CEO Tân Mỹ kể chuyện gia đình hơn nửa thế kỷ làm nghề thêu: Từ đôi bàn tay làm nên cơ nghiệp, không mảy may trước ‘núi tiền’ đề nghị thuê cửa hàng 1000m2 giữa lòng phố cổ
Với tòa nhà 1000m2 ở vị trí đắc địa nơi phố cổ, nhiều người ngỏ ý muốn thuê lại với số tiền rất lớn hay “rủ” gia đình chị mở khách sạn, nhà hàng nhưng gia đình Tân Mỹ luôn từ chối, không “mảy may” suy nghĩ đến lời đề nghị. Dù đó là những điều đem lại lợi nhuận lớn hơn, nhưng với gia đình chị, việc “giữ lửa nghề thêu”, “phải giữ lấy nghề con nhé” là quan trọng hơn cả.
- 11-02-2024Ford Focus 22 năm tuổi có giá gần gấp rưỡi hồi mua mới: Như vừa bóc nilon, công nghệ sẽ khiến nhiều người lăn tăn
- 11-02-2024Dâu hào môn Việt lên đồ xúng xính trong ngày mùng 1 Tết: Tất cả gói gọn trong từ "sang"
- 11-02-2024Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn sắp có con dâu mới?
Năm 1969, trong một con ngõ nhỏ ở phố Hàng Gai, cụ Bạch Thị Ngải mở cửa hàng thêu đầu tiên trên con phố sầm uất nhất nhì khu phố cổ mang tên Tân Mỹ. Lúc ấy, cửa hàng chỉ vỏn vẹn 20m2. Khó có thể tượng tượng rằng, 55 năm sau, cửa hàng nhỏ năm xưa đã “trở thành” một điểm đến quen thuộc của nhiều vị chính khách, tọa lạc giữa trung tâm phố cổ trong không gian rộng tới 1000m2.
Đến nay, Tân Mỹ nổi tiếng với 4 thế hệ làm nghệ thêu tay truyền thống. Các sản phẩm được thêu tay, hoàn toàn “made in Việt Nam” của gia đình Tân Mỹ nhiều chính khách, du khách nước ngoài yêu mến với rất nhiều sản phẩm truyền thống, được làm bằng tay từ các nghệ nhân Việt Nam.
Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Nguyễn Thùy Linh là thế hệ thứ ba của Tân Mỹ, hiện là Giám đốc điều hành của Tân Mỹ Design, nghe chị kể lại về hành trình 4 thế hệ làm nên Tân Mỹ hôm nay, mọi thứ có được từ “đôi bàn tay” khéo léo, sự tận tâm của bà ngoại chị và những người thợ thêu đồng hành cùng gia đình.
Tân Mỹ trong lời kể của bà ngoại, của mẹ được gây dựng, đặt những viên gạch đầu tiên như thế nào?
Bà ngoại gây dựng Tân Mỹ từ những năm còn rất khó khăn, bắt đầu từ những chiếc gối thêu cho các cặp vợ chồng, chiếc khăn tay cho rất nhiều cặp đôi như kỷ vật của tình yêu, một lời đính ước.
Năm 1969, bà ngoại mở cửa hàng Tân Mỹ nằm trên phố Hàng Gai. Cửa hàng chỉ vỏn vẹn 20 mét, có 2 tầng trong con ngõ nhỏ. Ban ngày bày hàng ra bán, buổi tối lại dọn hàng rồi trải chiếu ra ngủ. Hồi ấy, trên phố Hàng Gai chỉ có gia đình tôi mở hàng thêu là cửa hàng đầu tiên.
Thời gian đầu là chưa có nhiều người biết đến, thường là người quen biết giới thiệu nhau. Sau này, ngày càng nhiều người có nhu cầu về sản phẩm thêu hơn. Bà ngoại và mẹ làm không đủ năng suất theo yêu cầu của mọi người. Sau đó, bà về làng thêu Thường Tín tìm những người thợ thêu giỏi để họ cùng bà sản xuất các sản phẩm thêu tay. Vui nhất là thứ 7, chủ nhật, cửa hàng rất đông khách, nhiều người phải đứng xếp hàng từ ngoài cửa ngõ để đi vào mua hàng. Từ đó, cửa hàng cũng phát triển hơn.
Còn trong ký ức của chị thì sao, những năm còn khó, hình ảnh về Tân Mỹ hiện diện trong chị có gì ấn tượng?
Tôi có rất nhiều ấn tượng về thời khó khăn ấy. Tôi cảm giác lúc ấy khó khăn nhưng những gì mình nhớ về luôn là kỷ niệm đẹp. Tôi đã được chứng kiến bà với mẹ rất chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Việc bà ngoại thức cả đêm để thêu những sản phẩm kịp cho khách hàng là hình ảnh rất đỗi quen thuộc. Những khoảnh khắc ấy như ăn sâu vào trong tiềm thức tôi.
Bà cũng là người rất kỹ tính. Có nhiều khách hàng trước khi về thăm gia đình, họ luôn đến mua những sản phẩm về làm quà. Thường họ bay chuyến sớm, 5-6h sáng họ đã đến Tân Mỹ rồi đi thẳng ra sân bay về rồi. Có lần, thợ trả khăn, bà lại thấy cành hoa chưa được ưng ý. Vì bà rất kỹ tính, với thợ thì họ nghĩ cành hoa đấy đẹp rồi nhưng bà lúc nào cũng chỉn chu, muốn sản phẩm phải đạt chất lượng cao nhất. Thế nên buổi tối hôm đấy, xong hết việc, bà đã ngồi tháo và thêu lại cành hoa đến 4 giờ sáng. Khoảng 5h sáng vị khách đến lấy khăn.
Chính những việc nhỏ bà làm như vậy đã cho tôi nhân sinh quan rằng đã làm điều gì, hãy làm tốt nhất có thể. Những thói quen đó cũng truyền từ đời này sang đời khác, không phải là bắt buộc mà chỉ cần nhìn bà, nhìn mẹ làm, điều đó cũng ngấm, ăn sâu vào tâm trí mình. Chính mình mong muốn như thế, mình mới làm được tốt nhất.
Đến thời mẹ của chị, thế hệ thứ hai, cửa hàng nhỏ Tân Mỹ năm xưa đã phát triển như thế nào?
Năm 1997, Tân Mỹ bắt đầu ra mặt đường, bà ngoại quyết định giao lại toàn bộ cho mẹ quản lý, còn bà đóng vai trò cố vấn. Bà rất yêu nghề, ngày nào mà cũng xuống cửa hàng để gặp khách, chăm chút từng sản phẩm, bày biện. Các sản phẩm chỉ cần bị lệch, không thẳng hằng là bà không đồng ý.
Bắt đầu từ thời của mẹ, Tân Mỹ đã phát triển rất nhanh. Gia đình mua được cửa hàng số 66, Hàng Gai. Sau đó, gia đình cũng mở thêm cửa hàng ở số 61 Hàng Gai rộng hơn 1000m2, không chỉ phát triển các sản phẩm thêu mà còn các sản phẩm truyền thống khác. Mẹ tôi là người rất cố gắng, chăm chỉ và yêu nghề. Tôi nghĩ rằng, mình chỉ làm được điều gì tốt khi mình yêu quý, tâm huyết, chứ làm vì trách nhiệm, làm cho xong thì không tốt được.
Khi mẹ tiếp quản, mẹ cũng là người rất khéo léo, chân thành. Tất cả các khách hàng đến Tân Mỹ đều yêu quý mẹ và trở thành bạn của mẹ. Họ đến cửa hàng, họ thích được gặp mẹ lắm và nói rằng “Hương là linh hồn của Tân Mỹ”.
Nếu để chọn ra những cột mốc, dấu mốc quan trọng của Tân Mỹ, về cả những lúc thịnh vượng nhất đến những khi khó khăn nhất. Chị sẽ lựa chọn ra những dấu mốc nào?
Dấu mốc đầu tiên là năm 1997, Tân Mỹ lần đầu tiên được ra mặt phố Hàng Gai. Dấu mốc thứ hai là 2019, Tân Mỹ kỷ niệm 50 năm thành lập thương hiệu. Lúc ấy, gia đình có tổ chức triển lãm và trưng bày những sản phẩm thêu từ ngày đầu tiên.
Có những chiếc khăn trải bàn, khăn tay có tuổi đời hơn 40 năm. Do tất cả khách hàng đã từng mua của Tân Mỹ, người Thụy Điển, người Nga… đến giờ họ vẫn liên hệ và trở thành bạn thân của gia đình. Họ sẵn sàng bay sang để dự lễ kỷ niệm và cho Tân Mỹ mượn trưng bày. Những vị khách vẫn giữ sản phẩm của Tân Mỹ hơn 40 năm và vẫn dùng, chứng tỏ họ rất yêu quý và trân trọng. Mà những sản phẩm ấy vẫn đẹp, không vương dấu ấn của thời gian, không bị rách hay sờn, chứng tỏ họ đã rất trân quý.
Một dấu mốc khó khăn, vào năm 2020, do Covid-19, gia đình tôi phải bán ngôi nhà ở 66 Hàng Gai đi. Lúc bán, mẹ tôi buồn lắm bởi bao nhiêu thời gian gắn bó, đi lên từ ngôi nhà ấy. Có ngôi nhà ấy mới mua được nhà này, chất chứa rất nhiều tình cảm nhưng vẫn phải bán đi mới có tiền chi trả chi phí cho 3 năm covid.
Khách hàng của Tân Mỹ thì 80% - 90% là khách du lịch. Khoảng thời gian đóng cửa vì Covid -19, Tân Mỹ không có doanh thu. Để giữ được mấy chục nhân viên hiện tại đang làm việc ở Tân Mỹ và hàng trăm người thợ thêu, gia đình buộc phải bán căn nhà ấy đi. Trong vòng từng ấy năm có tiền trả cho họ để họ duy trì, đến hết dịch họ lại tiếp tục làm cho mình. Vì Covid-19 kéo dài mấy năm, không có khách du lịch nên không có đơn đặt hàng, mà không có thu nhập thì họ sẽ phải chuyển sang nghề khác. Tôi cũng cảm thấy xứng đáng vì mình vẫn giữ được nghề thêu truyền thống.
Khi quyết định bán ngôi nhà ở 66 Hàng Gai, mẹ chị đã nói gì?
Lúc ấy, mẹ đã bảo: “Bây giờ không thể cầm cự được thêm nữa”. Mình phải bán nhà đấy đi. Đấy cũng là công sức lao động của mẹ, mẹ có quyền quyết định tất cả. Mẹ làm gì tôi cũng ủng hộ. Khi bán mẹ cũng rất buồn nhưng mẹ cũng thấy xứng đáng. Quan trọng là mình giữ được nghề, tồn tại đến hôm nay và vẫn đang trên đà phát triển.
Tân Mỹ là điểm đến được nhiều vị khách đặc biệt đến ghé thăm. Theo chị, đâu là lý do Tân Mỹ là điểm đến mà họ lựa chọn?
Theo tôi, thứ nhất, họ đến Tân Mỹ vì thích mua sản phẩm. Thứ hai là Tân Mỹ cũng có bề dày lịch sử, có bề dày lâu năm, đã là 55 năm tuổi. Một thương hiệu tổn tại và phát triển ngần ấy năm cũng đủ để họ tin tưởng.
Thứ ba là tính gia đình, truyền từ đời này sang đời khác, là văn hóa mà nhiều người có cảm tình, công ty lại toàn là phụ nữ. Khi mua sản phẩm của Tân Mỹ, họ sẽ cảm nhận được nét văn hóa, truyền thống của sản phẩm. Cũng giống như mình đi đến một đất nước, tâm lý của mình cũng sẽ là mua những thứ liên quan đến kỷ niệm của nước đấy.
Tôi cảm giác Tân Mỹ không chỉ là một cửa hàng mà còn là “gia đình” đối với khách nước ngoài. Điều Tân Mỹ đạt được nhiều nhất là gần như rất nhiều khách hàng đều trở thành bạn thân. Bây giờ, mẹ tôi đi nước ngoài, ở các nước đến có ít nhất một người bạn xuất thân là khách hàng.
Có phải, chính vì con người của Tân Mỹ, nên Tân Mỹ xuất hiện ở phố Hàng Gai, Hà Nội?
Đúng vậy, chính vì lý do ấy mà Tân Mỹ chỉ có một địa điểm duy nhất.
Lúc ấy, đã bao giờ, bà ngoại, mẹ hay chị tính đến chuyện phát triển Tân Mỹ đến nhiều thành phố khác?
Rất nhiều lời mời, ngỏ ý muốn mở Tân Mỹ ở các thành phố lớn khác từ bao năm nay nhưng gia đình tôi chưa bao giờ đồng ý. Vì gia đình muốn giữ được cái hồn của Tân Mỹ. Đó không chỉ là sản phẩm mà còn là con người, là 4 thế hệ của Tân Mỹ. Bây giờ nếu mở ra thành chuỗi thì sẽ không còn là Tân Mỹ nữa.
Gia đình tôi muốn có mặt tại cửa hàng, ngắm nghía, quản lý được chất lượng tốt nhất. Khi làm chuỗi, mở thêm vài cửa hàng nữa sẽ không quản lý được hết. Nếu đưa Tân Mỹ đến những thành phố khác, gia đình tôi cảm thấy không yên tâm. Tất cả tình cảm, sự chỉn chu dành hết, chỉ có dành cho được 1 cửa hàng thôi. Yếu tố con người rất quan trọng, như linh hồn của thương hiệu.
Khách hàng yêu quý Tân Mỹ vì con người, 4 thế hệ không chỉ đơn giản là sản phẩm. Có nhiều đoàn khách 30-40 người, họ chưa đến Tân Mỹ bao giờ nhưng liên hệ và nói rằng: “Chúng tôi có một đoàn khách muốn đến mua hàng nhưng trước khi mua hàng, chúng tôi muốn gặp ít nhất một thế hệ của Tân Mỹ”. Họ bay từ những nước xa xôi, cách nửa vòng trái đất, mong muốn được gặp mình để nghe chia sẻ về câu chuyện này. Họ rất ấn tượng với công việc kinh doanh gia đình truyền từ đời này sang đời khác, toàn là những người phụ nữ. Chính những điều ấy là thứ không bao giờ có thể mua được.
Đấy có lẽ cũng chính là lý do có vị khách đã giữ tấm card của Tân Mỹ những 31 năm. Họ đến Tân Mỹ, họ không chỉ yêu quý sản phẩm mà còn con người của Tân Mỹ thì họ mới giữ được tấm card ấy lâu đến như vậy. Khi quay lại, vị khách ấy cũng rất vui khi thấy Tân Mỹ đã có thế hệ thứ 3, thứ 4.
Gia đình chị còn những sự từ chối nào nữa, thưa chị?
Từng rất nhiều lần. Đồ Tân Mỹ lại là đồ truyền thống, làm thủ công, không sản xuất được số lượng lớn. Nếu sản xuất được số lượng lớn thì có lãi nhiều hơn. Nhiều siêu thị của Nhật, Hàn Quốc đã từng đến đây đặt vấn đề, mua các sản phẩm của Tân Mỹ, ví dụ mỗi tháng cần 1000 chiếc khăn. Tôi nói rằng, chúng tôi không thể làm được, vì tất cả sản phẩm đều được thêu tay, làm bằng tay, chúng tôi không thể đáp ứng được số lượng lớn như vậy. Tôi đã từ chối rất nhiều cơ hội.
Năm 2007, gia đình tôi mua căn nhà ở 61 Hàng Gai, ngân sách lúc ấy không đủ mà phải đi vay. Vừa mua xong, mới xây được khung thì có một công ty nước ngoài ngỏ ý muốn thuê cả tòa nhà, giá rất cao so với thị trường. Lúc ấy, trước lời ngỏ ý muốn thuê cửa hàng với số tiền rất lớn, mẹ có hỏi ý kiến bà ngoại. Bà đã nói với mẹ: “Nếu con muốn các con con hư thì cho thuê. Còn nếu con muốn các con con chăm chỉ, nên người thì phải mở”. Sau đó, mẹ tôi quyết định mở cửa hàng, không cho thuê nữa. Mẹ cũng thấy lời bà ngoại nói quá đúng. Có câu “nhàn cư vi bất thiện”, tự dưng có một đống tiền mà nhàn quá, lại nghĩ ra việc để tiêu.
Đúng là, trong kinh doanh, có những thứ không đong đếm được bằng tiền, bằng lợi nhuận?
Gia đình tôi vẫn rất trung thành với nghề. Nhiều người không chỉ ngỏ ý thuê mà còn trả một cái giá rất cao. Tôi chia sẻ chân thành, với số tiền ấy thì lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà bán các sản phẩm này có được mà không phải lo kinh doanh mà lại rất nhàn.
Có nhiều người rủ làm ăn chung, mở nhà hàng, khách sạn và họ đảm bảo là siêu lợi nhuận với diện tích và địa điểm này, chắc chắn sẽ kiếm được rất nhiều tiền hơn so với những gì Tân Mỹ đang làm. Nhưng gia đình tôi chưa bao giờ mảy may, suy nghĩ, mà luôn từ chối: “Không, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc”. Tôi nghĩ rằng bây giờ nếu mở nhà hàng, khách sạn thì tôi sẽ rất buồn cho dù mình có nhiều tiền hơn, mình sẽ không bao giờ có được niềm vui và hạnh phúc như bây giờ.
Quan trọng nhất là được làm điều mình thích và tiếp nối truyền thống của gia đình. Mỗi khi đón các vị khách quý từ các nước đến, thật sự rất vinh dự. Họ đến nhà mình, rất trân trọng những sản phẩm của Tân Mỹ, bày tỏ niềm yêu thích với sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Họ còn khen những người thợ thủ công của Việt Nam tay nghề cao, rất giỏi. Lúc ấy, thật sự cảm giác tự hào dân tộc, cảm giác ấy không tiền nào mua được. Tôi cảm thấy rất xứng đáng, có thể không cần nhiều tiền hơn nhưng mình đang đi đúng hướng và hạnh phúc với những gì mình có.
Mọi thứ đã nằm ngoài giới hạn đơn thuần “kinh doanh, buôn bán, có lãi, kiếm tiền”, thưa chị?
Công việc kinh doanh của Tân Mỹ không chỉ là công việc kinh doanh bình thường nữa. Tôi cảm giác mình làm không phải chỉ vì tiền, mà là điều gì đó rất thiêng liêng. Bà ngoại đã đi từ những viên gạch đầu tiên rất khó khăn mới có được ngày hôm nay, mình cũng cố gắng để phát triển nó hơn và yêu nó thật sự.
Ngày xưa, mẹ tôi hay nói rằng: Tân Mỹ là đứa con thứ 3 của mẹ. Lúc ấy, tôi cũng chưa hiểu vì mình chưa lập gia đình, chưa có con. Nhưng bây giờ tôi đã lập gia đình và có hai con rồi, tôi cũng hiểu câu nói của mẹ tại sao nói Tân Mỹ là đứa con thứ 3. Vì mình thật sự yêu nó. Hôm nào không đến cửa hàng là rất nhớ.
Mỗi lần đi du lịch, công tác xa về, dù bay 12 tiếng rất mệt, việc đầu tiên mẹ làm là phải về cửa hàng để nhìn ngắm một tí rồi mới về nhà nghỉ ngơi. Bây giờ tôi cũng vậy. Đúng là đi xa mình nhớ con, thì với cửa hàng cũng như vậy.
Để chọn khoảng 5 từ nói về hành trình bà và mẹ gây dựng Tân Mỹ, chị sẽ chọn những từ nào?
Đầu tiên là nỗ lực. Để có được ngày hôm nay, bà và mẹ, tất cả mọi người đều đã phải rất nỗ lực. Thứ hai là cực kỳ chăm chỉ. Thứ ba là tình yêu với nghề. Thứ tư là mồ hôi, nước mắt. Quan trọng nhất là sự yêu thương của khách hàng. Tôi cảm thấy rất may mắn khi Tân Mỹ được khách hàng yêu thương, tin tưởng.
Tôi nhiều lần thấy bà và mẹ rơi nước mắt vì Tân Mỹ. Có những lúc khó khăn, cạnh tranh. Làm gì cũng khó khăn cả, không có điều gì là dễ dàng cả. Bà và mẹ là người phụ nữ rất kiên cường, chăm chỉ, chịu khó và hi sinh rất nhiều để có được Tân Mỹ hôm nay.
Mong muốn sẽ tiếp quản Tân Mỹ, sự nghiệp của gia đình nhen nhóm trong chị từ khi nào?
Tôi đã hiểu mình là thế hệ tiếp nối của Tân Mỹ từ khi còn bé. Mong muốn ấy ngày càng thể hiện mạnh mẽ khi mình lớn hơn. Tôi bắt đầu làm việc tại Tân Mỹ năm 25 tuổi. Trước đấy, tôi cũng đi học và làm thêm ở ngoài một số nơi. Tôi cũng muốn thử sức vì mình được học hành tử tế, không muốn người ta nói rằng mình chỉ dựa vào Tân Mỹ. Tôi cũng muốn cho mọi người thấy mình có thể đi làm ở chỗ khác được. Mình cũng có khả năng chứ không phải “ăn sẵn”, vì con gái nhà Tân Mỹ nên lớn lên thì đương nhiên mình làm việc ở đây.
Thời gian đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều người luôn nghĩ tôi chỉ là con của bà chủ. Tôi làm gì mọi người cũng không phục. Đây cũng là “cái khổ” nhất của người tiếp quản công ty gia đình. Thời gian trôi qua, mọi người cũng hiểu mình rất yêu quý và cố gắng phát triển Tân Mỹ.
Khi để chị tiếp quản Tân Mỹ, bà và mẹ chị đã nói điều gì?
Bà và mẹ luôn nói: “Làm tốt thì mới cho làm, còn không làm tốt thì thôi, đi thuê người ngoài làm. Không được phép làm cho Tân Mỹ đi xuống”. Bà và mẹ cũng không hề ép vì công việc này phải thích mới làm được. Nhưng tôi thích làm và rất yêu Tân Mỹ.
Hồi mới mở cửa hàng bên này là bắt đầu thành lập công ty. Tôi nhớ mãi ngày đi đăng ký tên công ty, công ty nào cũng là thư ký đi làm giấy tờ chỉ có mình tôi là giám đốc đi làm hết (cười). Hồi ấy còn chưa kịp tuyển ai. Về sau tuyển từng nhân sự, nhân viên bán hàng. Hồi đầu, tôi cũng làm việc từ đầu đến cuối, không bao giờ biết đến ngày nghỉ. Sau này, bộ máy trơn tru mới có thời gian rảnh.
