MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO KIS Việt Nam: Ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin là những nhóm hưởng lợi từ nền tảng vĩ mô và triển vọng kinh doanh hấp dẫn

CEO KIS Việt Nam: Ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin là những nhóm hưởng lợi từ nền tảng vĩ mô và triển vọng kinh doanh hấp dẫn

Theo CEO KIS Việt Nam, tùy vào khẩu vị của mỗi nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư có thể quan tâm nhóm ngành bán lẻ, công nghệ thông tin và ngành bất động sản khu công nghiệp.

Trải qua quý I năm 2024, nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực, nhờ các biện pháp hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ đã giúp nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cải thiện tốt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thị trường chứng khoán qua đó cũng có sự tăng trưởng và đạt được những kết quả như kỳ vọng. Song, với những biến động của tình hình thế giới như việc FED chưa giảm lãi suất sớm như mong đợi, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, hay rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…khiến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những cơ hội, thách thức đan xen trong các quý còn lại của năm 2024.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, mặc dù hiện tại, các thách thức và cơ hội đan xen nhưng khả năng năng FED, ECB sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối 2024, như vậy thị trường tài chính toàn cầu sẽ hưởng lợi, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng trở lại sẽ là những nhân tố vững chắc thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam.

BTV Mùi Khánh Ly: Thị trường chứng khoán đã trải qua đợt tăng điểm kéo dài cùng với sự phục hồi dần của nền kinh tế và của các doanh nghiệp kể từ cuối năm 2023 và đến nay vẫn đang giữ được nhịp tăng . Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam: Trước đó, chúng tôi đã chia sẻ với các nhà đầu tư rằng, chúng tôi kỳ vọng VN-Index phục hồi mạnh mẽ từ giữa tháng 12 năm 2023, nhờ hưởng lợi từ sự tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 4/2023 của các doanh nghiệp, trong bối cảnh nền tảng vĩ mô đang dần cải thiện. Và thực tế, VN-Index đã duy trì mạch tăng điểm rất ấn tượng trong các tháng đầu năm 2024 này.

Trong khi đó, số liệu vĩ mô tháng 4/2024 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2024 tăng 9,04% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,98% so với tháng 3/2024, dòng vốn FDI đăng ký đạt 2,64 tỷ USD trong tháng 4/2024, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm 2023 và 57,8% so với tháng 3/2024, giá trị giải ngân vốn FDI đạt 1,65 tỷ USD, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2024 cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ và 0,8% so với tháng 3/2024. Những yếu tố này cho thấy nền kinh tế vẫn đang tích cực dần lên và điều này càng củng cố quan điểm nêu trên của chúng tôi.

Gần đây thị trường cũng đã có đan xen những sự điều chỉnh nhất định, nhà đầu tư thận trọng hơn với các yếu tố bên ngoài như Fed vẫn chưa thể hạ lãi suất như dự kiến, các cuộc xung đột địa chính trị gây đứt gãy nguồn cung… ông đánh giá như thế nào về điều này?

Dù có sự lạc quan đến từ bối cảnh vĩ mô trong nước đang có những điểm sáng, nhưng chúng tôi vẫn duy trì sự thận trọng đối với những yếu tố toàn cầu liên quan đến các rủi ro địa chính trị, có thể làm ảnh hưởng đến việc điều hành vĩ mô trong nước, thay đổi chuỗi cung ứng và tăng giá cả hàng hóa đầu vào.

Trong tháng 4/2024, những căng thẳng địa chính trị thế giới đã làm việc điều hành tỷ giá, vàng, lãi suất, lạm phát trong nước của Ngân hàng Nhà nước càng thêm khó khăn. Thị trường chứng khoán Việt Nam là nơi nhạy cảm với các biến động trong ngắn hạn nên những phiên điều chỉnh trong tháng 4 vừa qua cũng là điều dễ hiểu.

Đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh quý I/2024 với sự cải thiện ở nhiều nhóm ngành, theo ông sự cải thiện này có tương ứng với sự phục hồi của nền kinh tế?

Theo số liệu của fiinproX, tính đến 05/05 có khoảng 1.036/1.641 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 97,7% vốn hóa trên sàn) công bố BCTC quý 1/2024. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng chậm lại, đạt mức 21,5% so với cùng kỳ sau sự bùng nổ tăng trưởng ở quý 4/2023 (tăng trưởng 56,6% so với cùng kỳ), chủ yếu do nhóm tài chính giảm tốc (tăng trưởng 13,1% so với cùng kỳ).

Trong nhóm tài chính, nhóm chứng khoán tiếp tục dẫn dắt, bù đắp cho ngành ngân hàng có kết quả kinh doanh kém sắc hơn (tăng 9,6% so với cùng kỳ). Nhóm phi tài chính tiếp tục phục hồi (tăng 34,3% ) nhờ vào nhóm ngành bán lẻ, thép, xây dựng, dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin. Nhóm ngành bất động sản nhà ở có kết qủa kinh doanh quý I ảm đạm do không phải là mùa cao điểm bàn giao nhà.

Nhìn chung, chúng tôi đã dự đoán kết quả kinh doanh quý I/2024 có sự phân hóa ở các nhóm ngành. Điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biễn vĩ mô đang có nhiều điểm sáng tối đan xen.

Vậy theo dự báo của ông nền kinh tế sẽ diễn biến như thế nào và thị trường chứng khoán sẽ có những thách thức và cơ hội ra sao trong các quý còn lại của năm 2024?

Chúng tôi luôn theo sát các sự kiện vĩ mô thế giới toàn cầu hàng ngày và đến thời điểm này, thị trường tài chính toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu tích cực rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì khả năng FED, ECB sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối 2024, như vậy thị trường tài chính toàn cầu sẽ hưởng lợi. Nhờ đó, điều hành vĩ mô của Việt Nam đặc biệt tỷ giá, lãi suất sẽ dễ thở hơn.

Tác động từ điều hành vĩ mô đến doanh nghiệp sẽ cần một quá trình dài hơi nhưng cuối cùng sẽ giúp giảm chi phí vốn của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và kích thích tiêu dùng. Xa hơn nữa, nền kinh tế ổn định, kết quả kinh doanh tăng trưởng lành mạnh sẽ là những nhân tố vững chắc thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững thông qua thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nội và ngoại.

Ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin, sẽ là những nhóm ngành hưởng lợi từ nền tảng vĩ mô cải thiện, và triển vọng kinh doanh hấp dẫn. Trong khi đó ngành bất động sản nhà ở thì phụ thuộc vào năng lực thực thi chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và địa phương.

Đối với nhà đầu tư thì nên có chiến lược đầu tư như thế nào cho hiệu quả vào lúc này?

Nhà đầu tư nên tránh nghe những lời tham vấn bên ngoài mà không có chiến lược đầu tư cụ thể cho bản thân và phù hợp cho từng giai đoạn, bao gồm khả năng sẵn sàng hạ tỷ trọng dứt khoát cho những cổ phiếu có tính đầu cơ cao khi thị trường có dấu hiệu điều chỉnh. Trong lúc thị trường điều chỉnh thì bổ sung vào danh mục bao gồm cả những cổ phiếu có nền tảng kết quả kinh doanh vững chắc.

Tùy vào khẩu vị của mỗi nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư có thể quan tâm nhóm ngành bán lẻ, công nghệ thông tin và ngành bất động sản khu công nghiệp. Đội ngũ phân tích công ty chúng tôi có sự am hiểu sâu sắc vĩ mô thế giới, vĩ mô trong nước, triển vọng ngành và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cung cấp cho nhà đầu tư những nhận định sắc bén và kịp thời cho nhà đầu tư.

Nam Anh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên