MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO May 10: Hãy coi người lao động cũng là chiến sĩ, doanh nghiệp cũng là pháo đài chống dịch

CEO May 10: Hãy coi người lao động cũng là chiến sĩ, doanh nghiệp cũng là pháo đài chống dịch

Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May10, không chỉ mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi địa phương là “pháo đài”. Hãy coi người lao động cũng là một “chiến sĩ”, mỗi doanh nghiệp cũng là một “pháo đài”, đừng nên đóng cửa toàn bộ. CEO này chia sẻ tại toạ đàm "Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và chung sống an toàn với Covid-19".

Hiện nay, ở mỗi tỉnh thành, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và giãn cách là khác nhau. Nhiều địa phương, tỉnh, thành thực hiện biện pháp giãn cách 16, 16+, 15+. Theo ông Thân Đức Việt, nhiều khi doanh nghiệp không hiểu dấu + ở đây nghĩa là gì. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ: Công ty May10 đã phải lên rất nhiều kịch bản để vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh cho phù hợp với quy định của từng tỉnh thành riêng biệt.

Tại Hà Nội, May 10 vẫn được hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”. Nhưng tại Quảng Bình, từ ngày 27/8, chính thức đóng cửa hoạt động sản xuất kinh doanh, hơn 1.000 lao động không thể làm gì. Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện an toàn sản xuất, cho đến các phương án 3 tại chỗ và các biện pháp bảo vệ vùng xanh,… mới được quay lại hoạt động

Sức khỏe các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang ở mức đáng báo động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong vùng phong tỏa, hay các doanh nghiệp thuộc các tỉnh thành phía Nam và TP.Hồ Chí Minh. Ông Thân Đức Việt cho rằng, với một người dân mất do Covid-19 đã là rất đau thương. Vậy, nếu một doanh nghiệp có vài nghìn, đến hàng chục nghìn lao động mà bị phá sản vì Covid-19 thì sẽ đau thương đến đâu? Điều đó không chỉ khiến lao động trong doanh nghiệp đó lâm vào cảnh thất nghiệp, mà còn ảnh hưởng lớn đến hệ thống an sinh xã hội, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam.

Sống chung với đại dịch là điều tất yếu nhưng quan trọng là ứng xử như thế nào trong đại dịch. Tổng Giám đốc Công ty May10 cho biết, nếu thực hiện 3 tại chỗ, giỏi thì doanh nghiệp thực hiện được 30 – 50%, trong khi chi phí thì tăng gấp 4 – 5 lần, doanh thu thì giảm 1 nửa. Còn với phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” thì lao động lại gặp khó khăn tại các chốt kiểm dịch.

Các địa phương không hề nghiêm cấm doanh nghiệp hoạt động, nhưng ở một số nơi, người lao động của các doanh nghiệp lại khó khăn trong việc đi đường, vậy thì doanh nghiệp hoạt động như thế nào? Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có suy nghĩ “nghỉ đông” còn tốt hơn là tiếp tục chiến đấu.

Tuy nhiên, ông Thân Đức Việt cũng nhận định, may mắn rằng, Chính phủ hiện đã nhận thấy những khó khăn doanh nghiệp gặp phải và kịp thời ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những vướng mắc này. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất – kinh doanh nhưng phải có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Theo đề xuất của Tổng Giám đốc Công ty May10, Việt Nam có thể phân loại các doanh nghiệp, với những doanh nghiệp có thể cam kết hoạt động an toàn, có phương án chống dịch và sản xuất phù hợp, không nằm trong vùng dịch thì có thể được xem xét hoạt động bình thường trở lại.

Không chỉ coi mỗi người dân là “chiến sĩ”, địa phương là “pháo đài” chống dịch. Hãy coi mỗi người lao động cũng là một “chiến sĩ”, và mỗi doanh nghiệp lại là một “pháo đài”. Nếu thực hiện tốt việc này, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo duy trì được sản xuất kinh doanh, mà còn giúp Chính phủ trong công tác phòng chống dịch.

Ví dụ, một doanh nghiệp có 10.000 lao động, nếu họ được tiếp cận với những phương pháp phòng chống dịch hiệu quả được tuyên truyền từ doanh nghiệp, thì người thân, gia đình, bạn bè của họ cũng sẽ được tuyên truyền phương pháp chống dịch an toàn, con số này không chỉ dừng ở 10.000 người mà có thể lên đến 20.000 – 50.000 người. Ông Thân Đức Việt cho biết, hiện nay, ngay tại May10 cũng đang triển khai tốt việc tuyên truyền phương án phòng chống dịch đến từng người lao động.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên