MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO SeABank: Chúng tôi đặt tạm KPI sang một bên để giữ công việc cho cán bộ nhân viên, giúp họ vượt qua khó khăn

19-08-2021 - 18:12 PM | Doanh nghiệp

CEO SeABank: Chúng tôi đặt tạm KPI sang một bên để giữ công việc cho cán bộ nhân viên, giúp họ vượt qua khó khăn

Chia sẻ câu chuyện của ngân hàng, bà Lê Thu Thuỷ, Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch thường trực SeABank, con gái bà Nguyễn Thị Nga, đã chỉ ra 4 yếu tố giúp SeABank vượt qua đại dịch đồng thời hỗ trợ cán bộ nhân viên, khách hàng và cộng đồng.

Sáng nay, Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam phối hợp cùng với Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức Hội thảo trực tuyến "Doanh nghiệp kiên cường- Vững vàng trong thử thách". Hội thảo này không chỉ là cơ hội để Deloitte chia sẻ kết quả khảo sát đầu năm 2021 về mức độ kiên cường – vững của của tổ chức trong thời kỳ đại dịch. Hội thảo cũng là nơi chia sẻ "chân thực" và "sống động" nhất về cách thức các CEO/thành viên HĐQT của Doanh nghiệp Việt đã, đang và sẽ làm để kiến tạo nên giá trị "kiên cường" cho tổ chức của mình. 

Chia sẻ câu chuyện của ngân hàng, bà Lê Thu Thuỷ, Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch thường trực SeABank, con gái bà Nguyễn Thị Nga, đã chỉ ra 4 yếu tố giúp SeABank vượt qua đại dịch đồng thời hỗ trợ cán bộ nhân viên, khách hàng và cộng đồng.

Được thành lập năm 1994, SeABank hiện nay đã niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Hose với giá trị vốn hoá 50.000 tỷ, vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ, tổng tài sản hơn 186.000 tỷ đồng, theo bà Thuỷ điều quan trọng nhất SeABank đang hướng tới là 1,6 triệu khách hàng và khát vọng trở thành ngân hàng được yêu thích nhất. "Với tầm nhìn một ngân hàng vì con người và cộng đồng thì chính thời điểm đại dịch như thế này là điểm thử thách cho ngân hàng có đang đi đúng chiến lược không", bà Thuỷ mở đầu.

Chủ động

Theo CEO SeABank, nếu đợt đầu Covid xảy ra khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở thế bị động nhưng làn sóng thứ 4 lần này các doanh nghiệp trong đó có SeABank đã chủ động nhiều hơn. "SeABank có sự chuyển đổi liên quan đến chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, Uỷ ban Covid hoạt động linh hoạt và năng động hơn, các uỷ ban không chỉ nhận báo cáo mà năng động tạo ra năng lực ứng phó chủ động đến từng đơn vị kinh doanh và từng cá nhân trong hệ thống. SeABank cũng thành lập quỹ phòng chống Covid, đây là quỹ đóng góp từ cả ngân hàng đối tác và cán bộ nhân viên, hỗ trợ gần 100 tỷ đồng cho cộng đồng và nhân viên 2 tỷ đồng", bà Thuỷ chia sẻ. 

Bà Thuỷ cũng cho biết SeABank đã xây dựng bộ quy tắc làm việc mới dựa trên sự chủ động vì làm việc tại nhà (work form home) sẽ có điểm tích cực và tiêu cực nhất định, do đó cần đảm bảo hiệu quả. Trong quá trình phục vụ khách hàng, có nhiều sự gián đoạn do giãn cách xã hội, do khách hàng hay cán bộ nhân viên (CBNV) ở trong khu cách ly, do đó SeABank đã chủ động ban hành cơ chế linh hoạt để phục vụ kinh doanh giai đoạn này. Ngoài ra, SeABank cũng đã xây dựng kịch bản khác nhau như stress test và sự chủ động ứng biến trong các tình huống ảnh hưởng đến doanh nghiệp ra sao. 

CEO SeABank: Chúng tôi đặt tạm KPI sang một bên để giữ công việc cho cán bộ nhân viên, giúp họ vượt qua khó khăn - Ảnh 1.

Sự linh hoạt

CEO SeABank cho biết trong tình hình khách hàng đang phải cách ly hoặc tâm trạng không tốt, nhưng vẫn phải tiếp cận với những phương thức bán hàng mới nên SeABank phải linh hoạt trong triển khai kinh doanh để khách hàng cảm thấy thoải mái chứ ngân hàng không ép bán dịch vụ không cần thiết. Mặc dù vậy, tỷ lệ doanh số bán online của ngân hàng đã tăng 30% thời gian qua thể hiện nỗ lực của CBNV trong việc kết nối với khách hàng dù không gặp mặt được. SeABank cũng đã triển khai hệ thống SeA Office, loại bỏ 30% thời gian luân chuyển chứng từ và tiết kiệm chi phí ấn phẩm vận hành, hiện nay 95% các loại văn bản xử lý được trên hệ thống. Điều này làm tăng thời gian ngân hàng có thể phục vụ khách hàng trong thời gian dịch bệnh.

Sự hợp tác

Sự hợp tác cả trong lẫn ngoài. CEO SeABank cho biết ngân hàng đã ký kết với các đối tác để tăng cường cung ứng các dịch vụ cho khách hàng trong đại dịch. Ví dụ như việc ký kết hợp đồng tín dụng với Vietnam Airlines. Một tổ chức tín dụng phải thẩm định khách hàng rất kĩ nhưng hàng không là ngành bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch đồng thời lại ảnh hưởng trọng yếu đến nền kinh tế, do đó SeABank cùng các ngân hàng khác vẫn cung cấp tín dụng để hỗ trợ cho Vietnam Airline. SeABank cũng có PNJ là đối tác chiến lược, IFC ký kết hợp tác liên quan đến cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực môi trường năng lượng xanh và doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ.

Ngoài ra, SeABank còn hợp tác với VN Post trên kênh điện tử để cung cấp dịch vụ ngân hàng đến tận xã, huyện. "Có thể không tăng trưởng ngay được khách hàng và không bán được sản phẩm nhưng chúng tôi muốn giải thích cho bà con làm thế nào sử dụng được kênh điện tử để tiếp tục nhu cầu tài chính của mình, đây là nỗ lực của cán bộ nhân viên. Những hợp tác này có thể mang tính pr nhưng mang tính cộng đồng rất lớn", bà Thuỷ chia sẻ.

Trách nhiệm

Bà Lê Thu Thuỷ chia sẻ: "Nếu đại dịch thứ nhất chúng tôi nghĩ rằng dịch còn xa và không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mình thì đợt đại dịch lần này CBNV của chúng tôi có người là F0, có người mất cả gia đình. Ban lãnh đạo ngân hàng và CBNV rất xúc động và cảm thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để các CBNV tương trợ lẫn nhau. Tưởng chừng rau là đồ xa xỉ nhưng rất vui mừng khi CBNV nhận được rau chuyển từ Hà Nội. Đấy là hành động thiết thực với CBNV và người dân. Chúng tôi đưa ra gói tín dụng lãi suất thấp hơn với SME hay ủng hộ xe y tế, chuyên dụng lương thực, đã có sự đóng góp gạo đến 230.000 hộ dân, CBNV tại TP.HCM".

Bà Thuỷ cho biết, thời gian này doanh số của ngân hàng chắc chắn là thấp hơn và chi phí thậm chí còn cao hơn liên quan đến phòng chống Covid nhưng SeABank vẫn đảm bảo ổn định công việc và thu nhập cho mọi người. "SeABank phải để tạm KPI sang bên để giữ công việc cho cán bộ nhân viên để họ vượt qua khó khăn", bà Thuỷ cho biết. Một điều vui là SeABank đã hoàn thành việc 80% nhân viên tiêm mũi 1, đây là nỗ lực vô cùng lớn của ban lãnh đạo ngân hàng, tiếp tục góp một phần vào miễn dịch cộng đồng.

Tổng kết lại bài phát biểu, CEO SeABank Lê Thu Thuỷ cho biết để trở thành một ngân hàng kiên tâm và kiên cường trong đại dịch, SeABank đã và tiếp tục thực hiện "Kiên cường vượt thách thức - Chủ động trong suy nghĩ - Linh hoạt trong kinh doanh - Kết nối trong ra ngoài - Trách nhiệm trong hành động - Vững tâm tiếp bước đi".

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của SeABank đạt 186.934 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020, bằng 115% kế hoạch cả năm và gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2020. Thu thuần từ lãi đạt 2.430 tỷ đồng, tăng 182%; Thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh lên 469,2 tỷ đồng, tăng 311%; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống mức 38,3% so với mức 52,1% cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ 1,86% cùng kỳ năm 2020 xuống còn 1,76% năm 2021.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên