CEO Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh: Muốn thành công thì người khởi nghiệp phải có ĐỘ CHÍN nhất định - về năng lực, kiến thức, kinh nghiệm và tài chính
"Có rất nhiều điều mà người khởi nghiệp phải chuẩn bị, quan trọng nhất là phải hiểu đúng và rõ về bản thân mình. Nếu muốn khởi nghiệp thành công thì bạn phải là người từ tế", CEO Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh bày tỏ.
Từng đảm nhiệm cùng lúc nhiều cương vị cấp cao ở các công ty lớn, được mệnh danh là "Người hùng ngành gas", từng kiếm 1,2 triệu USD ở tuổi 35, thế nhưng ông Nguyễn Tuấn Quỳnh bất ngờ chuyển hướng sang đào tạo, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ startup và bắt tay khởi nghiệp ở tuổi 44. Một chiều cuối năm Nhâm Tý, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với vị doanh nhân tuổi Tý này về câu chuyện viết một chương mới của sự nghiệp, ở một lĩnh vực không mấy dễ dàng ở Việt Nam - kinh doanh sách.
Suốt 25 năm tham gia vào thị trường, đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản, vàng, ngoại hối (forex) và cũng đạt được những thành tựu nhất định, thậm chí từng giữ những chức vụ rất cao tại các tập đoàn, công ty lớn, tại sao anh quyết định rẽ sang ngành sách?
Tôi có 11 năm làm việc tại doanh nghiệp nhà nước, 11 năm làm việc tại các công ty cổ phần lớn với các lĩnh vực liên quan tới ngành xăng dầu, gas, vàng bạc đá quý…, tới một thời điểm tôi nghĩ rằng mình nên khởi nghiệp và câu hỏi quan trọng nhất là "sẽ khởi nghiệp trong lĩnh vực nào?". Suốt 22 năm theo đuổi ngành kinh doanh trong khoảng 40 công ty, tôi có khoảng 40 sản phẩm được cân nhắc, nhưng cho tới cùng, hình ảnh ấn tượng, lay động tôi nhất vẫn là những cuốn sách.
Tôi nghĩ rằng sách là sản phẩm đặc biệt vì nó không đơn thuần là sản phẩm hàng hóa bình thường, nó còn là sản phẩm mang lại giá trị rất lớn cho người đọc, mà đôi khi không xác định được giá trị. Bởi vậy cho nên tôi quyết định khởi nghiệp với ngành sách.
CEO Nguyễn Tuấn Quỳnh trò chuyện với Cafebiz về khởi nghiệp ngành sách và sở thích chạy bộ
Khởi nghiệp ở độ tuổi U50 với ngành sách, có phải "muộn" không và anh lựa chọn lĩnh vực khởi nghiệp dường như khá mạo hiểm?
Khởi nghiệp ở tuổi 44 không còn trẻ, nhưng là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của tôi. Phù hợp ở chỗ sau 22 năm làm việc tôi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý điều hành, có những mối quan hệ cần thiết giúp tôi có thể phát triển doanh nghiệp. Tôi cũng có hiểu biết nhất định về thị trường, đặc biệt là sách vì trước đó tôi cũng đã từng tham gia vào công ty Anpha books, Phương Nam books. Đồng thời cũng là tuổi đủ chín chắn để mời gọi bạn bè, anh chị cùng tham gia, xây dựng phát triển doanh nghiệp.
Thật ra trên thế giới, theo thống kê, những doanh nghiệp thành công không phải giống như suy nghĩ chúng ta là phải trẻ mà đa phần người khởi nghiệp thường trên 30 tuổi. Tức là đòi hỏi muốn thành công thì người khởi nghiệp phải có độ chín nhất định, về năng lực kiến thức kinh nghiệm và tài chính.
Bắt tay vào khởi nghiệp, anh gặp phải những trở ngại gì? Làm thế nào anh vượt qua được những khó khăn ấy?
Bắt đầu khởi nghiệp, tôi không nghĩ rằng mình gặp nhiều khó khăn như vậy và thực tế, thị trường sách không toàn màu hồng như tôi ngộ nhận.
Khó khăn đầu tiên đến từ bản thân tôi, tức là tôi có một quá trình khá dài làm quản lý doanh nghiệp lớn, ở đó doanh số rất lớn và hiệu quả cao, lợi nhuận cao. Vậy, thói quen sử dụng tiền của tôi cũng khác, tôi luôn luôn là một người sếp hào phóng, rộng rãi, nhưng khi áp dụng thói quen đó vào chính doanh nghiệp của mình thì lại là điều không phù hợp. Việc tôi sử dụng tiền một cách hào phóng khi khởi nghiệp làm cho nhân viên của tôi tự nhiên có hai suy nghĩ: một nhóm nghĩ rằng sếp rất nhiều tiền, cứ tiêu thoải mái. Nhóm thứ hai thì nghĩ rằng sếp mình không phù hợp để khởi nghiệp. Họ đều cảm thấy không hài lòng với công ty và với sự lãnh đạo của tôi.
