CEO Go-Jek của Indonesia tuyên bố Uber 'đứng ngoài lề' cuộc chơi ở Đông Nam Á, sẽ IPO Go-Jek trong vài năm tới
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Grab và Uber tại Đông Nam Á là Go-Jek đang lên kế hoạch IPO trong "một vài năm tới".
- 03-12-2017Uber: Mới chỉ ra đời được 8 năm nhưng đã "vô địch" về số lượng các vụ scandal
- 29-11-2017Uber tiếp tục công bố thua lỗ 1,5 tỷ USD trong Q3/2017
- 28-11-2017SoftBank vừa đưa ra giá chào mua cổ phần Uber, mức định giá thấp hơn 30% giá trị hiện tại của Uber
Theo thông tin của tờ Bloomberg, CEO Nadiem Makarim chia sẻ rằng Go-Jek – startup công nghệ tỷ đô đầu tiên của Indonesia đang lên kế hoạch trở thành công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ IPO" là chia sẻ của ông Makarim trong một hội nghị diễn ra tại Jakarta vào thứ 4 vừa qua. Thương vụ IPO này được kỳ vọng "diễn trong vòng vài năm tới".
Công ty có trụ sở tại Jakarta được đầu tư bởi những tên tuổi gồm KKR & Co và Warburg Pincus LLC cũng cho biết việc mở rộng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số Go-Pay vào năm 2018 là ưu tiên hàng đầu. Công ty cũng đang hướng tới trở thành doanh nghiệp giao thực phẩm lớn nhất Indonesia.
Hiện tại, khách hàng của Go-Jek sử dụng Go-Pay để thanh toán loạt dịch vụ mà Go-Jek cung cấp trên ứng dụng di động của họ. Mục tiêu của Makarim là để khách hàng của mình thanh toán được cả học phí, mua rau quả, vé xem phim và những thứ khác bên ngoài các dịch vụ mà công ty cung cấp.
"2018 sẽ là năm của Go-Pay", ông Makarim nói và chia sẻ thêm rằng tập trung vào việc ký kết với nhiều đối tác khác tại Indonesia để ví điện tử của họ sẽ có thể được chấp nhận thanh toán tại các cửa hàng cả online và offline trên toàn quốc.
Dù cạnh tranh trong lĩnh vực ví điện tử khá nhiều nhưng Makarim nói rằng Go-Jek là một trong số ít những công ty công nghệ có đảm bảo về giấy phép tiền điện tử - cho phép công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử tại Indonesia.
Indonesia là đất nước đông dân thứ 4 trên thế giới với dân số trẻ, đam mê công nghệ. Tuy nhiên, đây cũng là quốc gia có tỷ lệ phụ thuộc vào tiền mặt lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Ấn Độ.
Makarim nói rằng mục tiêu của ông là "chứng kiến người Indonesia gọi xe qua Go-jek đi quanh thành phố mà không cần nghĩ xem họ có tiền trong ví hay không. Rủi ro lớn nhất là không có đủ nguồn lực để thực thi tham vọng này. Cạnh tranh từng rất khốc liệt nhưng giờ thì không còn nữa.
Nói về việc liệu có vấn đề gì không khi Softbank sắp đầu tư vào Uber, CEO Makarim nói: "Tôi không lo lắng gì cả. Uber đứng ngoài lề tại thị trường Indonesia và thậm chí là Đông Nam Á. Còn đối với Grab, ngay từ đầu chúng tôi không xem việc ai có nhiều tiền hơn là điều quan trọng, quan trọng là ai sẽ đổi mới nhanh hơn".
Trí thức trẻ