MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Ericsson: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho FDI công nghệ cao

Lãnh đạo Ericsson cho biết Tập đoàn đang nghiên cứu khả năng đặt cơ sở nghiên cứu & phát triển (R&D) tại Việt Nam và mong muốn đưa các nhà cung cấp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Ericsson.

Trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn, ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, đề cập đến tiềm năng to lớn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài công nghệ cao, và khả năng đặt cơ sở nghiên cứu & phát triển (R&D) của Tập đoàn ở đây.

CEO Ericsson: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho FDI công nghệ cao - Ảnh 1.

Ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào. Ảnh do Ericsson cung cấp.

Ericsson đã có mặt tại Việt Nam được ba thập kỷ và đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam. Thành tựu nào khiến ông tự hào nhất?

Năm nay, Ericsson kỷ niệm 30 năm hiện diện tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào về những đóng góp mà chúng tôi đã thực hiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội và thịnh vượng của Việt Nam kể từ năm 1993 bằng việc kết nối băng thông rộng và thông tin di động mà Erisson đem lại thông qua việc cung cấp và lắp đặt các mạng 2G, 3G, 4G và thử nghiệm thương mại mạng 5G trên khắp Việt Nam.

Trong thực tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số băng rộng di động đã trở thành một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng quốc gia. Cùng với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nó sẽ tiếp tục thúc đẩy và tạo ra làn sóng phát triển kinh tế-xã hội toàn diện và bền vững tiếp theo ở Việt Nam.

Tôi tự hào rằng Ericsson đã góp phần vào xây dựng khả năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), và phát triển năng lực của hàng nghìn người Việt từng làm việc với Ericsson, thông qua đào tạo họ về công nghệ thông tin, triển khai các thế hệ mạng di động 2G, 3G, 4G và 5G.

Ericsson Việt Nam gần đây hợp tác với Đại học RMIT tại cơ sở TP.HCM về triển khai phòng thí nghiệm AI (trí tuệ thông minh), hỗ trợ tham vọng của Việt Nam trở thành trung tâm AI của ASEAN vào năm 2030. Sáng kiến Phòng thí nghiệm AI này mở đường cho các hoạt động R&D trong tương lai.

Cùng với Đại học RMIT, Ericsson hiện đang cung cấp chương trình đào tạo trực tuyến về 5G, Internet vạn vật (IoT), AI/ML (máy học), tự động hóa, AR/VR (thực tế ảo/thực tế tăng cường), và Blockchain cho sinh viên các ngành kỹ thuật, khoa học công nghệ của RMIT tại Việt Nam thông qua nền tảng kỹ thuật số “Ericsson Educate”.

Chúng tôi cũng tuyển dụng người Việt cho nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Ericsson Việt Nam trong nhiều năm qua. Ngoài ra, chúng tôi đã luân chuyển nhiều tài năng người Việt tại một số thị trường Ericsson quốc tế trong các dự án ngắn hạn, giúp phát triển hơn nữa năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm lãnh đạo quốc tế của họ.

Một thành tựu và đóng góp nữa vào thương mại của Việt Nam là tham vọng của chúng tôi nhằm tăng cường gắn kết các nhà cung cấp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Ericsson. Quá trình này đã tăng tốc kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) có hiệu lực năm 2020.

Yếu tố nào đã giữ chân Ericsson ở Việt Nam trong suốt những năm qua, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư ổn định và được đánh giá cao về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao, cũng như có nhiều tiềm năng đầu tư R&D.

Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn rất rõ ràng về tương lai của nền kinh tế số, dự kiến sẽ chiếm tới 30% GDP vào năm 2030, nằm trong Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0. Đến năm 2030, Việt Nam cũng đặt mục tiêu nằm trong top 30 về Chỉ số An ninh mạng Toàn cầu, top 40 về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu và top 50 về Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử toàn cầu, đồng thời là trung tâm AI của ASEAN.

Việt Nam cũng sẽ tận dụng lợi ích của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số 5G để đẩy nhanh việc áp dụng Công nghiệp 4.0, đạt mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động 7,5% mỗi năm vào năm 2030 và giúp nâng cao hiệu quả trên tất cả các ngành, bao gồm sản xuất, nông nghiệp, hậu cần, vận tải, năng lượng, y tế và giáo dục.

Cùng với việc thu hút thêm FDI công nghệ cao nhờ tăng năng suất, Việt Nam cũng sẽ sử dụng 5G làm nền tảng giáo dục và đổi mới sáng tạo để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo ra các ngành công nghiệp, công ty và việc làm mới trong tương lai.

Đây là những mục tiêu truyền cảm hứng cao, và Ericsson cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được tất cả các mục tiêu của chiến lược này.

Chúng tôi cũng đang quan tâm đến khả năng xây dựng năng lực R&D tại Việt Nam, tận dụng lực lượng lao động ngày càng phát triển về năng lực CNTT và khoa học dữ liệu.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh nền kinh tế số. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này và vai trò của nó đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung?

Chính phủ Việt Nam có chiến lược tập trung rất mạnh mẽ vào chuyển đổi số trong toàn xã hội, các lĩnh vực kinh tế và các cơ quan nhà nước. Cách tiếp cận dựa trên ba trụ cột này có tầm nhìn xa và Ericsson rất ủng hộ.