Những áp lực chị gặp phải khi kế nghiệp là gì?
Áp lực lắm! Ít nhất phải làm bằng, hơn chứ không bao giờ được kém hơn. Tôi chỉ cần nhìn thấy doanh thu chẳng may xuống một tí là lo lắng lắm. Càng to càng áp lực. Ngày xưa, bà và mẹ làm cửa hàng, quản lý 10 nhân viên khác. Bây giờ mấy chục nhân viên, các bộ phận, cũng nhiều áp lực hơn. Chỉ cần mình cố gắng sẽ làm được thôi. Tôi cũng may mắn khi luôn có mẹ bên cạnh, tư vấn.
Động lực là thấy Tân Mỹ ngày càng phát triển, đông khách hơn, được biết đến nhiều hơn. “Hữu xạ tự nhiên hương”, mấy chục năm qua Tân Mỹ có rất nhiều khách nước ngoài, nhưng thời gian gần đây được người Việt biết nhiều hơn. Người nước ngoài họ có nhiều thương hiệu lớn nhưng vẫn rất yêu quý các sản phẩm của mình. Mình cũng tự hào lắm!
Việc điều hành doanh nghiệp cùng mẹ sẽ không tránh khỏi những lúc “giẫm chân nhau”. Chị có gặp phải nhiều trường hợp như vậy?
Có chứ. Hồi đầu “giẫm chân nhau” rất nhiều. Mẹ tôi vốn quen quản lý kiểu truyền thống, đến lúc tôi thành lập công ty không còn hoạt động theo kiểu cửa hàng nữa. Công ty sẽ có nội quy, quy định. Khi tôi đưa ra những nguyên tắc, có thể ban đầu mọi người không thoải mái vì chưa quen. Có những lúc tôi vừa ra quy định, xong nhân viên làm lâu năm lại đến năn nỉ mẹ tôi cho được ngoại lệ, không phải thực hiện quy định đó, thì mẹ tôi lại đồng ý. Sau đấy, tôi có nói với mẹ rằng mẹ không nên làm thế, vì nếu như vậy nhân viên sẽ không nghe tôi. Có 1 lần đến đỉnh điểm tôi còn nói: "Nếu mẹ không tin vào những quyết định của con thì mẹ thuê người khác làm đi, con không làm nữa đâu”. Từ đấy, mẹ cũng để tôi quyết định. Nhưng sau cùng, mẹ và tôi đều có chung một mục tiêu là làm cho Tân Mỹ phát triển.
Nhìn lại hành trình 3 thế hệ đưa từ một cửa hàng nhỏ đến một thương hiệu lớn, điểm đến của nhiều vị khách quý, chị cảm thấy như thế nào?
Tôi thấy bà với mẹ là siêu nhân. Con gái của tôi cũng không thể tưởng tượng được. Hồi trước, tôi luôn nhấn mạnh với con gái là con phải là thế hệ thứ 4 của Tân Mỹ nhé. Mình cũng muốn con yêu thương Tân Mỹ như mình. Lúc ấy, cháu còn bé nên không thích tiếp quản Tân Mỹ đâu. Nhưng năm 2019, năm cháu 8 tuổi, không phải quá lớn nhưng trong lễ kỷ niệm 50 năm, có một clip chia sẻ hình ảnh cửa hàng Tân Mỹ 20m2, rất nhỏ trong ngõ, có bà, mẹ và các vị khách. Tuy cửa hàng nhỏ nhưng mọi người đều toát lên vẻ rất hạnh phúc. Sau đó, cũng có lời nói đây là cửa hàng Tân Mỹ lúc 20m2, sau 50 năm, các vị đứng đây, cũng là Tân Mỹ nhưng hơn 1000m2.
Tôi không hề nghĩ những điều này đã gây ấn tượng mạnh đến con gái. Hôm đấy cũng là sinh nhật của mẹ. Hôm ấy, con đã nói với tôi: “Mẹ ơi, sao cụ với bà giỏi thế. Ngày xưa, Tân Mỹ chỉ nằm trong ngõ mà bây giờ Tân Mỹ to, đẹp như thế”. Cháu bày tỏ sự ngưỡng mộ với thành quả của cụ và bà ngoại. Cháu nói con sẽ là thế hệ thứ 4 của Tân Mỹ. Hôm ấy, tôi đã rất vui nhưng không ngờ cháu còn viết 1 tấm thiệp cho bà ngoại: “Chúc mừng sinh nhật bà. Bà ngoại ơi, con xin lỗi bà vì trước đây con đã không quan tâm đến Tân Mỹ. Từ bây giờ con quyết tâm sẽ là thứ 4 Tân Mỹ. Con sẽ mang Tân Mỹ ra thế giới”. Điều đó làm tôi vô cùng hạnh phúc. Con cũng hiểu rằng các thế hệ trước đã vất vả thế nào mới có được ngày hôm nay. Từ lúc ấy, cháu thay đổi hoàn toàn, cháu hào hứng quan tâm, tham gia hoạt động của Tân Mỹ.
Thế hệ thứ 4 của Tân Mỹ, dường như cũng đã chuẩn bị một tâm thái sẵn sàng, thưa chị?
Con gái tôi là thế hệ thứ 4, cháu cũng đang rất thích nghề, thích xuất hiện các sự kiện, công việc liên quan đến công việc của Tân Mỹ. Tôi cũng rất vui khi con gái hướng đến công việc ở Tân Mỹ sớm hơn tôi ngày xưa. Ngày xưa, tôi yêu mọi thứ về Tân Mỹ nhưng Tân Mỹ chưa phát triển như bây giờ. Cháu cũng hiểu được mình là thế hệ thứ 4 của Tân Mỹ.
Mới đây thôi, có một câu nói đùa của cháu mà tôi thấy thật sự rất vui. Cháu bảo: “Mẹ ơi, con không muốn lấy chồng đâu, lấy chồng phải đẻ em bé đau lắm!”. Tôi trêu cháu: “Thế thôi, con không cần đẻ em bé”. Nhưng rồi cháu bảo: “Không được, con phải đẻ một cô con gái cho Tân Mỹ”. Cháu hiểu rằng mình là thế hệ thứ 4 và có trách nhiệm phải có thế hệ thứ 5.
Chỉ cần nghe như vậy, tôi đã thấy cháu rất sẵn sàng, cháu đã hiểu. Tôi vui vì mình đã có truyền nhân rồi (cười). Lúc cháu nói câu ấy, tôi cũng rất ngỡ ngàng vì không nghĩ con gái mới 13 tuổi đã nghĩ được như vậy.
Nhiều người gọi gia đình chị là gia đình mẫu hệ. Chị có thể chia sẻ thêm về tính “mẫu hệ” này trong gia đình mình?
Mọi người gọi là “mẫu hệ” vì toàn truyền nghề cho con gái. Thật ra không phải cố tình. Ngày xưa, lúc mở cửa hàng, mẹ tôi làm y tá, mẹ vẫn phụ bà làm. Các bác đều có công việc riêng của mình. Một ngày, bà bảo: “Ai về làm với mẹ đi. Bây giờ thêu càng ngày càng nhiều”. Lúc ấy, mẹ tôi là người duy nhất chịu về. Tôi nghĩ nghề này cũng phù hợp với phụ nữ hơn.
Đến thế hệ thứ 3, tôi vẫn mong muốn em trai làm cùng mình. Vì nhiều lúc tôi cũng cảm thấy quá tải nhưng em trai lại có con đường riêng. Đến đời các con tôi thì mong con trai sẽ hỗ trợ chị gái.
Điều gì bà và mẹ chị nói mà chị ấn tượng nhất, có lẽ là không bao giờ quên được?
Có 2 câu nói của bà mà tôi khắc cốt ghi tâm. Bà ngoại hay nói với mẹ: “Phải cố giữ lấy nghề, con nhé!”.. Mẹ cũng nói với tôi câu này, tôi cũng luôn nói với con gái mình như vậy. Tôi hy vọng câu nói này có thể truyền thêm được nhiều đời nữa. Một câu nói nữa của bà mà tôi luôn ghi nhớ: “Trong kinh doanh, quan trọng nhất là chữ tín. Chữ tín ở đây là sự thành thật với khách hàng”.
Bài học lớn nhất mà chị học được từ bà, từ mẹ là gì?
Bài học lớn nhất tôi học từ bà và mẹ là tình yêu với nghề cùng sự chăm chỉ. Bà và mẹ rất chăm chỉ, có tính kỷ luật cao. Mẹ luôn nói rằng, đã ra quyết định là phải làm, đừng bao giờ vì bất kỳ lý do gì mà bỏ cuộc. Làm việc gì cũng cố gắng đặt hết tâm sức, tập trung làm tốt nhất có thể.
Bên cạnh việc phát triển doanh nghiệp, Tân Mỹ còn là nơi nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống. Chị và Tân Mỹ đang làm điều này ra sao?
Tân Mỹ luôn mong muốn sẽ trở thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật để khách nước ngoài đến đây sẽ nhìn ngắm những sản phẩm rất đẹp do nghệ nhân Việt Nam làm. Họ sẽ yêu mến và hiểu được văn hóa, truyền thống của Việt Nam.
Tôi thấy sự tài hoa, tay nghề của người Việt Nam mình giỏi lắm. Tôi mong có nhiều khách đến mua sản phẩm. Vì khi họ mua, tôi lại sản xuất nhiều hơn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn. Để thêu một cành hoa trên một chiếc khăn thì cũng phải cần đến 3 ngày. Người nghệ nhân phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức, sự tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ để thêu nên các sản phẩm. Khi chứng kiến người thợ thêu làm, tôi thấy thật sự sức lao động của họ quá quý giá. Mức giá bán các sản phẩm vẫn chưa thật sự đúng với công sức họ bỏ ra.
Có những người khách hàng, họ mua sản phẩm của Tân Mỹ về, họ bán ở cửa hàng bên nước họ, họ bán giá gấp 10 đến 20 lần. Tôi nghĩ nghệ nhân thêu của Việt Nam mình cần được trân quý hơn nữa.
Được biết, chị từng chia sẻ, có gia đình đời bà, mẹ rồi đến thế hệ con đều làm việc tại Tân Mỹ. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
Tôi thấy có một điều rất hay, người thợ mà giỏi hẳn lại thường là nam giới. Các ông, chú, anh thợ thêu lại thường là leader. Các ông thợ thêu ngày xưa làm cùng với bà tôi. Đến đời các con của ông lại làm cùng mẹ. Đến đời cháu thì lại làm cùng tôi. Chính vì sự truyền đời như vậy thì rất thân thiết, làm việc với nhau mấy chục năm. Không chỉ là quan hệ làm ăn, kinh doanh nữa mà còn như người thân trong gia đình. Tôi cảm thấy rất tình cảm.
Dịp cuối năm, lương, thưởng và quà của nhân viên, thợ thêu có khiến chị áp lực?
Tôi cũng không áp lực lắm. Kể cả những lúc khó khăn, gia đình cũng chưa bao giờ cắt giảm gì của nhân viên. Lúc khó khăn nhất, mình còn bán cả nhà đi để trả lương cho nhân viên mà! Nhà tôi đã lo xong hết thưởng cho nhân viên, cũng đã có quà cho thợ thêu rồi. Cuối năm chi rất nhiều nhưng mình vẫn rất vui. Việc này mình vẫn làm hàng năm rồi.
Lo toan lương, thưởng, quà cáp cho những người làm cùng với mình là điều tất nhiên. Mình có ngày hôm nay cũng là nhờ có họ. Gia đình tôi rất trân trọng nhân viên, thợ thêu. Để có một Tân Mỹ như hôm nay là công sức của cả tập thể, bà ngoại, mẹ, tôi và con gái chỉ là hình ảnh đại diện.
Mong muốn của chị về Tân Mỹ trong năm mới - năm Giáp Thìn là gì?
Là người làm kinh doanh, tôi cũng mong muốn công việc kinh doanh của mình phát triển tốt hơn năm cũ. Thương hiệu sẽ được nhiều người Việt Nam biết đến nhiều hơn. Bây giờ, khách hàng người nước ngoài của Tân Mỹ đang nhiều hơn người Việt. Tôi là người Việt Nam, tôi cũng muốn được phục vụ người Việt.
Các sản phẩm của Tân Mỹ đều có tiêu chí “made in Việt Nam”, do người lao động Việt Nam sản xuất ra những mặt hàng ấy. Tôi cũng muốn giới thiệu sản phẩm “made in Việt Nam” tới khách hàng. Bất cứ khách hàng nào người nước ngoài bước vào đây đều sẽ mua được sản phẩm “made in Việt Nam”. Họ hiểu được tải năng của những người thợ, người lao động Việt Nam rất giỏi. Không chỉ giỏi về thiết kế, họ còn rất giỏi về tay nghề, rất tinh xảo. Các sản phẩm đều được làm theo phương pháp truyền thống. Càng phương pháp truyền thống, càng mất nhiều thời gian, đòi hỏi tay nghề cao. Điều quan trọng là giữ gìn được các ngành nghề truyền thống, mình bán được hàng mới tạo được công ăn việc làm cho những người thợ. Tôi cũng mong muốn bán được nhiều sản phẩm, có thêm chi phí trả cho người thợ và đặt họ làm thêm nhiều cái mới.
Rất nhiều khách đã từng nói rằng đây không chỉ là một cửa hàng nữa, mà là như một trung tâm văn hóa nghệ thuật. Họ cảm giác khi đến đây, họ sẽ hiểu văn hóa, truyền thống của dân tộc mình hơn qua những sản phẩm, chứ không đơn thuần chỉ là nơi kinh doanh nữa. Tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc vì điều đó.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Đời sống Pháp luật