CEO Kingsport: "Năm 2020 chìa khóa thành công của doanh nghiệp là tri thức"
Ý chí khởi nghiệp, tinh thần "nằm gai nếm mật", niềm tin mãnh liệt vào sự thành công đã giúp cho ông Lê Trường Mạnh – CEO Kingsport đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống và tạo dựng nền tảng phát triển 10 năm cho thương hiệu Kingsport.
Trong quá trình vào Nam lập nghiệp, những trải nghiệm khó khăn nào khiến ông thấm thía nhất? Những trải nghiệm này đem lại bài học quý giá gì cho quá trình phát triển sự nghiệp sau này?
Vào khoảng năm 2007, tôi quyết định mở một quán cà phê sau khi làm việc ba năm và tiết kiệm một khoản tiền. Tôi khác với nhiều người trẻ đương thời là kiếm tiền không phải để tiêu xài mà để đầu tư. Ước mơ của tôi là muốn trở thành một nhà đầu tư, làm một điều gì đó mang lại ý nghĩa cho cuộc đời mình. Tôi từng học tập rất nhiều, các kiến thức về kinh tế, đầu tư, chứng khoán và quan sát mọi thứ xung quanh. Khi điều kiện đến, tôi bắt đầu mở quán cà phê.
Tuy nhiên, sau 6 tháng quán cà phê phá sản. Tôi rút ra một bài học rất lớn : Bạn có đam mê và khát vọng nhưng bạn không giỏi chuyên môn thì sẽ thất bại. Câu chuyện của tôi cũng như mọi câu chuyện doanh nhân khác, nếu thiếu kiến thức thì chắc chắn sẽ thất bại!
Đó cũng chính là quy luật của thành công xuất phát từ bên trong "bạn là ai bởi vì bạn xứng đáng". Và tôi biết rằng, tôi không thể thành công với công việc kinh doanh cà phê khi thiếu kiến thức về nó, cũng như thiếu nhiều kiến thức khác. Thất bại là điều hiển nhiên và tôi cảm thấy mình cần phải thay đổi.
Thế nhưng, sau thất bại đó, tôi có được một niềm tin mãnh liệt vào lần khởi nghiệp thành công thứ hai, bởi vì tôi dám thay đổi. Khi mà năng lực bên trong đủ lớn, đủ hấp dẫn thì thành công sẽ đến.
Nhà tôi làm nông, tôi vốn xuất thân là nông dân. Anh em bố mẹ trong nhà mình nghe từ kinh doanh thì sợ lắm. Cho nên, khi có một quyết định thay đổi, chuyển sang một mô hình khác, thì đó là sự dấn thân rất khó khăn.
Ông Lê Trường Mạnh – CEO Kingsport.
Sau thất bại của lần khởi nghiệp đầu tiên, cảm xúc của ông như thế nào ? Làm sao để đứng dậy được?
Tôi cũng bị tụt cảm xúc, tụt tinh thần, cộng thêm sức khỏe yếu. Tiền hết, cái gì cũng hết, phải quay lại đi làm thuê kiếm sống. Tài sản duy nhất mà tôi có chính là niềm tin.
Sau đó, tôi quay trở về quê và kiểm điểm lại bản thân. Tôi bắt đầu rèn luyện, cải thiện sức khỏe, mua sách vở về học tập. Hai năm ở quê là thời gian tôi học tập kinh khủng nhất và trở thành một phiên bản hoàn toàn khác. Niềm tin và khát vọng lớn hơn. Khi điều kiện chín muồi cộng với một khoản tích lũy, tôi quyết định vào Nam lần thứ hai.
Khi quyết định vào Sài Gòn lần thứ hai, ông đã có sự chuẩn bị và dự định gì? Vì sao lại lựa chọn con đường khởi nghiệp hiện tại?
Hành trang của tôi lần này là một con người hoàn toàn khác. Niềm tin lớn đến mức đủ cho tôi lên kế hoạch 5 năm rất chi tiết. Nhìn lại chặng đường 5 năm phát triển, tôi thấy tất cả các kế hoạch đều đúng lộ trình.
Lúc vào đây, tôi làm với người anh trai, kinh doanh các sản phẩm điện máy. Sau 4 tháng, doanh nghiệp lại chết lâm sàng, anh em buộc phải tách ra. Không nản chí, tôi chuyển sang kinh doanh hàng gia dụng khoảng cuối năm 2009 đầu năm 2010.
Riêng sản phẩm mang thương hiệu Kingsport mất một năm sau tôi mới tiến hành kinh doanh. Đây không phải là cơ duyên nữa, mà là tiềm thức bên trong.
Từ thuở bé, tôi đã là đứa trẻ có sức khỏe kém. Chính sự quan tâm đến sức khỏe, tôi ý thức hơn về tập luyện và chế độ ăn uống. Ý thức đó thôi thúc tôi hướng đến các sản phẩm vì sức khỏe.
Ở thông điệp đầu năm 2020, ông có nói về doanh nghiệp tri thức. Chúng ta hiểu khái niệm này như thế nào? Một doanh nghiệp tri thức cần đội ngũ nhân sự và lãnh đạo ra sao?
Như bạn biết, nhan sắc rồi cũng tàn phai, tiền bạc nếu như không có kiến thức rồi sẽ hết, quyền lực có thể bị tranh giành. Cái còn lại duy nhất chính là tri thức. Đây cũng là mục tiêu doanh nghiệp học tập mà chúng tôi hướng đến trong năm 2020.
Tinh thần này bắt đầu từ người lãnh đạo đến nhân viên các cấp, trở thành động lực phát triển doanh nghiệp. Chỉ có học tập mới biến bạn thành một phiên bản tốt hơn. Khi bạn thay đổi, bạn mới nhận được kết quả tương ứng.
Trong quản trị doanh nghiệp, con người là yếu tố then chốt. Tầm vóc của người lãnh đạo như thế nào thì tầm vóc của doanh nghiệp cũng tương ứng như vậy. Ngay cả một người lao công cũng phải có vị trí như thế nào, một nhân viên thấp nhất cũng phải xác định mình ở đâu thì mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Cô lao công ở chỗ tôi thưởng Tết rất cao, vậy thì một nhân viên phải thưởng Tết như thế nào. Đó còn là câu chuyện của một doanh nghiệp hạnh phúc.
Trên thực tế, người lãnh đạo phải thể hiện một cá tính, một tinh thần học tập. Một ngày tôi phải dành bao nhiêu tiếng để đọc sách. Tuy nhiên, học tập không phải chuyện đọc sách, bạn phải học ở tất cả mọi người, sếp học nhân viên, nhân viên học sếp. Chúng ta phải liệt kê ra được những điểm yếu và điểm mạnh để training và học hỏi lẫn nhau.
Hoạt động đào tạo nội bộ cũng được chúng tôi thực hiện liên tục hàng quý, hàng tháng, hàng năm…Trong một buổi họp đầu tuần hay buổi họp chuyên môn, chúng tôi vẫn dành ra 50% thời lượng để học về các kiến thức mở rộng.
Là người từng nếm trải đủ mọi khó khăn và thất bại để thành công, ông có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ khát vọng khởi nghiệp và những doanh nhân trẻ đang không ngừng nỗ lực trên thương trường?
Có ba điều mà tôi tâm đắc nhất :
Đầu tiên, đó là sự kiên định mục tiêu. Nếu bạn không kiên định thì có thể ngày hôm nay bạn thích cái này ngày mai ngày kia bạn thích cái khác, và như thế không bao giờ bạn đến mục tiêu. Các bạn trẻ khởi nghiệp hay bất kỳ doanh nhân nào khi đặt ra mục tiêu về doanh số, về phát triển bản thân, về học tập, về gia đình thì đều có những giới hạn nhất định và phải hành động dứt khoát để chốt mục tiêu đó.
Thứ hai, là thành công luôn xuất phát từ bên trong, chứ không phải bên ngoài. Chỉ khi bên trong bạn đủ các yếu tố thành công, đủ hấp dẫn thì thành công sẽ đến.Vậy thì bạn phải luôn thể hiện một con người học tập, luôn khát khao, luôn tham vọng và luôn mong muốn tiến tới mục tiêu.
Khi những nền tảng đã được tạo dựng thì thành công tự khắc sẽ đến, bạn không cần cố công theo đuổi nó. Nếu như bạn cứ theo đuổi cái gọi là thành công mà không biết bản thân cần điều gì để phát triển con người bên trong thì không bao giờ thành công.
Điều cuối cùng, có lẽ là điều tôi tâm đắc nhất, là tất cả những người thành công, những doanh nhân trên thế giới đều có tình yêu, lòng trắc ẩn và mong muốn hướng về sự tốt đẹp.
Xuất phát từ lý tưởng đó, những doanh nhân thành đạt đều khát khao đóng góp những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Nếu như việc chúng ta làm không vì ý nghĩa cao đẹp thì sẽ bị đào thải ngay. Đó là giá trị nhân văn cần được lan toả. Khi xã hội đón nhận nó, họ sẽ trả cho chúng ta giá trị tương xứng.
Ông từng chia sẻ về ba điều tâm đắc, trong đó có nhắc đến việc "khi bạn xứng đáng thì thành công sẽ đến với bạn". Trên thực tế, có những người cố gắng suốt đời vẫn chưa chắc đạt được thành công. Vậy làm sao để biết mình có xứng đáng, làm sao để biết mình có thành công hay chưa?
Như tôi đã nói, "bạn là ai bởi vì bạn xứng đáng". Đầu tiên, tôi nghĩ mỗi người đều có một quy chuẩn về thành công của riêng mình. Đa số chúng ta đều chấp nhận rằng thành công là khi bạn đạt được mục tiêu. Riêng cá nhân tôi thì nhận thấy có rất nhiều người thành công về tài chính hay sự nghiệp nhưng họ vẫn không được hạnh phúc trọn vẹn. Chính vì vậy, tôi quan niệm khi nào bạn cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy tâm hồn mình thanh thản là bạn đã thành công.
Còn muốn biết vì sao có rất nhiều người cố gắng cả đời nhưng vẫn không thành công thì các bạn ấy phải đặt lại câu hỏi là "bạn mong muốn là ai trong tương lai và bạn sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó".
Nếu cả đời bạn vẫn không đạt được thì hãy quay lai với ba nguyên tắc mà tôi từng nói : bạn cần kiên định với mục tiêu, bạn phải học tập để phát triển con người bên trong cho đến khi bạn xứng đáng và dù có làm gì thì hãy xem mục đích bạn muốn có tốt đẹp hay không đã.