MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19

03-01-2021 - 10:27 AM | Doanh nghiệp

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19

Cuối năm 2019, việc đàm phán cho vòng gọi vốn mới của Beta Cineplex vừa hoàn tất, kế hoạch phát triển và nhân sự cũng đã sẵn sàng. Mọi việc có vẻ diễn ra rất suôn sẻ đối với chuỗi rạp chiếu phim giá rẻ này cho đến khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 1.

- Trong năm 2020, chuỗi rạp phim Beta Cineplex của ông công bố gọi vốn thành công 8 triệu USD từ quỹ ngoại với mức định giá 1.000 tỷ đồng. Thực tế thương vụ này đã hoàn tất trước hay sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra?

- Đây là lần thứ ba Beta Media thuộc Beta Group gọi vốn. 2 lần đầu không gặp sự cố gì cả, riêng lần thứ ba này đúng đợt dịch Covid-19. Thực tế, chúng tôi đã bắt đầu các hoạt động gọi vốn cách đó gần một năm. Các việc đàm phán, thương thảo đã xong hết thì Covid-19 đến. Mọi thứ khựng lại và tưởng chừng như không thể làm được nữa.

Rất may, nhà đầu tư của Nhật Bản là những người rất giữ uy tín. Bên cạnh đó thì cộng sự của tôi và cả công ty đều rất quyết tâm với những kế hoạch đã đặt ra. Vì vậy, chúng tôi vẫn có những cách khéo léo để thuyết phục nhà đầu tư rằng dù Covid-19 có xảy ra, mọi thứ cuối cùng vẫn sẽ trở lại bình thường. Chúng tôi cũng chỉ ra cho họ thấy với những gì Beta Media đã làm được và sẽ làm được, đây vẫn là một khoản đầu tư hợp lý.

Cuối cùng mọi thứ vẫn được thực hiện theo đúng cam kết, nhà đầu tư không thay đổi thông tin hay định giá gì cả. Đây cũng là lần tôi thấy được sự uy tín của các nhà đầu tư Nhật thể hiện rất rõ ràng.

- Rạp chiếu phim là một trong những lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng rất lớn khi dịch bệnh diễn ra. Có khi nào nhà đầu tư có ý định cân nhắc lại chuyện rót vốn cho Beta Cineplex?

- Thực tế, nhà đầu tư có đề cập đến việc thay đổi một số điều khoản, bao gồm cả việc điều chỉnh định giá. Nhưng sau quá trình thương thảo đồng thời bên tôi chấp nhận phương án giải ngân chậm, chia ra thành từng đợt, mỗi tháng một lần, nhà đầu tư đã giữ mức định giá cũ.

Chúng tôi đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp phòng bệnh cho khách hàng, đồng thời lên kế hoạch điều chỉnh cách sử dụng dòng tiền sao cho hợp lý để đảm bảo sự sống cho doanh nghiệp và tiếp tục phát triển trong tương lai. Qua những động thái đó, nhà đầu tư dần tự tin hơn và giải ngân như hai bên thỏa thuận.

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 2.

- Khi nhà đầu tư đề nghị hạ định giá, họ có đưa ra một con số cụ thể?

- Khi họ đưa ra đề xuất đó chúng tôi đã ngay lập tức nói "Không" và không chấp nhận đàm phán về việc này. Kinh nghiệm của tôi là nếu mình tham gia vào một cuộc đàm phán thì câu chuyện đó sẽ xảy ra. Nếu ngay từ đầu mình đã rõ ràng và cứng rắn rằng điều đó là không thể thì họ sẽ phải tìm một phương án khác. Chúng tôi tìm cách để hài hòa cả hai bên - đó chính là việc giải ngân chậm. Đây không phải vấn đề quá lớn với chúng tôi nhưng là cơ hội cho họ có niềm tin hơn vào mình.

Tôi nghĩ rằng đối tác Nhật có tầm nhìn dài hạn, không phải họ không biết rằng Covid-19 sẽ qua. Thời gian đó, có thể họ chỉ lo lắng rằng doanh nghiệp khó khăn quá, nếu họ đầu tư hết vào mình thì mình sẽ mang tiền sang một doanh nghiệp khác. Chúng tôi phải thể hiện cho họ thấy chúng tôi là những người làm ăn rất uy tín và đã 2 lần gọi vốn thành công từ những đơn vị uy tín rồi.

Từng bước qua các đợt giải ngân, chúng tôi cũng cung cấp các thông tin, kế hoạch phát triển để họ giữ vững niềm tin. Qua biến cố đó, mối quan hệ giữa hai bên trở nên khăng khít hơn. Như người ta nói là "trong nguy luôn có cơ", qua sự việc như vậy tôi thấy tin tưởng đối tác của mình hơn và họ cũng vậy.

- Ông có mất nhiều thời gian để thuyết phục nhà đầu tư?

- Chúng tôi cũng mất vài tuần, cực kỳ căng thẳng vì không biết mọi thứ sẽ đi về đâu. Trong bối cảnh Covid-19 như vậy, nếu việc giải ngân không diễn ra đúng thời gian, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

- Lúc đó ông cảm thấy như thế nào?

- Tôi stress đến mức từng nghĩ mình sẽ mất hết, doanh nghiệp không thể sống nổi vì lúc đó dòng tiền rất căng thẳng, mọi kế hoạch đều trông chờ vào việc rót vốn lần này. Dịch Covid-19 khiến các rạp chiếu phim phải đóng cửa trong một thời gian dài. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần là có thể sẽ phải làm mọi thứ lại từ đầu. Có thể nói đây là lần căng thẳng nhất kể từ khi tôi khởi nghiệp với Beta Cineplex.

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 3.

- Trong bối cảnh Covid-19, ngay cả những "ông lớn" trong ngành chiếu phim cũng lao đao, còn với một startup như Beta Cineplex, những khó khăn phải đối mặt là gì?

- Các rạp chiếu phim phải đóng cửa một thời gian vì Covid-19 và ngay cả khi mở cửa, khách cũng không ngay lập tức quay trở lại. Bên cạnh đó, nguồn phim ở Mỹ bị hạn chế, nhiều bộ phim phải hoãn lịch chiếu, doanh thu của chúng tôi sụt giảm nghiêm trọng. Tổng doanh thu năm 2020 ước tính chỉ bằng 1/3 so với năm 2019.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những biện pháp để giảm thiểu chi phí, đàm phán với các đối tác để điều chỉnh chi phí thuê mặt bằng, giãn công nợ. Doanh thu đã bắt đầu hồi phục, vấn đề còn lại là nguồn phim. May mắn là việc nghiên cứu vaccine Covid-19 đang cho những tín hiệu rất tích cực.

Tôi hy vọng một thời gian ngắn nữa các phim của Hollywood sẽ được chiếu trở lại. Lúc đó, nhiều phim hay tràn về, người dân hào hứng quay lại rạp, đây sẽ là cơ hội tốt cho các rạp chiếu phim tăng doanh thu.

- Cụ thể, việc đàm phán với những nơi cho thuê mặt bằng đã diễn ra ra sao?

- Khi đàm phán, điều quan trọng là chỉ ra cho họ thấy vấn đề của mình. Rõ ràng là chúng tôi và bên cho thuê đều cần nhau, vì vậy chỉ cần 2 bên cung cấp đủ thông tin và có những chia sẻ phù hợp thì mối quan hệ có thể kéo dài.

Trong mọi cuộc đàm phán, tôi luôn nghĩ đến việc làm thế nào để cho miếng bánh lớn hơn, đừng nghĩ mọi cuộc đàm phán là anh được thì tôi mất và ngược lại. Chúng tôi luôn tìm những lựa chọn để 2 bên cùng được lợi nhiều hơn. Chẳng hạn như việc giảm tiền thuê nhà và gia hạn hợp đồng, 2 bên cùng "win-win".

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 4.

- Việt Nam hiện nay có rất nhiều rạp chiếu phim, làm thế nào để hệ thống của ông cạnh tranh với các rạp lớn khác?

- Chúng tôi tạo cho mình một nhóm khách hàng riêng. Tính trung bình thì giá vé của Beta vẫn rất cạnh tranh so với các chuỗi khác. Chúng tôi khác biệt từ cách chọn đặt rạp chiếu phim - không phải ở những trung tâm thương mại đắt đỏ cho đến cách xây dựng văn hóa mô hình kinh doanh của mình.

