CEO GoJek Việt Nam: Đáng lẽ GoViet phải mất hơn 2 năm để đạt được những thành công như hiện nay
GoJek, trong tiếng Indonesia, hiểu nôm na là "xe ôm". GoJek đã thành công trong những năm qua vì tận dụng được mô hình có sẵn trên thế giới là ride sharing (đi chung xe).
- 14-07-2020Vì sao siêu kỳ lân Gojek từ bỏ thương hiệu GoViet?
- 08-07-2020GoViet trở thành Gojek Việt Nam: Được hay Mất?
- 05-07-2020Soi profile ‘khủng’ của tân CEO Gojek Việt Nam: Nhân viên cũ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, từng góp sức xây dựng Adayroi, Cộng Cà Phê trước khi dấn thân vào mảng gọi xe
"Khi nghiên cứu thị trường Việt Nam, chúng tôi thấy Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Indonesia. Trong hai năm đầu tiên, chúng tôi tập trung vào mảng xe 2 bánh và đạt được nhiều thành công. Chúng tôi thực sự nghĩ rằng mất nhiều thời gian hơn nhưng đã đạt được kết quả như hiện tại sau 2 năm".
Đó là chia sẻ của ông Phùng Tuấn Đức, CEO của GoJek Việt Nam, trên kênh BSA mới đây. CEO của GoJek Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến GoJek và kế hoạch phát triển của GoJek Việt Nam trong tương lai.
GoJek Việt Nam sẽ có thể mở rộng nhiều dịch vụ tại Việt Nam, tùy vào nhu cầu thị trường
Trong phần chia sẻ của mình, ông Phùng Tuấn Đức cho biết ông rất hào hứng với việc dẫn dắt GoJek Việt Nam và đang chuẩn bị cho sự kiện ra mắt GoJek Việt Nam.
GoJek Việt Nam sẽ vẫn tập trung vào 3 mảng: GoBike, GoSend và GoFood trong thời gian tới nhưng tính năng được nâng cấp hơn và giao diện cũng được cải tiến gọn gàng, gần gũi hơn với người sử dụng. Mặt khác, ở Indonesia và Singapore, app của GoJek cũng được nâng cấp để giúp siêu ứng dụng này triển khai dịch vụ ở các quốc gia khác nhau.
Ông Phùng Tuấn Đức cho rằng, các mảng tiềm năng tại thị trường Việt Nam là GoCar, Take Away… GoJek Việt Nam sẽ nghiên cứu thị trường. Mảng thanh toán không tiền mặt cũng có nhu cầu rất lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, có nhiều dịch vụ có thể sẽ được mang về Việt Nam như telemedicine (tư vấn qua sức khỏe qua điện thoại)…
Thị trường Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Indonesia và GoViet đã đạt được thành tựu mà đáng lẽ hơn 2 năm mới có được
Ông Tuấn Đức lý giải xuất phát từ GoJek, trong tiếng Indonesia, hiểu nôm na là "xe ôm". GoJek đã thành công trong những năm qua vì tận dụng được mô hình có sẵn trên thế giới là ride sharing (đi chung xe). Trên thế giới là đi chung xe 4 bánh nhưng với Indonesia, nơi tỷ lệ xe 2 bánh rất cao, thì loại xe này lại phù hợp. Và đến nay, GoJek đã có đến hơn 20 dịch vụ.
CEO GoJek Việt Nam cho rằng, khi nghiên cứu thị trường Việt Nam thì GoJek thấy nhiều điểm tương đồng với Indonesia. Trong 2 năm đầu tiên, GoViet tập trung vào mảng xe 2 bánh, dịch vụ xoay xung quanh xe 2 bánh và đạt được nhiều thành công. "Chúng tôi thực sự nghĩ rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng đã đạt được trong 2 năm vừa rồi", ông Tuấn Đức nói.
Về câu chuyện GoPay, theo ông Tuấn Đức, thanh toán điện tử có nhiều quy định nên gặp khó khăn trong việc sử dụng đồng tiền ở các quốc gia khác nhau. Với nhu cầu dịch chuyển như hiện tại, GoJek Việt Nam luôn cân nhắc để tìm giải pháp kỹ thuật và hành chính để có thể áp dụng được trong tương lai. Một trong những thành công của GoJek ở thị trường ngoài Việt Nam, đó là biến gần 1 triệu tài xế thành gần 1 triệu ATM di động. Nghĩa là khách hàng có thể rút hoặc nạp tiền qua tài xế. Khách hàng lấy tiền mặt từ tài xế và chuyển khoản cho họ.
Hai điểm mà ông Tuấn Đức nhấn mạnh ở GoJek, đó là innovation (sự sáng tạo), luôn tìm ra các vấn đề chưa được giải quyết và sử dụng công nghệ để xử lý vấn đề đó. Thứ hai, người người lái xe ôm ở Indonesia thường bếp bênh. Thông qua ứng dụng GoViet, thu nhập của đối tác tài xế được nâng lên và ở Việt Nam cũng vậy.
GoJek, kỳ lân công nghệ của Indonesia, vào Việt Nam năm 2018 và mới đây đổi tên thành GoJek Việt Nam. Ông Phùng Tuấn Đức mới được bổ nhiệm làm CEO GoJek Việt Nam.