CEO JPMorgan: 'Bão tố đang ập đến'
Jamie Dimon coi xung đột Ukraine và quá trình siết chính sách là những mối nguy lớn đối với nền kinh tế Mỹ.
- 08-04-2021CEO JPMorgan Chase: Kinh tế Mỹ sẽ bùng nổ trong mấy năm tới
- 21-10-2019CEO Jamie Dimon ước có thể đưa JPMorgan thành công ty tư nhân
- 20-09-2017Mạnh miệng tuyên bố bitcoin là trò lừa đảo nhưng CEO JPMorgan đã mắc sai lầm cơ bản về suy luận?
CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon cảnh báo nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với một “cơn bão” kinh tế gây ra bởi cuộc xung đột Ukraine và quá trình siết chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Trong lần chia sẻ này, triển vọng nền kinh tế số 1 thế giới của ông đã xấu đi rất nhiều so với tuần trước, thời điểm JPMorgan tổ chức hội nghị nhà đầu tư lần đầu tiên sau 2 năm. Khi đó, ông dùng từ “mây bão” để miêu tả những hiểm họa đối với nền kinh tế.
CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon. Ảnh: Bloomberg.
“Tôi gọi chúng là mây bão, những đám mây bão lớn. Nhưng bây giờ, chúng đã phát triển thành một cơn bão”, ông chia sẻ tại Hội nghị dịch vụ tài chính tổ chức bởi Autonomous Research.
“Cơn bão đó đang ngày một tiến gần hơn. Chúng ta không thể biết đó là một cơn bão nhỏ hay một siêu bão giống như bão Sandy. Và tốt nhất là bạn nên chuẩn bị sẵn sàng”.
Nhận định của ông Dimon, người dự báo chính xác diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ trong khoảng thời gian gần đây, được đưa ra trong bối cảnh quan ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế số 1 thế giới liên tục gia tăng.
Dimon cảnh báo nhà đầu tư rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực lên các thị trường hàng hóa toàn cầu, và giá dầu có thể bị đẩy lên ngưỡng 150-175 USD/thùng.
Giá dầu Brent hiện đang được giao dịch ở ngưỡng quanh 117 USD/thùng. Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này đạt được sự thống nhất cao đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga theo đường biển. Đây chính là đòn đánh mạnh nhất nhằm vào Nga kể từ sau khi quốc gia này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ông cũng cảnh báo về rủi ro biến động thị trường trong quá trình Fed triển khai kế hoạch “thắt chặt định lượng”, qua đó, ngân hàng này sẽ bắt đầu cắt giảm bảng cân đối tài sản trị giá gần 9.000 tỷ USD của mình từ đầu tháng 6, nhằm kéo giảm lạm phát.
“Họ không còn lựa chọn nào khác vì có quá nhiều thanh khoản trong hệ thống”, ông nói. Họ phải cắt giảm thanh khoản nhằm chặn đứng hiện tượng đầu cơ, giảm giá nhà ở và hàng hóa. Nhiều người trong số các bạn chưa từng trải qua một giai đoạn như vậy”, ông nói.
Khi Fed thắt chặt định lượng, nguồn cung tín phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng mạnh, gây ra xáo động trên thị trường, Dimon nhận định.
“Dòng chảy vốn trên quy mô toàn cầu sẽ có sự thay đổi lớn. Tôi không biết tác động của nó là gì nhưng đã có những chuẩn bị nhất định”, ông nói.
Dimon cho biết “những đám mây sáng” đối với nền kinh tế Mỹ là chi tiêu tiêu dùng, thị trường việc làm và đà tăng thu nhập người lao động. Ông bổ sung rằng lĩnh vực tài chính, ngân hàng “đang rất vững chắc”.
“Tôi cho rằng chúng ta có thể kỳ vọng mọi chuyện sẽ ổn. Tôi mong là như vậy”, Dimon chia sẻ. “Nhưng đâu ai biết trước được điều gì?”.
Người đồng hành