Tại rạp của Beta, chúng tôi dùng những câu nói ngộ nghĩnh thay vì những cụm từ thông thường như "ticket box" hay "popcorn". Tôi muốn "break" những cái khung mà trước giờ mình vẫn nghĩ là phải như vậy mới đúng và tạo ra những cái phá cách hơn.

- Tiêu chí để lựa chọn một địa điểm để đặt rạp chiếu phim của ông là gì?

- Tôi không nghĩ nhiều về đối thủ. Tôi thường chỉ nghĩ đến khách hàng của mình là ai và có thể làm gì để có thể phục vụ họ tốt nhất. Khi mở cụm rạp của Beta, chúng tôi tập trung vào nhóm khách hàng mình đã xác định và cố gắng trả lời câu hỏi với đối tượng đó, thu nhập như vậy, hành vi tiêu dùng như thế họ thường tập trung ở đâu nhất và có nhiều lựa chọn chưa. Khách hàng của chúng tôi khi xem phim họ xác định là đi xem phim chứ không phải vào trung tâm thương mại rồi tiện xem phim. Họ cần những nơi thuận tiện, đến nơi có thể gửi xe và vào xem phim xong về.

- Hiện nay, các rạp chiếu phim của ông hoạt động ra sao?

- Trước Covid-19, chúng tôi có 12 rạp trên cả nước, hiện nay là 14. Dù Covid-19 chúng tôi vẫn mở rộng vì đã có kế hoạch từ trước, sau khi nhận được nguồn vốn, lại tiếp tục đầu tư thêm những cụm rạp mới. Chúng tôi nghĩ rằng Covid-19 rồi sẽ qua, việc mình đầu tư mô hình như vậy là dài hạn.

Ban đầu chúng tôi cũng tính đến chuyện cắt giảm nhân sự nhưng tôi nghĩ rằng, lúc không nhận được tiền đầu tư là căng thẳng nhất. Nếu không nhận được tiền chắc chắn là tôi phải sa thải rất nhiều nhân sự vì không biết doanh nghiệp có thể sống hay không.

Khi nhận được vốn đầu tư, chúng tôi không có bất kỳ một động thái nào như giảm lương hay sa thải nhân sự vì thứ nhất tài chính đã đảm bảo, thứ hai chúng tôi cũng muốn xây dựng sự tin cậy giữa nhân sự và doanh nghiệp.

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 5.

- Các nhà đầu tư Nhật Bản hỗ trợ công ty của ông như thế nào trong giai đoạn khó khăn?

- Hỗ trợ lớn nhất chắc là về tiền (cười). Họ giải ngân theo từng đợt và mình tiếp tục có nguồn tiền để đầu tư cho sự phát triển của công ty. Ngoài ra, những nghiên cứu, thông tin về ngành cũng được họ liên tục được cập nhật, chia sẻ. Những kế hoạch kinh doanh mới của Beta Group cũng sẽ tiếp tục được chia sẻ với họ và biết đâu từ đó sẽ có những thương vụ hợp tác mới.

- Ngoài việc thuyết phục nhà đầu tư tiếp tục rót vốn, công ty ông có chiến lược gì đặc biệt để vượt qua Covid-19?

- Thật ra nói chiến lược thì hơi to tát. Theo tôi, với bất kỳ doanh nghiệp nào điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là tiếp tục tồn tại. Chúng tôi xác định rõ ràng việc mình có thể kiểm soát được và không kiểm soát được. Những việc không thể kiểm soát được như rạp phải đóng cửa, nguồn phim không có... thì gạt sang một bên. Những stress, suy nghĩ tiêu cực thì cũng cố gắng gạt nó đi.

Sau đấy nhìn lại những thứ mình có thể kiểm soát như tối ưu chi phí, đàm phán với chủ mặt bằng, làm việc với nhân viên, với nhà đầu tư... Nếu không mình sẽ bị sa vào vòng stress và không biết phải làm gì, thậm chí cáu gắt với nhân viên...

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 6.

- Giả sử Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, startup của ông sẽ làm gì?

- Tôi đã tính đến trường hợp đó. Chiến lược của chúng tôi là tiêu ít, mở rộng vừa phải, vừa làm vừa xem tình hình. Với số vốn hiện nay có thể cầm cự trong ít nhất 2 năm, thậm chí là 3 năm vẫn sống sót được.

Tôi luôn đưa ra các chiến lược hoặc quyết sách dựa trên những thông tin tốt nhất mà mình có được. Thông tin tốt nhất ở thời điểm này là Covid-19 đang có những dấu hiệu tích cực nhưng rủi ro vẫn còn đó, cách mình sử dụng nguồn vốn và tổ chức sẽ có sự thận trọng nhất định.

Nếu không có Covid-19, với số vốn nhận được lớn như vậy, có thể chúng tôi sẽ đầu tư rất mạnh và nhanh. Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư nhưng thận trọng hơn. Qua đợt Covid-19 này chúng tôi tạo ra được một tổ chức mới là Beta Group. Chúng tôi có thêm một vài ngành phụ trợ để đi cùng ngành chính của Beta Media như giáo dục và dịch vụ nhà ở. Những ngành mới sẽ bổ trợ qua lại cho Beta Media với những nhóm khách hàng khá tương đồng, phục vụ mục đích chung.

- Tại sao lại là giáo dục và dịch vụ nhà ở mà không phải ngành nào khác?

- Tôi đã nghiên cứu, nghiền ngẫm về mô hình giáo dục từ lúc về nước nhưng phải chọn điểm rơi thích hợp. Với những gì học được ở Harvard, tôi thấy mình thay đổi thành một người khác hẳn. Vì vậy, tôi vẫn luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để mang được những giá trị tương tự đến nhiều người Việt Nam vì rõ ràng là không phải ai cũng có cơ hội đi nước ngoài du học và được học ở môi trường như tôi đã trải qua.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng bản thân mình cũng phải có một chút thành tựu thì làm mới dễ, nếu mình vẫn chưa làm được gì thì khó để hướng dẫn cho người khác. Covid-19 là thời điểm tôi cảm thấy rất phù hợp. Còn mảng kia về proptech - ứng dụng công nghệ vào bất động sản. Đó là một startup trong Beta Group.

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 7.

- Được biết trước Beta Group, ông từng khởi nghiệp với chuỗi bánh ngọt DOCO Donuts & Coffee. Lý do gì khiến ông bán đi startup này?

- Thời điểm đó tôi còn khá trẻ. Khi chuỗi mở được 6 địa điểm, tôi nhận thấy mô hình kinh doanh này đã gần "hết mốt". Bên cạnh đó, tôi cũng thấy năng lực quản trị và tầm nhìn của mình còn hạn chế, cần nâng cao nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục giữ startup đó thì cũng không biết phát triển như thế nào. Tôi muốn ra nước ngoài học hỏi thêm.

Lúc đó, không phải tôi bán toàn bộ doanh nghiệp, mà thanh lý từng địa điểm, cuối cùng cũng giữ lại được một số vốn. Sau khi du học MBA về nước, tôi vẫn có khoảng 5 tỷ đồng để khởi nghiệp chuỗi rạp chiếu phim.

- Từ đâu ông có quyết định xây dựng một chuỗi rạp chiếu phim tại Việt Nam?

- Có khá nhiều yếu tố để tôi cân nhắc. Từ trước đến giờ tôi vẫn rất quan tâm đến các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật, truyền thông. Tôi cũng nghĩ rằng các ngành như truyền thông, giải trí và giáo dục có thể tác động tích cực đến xã hội nếu mình làm đúng. Về khía cạnh đầu tư, lúc đó CJ mua lại MegaStar với định giá rất cao. Đó là tín hiệu cho tôi thấy đây là một thị trường tiềm năng.

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 8.

- Khi startup có bao giờ ông nghĩ đến việc ngành chiếu phim sẽ lao đao vì một cuộc khủng hoảng tương tự như Covid-19?

- Tôi không hề nghĩ đến và cho rằng hầu hết mọi người cũng không lường trước được chuyện này. Đây cũng là bài học cho mình thấy rằng trên đời không có điều gì không thể xảy ra và trong kinh doanh cần cố gắng kiểm soát rủi ro tốt nhất có thể. Một bài học khác là nếu điều tệ nhất xảy ra, mọi thứ nằm ngoài vòng kiểm soát thì đó cũng là thực tế cuộc sống, mình phải chấp nhận sự thật đó.

- Từng bán đi một startup, ông có nghĩ trong trường hợp khó khăn quá sẽ bán đi Beta Cineplex?

- Tôi nghĩ rằng việc này còn tùy thuộc vào tình thế. Để bán hay thoái vốn một phần doanh nghiệp cần cân nhắc rất nhiều yếu tố nhưng trong kinh doanh không gì là không thể. Nếu có thể tạo ra một mô hình kinh doanh có nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng thì không có lý do gì để nói "Không".

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 9.

- Từ kinh nghiệm của bản thân, ông thấy giữa việc đi làm thuê và startup có gì giống và khác nhau?

- Tôi nghĩ cái gì cũng có cái tốt, cái xấu. Đi làm cho doanh nghiệp bạn sẽ có một cái khung để làm mọi thứ một cách bài bản. Cá nhân tôi là một người thích sự kiến tạo, tôi muốn thay đổi những cái form định sẵn và tạo ra những sản phẩm mới, vì vậy tôi chọn khởi nghiệp. Sẽ chẳng có gì sai nếu bạn đi làm thuê, điều quan trọng là chọn được điều phù hợp với từng giai đoạn trong cuộc sống của bạn. Không nhất thiết phải khởi nghiệp bằng mọi giá.

- So với các bạn trẻ startup khác, ông có vẻ "showbiz" hơn. Ông thấy điều này thuận lợi hay bất lợi cho quá trình khởi nghiệp của mình?

- Có thể nói tôi là con người lai giữa nghệ thuật và kinh doanh. Tôi thấy điều này rất có lợi vì giúp mình suy nghĩ phóng khoáng, tự do trong quá trình tư duy. Bên cạnh đó, tôi cũng có được những kết nối hay mối quan hệ mà một người kinh doanh bình thường nhiều khi rất khó để có. Khi mình tiếp xúc với nhiều môi trường, con người và trải nghiệm khác nhau, đó sẽ là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng mới lạ, độc đáo.

Điều quan trọng khi làm kinh doanh hay việc gì đi chăng nữa nên tập trung vào những điều mình thật sự quan tâm và phát triển hết tiềm năng. Như vậy, bản thân bạn sẽ thấy vui vẻ và truyền được năng lượng tích cực đến những người xung quanh.

CEO Minh Beta: Nhà đầu tư cân nhắc lại việc rót vốn, tôi từng nghĩ sẽ mất hết vì Covid-19 - Ảnh 10.

- Xung quanh câu hỏi "Có nên theo đuổi đam mê?" luôn có 2 quan điểm đối lập. Một bên ra sức cổ vũ giới trẻ làm những điều mình thích cho dù thất bại. Bên còn lại khuyến khích bạn chọn một công việc tốt, kiếm được nhiều tiền... Ông nghĩ sao?

- Chúng ta hãy nhìn câu chuyện như thế này nhé: Nếu ai đó từ bỏ tất cả để theo đuổi một thứ họ nghĩ là đam mê và rồi thất bại thì đúng là đam mê của họ và họ phải trả giá. Tôi chỉ hy vọng đam mê đó đủ lớn để họ thấy rằng những cái giá phải trả là hợp lý.

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn phải đưa ra rất nhiều lựa chọn, không có lời khuyên chính xác nào cho việc bạn nên tỉnh táo hay theo đuổi đam mê. Đây là lựa chọn của mỗi người, miễn là bạn hiểu rằng mỗi lựa chọn đều có cái giá của nó và khi đã chấp nhận thì không nên sợ thất bại nữa.

- Nếu thử tưởng tượng, ông nghĩ 5 năm tới Beta Group và cả Minh Beta sẽ đứng ở đâu?

- Tôi hy vọng sẽ tạo dựng ra các mô hình doanh nghiệp mới tương tự những gì Beta Media đã làm được. Tôi không muốn nói đến quy mô doanh nghiệp mà là sức ảnh hưởng khi tạo ra các sản phẩm dịch vụ tốt cho khách hàng, đồng thời tạo dựng ra các thế hệ leader mới – cho cả bên trong và bên ngoài Beta Group. Thế hệ leader này sẽ có niềm tin vào bản thân, theo đuổi đam mê của họ với nhiều kỹ năng và kiến thức hơn, không theo đuổi đam mê một cách mù quáng nữa.


Bài: Diệu Tuyết Thiết kế: Bảo Linh

Người đồng hành

Trở lên trên