CEO F88 tiết lộ bí quyết để mở 300 cửa hàng, trở thành chuỗi cầm đồ số 1 Việt Nam chỉ sau 3 năm
Muốn mở rộng chuỗi nhanh thì cần công nghệ, để kinh doanh bền vững thì phải làm đúng luật.
Cầm đồ vốn dĩ là một ngành dịch vụ từ xưa đến nay không nhận được nhiều thiện cảm từ xã hội. Việc cho vay tín chấp (cho vay căn cứ trên một số giấy tờ như CMND, hộ khẩu…) dẫn đến nợ xấu cao, khách hàng không trả được thì các cửa hàng cầm đồ cho người đến tận nhà đòi nợ.
Thậm chí, trong kỷ nguyên số hóa, các Fanpage đòi nợ như Truy tìm khách nợ cũng được lập ra để tìm những người lừa đảo hoặc chây ì không trả nợ.
“Điều khiến chúng tôi mất nhiều thời gian nhất trong thời gian tới là làm sao thay đổi cái nhìn của xã hội về loại hình kinh doanh này”, ông Phùng Anh Tuấn – CEO F88 - Startup dịch vụ cầm đồ mới được Quỹ Mekong Capital rót vốn triệu USD chia sẻ.
Vậy nên, trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, vị CEO trẻ này đều nhấn mạnh yếu tố thân thiện khi kinh doanh trong ngành dịch vụ cầm đồ.
“Dính” phải hàng ăn cắp, chủ tiệm sẽ âm thầm bán thanh lý hay chịu thiệt cả chục triệu đồng báo công an?
Mặc dù khâu thẩm định được tổ chức theo quy trình rất bài bản, các tài sản xe có giá trị cao đều phải kiểm tra lại với cơ quan công an nếu có nghi ngờ, nhưng có thời điểm chuỗi cửa hàng cầm đồ này vẫn “dính” phải hàng ăn cắp .
“Chúng tôi từng ‘dính’ phải một chiếc xe ăn cắp, dù khâu thẩm định đã làm rất cẩn thận và chuẩn chỉnh”, ông Tuấn tâm sự.
“Khi khách hàng mang xe đến, họ có CMND đầy đủ, xe có biển số, giấy tờ chính chủ. Chúng tôi xem mọi yếu tố đều chuẩn chỉnh, chuẩn từ số khung, số máy... Tuy nhiên, sau khi cầm xong, đến ngày đóng lãi khách hàng không ra, chúng tôi gọi điện thì họ tắt máy”.
Lúc ấy, tiệm cầm đồ mới kiểm tra số khung, số máy với bên công an thì mới biết chủ xe tên hoàn toàn khác. Người đến cầm đã ăn cắp xe, làm lại toàn bộ biển số, giấy tờ.
Những đối tượng xấu nắm rõ tâm lý khi đem cắm “đồ ăn cắp”, thì dù cửa hàng cầm đồ phát hiện thì họ nhiều khả năng không báo công an do sợ mất tiền. Những chủ cửa hàng nhiều khi sẽ lựa chọn mang tài sản ăn cắp đó ra nơi khác bán để thu hồi vốn…
“Chúng tôi làm rất nguyên tắc. Với tài sản như thế, chúng tôi liên hệ với chủ xe bị mất và công an để sẵn sàng bàn giao. Chúng tôi chấp nhận chịu thiệt và làm đơn tố cáo vụ việc để bên công an điều tra. Nếu sau này có thu hồi được khoản tiền ấy thì thu hồi, không thì sẵn sàng chịu mất, nhưng phải làm đúng luật”, ông Tuấn chia sẻ.
Tuy chịu thiệt về mặt tài chính, nhưng theo ông Tuấn, cách xử lý như thế đạt được 3 cái lợi.
Một là thể hiện sự khác biệt của một chuỗi dịch vụ cầm đồ đang muốn xây dựng thương hiệu thân thiện như F88 .
Hai là thể hiện giá trị đạo đức trong kinh doanh.
Ba là để cho người đang có ý định sử dụng tài sản ăn cắp “cắm” vào F88 biết, bởi cửa tiệm cầm đồ này sẽ báo công an chứ không có chuyện âm thầm thanh lý tài sản ăn cắp hòng thu hồi vốn.
“Việc thay đổi cái nhìn của xã hội về loại hình kinh doanh này sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng với những gì F88 đã và đang làm thì chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công”, ông Tuấn tâm sự.
Bí quyết mở chuỗi 300 tiệm cầm đồ
Chia sẻ về khâu quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cầm đồ, ông Tuấn cho biết: Khâu định giá là khâu quyết định thắng thua của mô hình này, và cũng là khâu rủi ro cao nhất.
Khâu định giá nếu làm không chuẩn, chỉ cần cho vay cao hơn một tí là dẫn tới thua lỗ khi thanh lý tài sản - trong trường hợp khách không quay lại lấy đồ, chỉ cần cho vay thấp hơn một tí thì khách hàng bỏ mình.
Tại các cửa hàng cầm đồ truyền thống, người thẩm định phải có kinh nghiệm, phải là chuyên gia trong lĩnh vực thẩm định. Nhưng một mô hình kinh doanh phát triển nhanh, mở tới 5 – 6 cửa hàng/tháng thì không thể làm như vậy, không thể tuyển 5 – 6 chuyên gia thẩm định 1 tháng, chưa kể việc thẩm định không quẩn quanh một vài món hàng, và hiện tại Việt Nam cũng chưa có nơi đào tạo thẩm định giá một cách bài bản.
“Phải xây dựng mô hình kinh doanh dựa vào công nghệ”, ông Tuấn chia sẻ.
F88 đã xây dựng hệ thống công nghệ thẩm định, vận hành bởi các chuyên gia thẩm định của từng ngành hàng ngồi ở hội sở. Các chuyên gia này sẽ chia theo các lĩnh vực như người chuyên về thẩm định ô tô, người chuyên xe máy, điện thoại, laptop, trang sức…
Những người này sẽ đặt ra một hệ thống công nghệ phần mềm, trong đó có hàng ngàn mã tài sản. Ví dụ, dòng Apple có bao nhiêu loại iPhone, dung lượng bao nhiêu, màu sắc thế nào… Xe máy thì chia theo các hãng Honda, Yamaha, dòng xe, năm sản xuất…
Sau khi nhân viên tại các cửa tiệm cầm đồ kiểm tra sản phẩm và điền các thông số vào bảng hệ thống, các chuyên gia tại hội sở sẽ vận hành giá. Giá đấy phải sát nhất với thị trường vào thời điểm ngày hôm đó.
Giá thường liên tục biến động, có những mặt hàng giá biến động thấp như ô tô, nhưng cũng có những mặt hàng giá biến động mạnh như điện thoại. Các chuyên gia của từng ngành hàng phải thường xuyên cập nhật liên tục.
Nhờ hệ thống chuẩn, nhân viên thẩm định kinh doanh tại ở cửa hàng sẽ thực hiện các nhiệm vụ rất đơn giản như với dòng sản phẩm điện thoại, vỏ thế nào, camera còn chụp được hình không, loa có vấn đề gì không, dung lượng, màu sắc… sau đó nhập vào hệ thống. Hệ thống sẽ xuất ra là sản phẩm này cầm được cao nhất bao nhiêu tiền.
“Không có hệ thống đấy thì không thể mở rộng nhanh. Nếu phụ thuộc vào con người thẩm định thì cùng lắm chỉ mở được vài cửa hàng, còn nếu làm trăm cửa hàng thì bắt buộc có hệ thống công nghệ thế này mới làm được”.
“Một cửa tiệm cầm đồ của chúng tôi trông thì đơn giản thế thôi, nhưng có nhiều thứ lắm. Chúng tôi phải làm chuẩn chỉnh các quy trình mới dám tuyên bố mở 300 cửa hàng đến năm 2020”, ông Tuấn tâm sự.
Trí thức trẻ