MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO SaigonBooks kể chuyện thị trường sách VN: Giá sách rẻ hơn thế giới, 1 cuốn bán ra nhà sách chỉ lời 3%, 50% phải chi cho khâu phân phối

13-06-2018 - 20:47 PM | Doanh nghiệp

Thị trường sách tại Việt Nam có dung lượng khoảng 2.800 tỷ đồng với khoảng hơn 300 công ty sách, 40 nhà xuất bản. CEO SaigonBooks cho biết, để bán một cuốn sách ra thị trường trong lần in đầu tiên, nhà sách chỉ lời ra 3 - 5%, tới 50% chi cho khâu phân phối...

Anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO SaigonBooks , chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện của thị trường sách Việt Nam.

Thị trường sách với dung lượng 2.800 tỷ đồng

Theo anh Nguyễn Tuấn Quỳnh , thị trường sách tại Việt Nam có dung lượng khoảng 2.800 tỷ đồng với khoảng hơn 300 công ty sách, 40 nhà xuất bản.

Đầu vào của các nhà sách đi theo 2 hướng. Thứ nhất là mua bản quyền sách nước ngoài về dịch.

Thứ hai là sách của tác giả người Việt .

CEO SaigonBooks kể chuyện thị trường sách VN: Giá sách rẻ hơn thế giới, 1 cuốn bán ra nhà sách chỉ lời 3%, 50% phải chi cho khâu phân phối - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books.

Sách của tác giả người Việt thì chỉ bán chạy trong vòng 2 năm, còn sách dịch thì thường sống lâu hơn, khoảng 5 năm. Anh Quỳnh lý giải vì sách do tác giả trong nước Viết thường theo trào lưu. Qua trào lưu nào đó mà không còn truyền thông nữa thì người đọc ít biết đến. Còn sách dịch sang tiếng Việt thì họ đã đi trước, vậy nên vài năm sau vẫn còn đúng với Việt Nam.

“Ở Việt Nam, ít tác giả sống được bằng nghề Viết”

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Quỳnh có nhắc đến tác giả Nguyễn Nhật Ánh, với các tác phẩm nổi tiếng như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…. Theo anh Quỳnh, cây bút Nguyễn Nhật Ánh là trường hợp hiếm hoi sống được bằng nghề viết sách.

Nguyên nhân nằm trong một “vòng tròn”, lý do này kéo theo lý do khác. Có thể giải thích qua những con số.

Những con số “biết nói” trong ngành xuất bản sách: Nhà xuất bản chỉ lời 3-5% trong lần in sách đầu tiên

Anh Quỳnh đưa ra những con số trong ngành xuất bản.

Để bán một cuốn sách ra thị trường, các con số sẽ như sau (trong lần in đầu tiên).

- 50% chi cho khâu phân phối

- 10-15% cho tác giả

- 7% xin phép xuất bản

- 20 - 25% cho in ấn

- 3-5% lợi nhuận cho nhà sách

Đó là lần in đầu tiên. Nếu tái bản được thì nhà sách sẽ có lời hơn.

Bên cạnh đó, giá sách của Việt Nam rẻ so với thế giới. Ví dụ, cuốn Start-up Nation bán trên trang mạng Việt Nam là gần 130.000 đồng thì trên Amazon, phiên bản tiếng Anh, là 8,8 USD (tương đương gần 200.000 đồng).

CEO SaigonBooks kể chuyện thị trường sách VN: Giá sách rẻ hơn thế giới, 1 cuốn bán ra nhà sách chỉ lời 3%, 50% phải chi cho khâu phân phối - Ảnh 2.

Cùng một cuốn sách nhưng là bản tiếng Anh, giá trên Amazon.

CEO SaigonBooks kể chuyện thị trường sách VN: Giá sách rẻ hơn thế giới, 1 cuốn bán ra nhà sách chỉ lời 3%, 50% phải chi cho khâu phân phối - Ảnh 3.

Cuốn sách bán trên một trang thương mại điện tử Việt Nam, phiên bản tiếng Việt.

Như vậy, tiền bản quyền tác giả không nhiều, khiến nhiều người viết không thể sống bằng nghề viết, trừ trường hợp họ rất yêu nghề.

Vì sao xuất bản sách biên lợi nhuận chỉ 3-5%, mà nhiều người vẫn làm?

Anh Quỳnh chỉ ra 3 đối tượng làm nghề xuất bản.

Thứ nhất, họ coi sách là hoạt động kinh doanh chính nên toàn tâm toàn ý với sách.

Thứ hai, họ coi là mảng phụ, tháng túc tắc xuất bản 2-3 cuốn mà thôi.

Thứ ba, có những người làm sách vì đam mê, vì niềm vui.

Cứ 10 cuốn ra thị trường thì có 2 cuốn bán chạy, 5 cuốn là bán đều đều, còn 3 cuốn là ế

Khi tôi đặt ra câu hỏi, vì sao biên lợi nhuận ngành rất thấp nhưng nhiều người vẫn làm? Anh Quỳnh chia sẻ rằng, đa phần đến với sách là vì tình yêu với sách. Thứ nữa, tham gia vào thị trường này ít rào cản, vốn không quá lớn.

"Tuy nhiên, nếu làm đường dài thì đó là con đường khó", anh Quỳnh nói.

“3-5% lợi nhuận đó là lần in đầu tiên, còn sau tái bản thì sẽ lời hơn. Nhìn chung, 10 cuốn ra thị trường thì có 2 cuốn bán chạy, 5 cuốn là bán đều đều, còn 3 cuốn là ế. Mỗi cuốn ra bán được 3.000 bản là ổn. Nếu là 5.000 cuốn thì có lãi”, CEO SaigonBooks chia sẻ thêm.

Với cá nhân anh Quỳnh, anh cho biết chọn ngành sách vì tình yêu với sách. Anh từng trải qua nhiều ngành như dầu, ống nhựa, vỏ bình ga… “nhưng khi cầm cuốn sách lên thì niềm tự hào vẫn lớn hơn”. Thứ nữa, anh thấy ngành này có ích cho xã hội.


Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên