CEO Softbank Masayoshi Son: 'Gã điên' của giới đầu tư mạo hiểm
CEO Softbank Masayoshi Son được ví như 'ông trùm' đầu tư của giới công nghệ với những khoản đầu tư hào phóng vào các startup, cả khi thị trường thăng hoa lẫn lúc thoái trào.
- 08-08-2022SoftBank đối mặt khoản lỗ hàng tỷ USD vì đầu tư không hiệu quả
- 06-08-2022SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son đang gặp khó khăn
- 04-08-2022SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son đang gặp khó khăn
'Gã điên' của giới đầu tư mạo hiểm
Đầu năm 2021, ông Masayoshi Son đã có bài phát biểu thông qua hình thức trực tuyến trước đội ngũ nhân viên của mình. Thời điểm đó, các công ty khởi nghiệp (startup) đang lên 'như diều gặp gió' nhưng SoftBank lại chưa đầu tư mạnh tay cho họ.
Bởi vậy, ông Son cho rằng cần phải thuyết phục thêm các công ty nhận tiền đầu tư từ SoftBank, theo một số cựu nhân viên của công ty.
Giám đốc điều hành của SoftBank đã lập ra một bảng tính chuyên theo dõi các cuộc gọi đến các startup, đồng thời nới lỏng các quy định nội bộ để đầu tư một cách nhanh chóng.
Đó là môi trường làm việc khiến cho không ít nhân viên của ông cảm thấy như họ bị biến thành nhân viên kinh doanh, theo lời kể của một số cựu nhân viên.
Bất chấp việc cam kết sẽ kiềm chế hơn trong hoạt động đầu tư của mình – sau nhiều lần thất bại đáng hổ thẹn – ông Son cùng đội ngũ của mình vẫn đổ 38 tỉ USD từ quỹ đầu tư lớn nhất của SoftBank vào 183 công ty trong năm ngoái, theo các báo cáo công bố của SoftBank. Đây là mức đầu tư lớn nhất từ trước đến này mà một quỹ đầu tư mạo hiểm bỏ ra trong một năm.
Một lần nữa, ông Son 'đu đỉnh'. Giờ đây, khi sự hứng khởi qua đi, khối nợ đang dâng cao như núi trong khi phần lớn cổ phần của SoftBank ở gần 300 công ty tư nhân mà họ đầu tư vẫn chưa được định giá lại để phản ánh đúng đà suy giảm của thị trường.
Đây là tình huống khá quen thuộc đối với vị CEO 64 tuổi. Trong mỗi lần biến động thị trường trước đây, ông Son đều bơm vào các khoản đầu tư lãng phí vào lĩnh vực công nghệ giữa lúc giá đạt đỉnh, để rồi nhận về những khoản thua lỗ khổng lồ khi thị trường suy giảm.
"Khi ông ta tin vào điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai, ông ta thường đặt cược tất cả mọi thứ mà ông có vào điều đó," Gary Rieschel, từng làm việc trong ban lãnh đạo SoftBank và là người từng hỗ trợ ông Son đổ các khoản tiền đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong khoảng những năm 1900 và 2000, nói. "Tôi không cho rằng ông ta sẽ thay đổi".
Ngoài những khoản thua lỗ trong đầu tư vào các startup, ông Son – người sáng lập SoftBank hiện đang nắm giữ 29% cổ phần của tổ chức này, theo FactSet – vẫn có một số thành công to lớn trong những năm qua, từ đó mang về cho ông số tiền khổng lồ để chi tiêu và kiềm chế được hiệu ứng của những thất bại khác.
Một phát ngôn viên của SoftBank cho hay ông Son từ chối đưa ra bình luận.
SoftBank được dự báo sẽ công bố khoản thua lỗ lên tới hàng tỉ USD liên quan đến 2 quỹ đầu tư của họ trong tháng này, tiếp sau khoản lỗ 27 tỉ USD được báo cáo trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3. Các quỹ này đã đầu tư hơn 135 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp kể từ năm 2017, theo các tài liệu mà SoftBank đã công bố.
Các startup từ lâu đã trở thành tâm điểm đầu tư của SoftBank, với các khoản tiền đầu tư nổi tiếng là liều lĩnh vào nhiều công ty, trong đó, phải kể đến Sprint Corp và Alibaba Group Holding.
Mặc dù luôn cố gắng làm lại từ đầu sau những thất bại, ông Son giờ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng các "tướng tài" trong khi công ty cũng đang phải cắt giảm cổ phần tại các công ty được coi là "máy in tiền" của họ.
Rajeev Misra, người quản lý các quỹ đầu tư khởi nghiệp của SoftBank, đã từ chức vào tháng trước, sau khi nhiều nhân viên cấp cao rời khỏi, trong khi SoftBank dần dần bán cổ phần của họ ở Alibaba và một hãng di động ở Nhật Bản.
Ông Rajeev Misra đã xin thôi vị trí quản lý các khoản đầu tư của SoftBank tại các công ty khởi nghiệp (Ảnh: Bloomberg)
SoftBank ngày càng dựa dẫm nhiều hơn vào bộ đôi quỹ đầu tư khởi nghiệp của họ, Vision Fund 1 và 2. Kết hợp lại, giá trị vốn hoá được giao dịch công khai của hai quỹ này đã giảm khoảng 9 tỉ USD kể từ sau khi bản báo cáo về doanh thu mới nhất của SoftBank được công bố.
Theo các cựu nhân viên và giới phân tích, vấn đề quan ngại chính ở đây là Vision Fund 2 - quỹ đầu tư mà SoftBank cam kết rót tới 56 tỉ USD - đáng lẽ ra phải hoạt động có nguyên tắc hơn so với Vision Fund 1.
Một số nhà phân tích nói rằng, họ lo mức thua lỗ của Vision Fund 2 có thể sánh ngang với các mã chứng khoán công nghệ, vốn đã giảm 60% so với mức đỉnh.
"Tôi quan ngại về Vision Fund 2 hơn là Vision Fund 1, và tôi có rất ít niềm tin vào phần lớn các khoản đầu tư của Vision fund 1," Mio Kato, chuyên gia phân tích kiêm người sáng lập của Lightstream Research, nhận định. Thất bại của nó bắt nguồn từ chiến lược "đặt cược cực kỳ liều lĩnh vào giấc mơ, bất chấp thực tế", ông Kato nói.
Ông Son từng nói ông lạc quan rằng bão tố sẽ qua đi, và SoftBank sẽ lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong tương lai, khi mà lĩnh vực công nghệ tăng trưởng trở lại.
Còn bây giờ, SoftBank đang phải cắt giảm mạnh các khoản đầu tư cho công ty khởi nghiệp. "Chúng tôi muốn tích lũy một khoản tiền lớn," ông Son nói trong đoạn video được thu sẵn, phát cùng với bản báo cáo về doanh thu của công ty trong tháng 5 vừa qua. "Chúng tôi sẽ thận trọng hơn nhiều khi đầu tư khoản tiền mới".
Sự trỗi dậy của SoftBank sau 'bong bóng' dot-com
Ông Son thành lập SoftBank vào đầu những năm 1980 và xây dựng nó thông qua hàng loạt các khoản đầu tư, ví dụ như đầu tư cho các tạp chí công nghệ và một công ty tổ chức một hội thảo công nghệ nổi tiếng ở Las Vegas. Ông đổ tiền vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khoảng thời gian bùng nổ dot-com cuối những năm 1990.
Những khoản đặt cược vào bên thắng cuộc như Yahoo Inc từng giúp ông trở thành người giàu nhất thế giới trong vài ngày, trước khi cổ phiếu của SoftBank sụt giá 99% trong đợt nổ "bong bóng" dot-com.
Pha đặt cược vào Vodafone Nhật Bản của SoftBank đã mang lại thành công (Ảnh: Reuters)
Ông Son sau đó xây dựng lại SoftBank từ đầu, với vị thế công ty tiên phong trong lĩnh vực Internet tốc độ cao ở Nhật Bản.
Những chiến dịch quảng bá của SoftBank thời điểm đó khá nổi tiếng, khi thuê nhiều nữ nhân viên mặc váy ngắn đi tặng modem cho người dân trên khắp các tuyến phố của Tokyo.
Sau đó, ông Son chuyển sang lĩnh vực điện thoại di động, và đưa ra động thái lớn khi mua lại Vodafone Group PLC chi nhánh Nhật Bản vào năm 2006. Giá cổ phiếu của SoftBank lại bị suy giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do vấn đề về nợ.
Sau đó, công ty này lại trỗi dậy một lần nữa. Lần này là nhờ "trái ngọt" thu được từ khoản đầu tư thành công vào Alibaba và thành công gặt hái được từ thương vụ Vodafone.
Vào năm 2017, ông Son thành lập quỹ Vision Fund 1 với 100 tỉ USD, trở thành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, trong đó bao gồm tiền từ Arab Saudi và Abu Dhabi.
Ông nói rằng những quyết định mà ông đưa ra đều là vì sự quyết tâm, ông rải tiền cho cả lĩnh vực công nghệ, thường xuyên trao cho các công ty khởi nghiệp số tiền nhiều hơn so với yêu cầu.
Rồi thất bại xuất hiện. Tính chung, quỹ đầu tư này đã mất hàng tỉ USD tiền đầu tư vào hãng Greensill Capital (đã vỡ nợ), hay công ty khởi nghiệp Katera (đã phá sản), và một công ty khác từng hứa hẹn sẽ cung cấp giao bánh pizza bằng robot.
Thương vụ thất bại đáng chú ý nhất chính là WeWork, công ty khởi nghiệp không gian văn phòng, trong đó ông Son đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vì tin tưởng rằng đây sẽ là một công ty công nghệ đột phá.
Sau khi thương vụ IPO của WeWork bị hủy vào năm 2019, SoftBank đã giải cứu công ty này với mức định giá thấp hơn mức giá thời kỳ đỉnh cao của nó tới 39 tỉ USD, khiến ông Son phải đứng ra xin lỗi các nhà đầu tư.
"Tôi đã phạm sai lầm," ông nói với các nhà đầu tư tại buổi báo cáo kết quả theo quý vào tháng 11/2019, gọi đây là một "bài học đắt giá."
Ông Masayoshi Son trong buổi hội thảo báo cáo kết quả kinh doanh của SoftBank tháng 11/2019 (Ảnh: Getty)
Ông Son nói rằng SoftBank sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và cảnh giác hơn khi khởi động quỹ Vision Fund 2 vào cùng khoảng thời gian đó. Lần này, lợi nhuận sẽ đổ về và quỹ sẽ tăng trưởng nhanh, không có thua lỗ, ông hứa hẹn với đội ngũ của mình.
Tuy nhiên, ông lại không thể thuyết phục được các nhà đầu tư, bởi vậy mà Vision Fund 2 chỉ toàn là tiền của SoftBank.
Trong một họp trực tuyến liên quan tới việc hoàn thành các khoản đầu tư đầu tiên của quỹ này, ông Son đã nhiếc móc nhân viên của mình về một công ty mà ông từng ngợi khen.
Ông lo rằng công ty này, Alto Pharmacy, chi tiền quá nhiều và không cần phải tăng trưởng nhanh như trước kia, theo các cựu nhân viên SoftBank. Cuối cùng, ông vẫn nhất trí về thỏa thuận rót vốn, và SoftBank sau đó công bố về khoản đầu tư 200 triệu USD vào đầu năm 2020.
Nhịp độ rót vốn cho các công ty khởi nghiệp đã chậm lại trong năm 2020 do ông Son quan tâm tới các lĩnh vực khác trong đế chế SoftBank, trong đó có dự án xây dựng thủ đô mới ở Indonesia và ông đã đồng ý hỗ trợ.
Ông cũng để ý tới chỉ số Nasdaq đang tăng nhanh và thực hiện một ván cược lớn với các mã chứng khoán công nghệ. Sau khi giá chứng khoán suy giảm trong thời gian ngắn, SoftBank báo cáo khoản lỗ 5,4 tỉ USD.
Vào cuối năm 2020, chứng khoán tăng trưởng trở lại và SoftBank lại gặt hái thành quả. 2 khoản đầu tư trước đó – vào DoorDash Inc và công ty thương mại điện tử Coupang Inc của Hàn Quốc – đã giúp họ thu về hơn 35 tỉ USD.
Kết quả đáng mừng này lại khiến ông Son một lần nữa muốn đầu tư vào công ty khởi nghiệp, và ông muốn quỹ Vision Fund 2 chi tiền nhiều hơn.
'Trái đắng' startup công nghệ
Một số cựu nhân viên kể rằng, ông Son đã nói với họ rằng ông rất lo lắng khi thấy các đối thủ của SoftBank như Tiger Global và các quỹ mạo hiểm khác đang tăng số tiền đầu tư. Các công ty này đang có những bước đi nhanh chóng và trải rộng hơn các khoản tiền cược của họ. Do đó, SoftBank cần phải làm tốt hơn.
Vì điều này mà cá nhân ông Son gắn chặt hơn với quỹ Vision Fund 2, và đưa ra một cấu trúc mới để đội ngũ của mình có thể chi tiền đầu tư nhanh hơn.
Trong một bảng tính lớn, ông Son cùng các cấp phó của mình vạch ra cả một thế giới của các khoản đầu tư khởi nghiệp tiềm năng cho từng nhân viên của Vision Fund, những người có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực.
|
CEO của SoftBank Masayoshi Son đã sáng lập công ty vào đầu những năm 1980 (Ảnh: Reuters) |
SoftBank ghi lại các cuộc gọi đến những công ty mục tiêu mà trong đó nói về các khoản đầu tư tiềm năng trong bảng tính, và sau đó trình chiếu nó trong một cuộc hội thảo tổ chức hàng tuần với đội ngũ của Vision Fund.
Quy trình này giống như kiểu "gọi điện kiếm tiền" (dial for dollars) - một cựu nhân viên điều hành trong công ty nói. Một người khác còn so sánh hoạt động này với kiểu chào bán bất động sản qua điện thoại.
Thay vì viết những tấm séc to cho các công ty ở một vài lĩnh vực như từng làm với Vision Fund 1 trước kia, SoftBank giờ rải tiền rộng hơn. Các khoản đầu tư của họ nhằm vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, logistics, phần mềm doanh nghiệp và game. Quỹ này được xem là đã đặt cược lớn vào tương lai của các công ty khởi nghiệp.
Theo một số cựu nhân viên, phần lớn những sự thay đổi này đều tích cực. Họ nói rằng ông Son thường xuyên nghe ý kiến của đội ngũ dưới quyền về các khoản đầu tư, và ít đổ tiền nhiều hơn mức mà các công ty khởi nghiệp yêu cầu hơn so với trước kia. Không giống như nhiều hãng đầu tư mạo hiểm, đội ngũ của SoftBank luôn tránh đầu tư sâu vào một lĩnh vực mà giờ đang suy giảm mạnh – tiền mã hóa.
Nhưng cũng có những thay đổi ít tích cực hơn. Do chịu sự cạnh tranh từ các hãng đầu tư khác, SoftBank đã bỏ bớt công đoạn nghiên cứu tiểu sử công ty và người sáng lập công ty để đạt được thỏa thuận nhanh chóng.
Đội ngũ của SoftBank chỉ dựa vào một số tín hiệu là có thể triển khai tiền nhanh chóng mà ít quan tâm hơn tới định giá và khảo sát tính khả thi, theo các cựu nhân viên. Một trong số những tín hiệu đó là: nếu có ít nhất 2 hãng đầu tư mạo hiểm hàng đầu đang hỗ trợ 1 công ty, thì việc đầu tư vào công ty đó được khuyến khích.
Vision Fund 2 chi tiêu điên cuồng trong năm 2021, trung bình cứ hai ngày lại đầu tư vào một công ty khởi nghiệp – nhiều hơn cả giai đoạn đỉnh cao của Vision Fund 1. Một khoản vay 4 tỉ USD dành cho Vision Fund 2 càng thêm phần rủi ro vốn ít thấy ở các quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi các quỹ này thường là không có dính nợ.
Sự tăng tốc đầu tư khiến cho nhiều lãnh đạo trong SoftBank cảm thấy chán nản. Một số người không chịu được kiểu văn hóa "bán hàng" này, trong khi số khác cảm thấy họ có thể kiếm được nhiều hơn khi làm việc cho các công ty đầu tư mạo hiểm cạnh tranh với SoftBank.
Nhiều đối tác đầu tư hàng đầu của SoftBank đã ra đi, bao gồm Deep Nishar, Jeff Housebold và Ervin Tu. Một cấp phó hàng đầu của ông Son, Marcelo Claure, cũng rời công ty sau một cuộc tranh cãi.
Marcelo Claure từng là một "tướng tài" của ông Son, nhưng đã rời SoftBank vào đầu năm 2022 (Ảnh: Bloomberg) |
Kể từ khi Fed phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất vào mùa thu năm ngoái, định giá của các hãng công nghệ bắt đầu suy giảm. |
Khoản tiền đầu tư 700 triệu USD của SoftBank vào Berkshire Grey Inc., một công ty tự động hóa kho hàng ra mắt công chúng vào đầu năm 2021, đã giảm xuống còn dưới 150 triệu USD, dựa trên giá chứng khoán của nó kể từ báo cáo lợi tức gần nhất của SoftBank.
SoftBank dẫn đầu một khoản đầu tư 300 triệu USD rót vào công ty trực tuyến chuyên về lĩnh vực sức khỏe tâm lý Cerebral Inc. Nhưng rồi Cerebral hứng chỉ trích về cách mà họ kê đơn đối với các loại thuốc như Adderall, và Ủy ban Thương mại Liên bang cùng Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra. Cerebral khẳng định họ không vi phạm luật pháp.
Nỗi đau lớn hơn có thể sẽ xuất hiện một khi SoftBank định giá lại hàng trăm công ty vẫn đang là tư nhân trong danh mục đầu tư của họ, một quy trình diễn ra chậm chạp mà thường dựa vào một vòng rót vốn mới của họ.
Nằm trong số những khoản đầu tư lớn nhất của SoftBank chính là công ty "mua trước, trả sau" Klarna Bank AB. Một số nhà đầu tư nhìn nhận công ty khởi nghiệp của Thụy Điển này sẽ có tương lai giống như PayPal – một tay chơi tài chính dự định sẽ tước đi công việc của ngân hàng truyền thống.
Klarna chủ trương tăng trưởng nhanh, chịu nhiều tổn thất nhưng lại được định giá 10 tỉ USD vào cuối năm 2020, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm mùa Xuân năm 2019, theo hãng nghiên cứu PitchBook Data Inc.
Ông Son cũng rất háo hức đầu tư sâu vào lĩnh vực fintech, và ông Claure – lúc bấy giờ là trưởng phòng quản lý hoạt động của SoftBank, đã giới thiệu ông với CEO của Klarna, Sebastian Siemiatkowski. SoftBank đã đầu tư 1,7 tỉ USD vào Klarna trong nửa đầu năm 2021 với mức định giá trung bình về Klarna là khoảng 35 tỉ USD. Một số người hiểu về khoản đầu tư này nói rằng, SoftBank cũng đồng ý rằng Vision Fund 2 sẽ rót thêm 2 tỉ USD vào Klarna.
CEO Sebastian Siemiatkowski của Klarna, công ty được SoftBank đầu tư ở thời điểm nó được định giá cao hơn nhiều so với hiện tại (Ảnh: Bloomberg) |
Đến khi thị trường chứng khoán bắt đầu chao đảo, SoftBank đã thay đổi kế hoạch. Ông Claure rời khỏi công ty vào đầu năm 2022, và SoftBank hủy luôn khoản đầu tư bổ sung vào Klarna. |
Đầu năm nay, Klarna – đang đốt tiền của SoftBank – tìm cách huy động vốn ở mức định giá cao hơn, cuối cùng chỉ để nhận ra rằng thị trường đã biến đổi. Mức định giá mà Klarna hy vọng rơi từ 50 tỉ USD xuống còn 15 tỉ USD, theo báo cáo tháng 6 của Wall Street Journal. Trong tháng 7, các bên rót vốn cho Klarna, trong đó có Sequoia Capital, định giá Klarna khoảng 6,7 tỉ USD trong một vòng kêu gọi đầu tư.
Đối tác của Sequoia Michael Moritz, chủ tịch của Klarna, nói rằng mức sụt giá này "hoàn toàn là do các nhà đầu tư đột ngột bỏ phiếu theo cách ngược lại với cách mà họ bỏ phiếu trong vài năm gần đây". SoftBank đã từ chối tham gia vào vòng gọi vốn này.
Viettimes