MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Monkey Junior: Tôi đã "đốt" 10 tỷ, phải rao bán nhà để khởi nghiệp

28-05-2016 - 14:00 PM | Doanh nghiệp

Nhiều người nói tôi khá liều lĩnh nhưng suy nghĩ của tôi là "được ăn cả ngã về không", và đó cũng là cách làm để tôi kích thích bản thân và các thành viên khác. Thậm chí, vợ tôi còn giận và không nói chuyện 2 ngày nhưng tôi vẫn quyết định dứt áo và thành lập công ty này, vì tôi tin vào khả năng thành công của mình.

Monkey Junior của Đào Xuân Hoàng trở thành công ty khởi nghiệp của Việt Nam được chọn vào vòng chung kết cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech-I 2016) được tổ chức tại thung lũng Silicon (Mỹ).

Được biết, đây là đại diện duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham gia thi đấu trong vòng chung kết tại thung lũng Silicon.

Chào Đào Xuân Hoàng, anh có thể giới thiệu về ứng dụng Monkey Junior?

Monkey Junior là một trong những chương trình học tiếng Anh, đang có trên chợ ứng dụng App Store và Google Play. Chương trình có thể áp dụng với các bé từ 4, 5 tháng tuổi cho đến các bé mẫu giáo và tiểu học.

Cụ thể hơn, Monkey Junior chú trọng đầu tư vào phương thức truyền đạt để tạo tính vui vẻ, hấp dẫn trẻ nhỏ cho mỗi bài học. Sử dụng một kho dữ liệu đa phương tiện khổng lồ lên tới hàng chục nghìn hình ảnh, video và âm thanh kết hợp với các trò chơi tương tác.

Ý tưởng từ đâu mà anh xây dựng ứng dụng này?

Sau khi tốt nghiệp ngành CNTT theo học bổng Chính Phủ Australia năm 2008, tôi trở về nước cùng cộng sự lập ra công ty phần mềm và thương mại điện tử BH Media, trong đó có trang Vietbao.vn.

Công ty cũng phát triển tốt với gần 100 nhân viên, lương thưởng thu nhập cao nhưng công việc ổn định khiến tôi cảm thấy nhàm chán. Tôi muốn làm một cái gì đó có tính thử thách, đột phá hơn, mang lại giá trị cao và rộng khắp cho xã hội

Cho đến năm 2011, từ khi gia đình có thêm một thành viên mới, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu về các phương pháp giáo dục sớm cho các bé từ 0 – 6 tuổi (qua sách vở, chuyên gia cùng quá trình áp dụng thực tế), và đã nhận thấy được giá trị tuyệt vời đối với sự phát triển của trẻ.

Và sau một thời gian dài ấp ủ và tìm hiểu, tháng 6 năm 2014, tôi bắt tay vào nghiên cứu và đến tháng 10/2014, Monkey Junior đã ra bản beta.

Đến năm 2015, Monkey Junior chính thức ra đời.

Thật khó để Startup thành công ở Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, đã không ít dự án trước đó thất bại và quay trở lại làm offline. Quá trình xây dựng Monkey Junior của anh chắc chắn gặp nhiều khó khăn?

Đúng thế. Tôi đã mất khoảng 3-4 tháng đầu mày mò cách thức, tìm hiểu về phương pháp làm apps, xây dựng nội dung nhưng khi bắt tay vào làm thì gặp nhiều bài toán khó giải, cũng không ít lần đập xong rồi lại làm lại. Đó cũng là khoảng thời gian các cộng sự của tôi uể oải nhất.

Giai đoạn đó cũng ngốn nhiều tiền nhất của tôi. Tính đến nay, để nuôi sống được Monkey Junior, tôi đã bỏ tiền ra trên 10 tỷ đồng. Và tôi tiếp tục rao bán nhà để tập trung vốn cho dự án của mình.

Nhiều người nói tôi khá liều lĩnh nhưng suy nghĩ của tôi là "được ăn cả ngã về không", và đó cũng là cách làm để tôi kích thích bản thân và các thành viên khác.

Thậm chí, vợ tôi còn giận và không nói chuyện 2 ngày nhưng tôi vẫn quyết định dứt áo và thành lập công ty này, vì tôi tin vào khả năng thành công của mình. Trước đó, tôi đã từng làm Startup và lãnh đạo hơn 100 người cơ mà?

Vậy thì đến nay, thành công của anh được đong đếm bằng gì?

Monkey Junior đã khá phổ biến tại Mỹ, thường xuyên lọt Top 100 ứng dụng giáo dục được tải nhiều nhất.

Tính đến nay, đã có hơn nửa triệu người cài đặt. Trong đó, người dùng chủ yếu đến từ Mỹ, chiếm khoảng 43%. Người Việt Nam cài đặt chiếm khoảng 10-20%. Còn lại là đến từ các nước khác.

Đặc biệt, cô con gái 4 tuổi của tôi hiện nay đã nói tiếng Anh trôi chảy như tiếng Việt.

Phải chăng anh chưa chú trọng đến thị trường Việt Nam? Hay do tâm lý người Việt chưa sẵn lòng bỏ tiền ra đề cho con được học trực tuyến?

Có hai lí do. Thứ nhất, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến, dễ dạy và thị trường rộng hơn. Còn tiếng Việt tất cả chương trình dạy gần như không có, nếu có chỉ là dạy đơn giản, tiếng Việt trên thế giới chỉ có người Việt học hoặc người Việt hải ngoại học mà thôi.

Mà "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", nên tôi muốn thành công ở lĩnh vực tiếng Anh, sau đó lấy kinh nghiệm và tiền đề để phát triển sang tiếng Việt.

Thứ hai, cũng có thể ở VN tâm lý mua phần mềm chưa hình thành văn hóa, vẫn thích dùng miễn phí. Nhưng một người mẹ luôn muốn làm điều tốt nhất cho con. Nên, thời gian tới tôi sẽ tập trung làm cả phần mềm học tiếng Việt.

Anh đánh giá thế nào về đối thủ của mình trên thị trường?

Đó không phải là áp lực của tôi lúc này. Bởi khách quan mà nói, tôi cũng đã từng dùng rất nhiều chương trình khác nhau, thậm chí gửi mua bên Mỹ có giá gần chục triệu nhưng không cảm thấy hài lòng. Đa số những phần mềm này rất khó áp dụng được với tất cả mọi người vì chưa có tính hệ thống, toàn diện ở nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Còn ở Việt Nam, nhiều chương trình hay nhưng giá thành cao, nội dung chưa phong phú, thiếu hoàn thiện về nội dung, gây sự nhàm chán cho bé.


Từng làm ông chủ một công ty, Đào Xuân Hoàng đã từ bỏ để khởi nghiệp lần 2 (ảnh nhân vật cung cấp)

Từng làm ông chủ một công ty, Đào Xuân Hoàng đã từ bỏ để khởi nghiệp lần 2 (ảnh nhân vật cung cấp)

Được biết Monkey Junior vừa lọt top 15 Startup thế giới vào vòng chung kết cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech-I 2016) được tổ chức tại thung lũng Silicon (Mỹ), anh kỳ vọng gì vào cuộc thi này?

GIST Tech-I 2016 là cuộc thi sáng kiến toàn cầu được khởi xướng bởi chính phủ Mỹ, năm nay được tổ chức dưới sự chủ trì của tổng thống Mỹ B.Obama cùng nhiều quan chức hàng đầu của các nước tại Silicon Valley nhằm chọn ra những công ty về công nghệ có giá trị cộng đồng cao. Cuộc thi thu hút rất nhiều các công ty công nghệ trên toàn thế giới tham dự với tổng cộng trên 1000 hồ sơ đến từ hơn 100 quốc gia.

Khi đăng ký dự thi, tôi cũng chỉ đơn giản là muốn thử thách một sân chơi mới, học hỏi kinh nghiệm từ các Startup đã thành công. Nhưng thật vui đã lọt top 15 Starup vào vòng Chung kết.

Tôi không đặt nặng giải thưởng, tôi hi vọng nhiều hơn vào cơ hội được training nhiều với nhà đầu tư lớn, có tên tuổi, có nhiều kiến thức kinh nghiệm trên thị trường.

Hẳn là một tin vui, đã có nhà đầu tư nào ngỏ ý với anh chưa?

Tôi chưa có ý định tìm nhà đầu tư. Bởi quan điểm của tôi Startup giáo dục phải đầu tư lâu dài. Mà kỳ thực thì chạy đầu tư mất nhiều thời gian lắm nên tôi vẫn muốn tập trung vào làm sản phẩm tốt. Một khi sản phẩm tốt thì nhà đầu tư sẽ tự tìm đến mình.

Nếu định giá Monkey Junior thì chắc chắn con số tiền phải là từ 7 chữ số trở lên vì tôi đã đổ quá nhiều tiền và công sức cũng như tiềm năng của dự án.

Tuy nhiên, nếu có người hỏi mua thì 1 triệu đô tôi cũng không bán.

Hãy coi đó là bước thành công ban đầu và chia sẻ kinh nghiệm của anh cho các dự án khởi nghiệp giáo dục?

Ở Việt Nam, nhiều người Startup về giáo dục nhưng chưa thực sự hiểu về giáo dục. Họ có đam mê nhưng không có trải nghiệm. Đã từng có những Starup thất bại, quay về làm offline như mở lớp dạy học, hoặc làm ở công ty này công ty khác.

Như vậy, quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm của mình, phải làm cho người dùng hài lòng, chứ đừng như một vài Startup làm sản phẩm ra rồi thuê người nổi tiếng chỉ để lấy danh.

Và thứ hai là đầu tư. Các bạn có thể tích lũy kiến thức, kinh nghiệm tốt nhưng nên biết tiêu tiền phù hợp, cái gì đúng và cần thì tiêu chứ đừng hào nhoáng quá, không cần thiết. Khi chưa kiếm ra tiền nên tiêu một cách chọn lọc.

Startup giáo dục tốn kém nhưng có thể tiết kiệm những cái có thể. Cố gắng dồn tiền bạc phát triển sản phẩm nội dung tốt thì nhà đầu tư sẽ tìm đến thôi.

Cuối cùng, mục tiêu trong tương lai của anh là gì?

Mục tiêu trong tương lai của tôi là sẽ phát triển Monkey Junior thành ứng dụng giáo dục hàng đầu thế giới giúp bé học ngoại ngữ và học đọc.

Ngoài ra, tôi dự định kết hợp với các tổ chức và trường mầm non nhằm đưa sản phẩm vào giáo trình học của trẻ, giúp trẻ tiếp cận sớm với tiếng Anh và các ngôn ngữ khác một cách thuận tiện với chi phí rẻ nhất, để trẻ nào cũng có thể theo học, đặc biệt là ở những nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Hiện tại chương trình đã hoàn thiện ngôn ngữ tiếng Anh Mỹ và Anh Anh; ngôn ngữ Pháp, Việt, Tây Ban Nha và Trung Quốc sẽ được hoàn thiện trong năm nay.

Xin cảm ơn anh!

Theo Thụy Du

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên