Ngân hàng số: Cần chú ý việc định danh khách hàng
Trao đổi về chính sách quy định và khung pháp lý trong dịch vụ thanh toán số, ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng quan trọng nhất với ngân hàng số là định danh được khách hàng.
Ngày 25-3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Tương lai Chiến lược Ngân hàng số tại Việt Nam"
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam và Chủ tịch EY Consulting VN, cho biết đến năm 2025, dự kiến khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới. Xu hướng số phổ biến là trên các phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp & SME trên toàn cầu và trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam
Khảo sát về hiện trạng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam cho thấy phần lớn các ngân hàng tham gia khảo sát đã triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số: 47% - 77,7% đã triển khai chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử. 41,2% kỳ vọng triển khai đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số.
"Đây là một mục tiêu khó vì khi khách hàng dùng điện thoại để mở tài khoản ngân hàng với e-KYC (định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử) khách hàng có thể chuyển tiền (có hạn mức) mà không cần đến quầy sau khi mở tài khoản với số chứng minh nhân dân và nhận diện trên điện thoại. Tuy nhiên, một số ngân hàng đang rất thận trọng vì các giải pháp e-KYC hiện nay có rủi ro xảy ra"- bà Dương đánh giá.
Phó tổng giám đốc EY Việt Nam kể trường hợp một ngân hàng có thời điểm trong 1 ngày có khoảng 3.000 tài khoản mới mở và có 5 triệu đồng cứ "chạy lòng vòng" giữa các tài khoản đó. Các kẻ gian trên mạng có khả năng tạo ra các công cụ để mở tài khoản tự động và chuyển tiền để kiểm tra xem mức độ chuẩn của mình khi mình mở tài khoản với e-KYC như thế nào.
Đồng quan điểm, trao đổi về chính sách quy định và khung pháp lý trong dịch vụ thanh toán số, ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng quan trọng nhất với ngân hàng số là định danh được khách hàng. Việc công an đang đổi CMND dưới dạng số hoá là cơ sở quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu này.
"Khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn chậm ban hành, mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như về chứng thực chữ ký số; xác định danh tính khách hàng; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính; bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng"- ông Hùng nói
Định hướng pháp lý trong thời gian tới, ông cho rằng cần sớm ban hành khung pháp lý, trong đó đặc biệt là định danh khách hàng trực tuyến (e-KYC) có giới hạn; các đại lý thanh toán dịch vụ phải thay đổi; chú trọng bảo mật thông tin khách hàng bảo vệ người tiêu dùng và các ngân hàng thương mại cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện.
Kiến nghị được sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Trao đổi về việc MobiFone tham gia chuyển đổi số lĩnh vực trung gian thanh toán với dịch vụ Mobile Money, ông Hoàng Sinh Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, nêu khuyến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế thử nghiệm Sandbox Fintech để mở đường cho các loại hình dịch vụ mới như P2P Lending,…
Đặc biệt, ông Trường nêu kiến nghị cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho thanh toán số, ngân hàng số: Đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào sử dụng, định danh khách hàng… để đỡ gian lận, rủi ro, phòng chống rửa tiền. "Doanh nghiệp có thể trả phí, vì để thực hiện việc này, nếu chỉ một mình doanh nghiệp thực hiện sẽ hết sức tốn kém"- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone nêu.
Số ATM: gần 20 ngàn chiếc; POS: khoảng 276 ngàn thiết bị; Số thẻ nội địa đang lưu hành 94 triệu, trong đó thẻ Quốc tế khoảng 17 triệu; Số lượng tài khoản đang lưu hành khoảng 100 triệu (nếu loại trừ thẻ lặp khoảng 80 triệu thẻ); Tổng số có 42 tổ chức trung gian cung ứng dịch vụ thanh toán; Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,5%.
Nguồn: SBV, 2020
Người lao động