Điều thứ hai là trước đó tôi đạt được một số thành công trong việc điều hành doanh nghiệp, nhưng phần lớn đến từ sự hỗ trợ của rất nhiều bộ phận trong công ty, đến khi khởi nghiệp tôi lại ôm đồm làm tất cả mọi việc, trong đó có rất nhiều việc tôi làm rất kém đặc biệt liên quan đến quản trị tài chính và điều đó ảnh hưởng rất lớn tới việc ra quyết định cũng như kết quả công việc.
Thứ ba là sự ngộ nhận về năng lực bản thân. Tôi có khá nhiều giải thưởng trong quá trình đi làm của mình, điều đó tạo cho tôi suy nghĩ rằng mình rất giỏi. Và tôi bị tự mãn.
Bên cạnh đó thị trường sách là thị trường cực kỳ cạnh tranh. Khi thói quen đọc sách của người Việt Nam chưa nhiều, theo số liệu thống kê trung bình một người Việt Nam trong một năm chỉ đọc hơn một cuốn sách. Số liệu đó cho thấy thị trường Việt Nam còn rất nhỏ. Vì vậy có rất nhiều bạn người quen của tôi khi thấy tôi khởi nghiệp với ngành sách thì cười và khuyên can. Họ nói rằng đối với thị trường Việt Nam, nếu trên dưới 100 triệu đô la toàn thị trường thì cho dù có giỏi, giả sử kiếm được 5 hoặc 10 % thị phần thì cũng không lớn so với tất cả những hoạt động kinh doanh trước đây tôi đã làm. Với thị trường nhỏ như vậy thì khả năng tạo ra hiệu quả là rất khó, chưa kể thị trường sách Việt Nam còn rất nhiều vấn đề khác, như sách giả, sách lậu… Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty sách.
Một "mãnh hổ" với quá nhiều kiêu hãnh, quá nhiều áp lực, anh đã nghĩ gì, lúc ấy?
Tôi không muốn thất bại, không chỉ đơn thuần vì ảnh hưởng uy tín hay tài chính cá nhân mà đối với tôi, thất bại còn đồng nghĩa với việc mình không thể tạo ra một doanh nghiệp tốt, tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội. Hơn nữa, tôi cảm thấy có lỗi với những đồng nghiệp đã đi theo tôi từ những ngày đầu, vì vậy tôi nghĩ những điểm yếu của mình, trong nội tại mình thì mình phải có cách khắc phục. Còn khó khăn chung của thị trường thì tất cả các doanh nghiệp kinh doanh đều phải đối diện, và nó là bài toán mà bản thân Saigon books, tôi và các đồng nghiệp sẽ phải tìm cách để vượt qua.
Đâu đó vẫn có sự hiếu thắng vì tôi đã có một thương hiệu với những thành tích nhất định, tôi không muốn làm ảnh hưởng đến danh hiệu đó.
Trong khi vận hành doanh nghiệp, bản thân anh quản lý tài chính gặp rất nhiều vấn đề. Và đối với nhà khởi nghiệp, đó chẳng khác nào "điểm chết"?
Khi tôi hiểu rất rõ đâu là giới hạn của bản thân thì tôi đã quyết định thay đổi trong việc tổ chức công ty và nhân sự. Tôi mời một bạn có kinh nghiệm quản trị phải về làm CEO. Phân chia rạch ròi vai trò của tôi và bạn CEO đó giúp cho hoạt động điều hành doanh nghiệp mang tính khoa học và hiệu quả. Tôi đã không can thiệp vào các hoạt động liên quan đến tài chính - lĩnh vực mà tôi kém, tôi chỉ tập trung vào việc xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp và các mối quan hệ. Ngoài ra trong công ty, chúng tôi đã duy trì được những nhóm làm việc, trong đó mọi quyết định cuối cùng không phải là tôi, mà là quyết định tập thể. Các quyết định lớn đều được chia sẻ, để lấy ý kiến của số đông. Tôi từ từ giảm bớt vai trò cá nhân của mình trong việc quyết định các công việc hằng ngày mà để tập thể các bạn giỏi tham gia.
Các việc liên quan đến tài chính tôi không còn quyền kí phiếu chi mà phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của doanh nghiệp. Điều đó giúp tôi không vướng vào những công việc hằng ngày đồng thời giúp cho tài chính công ty được lành mạnh.
Nếu hỏi rằng tôi có thích việc không có quyền được chi tiền và quản lý tài chính hay không thì câu trả lời là "không". Nhưng đứng trước quyết định tồn tại hay không tồn tại, nếu như tôi tiếp tục làm theo cách từ xưa đến giờ tôi vẫn làm, đó là thoải mái trong việc chi tiêu thì chắc chắn không sớm thì muộn công ty này sẽ phá sản. Khi đứng trước vấn đề sống – còn đó, bắt buộc tôi phải chọn cái cách để sống sót, tức là phải tuân thủ quy định về tài chính của công ty và mình không giữ quyền quyết định nữa.
Những nhà khởi nghiệp cần chuẩn bị những gì khi bước vào biển lớn?
Có rất nhiều điều mà người khởi nghiệp phải chuẩn bị, quan trọng nhất là phải hiểu đúng và rõ về bản thân mình. Nếu muốn khởi nghiệp thành công thì bạn phải là người từ tế. Nhân viên làm việc, chiến đấu không phải vì công ty, vì lúc đó công ty chưa có thương hiệu. Tất cả những gì họ làm, họ nỗ lực vì họ nhìn vào người sáng lập ra công ty.
Thứ hai, bạn phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình. Đối với những điểm yếu thì bạn phải khắc phục và nếu bạn không thể khắc phục được thì phải tìm được người giúp bạn làm được điều đó.
Thứ ba, bạn cần phải có một nhóm có thể hỗ trợ được nhau. Nếu đội ngũ của bạn là những người có chuyên môn giỏi trong từng lĩnh vực tạo ra giá trị cho công ty thì bạn phải cố gắng tìm kiếm họ. Sự phát triển của công ty không chỉ đến từ sự hài lòng của khách hàng mà đến cả vào việc bạn có thể quy tụ được những người giỏi, phù hợp tham gia vào công ty của bạn hay không.
Điều thứ tư là cần phải hiểu biết về thị trường, mọi người khi bắt đầu khởi nghiệp thường có sự lạc quan về thị trường mà thiếu nghiên cứu, tìm hiểu thị trường cẩn thận. Tôi nghĩ việc hiểu đúng thị trường để có những giải pháp kinh doanh phù hợp cũng là một việc làm rất quan trọng.
Cuối cùng đó là bài toán liên quan đến quản lý tài chính, đối với các dự án kinh doanh khi lập ra thì người lập dự án kinh doanh thường rất lạc quan về con số thu và tối thiểu hóa chi phí nhưng trong thực tế thì chi phí lại luôn là vấn đề lớn. Trong khởi nghiệp thì việc giữ được dòng tiền Dương để công ty tiếp tục hoạt động đó là một vấn đề quan trọng giúp công ty có thể chưa đạt hiệu quả về mặt lợi nhuận nhưng phải giữ được dòng tiền Dương để tiếp tục có cơ hội phát triển trong tương lai.
Là một người đặt chân tới hàng chục quốc gia, anh quan sát thấy ngành sách ở Việt Nam và thế giới có sự khác nhau như thế nào? Đâu là ưu thế của ngành sách Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng thị trường sách Việt Nam cũng là một phần trong dòng chảy của thị trường sách thế giới. Nếu so sánh với các nước phát triển thì rõ ràng tỉ lệ đọc sách trên đầu người của Việt Nam còn thấp, tức là quy mô thị trường sách của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực chứ không nói đến các nước âu Mỹ. Còn thấp so với thái Lan, Malaisia, Singapore. Tuy nhiên thị trường sách Việt Nam có cái nhanh nhạy trong việc nắm bắt được sách hay, cũng như có thể mang những tinh tuý của nước ngoài về Việt Nam rất nhanh. Gần như các cuốn sách best seller trên thế giới đều được xuất bản tại Việt Nam sau thời gian rất ngắn. Thì đó là điểm rất hay.
Ngoài ra dân số Việt Nam là dân số trẻ. Tại thời điểm hiện tại việc đọc sách chưa được nhiều nhưng tôi nghĩ trong tương lai rất gần thì tỷ lệ này ngày càng tăng. Trong tương lai khi hình ảnh của những doanh nhân thành công, những chính trị gia thành công, những nghệ sỹ thành công mà gắn liền với sách thì sẽ trở thành hình mẫu cho những người trẻ. Như vậy thói quen đọc sách, học hỏi thông qua sách vẫn sẽ là việc tự nhiên.
Theo anh, ngành sách có thể chuyển đổi số theo những hướng nào?
Ngành sách hiện nay đang tích cực cho việc chuyển đổi số nhất là sau dịch COVID Ngành sách có hai hướng chuyển số quan trọng.
Thứ nhất là chuyển đổi số trong việc quản trị điều hành doanh nghiệp. Tức là phải có một hệ thống nội bộ để tất cả các hoạt động đều diễn ra trên nền tảng Internet và gần như công ty sẽ không xuất hiện giấy tờ mà tất cả đều là file điện tử.
Thứ hai là doanh nghiệp đang xây dựng flatform phục vụ cho việc kinh doanh. Tức là việc bạn mua một cuốn sách giấy, mua một cuốn ebook, audio book tất cả đều có thể diễn ra trên nền tảng platform của doanh nghiệp.
Ngành sách truyền thống, nguồn nhân lực không hiểu nhiều về công nghệ, còn đối với Saigon books định nghĩa chúng tôi sẽ là một doanh nghiệp kết hợp hai yếu tố là content và technology - Nội dung và công nghệ. Đồng thời chúng tôi tích cực mua, tạo ra content để có thể đưa lên flatform để kinh doanh. Khi bạn tạo ra một platfrom về bán hàng, để khách hàng quen với việc mua sách trên flatform đó, để họ đồng ý tải app của bạn về, sử dụng và đồng ý trả tiền… là hành trình rất dài không dễ gì thuyết phục.
Nãy giờ anh không ngại nói về những điểm xấu của bản thân mình. Dương như, anh trải qua không ít thất bại?
Tôi có những thất bại mà liên quan nhiều nhất đó là không hiểu rõ về bản thân mình hoặc chiều theo những tính không tốt của mình. Ví dụ, tôi có tính đại khái. Thông thường khi người ta phải đưa ra yêu cầu cao, khắt khe thì tôi lại là người ba phải, "thôi thế cũng được". Thông thường như vậy sẽ có hai giới hạn: thứ nhất là nhân viên không nỗ lực hết sức vì kiểu gì sếp cũng cho qua. Thứ hai là bản thân tôi cũng không tạo được giá trị xuất sắc vượt trội vì tính không cầu toàn, không chi tiết của mình. Thế nên, làm sếp thì tuyệt đối đừng ba phải.
Một điểm yếu nữa là tôi hay chiều theo một vài thói quen xấu của bản thân. Ví dụ hiếu thắng sa đà.
Thời gian vừa qua, tôi có một thành tựu cá nhân đó là giảm cân thành công. Tôi nghĩ rằng một trong những bài học rất quan trọng đó là kỷ luật bản thân. Tôi đặt kỉ luật bản thân là phải giảm cân trong 6 tháng và chạy bộ thì tôi đã đạt được. Nếu mình biết cách đặt ra mục tiêu và nỗ lực thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn mình sẽ đạt được kết quả.
Được biết, bản thân anh là một người rất mê chạy bộ. Bộ môn này giúp anh học được những bài học gì? Có mối tương đồng nào đó giữa chạy bộ và kinh doanh ngành sách mà anh đang quản trị hay không?
Tôi nghĩ chạy bộ là cứu cánh của tôi trong thời gian vừa qua. Bởi khi cân nặng của tôi tăng rất nhanh, trở nên béo phì, ục ịch, đặc biệt là sức khỏe kém đi. Nhờ chạy bộ tôi gọn lại, quan trọng hơn là gần đây khi khám sức khỏe định kỳ thì các chỉ số sức khỏe đều đã cải thiện tốt hơn hẳn - thậm chí tốt hơn cả 10 năm trước. Điều đó giúp tôi tin vào cách mà mình đang vận động và việc chạy dạy cho tôi những bài học quan trọng.
Bài học thứ nhất là trong bất kỳ lĩnh vực nào nếu mình không giỏi thì nên có thầy tốt. Với tôi, trong việc chạy bộ thì có huấn luyện viên. Họ không chỉ hướng dẫn cho tôi cách chạy đúng phương pháp mà còn là người thúc ép tôi, bắt buộc tôi phải chạy. Bởi vì nếu không có họ tôi sẽ có nhiều buổi không muốn chạy hoặc trên đường chạy tôi sẽ dừng lại, không muốn cố gắng. Vì vậy, người thầy là người hết sức quan trọng. Không chỉ trong thể thao mà cả trong kinh doanh hãy tìm cho mình những người thầy tốt.
Điều thứ hai đó là nghiêm túc duy trì thói quen có kỷ luật bản thân. Không gì thay thế bằng việc bạn phải tự đặt ra cho mình những công việc, mục tiêu, và buộc bản thân phải tuân thủ. Chỉ có kỷ luật bản thân bạn mới tạo ra được sự thay đổi.
Điều thứ ba đó là hãy nhờ sự giám sát khích lệ của cộng đồng tạo thêm cho mình động lực để mình có thể làm tốt hơn. Trong kinh doanh cũng vậy bạn rất cần cần những sự giám sát, những lời khen ngợi, động viên. Tương tự như vậy bạn cũng nên là người động viên người khác, động viên nhân viên của mình khi họ làm tốt. Mọi sự động viên sẽ đem lại giá trị trong thể thao và trong việc kinh doanh.
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh ngày hôm nay!
Nội dung: Trang Đỗ
Thiết kế: Hùng Nam
Ảnh + Video: Kingpro
Doanh nghiệp và Tiếp thị