thúc đẩy chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông?
CEO Công ty Tư vấn Quản lý OD CLICK Đỗ Tiến Long khẳng định, doanh nghiệp phải nhận thức lại về tổ chức hệ thống kinh doanh.
01. Bối cảnh mới buộc doanh nghiệp nhận thức lại về tổ chức hệ thống kinh doanh
Đại dịch phơi bày nhiều điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp trong nước như khả năng tổ chức và vận hành chuỗi, quản trị bộ máy hay quá trình trao quyền cho các thế hệ lãnh đạo kế cận... Đứng trước áp lực phải có một cuộc "đại cải tổ", theo ông điều cấp thiết doanh nghiệp cần làm là gì?
Ông Đỗ Tiến Long: Các biểu hiện về tổ chức vận hành chuỗi, tính gắn kết, niềm tin và khả năng trao quyền mà anh nhắc tới cho thấy những hạn chế trong xây dựng năng lực tổ chức, tính kết nối đội ngũ của các doanh nghiệp, mà đại dịch chỉ như một liều thuốc thử làm lộ ra những yếu kém cố hữu sẵn có trong mỗi tổ chức. Nó giống như người ta lắp ráp cỗ xe bằng các linh kiện và cấu kết yếu, mặc dù cũng có cửa dựng dọc, rồi sơn vẽ thời trang nhưng khi vào đoạn đường xóc thì xe không chạy nổi. Câu hỏi đặt ra ở đây là điều cần thiết là gì thì tôi cho rằng các doanh nghiệp cần thích ứng với tư duy môi trường kinh doanh sẽ luôn có những biến động, liên tục xuất hiện những thách thức mới.
Xây dựng một doanh nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu hoạt động trong điều kiện bình thường thuận lợi, mà nó phải được chuẩn bị các khả năng về tổ chức và hệ thống, để thích ứng được với những biến động từ thị trường hay những thay đổi từ bên trong tổ chức. Giống như câu nói "Điều duy nhất không thay đổi trong kinh doanh đó là mọi thứ luôn thay đổi". Môi trường kinh doanh ngày nay được khái quát bằng 4 chữ "VUCA" (căng thẳng, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ).
Trong một post trên Facebook cá nhân mới đây, ông bày tỏ quan điểm doanh nghiệp cần thực hiện Reframing (tái nhận thức hoạt động kinh doanh). Tại sao vấn đề này quan trọng hơn Restructuring (tái cơ cấu) hay Reengineering (tái cấu trúc hệ thống)?
Tôi nhắc đến 3 khái niệm: "Restructuring" (Tái cơ cấu), là quá trình xem xét bố trí lại tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và có sự cắt giảm nhân sự; "Reengineering" (Tái cấu trúc quy trình kinh doanh hay tái lập), là quá trình tái thiết kế mô hình và các quy trình kinh doanh để tăng tính hiệu lực và hiệu suất. Còn "Reframing" (Tái nhận thức) là quá trình tái nhận thức các quan niệm, kinh nghiệm đã trải qua sau những biến cố hay thách thức.
Có thể thấy ở hai quá trình đầu tiên, Tái cơ cấu tổ chức hay Tái cấu trúc quy trình được xem như các biện pháp tác động vào khách thể quản lý, các nhân tố như chiến lược, cơ cấu, con người hay quy trình. Đây là các nhân tố mang tính bên ngoài. Còn Tái nhận thức lại từ bên trong chính tư duy của người lãnh đạo và con người trong tổ chức. Nếu không tái nhận thức lại thì rất khó để tìm ra những tiếp cận đổi mới trong Tái cơ cấu và Tái cấu trúc quy trình phù hợp bối cảnh mới.
Ông Đỗ Tiến Long: Tôi ước ao có tinh thần đổi mới doanh nghiệp từ trong bộ máy cơ quan nhà nước
Vậy nhìn từ góc độ tích cực dịch Covid-19 có tác động gì tới quá trình "Reframing" của doanh nghiệp?
Điều này giống như có ai đó sau một cú ngã bất ngờ thì không thể đứng dậy ngay lập tức mà sẽ phải nhìn lại xem mình bị tác động như thế nào, tại sao mình bị vấp ngã và cần đi thế nào để không bị lại rồi mới có thể bước tiếp. Dịch Covid-19 có mấy điều gợi mở nhận thức lại như sau:
THỨ NHẤT: Tư duy khai thác đã đi vào thoái trào
Kinh doanh kiếm tiền không bao giờ là dễ. Tuy nhiên hơn 20 năm qua doanh nghiệp đã hưởng lợi rất nhiều từ các quá trình chuyển đổi của xã hội. Có thể thấy rằng cách tư duy tổ chức bộ máy kinh doanh của các doanh nghiệp trong hơn 20 năm qua giống với mô hình KHAI THÁC.
Đầu tiên là khai thác đặc quyền cơ chế. Các doanh nghiệp làm giàu từ khai thác cơ chế thông qua các mối quan hệ, sự thuận lợi mang tính "xin-cho" từ quá trình đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước. Tiếp đến là trào lưu tìm kiếm lợi ích từ quá trình chuyển đổi sở hữu, cổ phần hóa doanh nghiệp, hay từ thị trường chứng khoán. Rồi sau đó là khai thác tài nguyên thiên nhiên như đất dự án, mặt nước, đất rừng, khoáng sản...
Gần đây là công nghệ và mạng xã hội cho phép đào bới tài nguyên thị trường sơ khai đến cạn kiệt niềm tin.
Nếu mọi thứ cứ tồn tại mãi, nguồn lực không bao giờ cạn thì suy nghĩ đó, cách tư duy đó sẽ không sai. Chỉ có điều, cát trên sa mạc cũng có hạn. Các lợi thế sơ khai trên dần dần sẽ bị cạn kiệt và không còn dễ dàng khai thác.
THỨ HAI: Cơ chế khai thác đồng thời cũng tạo nên cách nghĩ mô hình tổ chức vận hành đơn giản, kinh doanh chỉ cần tinh khôn nhanh nhạy, chịu khó quan hệ hay biết giao việc. Cơ cấu tổ chức lấy người lãnh đạo làm trung tâm, cùng một vài cấp dưới thân tín dựa trên sự kiểm soát hành vi và chi phí, quy trình quy chế. Người lãnh đạo ưu tiên cho các quan hệ bên ngoài để tìm kiếm cơ hội khai phá thị trường.
THỨ BA: Thị trường bị tác động hướng theo các chuẩn mực cạnh tranh toàn cầu, với sự phát triển nhanh theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các quá trình chuyển đổi số. Tốc độ đổi mới, yêu cầu chất lượng môi trường lao động, chuẩn mực và minh bạch là những đặc trưng lớn làm xói mòn nhanh thị trường nội địa.
THỨ TƯ: Người lao động không còn "dễ bảo" và dễ khai thác như trước kia. Họ đòi hỏi sự tự chủ, sự trao quyền, việc được tham gia chủ động tạo dựng sứ mệnh, được tự hào về tổ chức và người lãnh đạo của mình. Bên cạnh đó là các thể chế pháp luật kinh tế ngày càng chặt chẽ minh bạch theo các tiêu chuẩn cao hơn.
Những bối cảnh mới nêu trên đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức lại về tổ chức hệ thống kinh doanh để thích ứng với môi trường tốc độ và biến động, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh cũng như nhu cầu của người lao động, theo hướng tri thức, hợp tác, trao quyền, lấy con người và sự gắn kết tổ chức làm trung tâm. Những yếu tố này sẽ thay thế cho tư duy trước kia là lấy người lãnh đạo làm trung tâm, dựa vào hệ thống công cụ và quy trình quản trị.
02. "Nền tảng quan trọng của doanh nghiệp lớn hiện nay là tri thức và các phẩm chất nhân bản mang tính bao trùm"
Theo ông vì sao cần nhận thức lại về hoạt động kinh doanh, hay nói cách khác tại sao doanh nghiệp cần đi tìm lời giải cho vấn đề kinh doanh để làm gì?
Nếu sóng yên biển lặng thì chẳng nói làm gì. Nhưng đi vào bão tố hay ra đại dương xa thì trên dưới phải đồng lòng, chung lợi ích và đội ngũ phải gắn kết. Tốc độ đua tranh toàn cầu đòi hỏi yêu cầu cấu trúc tổ chức và hiệu quả tổ chức tốt hơn, tính thải loại cao và nhanh hơn. Thậm chí nếu không thay đổi sẽ không có người làm. Bởi vì giới trẻ hiện nay đa số không phải chịu đói khổ như các thế hệ trước, các gia đình lại ít con, họ không chịu khổ và chịu bị áp đặt hay sức ép mà thiếu cảm hứng công việc như các thế hệ trước kia. Mặt khác, các công ty hiệu quả sẽ mở rộng quy mô và phạm vi rất nhanh nhờ công nghệ trên nền tảng quản trị ưu việt. Nếu không nhận thức lại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn cơ hội kinh doanh ngay trên sân nhà.
Quan sát con đường lập nghiệp của một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam ta dễ nhận thấy họ đi lên bằng kinh doanh bất động sản. Khi nền kinh tế nước ta phát triển lên một mức độ cao hơn thì các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng công nghệ và tri thức chứ không phải là bằng mối quan hệ nữa. Ông nhìn nhận việc này ra sao?
Triết lý phát triển doanh nghiệp hiện nay rất khắt khe, đòi hỏi chặt chẽ từ trong ra ngoài, chắc từ móng. Doanh nghiệp cần hội tủ tư duy kinh doanh, giá trị cốt lõi, tầm nhìn chiến lược và văn hóa tổ chức một cách vững vàng. Phát triển ngày nay có vẻ không còn theo xu thế lượng đổi chất nữa. Các công ty khai thác để tích lũy tư bản bị một điểm yếu định mệnh về năng lực tổ chức hay chất lượng tổ chức không được coi trọng, do hứng khởi kim tiền làm xáo động tâm trí con người.
Có thể nói, nền tảng quan trọng của doanh nghiệp lớn hiện nay là tri thức và các phẩm chất nhân bản mang tính bao trùm, tạo ra cả sức hút thị trường và sức hút nội bộ. Do vậy, sự thuận lợi về tích lũy tư bản là một lợi thế, nhưng tôi lo ngại về sự tự mãn, thiếu ý chí và động lực đổi mới và thiếu các phẩm chất có sức hút xã hội. Đó sẽ là những điểm yếu không dễ hóa giải cho các doanh nghiệp quy mô lớn. Tất nhiên, khó khăn sẽ thúc đẩy sự tìm tòi và suy nghĩ sáng tạo.
Tạo dựng thị trường mới đòi hỏi người lãnh đạo doanh nghiệp những phẩm chất gì?
Tôi nghĩ đến trí tượng tượng, lòng bao dung nhân bản, tư duy hệ thống và ý chí hiện thực hóa.
Ông đánh giá ra sao về khả năng chịu sức ép và sức đề kháng của doanh nghiệp Việt qua cơn sóng gió vừa qua? Cuộc sàng lọc mà dịch bệnh tạo ra liệu có giúp Việt Nam khai sinh ra một thế hệ doanh nhân mới hay không?
Covid-19 làm cho các doanh nghiệp lớn cảm thấy sức ép của "người thừa cân" và các mô hình khởi nghiệp khai thác đòn bẩy công nghệ nhưng còn mang tính manh mún, thiếu bền vững cũng chịu áp lực rất lớn. Đương nhiên là bối cảnh mới sẽ làm nảy sinh và phát triển những phẩm chất mới, giúp tạo lập những thế hệ doanh nhân mới ưu việt hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh ngày nay mang tính đa diện và hệ thống. Các phẩm chất tốt phải được chuẩn bị và có môi trường nuôi dưỡng. Vậy nên tôi ước ao có tinh thần đổi mới doanh nghiệp từ trong bộ máy cơ quan nhà nước, bởi các cơ quan này không chỉ giữ vai trò xây dựng luật chơi, sân chơi, vai trò trọng tài mà còn nắm giữ một phần rất lớn các nguồn lực xã hội. Doanh nghiệp phát triển là do yếu tố nguồn lực quyết định rất nhiều. Nếu có sự đổi mới và động lực từ trong các cơ quan nhà nước thì chúng ta có động lực để xây dựng một quốc gia khởi nghiệp có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong môi trường toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
Ông Đỗ Tiến Long là CEO Công ty Tư vấn Quản lý OD CLICK, công ty chuyên tư vấn về phát triển tổ chức và chiến lược; tái cơ cấu tổ chức; quản trị nguồn nhân lực; văn hóa doanh nghiệp; năng lực lãnh đạo. Ông Long có 18 năm kinh nghiệm đào tạo và tư vấn cho các tổ chức và doanh nghiệp. Trước đó ông có 8 năm là giảng viên, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị Chiến lược, Phó chủ nhiệm bộ môn Văn hóa doanh nghiệp và Lãnh đạo tại trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.