Kể từ năm 2017, Ericsson đã tăng cường tập trung vào việc hỗ trợ các khách hàng là các nhà mạng di động và nhà cung cấp dịch vụ 4G và thử nghiệm thương mại 5G, nhất là ở các khu vực công nghiệp sẽ hưởng lợi từ quá trình sản xuất thông minh (Công nghiệp 4.0) và năng suất lao động tăng nhờ mạng 5G.

Chiến lược quốc gia về Chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và nền kinh tế số trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong tương lai của Việt Nam.

Nền kinh tế số của Việt Nam đã tăng trưởng từ khoảng 3 tỷ USD năm 2015 lên hơn 23 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ vượt 50 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện nay, Việt Nam thuộc ba quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á về giá trị kinh tế số. Việt Nam cũng xếp hạng thứ 48 về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện đáng kể so năm trước. Những thành tựu này đạt được là do Việt Nam ngày càng tập trung cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số băng thông rộng di động. Ericsson vinh dự được đóng góp về công nghệ để giúp đạt được những kết quả đó.

Với hơn 67% trung tâm sản xuất toàn cầu dự kiến sẽ tập trung tại châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2025, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để thu hút một phần đáng kể nguồn đầu tư nước ngoài này, nhờ hơn 16 FTA đã được ký kết, phê chuẩn và thực thi giữa Việt Nam và thị trường toàn cầu.

Ông có thể chia sẻ những bước đi nào Ericsson đang thực hiện để nắm bắt cơ hội từ chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam?

Ericsson tập trung vào việc tiếp tục giúp khách hàng xây dựng mạng 4G, đồng thời mong muốn triển khai mạng 5G trên diện rộng từ năm 2024 đến cuối thập kỷ này.

Thông qua sự hợp tác của chúng tôi với nhà trường, chẳng hạn như mối quan hệ phát triển AI Lab với Đại học RMIT tại Việt Nam, cùng với các chương trình thực tập và sau đại học của chúng tôi, Ericsson cũng rất hào hứng với khả năng thiết lập cơ sở R&D tại Việt Nam trong những năm tới.

CEO Ericsson: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho FDI công nghệ cao - Ảnh 2.

Ericsson và RMIT ký thỏa thuận hợp tác Phòng thí nghiệm AI với sự có mặt của các đại sứ Úc (đầu tiên, bên phải) và Thụy Điển (đầu tiên, bên trái) tại Việt Nam. Ảnh do Ericsson cung cấp.

Ericsson cũng đã thành lập một dự án tìm nguồn cung ứng toàn cầu nhằm mục đích đưa các nhà cung cấp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Ericsson, qua đó giúp chúng tôi tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, chúng tôi đã thành lập trung tâm “Cloud Factory” tại Việt Nam, qua đó đầu tư vào nhân sự chất lượng cao người Việt để phục vụ nhu cầu triển khai công nghệ đám mây trên toàn khu vực.

Chúng tôi dự đoán nhu cầu dữ liệu Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, cả mạng 4G cũng như mạng 5G trong tương lai. Chúng tôi đã thấy dữ liệu tăng trưởng đáng kể ở Hàn Quốc và các thị trường khác nơi mạng 5G đã được thương mại hóa trong nhiều năm qua. Chúng tôi rất hào hứng với sự đổi mới sáng tạo và tiềm năng kinh doanh lớn mà xu hướng này sẽ tạo ra ở Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng Việt Nam có môi trường để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh, qua đó thúc đẩy nền kinh tế số, tạo ra những lợi ích kinh tế-xã hội lớn cho Việt Nam, giúp thu hút thêm đầu tư trong nước và quốc tế.

Ericsson sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam, hợp tác với các nhà mạng di động và nhà cung cấp dịch vụ để giúp đạt được tất cả các mục tiêu kinh tế-xã hội của Chính phủ Việt Nam thông qua phát triển nền kinh tế số.

Ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay và những nỗ lực gần đây của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài?

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì khả năng chống chịu tốt và cực kỳ hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Nhờ thành công trong việc thực hiện 16 FTA và nỗ lực lớn trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Việt Nam tiếp tục leo hạng ở tất cả các chỉ số quan trọng, bao gồm Chỉ số cạnh tranh toàn cầu và bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Điều này đã thu hút nhiều công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành chế tạo cũng như R&D tại Việt Nam. Ericsson kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và phân phối chất bán dẫn.

Từ năm 2008, Việt Nam liên tục phân bổ 20% ngân sách hàng năm cho giáo dục, góp phần xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao, năng động và có năng lực cho tương lai.

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia và việc tăng cường tập trung vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng giúp Việt Nam có vị thế thuận lợi để đón nhận nhiều cơ hội mới sẽ xuất hiện trong kỷ nguyên số và xã hội dựa trên tri thức.

Thông qua các quyết định chiến lược và có tầm nhìn xa này, cùng với chiến lược quốc gia về chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, các công ty nước ngoài, bao gồm cả Ericsson, đặt mục tiêu tăng đáng kể đầu tư vào Việt Nam trong những năm tới.

Xin cảm ơn ông!


Theo Minh Tuấn

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên