MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Starbucks: Chúng tôi chơi cuộc chơi đường dài ở Trung Quốc

25-01-2019 - 21:11 PM | Tài chính quốc tế

Cạnh tranh gia tăng cùng nền kinh tế nhiều biến động cũng không thể khiến Starbucks chùn chân tại thị trường của đất nước tỷ dân.

Trong một cuộc điện đàm hàng quý diễn ra ngày 24/1 vừa qua, CEO Kevin Johnson phát biểu: "Starbucks đang chơi một trò chơi đường dài và chúng tôi vẫn rất lạc quan về khả năng tăng trưởng của hãng tại thị trường Trung Quốc".

Trung Quốc là thị trường chủ đạo phát triển nhanh nhất của gã khổng lồ Starbucks, tuy nhiên nơi đây cũng đặt ra thách thức nhất định cho hãng: Ngày càng nhiều người không muốn trả quá nhiều tiền cho đồ uống của Starbucks, một sản phẩm được coi là "sang chảnh" trong thị trường có nền văn hóa cà phê non trẻ và sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng bình dân ở Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Một trong số đó là Luckin Coffee nhắm tới đối tượng khách hàng là dân văn phòng với hơn 2.000 cửa hàng được mở trên khắp các thành phố của Trung Quốc trong năm qua. Mục tiêu của hãng cà phê mới nổi này là mở tổng cộng 4.500 cửa hàng đến cuối năm 2019 để "lật đổ" ngôi vương của Starbucks và trở thành chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc. Mặc dù vậy, Starbucks lại không tỏ ra quá lo lắng về sự cạnh tranh đến từ Luckin.

CEO Starbucks: Chúng tôi chơi cuộc chơi đường dài ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Một góc cửa hàng Luckin Coffee.

John Culver, Chủ tịch nhóm Phát triển sản phẩm toàn cầu của Starbucks cho biết: "Chúng tôi tôn trọng tất cả các đối thủ cạnh tranh. Khi mọi người tham gia vào thị trường, họ giúp nâng cao nhận thức về tình hình tiêu thụ cà phê tổng thể và đó là một điều tích cực. Starbucks có thể xử lý sự thay đổi liên quan đến thị hiếu của người tiêu dùng và điều kiện kinh tế. Chúng tôi đang rất thoải mái và tin tưởng vào chiến lược của mình tại Trung Quốc".

Tăng trưởng nhanh chóng đã giúp Starbucks thúc đẩy doanh số bán hàng. Tại Trung Quốc, doanh số cửa hàng đã tăng 1% trong ba tháng cuối năm 2018 và hầu hết đều là do việc mở cửa hàng mới. Hãng hiện có khoảng 3.700 quán cà phê tại 158 thành phố của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng 18% trong năm ngoái.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng dẫn đến hệ quả là cửa hàng sau "ăn thịt" doanh thu của cửa hàng trước, cộng thêm sự cạnh tranh mạnh mẽ của Luckin, tất cả chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư và tăng trưởng năng suất của hãng. Thế nhưng, Starbucks vẫn coi Trung Quốc là một thị trường tiềm năng.

Để cạnh tranh tốt hơn, hãng đã tận dụng mối quan hệ đối tác với các siêu thị Hema của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng như một số nền tảng kỹ thuật số khác. Giờ đây, Starbucks đã cung cấp dịch vụ giao hàng tại hơn 2.000 cửa hàng ở Trung Quốc.

Còn tại Mỹ, gần đây hãng cũng mở rộng hợp tác với đối tác giao hàng UberEats. Doanh số cửa hàng ở thị trường này của họ đã tăng 4% trong quý cuối năm 2018, đạt 6,6 tỷ USD và số thành viên đăng ký đã tăng lên 16,3 triệu người ở Mỹ. Bên cạnh đó, họ cũng hy vọng sự hợp tác với Nestle hiện đang phân phối các sản phẩm của Starbucks trên toàn thế giới sẽ là cơ hội lớn giúp hãng phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đầu tháng 1, Goldman Sachs dự đoán Starbucks sẽ là công ty tiếp theo đưa ra cảnh báo về doanh số bán hàng suy giảm tại Trung Quốc. Trước đó, Apple và McDonald đã cảnh báo các nhà đầu tư về việc giảm doanh số do ảnh hưởng của nền kinh tế đang suy yếu ở nước này.

Theo Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên