CEO Eden Landscape: Từng sợ “cái gì mình vẽ ra cũng được duyệt” đến quyết tâm khởi nghiệp “để làm điều thực chất hơn”
Gần 20 năm trước, khi đang trên “đỉnh cao sự nghiệp” với bảng dài thành tích về số lượng đồ án quy hoạch đã tham gia, KTS Lê Tuấn Long chuyển hướng sang mở công ty chuyên về thiết kế cảnh quan, một ngành còn chưa được “điểm mặt, đặt tên” ở Việt Nam. Đến hiện tại, sau những tháng năm thăng – trầm dựng xây thành công thị trường về cảnh quan, KTS Lê Tuấn Long bất ngờ tuyên bố quay trở lại nghề quy hoạch.
Điều gì khiến anh quyết định liều lĩnh rẽ ngang sang mở công ty riêng khi đang sở hữu công việc quá tốt với vai trò đảm nhiệm nhiều đồ án quy hoạch lớn?
Thời đó không phải vì tôi thiếu việc để làm, thậm chí, khối lượng công việc khá khổng lồ như thiết kế quần thể khu di tích lịch sử Đền Hùng, quần thể di tích lịch sử Kim Liên hay những quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết du lịch tại tỉnh Hà Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Bình Dương.
Trong quá trình thiết kế, tư tưởng của người KTS là rất quan trọng. Nhưng ở một bối cảnh mà những mục tiêu quy hoạch nghèo nàn và những mô hình quy hoạch kiểu cũ đã không làm tôi thấy thỏa mãn. Tôi không thấy được sự văn minh và phát triển trong các đồ án quy hoạch thời đó. Vì sao lại vậy?
Thứ nhất, thời điểm đó, quy hoạch của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều từ các nước XHCN, điển hình là Liên Xô (cũ). Các khái niệm mới trong quy hoạch chưa được cập nhật.
Thứ hai, tuy tôi học về quy hoạch, làm nghề quy hoạch nhưng chưa có một trải nghiệm đô thị đủ lớn nên có thể góc nhìn của tôi về mọi thứ trở nên phiến diện và méo mó. Khi ấy, tôi mới ra trường được 2, 3 năm, vốn liếng về văn hóa xã hội hay kinh tế chính trị chưa đủ nhiều, mà vẽ cái gì ra hầu như cũng được phê duyệt, kể cả những đồ án quy hoạch cấp tỉnh, điều đó khiến tôi cảm thấy...sợ.
Tôi không muốn bước tiếp vì có thể sẽ tạo ra nhiều sai lầm hơn nữa. Rồi tôi suy nghĩ và quyết định phải đi làm những thứ thực chất hơn. 28 tuổi, tôi dừng công việc quy hoạch và mở công ty chuyên về thiết kế cảnh quan.
Anh có cảm thấy quá mạo hiểm và liều lĩnh khi chọn lối rẽ ngang như vậy?
Tôi không có khái niệm đó. Thời điểm quyết định làm ngành này, tôi đã chuẩn bị cho sự phát triển 15-20 năm sau của ngành kiến trúc cảnh quan. Nói về lúc mới thành lập công ty, bước đầu, tôi không có đồng nào. Tôi vay thêm 100 triệu để làm, vừa làm vừa học hỏi. Tôi cứ làm thôi, không để ý đến tiền nhiều.
Tôi biết mình đi một con đường khó vì thời điểm đấy không có thị trường cho lĩnh vực thiết kế cảnh quan và mình phải tự tạo dựng nên thị trường.
Thời điểm đó, điều gì khiến anh tự tin vào con đường khởi nghiệp của chính mình?
Lúc ấy, tôi còn trẻ. Tôi tự tin vào bản thân mình, nghĩ là mình sẽ làm được. Tôi không sợ thiếu việc. Tôi nghĩ mình có thể thiết kế nhà dân, lấy ngắn nuôi dài.
Và thực tế, khi bắt đầu, tôi được rất nhiều đàn anh giúp đỡ, hợp tác và giới thiệu các công trình thiết kế sân vườn. Tôi vừa làm sân vườn vừa tự nghiên cứu về cảnh quan.
Có vẻ quá trình tự nghiên cứu sẽ mất thời gian hơn và sẽ không bài bản như được đào tạo tại các cơ sở có uy tín?
Tôi tự nghiên cứu và chọn một con đường không bài bản. Tôi cũng học hỏi nhiều từ nước ngoài. Tôi nghiên cứu các loại sách, công trình, cập nhật kiến thức mới nhất về ngành này.
Tất nhiên sẽ mất thời gian hơn nhưng có một lợi thế của việc tự học đó là, vì không được học hành bài bản nên ngôn ngữ thiết kế của tôi sau này "đặc sệt" tính bản địa.
Có giai đoạn nào, anh cảm thấy muốn bỏ cuộc?
Nếu nói là muốn bỏ cuộc thì gần như không có nhưng có những giai đoạn công ty phải đối mặt với khủng hoảng. Đó là thời điểm khủng hoảng của thị trường bất động sản năm 2012. Thời ấy, những dự án đã kí hợp đồng đều đóng băng hết.
Nói thật, khi đó, tôi lại không tham, không ôm đồm và khá linh hoạt. Lúc khủng hoảng, tôi lại quay về làm sân vườn rồi bỏ tiền tích góp ra để duy trì hoạt động công ty. Nhiều bạn bè tôi phải đóng cửa còn tôi đã may mắn hơn.
Phải nhìn nhận rằng, thị trường lên xuống sẽ có chu kỳ. Sau cơn mưa trời lại sáng. Lúc trời sáng sẽ là cơ hội cho mình. Thế nên, tôi cố gắng duy trì hoạt động công ty đến năm 2014.
Từ sau 2014, công ty chúng tôi hoạt động nhiều hơn, trong đó có cả những hoạt động miễn phí. Chúng tôi bắt đầu phục hồi và bật lên và dần có một chỗ đứng khá chắc chắn. Để có được điều đó, tôi đã rèn luyện, học hỏi, tích lũy về nhiều thứ, kể cả tích lũy nhân sự trong quãng thời gian dài khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Như anh vừa chia sẻ trước đó, thiết kế của anh "đặc sệt" văn hóa bản địa. Nhưng thị hiếu hiện tại nghiêng về những phong cách đậm sắc màu "Tây". Anh làm thế nào để thuyết phục được các chủ đầu tư hợp tác?
Thực chất thiết kế của công ty chúng tôi không đi ngược lại thị trường. Với chúng tôi, tinh thần bản địa là một trong những tinh thần cốt lõi khi gia nhập vào một không gian, tổ chức nào đó. Mình phải có bản sắc, mình hòa nhập chứ không hòa tan.
Ví dụ như xu hướng xã hội thích cảm hứng từ Địa Trung Hải. Nhưng khi theo cảm hứng này, người thiết kế phải khéo léo lồng ghép cả tinh thần bản địa, nghiên cứu để phù hợp với môi trường, văn hoá, khí hậu của địa phương, vùng miền.
Ví dụ như một chủ đầu tư đi theo phong cách Pháp. Họ xây dựng nhà theo phong cách Pháp trên cả nước. Họ làm như vậy có sai không? Đương nhiên là không sai vì việc dẫn dắt là vai trò của kiến trúc sư nhưng việc lựa chọn là ở khách hàng. Dẫn dắt là sự chủ quan từ chúng tôi và sự lựa chọn của khách hàng mới là khách quan.
Xây dựng nhà theo phong cách Pháp không có nghĩa là mang nguyên một cái nhà ở Pháp về Việt Nam mà phải nghiên cứu, lựa chọn, điều chỉnh hay cải tiến để nó phù hợp với bối cảnh của địa phương, phù hợp với tỷ lệ, phong cách, khí hậu, điều kiện kinh tế của Việt Nam, người Việt Nam.
Đó một phần là lý do, chúng tôi sẵn sàng từ chối một số dự án nhà ở pha tạp văn hóa nước ngoài thái quá. Với những dự án du lịch, chúng tôi không quá đặt nặng vấn đề này vì quần thể du lịch sẽ đáp ứng nhiều nhu cầu đa dạng từ nhiều nhóm du khách. Du khách đến rồi lại đi. Còn dự án nhà ở, chúng tôi ưu tiên làm những cái mang đậm tính bản địa nhiều hơn.
Còn lý do nào khác khiến anh từ chối nhận dự án?
Nói thật, không phải cứ có tiền là chúng tôi sẽ nhận. Chúng tôi có những nguyên tắc của mình và lựa chọn đối tác dựa trên nhiều tiêu chí. Đầu tiên, đối tác muốn làm phải nghiêm túc, có tiêu chuẩn về thẩm mỹ ở mức độ cao. Nếu đối tác quan điểm làm hời hợt, cho có, cho xong thì tôi không làm.
Tôi rất thích tư tưởng của Sun Group. Dù làm việc với họ rất vất vả nhưng chúng tôi vẫn theo đuổi. Họ có tư tưởng duy mỹ và có niềm tự hào dân tộc. Họ muốn có sản phẩm đẹp và sẵn sàng chi tiền cho việc làm chuẩn chỉ.
Nhiều người nghĩ là kiêu nhưng không phải, đó là sinh tồn. Phẩm chất của nhân sự công ty chúng tôi là làm chuẩn. Chúng tôi tự đặt ra tiêu chuẩn sau khi học hỏi kinh nghiệm quốc tế và xác định phải làm chuẩn.
Tôi tự hào vì công ty mình là đơn vị có tiêu chuẩn về ngành cảnh quan ở Việt Nam. Chúng tôi thuyết phục được các chủ đầu tư lớn, khó tính dù chúng tôi là tư vấn nội địa.
Đến hiện tại, anh và các cộng sự đã thiết kế cảnh quan cho bao nhiêu dự án bất động sản?
Nhiều lắm, tôi không thống kê được hết nhưng ở Việt Nam có 63 tỉnh, thành thì chúng tôi đã có dự án tại khoảng 2/3 số tỉnh, thành, trải dài từ Bắc đến Nam, từ địa đầu Móng Cái đến Phú Quốc.
Thiết kế nhiều dự án cảnh quan, có bao giờ anh tự cảm thấy "đứa con" do mình sinh ra còn nhiều lỗi?
Nhiều chứ bạn, liên tục (cười). Mình là người thiết kế, mình không được thỏa mãn với những gì mình đã làm ra. Mình càng làm nhiều thì càng có nhiều cái sai. Mình liên tục thể nghiệm để sửa chữa, dù có những cái sai nhỏ, cái sai ở góc khuất chỉ có mình nhìn thấy mà xã hội không biết.
Một người KTS nỗ lực và chấp nhận sai sót của mình nhưng cũng cần phải nỗ lực để làm tốt hơn nữa. Tôi gọi là "biết mình biết ta" chứ không phải là cầu toàn.
Nhiều chủ đầu tư thích hợp tác với những công ty kiến trúc cảnh quan hàng đầu thế giới, vì như vậy sẽ dễ dàng, thuận tiện cho quảng cáo bán hàng. Anh nghĩ sao về thực tế này?
Ở giai đoạn trước, có nhiều chủ đầu không biết quy trình thiết kế đến thực tế phải trải qua những bước như thế nào, nên họ bỏ qua hoặc làm sai quy trình dẫn đến kết quả không tốt.
Nhưng cũng có những chủ đầu tư biết nhưng làm một cách hời hợt hoặc "láu cá" để "hớt váng" khi họ sử dụng tên tuổi nước ngoài như một công cụ để đánh bóng, câu khách nhưng không chú trọng đến khâu triển khai thực tế.
Tất nhiên, trên thị trường có rất nhiều cấp độ đầu tư: có người đầu tư bài bản hoặc chỉ là đầu tư lướt sóng, hay có thể nói mỗi chủ đầu tư có một tư tưởng riêng.
Đấy là câu chuyện của giai đoạn đầu. Bây giờ, cả xã hội và chủ đầu tư đều đã thông minh hơn. Họ được trang bị nhiều hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn. Họ đã có một quá trình theo dõi, so sánh và đánh giá được đâu là đơn vị làm thực tế và đơn vị nước ngoài không còn là lựa chọn hàng đầu của chủ đầu tư.
Trong bối cảnh quy hoạch và kiến trúc bị bão hòa thì cảnh quan sẽ trang bị các tiện ích, đáp ứng nhu cầu mà khách hàng đang mong mỏi, giúp giải phóng năng lượng và kết nối con người với con người, con người với thiên nhiên. Việc đó sẽ giúp các chủ đầu tư bán được hàng hay thậm chí bán sạch hàng.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này tôi đang cảm nhận có nhiều chủ đầu tư đang sử dụng phương thuốc này "quá liều" khi mà đâu đâu cũng thấy các kỳ quan, những tiện ích phô trương thái quá, không xuất phát từ nhu cầu thực tế của người sử dụng. Chưa nói đến việc chạy đua theo trào lưu, khi thấy một chủ đầu tư làm được thì trên thị trường sẽ có hàng loạt những dự án tương tự xuất hiện.
Càng làm như vậy, chủ đầu tư sẽ càng xa rời thực tế và khách hàng sẽ càng hoang mang hơn. Như vậy, chủ đầu tư đã tự đánh mất mình và đánh mất khách hàng. Tôi nghĩ những dự án như vậy chỉ vài năm nữa thôi sẽ sụp đổ.
Giả sử doanh nghiệp thuê bên anh thiết kế để có bộ ảnh thật đẹp nhằm mục đích chỉ để quảng cáo sản phẩm. Anh cảm thấy thế nào?
Đầu tiên, ở góc độ làm nghề, tôi cảm thấy tự hào khi họ tin tưởng mình và sản phẩm của mình có thể giúp ích cho họ. Tuy nhiên, trong thâm tâm, mình đẻ ra 1 "đứa con" cũng mong muốn nó được nuôi dạy tử tế, trưởng thành.
Nhưng ở góc độ kinh doanh, mình cũng phải hiểu rằng chủ đầu tư cũng có những tính toán hiệu quả nhất định. Ví dụ như ở địa phương, do khoảng cách địa lý, họ có thể thuê chúng tôi làm thiết kế ý tưởng và tư vấn địa phương sẽ triển khai chi tiết. Như vậy sản phẩm của chúng tôi cũng đã giúp họ được một phần nào đó.
Còn việc họ chỉ lấy ảnh đẹp để quảng cáo mà không triển khai thực tế thì tôi không lo vì cả luật, hay xã hội đã quy định rồi. Họ không làm là "chết đấy"!
Có thể họ đi thu thập khách hàng giai đoạn đầu nên cần một concept đẹp, chưa nhất thiết phải là một sản phẩm hoàn chỉnh và bộ ảnh thiết kế cảnh quan ban đầu cũng chỉ là một gợi ý đối với họ. Với tôi, một hai lần đầu có thể hụt hẫng nhưng mình cũng hiểu vì mình làm dịch vụ mà.
Anh từng chia sẻ rằng: "Làm cảnh quan nghĩa là phải kể một câu chuyện hay". Và một câu chuyện hay chính là cách marketing và bán hàng tốt nhất. Cách thức nào để tạo ra được một câu chuyện hay?
Tôi đã từng làm nhiều cảnh quan cho các dự án đang hấp hối hay nó đã ngủ đông từ lâu, hoặc có nhiều điều kiện thiệt thòi. Khi ở điều kiện bất lợi như vậy, công trình sẽ đòi hỏi người làm thiết kế phải có tư duy về thị trường, về kinh tế, về marketing chứ không phải chỉ tư duy thiết kế thông thường.
Mình phải truyền cho nó cảm hứng, năng lượng, câu chuyện của chính mình. Ví dụ, thiết kế chiếc ghế phải quan tâm nó dành cho ai, cho vị trí, bối cảnh nào. Với người già thì cần thiết kế ghế có chỗ tựa, vị trí ở nơi yên tĩnh, không gian vừa phải, tránh nơi nhiều gió. Với người trẻ, vị trí hay thiết kế cái ghế sẽ khác.
Và năng lượng ở đây là sự thu thập thông tin, khám phá, tìm tòi để kích hoạt "vùng đất" đó lên. Khi đó, ta đã thổi vào dự án một câu chuyện hấp dẫn.
Câu chuyện cũng có thể xuất phát từ cảm xúc khi nhìn thấy một chiếc lá rơi hay vẻ đẹp của ánh nắng mặt trời hay từ một loại thực vật đặc trưng tại một vùng đất. Câu chuyện cũng có thể xuất phát từ chính hiện trạng hạ tầng kỹ thuật của dự án hay từ giải pháp thông minh để giải quyết vấn đề của dự án. Đấy, rất nhiều cốt liệu để KTS kể chuyện, dẫn dắt mọi người theo câu chuyện của mình.
Theo tôi, câu chuyện không chỉ để phục vụ marketing mà bản thân mỗi KTS khi thực hiện đồ án đều cần có câu chuyện của riêng mình. Ngay trong các cuộc báo cáo, thông qua câu chuyện của mình, KTS cần phải làm cho chủ đầu tư thăng hoa, có thăng hoa thì họ sẽ thêm tự tin để mang sản phẩm đến khách hàng.
Một KTS không biết kể chuyện thì chỉ là một thợ vẽ thôi. Thế nên, đòi hỏi người KTS phải có kiến thức về marketing để tạo dựng một câu chuyện cho khách hàng và chủ đầu tư.
Anh có thể chia sẻ về một dự án thực tế mà anh đã từng "cứu sống"?
Tôi nhớ nhiều năm trước đây, khi tiếp nhận dự án Goldmark City có vị trí nằm gần nghĩa trang Mai Dịch. Ở góc độ khoa học hay tâm lý, phương án mà tôi đưa ra phải thay đổi nguồn năng lượng ở đây, truyền nguồn năng lượng dương (đối lập với năng lượng âm) bằng cách bố trí không gian, lựa chọn hình tượng, màu sắc, vật liệu…
Tôi bố cục các không gian thoáng đãng, lựa chọn vật liệu mang màu sắc rực rỡ như gốm, các loại cây mang màu sắc tươi sáng, ít rụng lá... đưa vào dự án đó để làm cho người đến "quên mất" bên cạnh có nghĩa trang.
Thay đổi năng lượng ấy sẽ tác động vào cảm xúc của con người mang đến nhiều cảm xúc tích cực, làm người ta hồ hởi, yêu thích nó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thiết kế những điểm nhấn như lá khoai gốm, lá khoai thép hay cổng cây đa,... là những đặc điểm nhận diện riêng của dự án. Với Goldmark City, cảnh quan không chỉ thay đổi năng lượng cho toàn dự án mà còn tạo nên một trào lưu mỹ thuật đô thị cho các dự án bất động sản sau này.
Ngành thiết kế cảnh quan phụ thuộc lớn vào sự thăng trầm của thị trường địa ốc. Giả sử trường hợp thị trường bất động sản lại đi xuống, dự án hợp tác sẽ bị "đóng băng" như cách đây 10 năm. Điều này anh có từng nghĩ tới?
Tôi thấy bình thường. Tôi lại quay về như thời xưa. Không có dự án lớn, tôi lại đi thiết kế cảnh quan vườn tược, lại lấy tiền nuôi công ty. (cười).
Kế hoạch trong tương lai của anh sẽ là gì?
Bên cạnh thiết kế cảnh quan, chúng tôi sẽ tiếp tục làm quy hoạch.
Tại sao anh lại muốn quay trở lại làm quy hoạch cho các dự án bất động sản mà trước đây, chính ở lúc sự nghiệp rực rỡ, anh lại từ bỏ?
Như đã nói, khi bước vào ngành cảnh quan, tôi đã xây dựng 1 lộ trình trong vòng 15 - 20 năm. Gốc của tôi làm quy hoạch, nhưng thời đó, cơ sở pháp lý, nhận thức xã hội không đáp ứng được mong mỏi của tôi. Tôi chuyển sang làm cảnh quan và coi nó là bước nền tảng. Nhờ có nền tảng cảnh quan mà tôi đã có tầm nhìn khác về quy hoạch.
Trong lĩnh vực cảnh quan, tôi đã đạt được những dấu ấn và có đội ngũ chất lượng. Tôi dự tính sẽ quay lại quy hoạch nhưng không có nghĩa là từ bỏ cảnh quan mà với tôi quy hoạch cũng là cảnh quan và ngược lại.
Tại sao phải điều chỉnh khi có thể làm mọi thứ tốt ngay từ đầu. 20 năm kinh nghiệm tôi luôn tâm niệm về việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 bộ môn quy hoạch – cảnh quan – marketing.
Tôi muốn kết hợp giữa quy hoạch – cảnh quan – marketing để tạo ra những chất riêng cho công việc của mình. Tôi coi việc quay trở lại quy hoạch là một bước tiến mới phù hợp với thực tiễn và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!