CEO Phạm Đức: Trong “sân chơi” edtech Việt Nam trị giá hàng tỷ USD, Marathon Education định vị là điểm đến cho mọi nhu cầu học bổ túc K-12
Trở thành đơn vị thứ 7 tại Việt Nam nhận được đầu tư từ Y Combinator - vườn ươm startup hàng đầu thế giới hiện nay, Marathon Education xuất sắc trở thành một trong những startup đầu tiên tại Việt Nam gọi vốn thành công với hơn 1,5 triệu USD.
Marathon Education là nền tảng kết nối các giáo viên với học sinh sau giờ học chính trên trường, được sáng lập bởi anh Phạm Đức và anh Trần Việt Tùng. Trước khi gắn bó với nền tảng này, anh Phạm Đức là chuyên viên quản lý đầu tư tại TPG Capital, trong khi anh Trần Việt Tùng là đồng sáng lập hai dự án khởi nghiệp riêng gồm nền tảng công nghệ du lịch Triip.me và chuỗi khách sạn Christina’s.
Chia sẻ về cơ duyên đến với Marathon Education, anh Phạm Đức - một trong hai nhà sáng lập và hiện đang là CEO của thương hiệu cho hay: "Chúng tôi nhận thấy số lượng học sinh tham gia các lớp học sau giờ học ở Việt Nam là tương đối cao, chiếm tới gần 70% trên thực tế. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì thị trường này vẫn rất manh mún. Khi mà đa số các trung tâm học tập được mở tự phát bởi các cựu giáo viên trường công lập và thường chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Còn ở các vùng xa, ít thí điểm thì số lượng các trung tâm cũng hạn chế dù nhu cầu vẫn rất cao. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định xây dựng Marathon Education làm cầu nối cho học sinh trên toàn quốc."
Và dù mới xuất hiện tại Việt Nam trong một thời gian ngắn, đội ngũ Marathon Education đã nỗ lực kết nối các giáo viên giỏi thuộc Top 1% trên toàn quốc ở các môn Toán, Lý, Hoá, Văn… đến hàng ngàn học sinh. Bước tiến trên cho thấy tiềm năng phát triển vượt bậc của nền tảng trong việc thay đổi những trải nghiệm dạy và học, nhất là khi Việt Nam đang từng bước thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số vào trong giáo dục.
Trước đó, tại vòng gọi vốn vào tháng 8/2021, Marathon cũng xuất sắc trở thành một trong những startup đầu tiên tại Việt Nam gọi vốn thành công với hơn 1,5 triệu USD. Vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ gồm Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed SEA…
Nhắc đến lần gọi vốn thành công với Y Combination - "vành nôi" của hàng loạt công ty khởi nghiệp tên tuổi như Airbnb, Coinbase, Reddit, Stripe… với tổng giá trị đầu tư lên đến 300 tỷ USD, anh Đức bày tỏ: "Tôi rất vui vì các nhà đầu tư đang quan tâm đến tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường giáo dục Việt Nam cũng như Marathon Education. Có thể nói, dù đã và đang có rất nhiều công ty edtech hoạt động nhiều năm qua, tỷ lệ thâm nhập trực tuyến của giáo viên K-12 tại Việt Nam hiện cũng chỉ vào khoảng 2%. Và đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác mạnh mẽ khiến khách hàng cởi mở hơn với việc học trực tuyến".
Tuy là "tân binh" nhưng với sự tận tụy, công ty đã ghi dấu rất tốt với bậc phụ huynh và học sinh. Minh chứng là dù mới ra mắt được 3 tháng, nền tảng đã có hàng nghìn người tham gia và số lượng học viên đăng ký cho các khóa học mới cũng ngày một tăng nhanh.
"Giờ đây, chúng tôi rất vui khi có được nguồn vốn mới để tiếp tục xây dựng những sản phẩm tối ưu cho người dùng. Đặc biệt, Marathon Education thực sự tự hào vì đã trở thành công ty edtech Việt Nam duy nhất trong chương trình cạnh tranh của Y Combinator – đơn vị từng đầu tư vào những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Reddit, Coinbase, Stripe, Airbnb...", anh Phạm Đức nói.
Với số tiền thu được, công ty dự kiến sẽ chi phần lớn để cải thiện trải nghiệm học tập trên nền tảng. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh của thương hiệu so với các đối thủ khác hiện nay (chỉ thực hiện những nội dung video ghi sẵn), còn học trên nền tảng Marathon Education, học viên sẽ được tương tác và trao đổi trực tiếp bằng hình thức livestream 100% với các giáo viên.
Anh Đức khẳng định: "Marathon Education đã và đang tiếp tục cố gắng cung cấp trải nghiệm trực tuyến tốt nhất cho khách hàng vì chúng tôi tin rằng tương lai của việc học bổ túc sẽ là 100% trực tuyến và Covid-19 chính là yếu tố đầu tiên giúp phụ huynh/học sinh nhận ra điều này. Bên cạnh việc học tại trường - nơi mà học sinh có thể tập thể thao, giao lưu với bạn bè thì học thêm cũng một trong những giá trị cần thiết với học sinh. Do đó, thương hiệu định vị mình sẽ là "điểm đến" cho mọi nhu cầu học bổ túc của học sinh K-12 tại Việt Nam".
Bên cạnh trải nghiệm trên nền tảng, Công ty cũng chú trọng vào khâu lựa chọn các giáo viên Top 1%. Tức, tất cả giáo viên tại Marathon đều phải có kinh nghiệm tối thiểu 10-20 năm dạy kèm học sinh (ngoài kinh nghiệm làm giáo viên ở các trường công lập) và đạt được số lượng 200 học sinh theo học/năm trước Covid-19. Đặc biệt, Công ty còn tăng cường tuyển dụng những gương mặt giáo viên có tiếng và quen thuộc với các bạn học sinh hiện nay. "Điều này tạo sự khác biệt giữa chúng tôi với những người chơi khác trên thị trường – các bên ưu tiên tuyển dụng các giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm hơn", CEO cho biết thêm.
Thời gian tới Marathon chủ trương tập trung vào chất lượng các chương trình học. Khác với một số nền tảng khác, công ty sẽ chỉ giữ lại các môn chủ đạo như Toán, Hoá học, Vật lý, Văn học, trong đó mỗi môn chỉ có một giáo viên miền Nam và một giáo viên miền Bắc. Với sự chắt lọc này, đội ngũ sáng lập kỳ vọng sẽ tăng cường chất lượng trải nghiệm học tập tốt nhất cho cả phía cung và cầu.
Tựu chung, thị trường edtech Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh với quy mô vào khoảng 3 tỷ USD. Dự kiến 5 năm tới, quy mô thị trường này tại nước ta thậm chí vươn lên hàng Top của khu vực, vượt qua Singapore và Indonesia. Trong sân chơi ấy, Marathon Education đặt tham vọng là "điểm đến" cho mọi nhu cầu học bổ túc cho học sinh K-12 tại Việt Nam. Để thực hiện hoá lộ trình, CEO Phạm Đức cho biết Công ty sẽ tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư mở rộng trong tương lai.