CEO TikTok bỏ việc chỉ sau vài tháng nhậm chức
Kevin Mayer, CEO TikTok, thông báo sẽ rời công ty chỉ sau vài tháng được bổ nhiệm.
- 27-08-2020Tổng thống Trump là lý do khiến Microsoft "mặn mà" với thương vụ TikTok
- 24-08-2020Reuters: VNG chuẩn bị khởi kiện TikTok, đòi bồi thường 221 tỷ đồng
- 24-08-2020Những nhà đầu tư số 0 học đánh chứng trên... TikTok
Trong thư gửi nhân viên, ông Mayer nhắc tới môi trường chính trị thay đổi hoàn toàn trong vài tuần gần đây và nhìn nhận lại thay đổi cần có trong cơ cấu doanh nghiệp, cũng như vai trò của mình đối với TikTok . Ông cho rằng vị trí điều hành TikTok trên toàn cầu sẽ rất khác biệt, như một hệ quả của hành động gần đây của chính quyền Mỹ lên công ty.
Ông Mayer gia nhập TikTok vào tháng 5/2020 sau khi rời bỏ vị trí Giám đốc nội dung tại Disney, nơi ông phụ trách ra mắt dịch vụ Disney+. Ông cũng là nhân vật quan trọng trong các thương vụ lớn của Disney như mua lại Marvel Entertainment năm 2009, Lucasfilm năm 2012, 21st Century Fox năm 2019. Ông rời Disney không lâu sau khi Bob Chapek được bổ nhiệm làm CEO mới của Disney. Ông Mayer từng được xem là ứng cử viên cho vị trí này.
Phát ngôn viên TikTok xác nhận ông Mayer sẽ rời TikTok. Quản lý chung tại Mỹ Vanessa Pappas sẽ tạm thời đảm nhận vị trí CEO của TikTok.
Trước đó, chính quyền Donald Trump gây sức ép buộc ByteDance, công ty mẹ TikTok, phải thoái vốn hoàn toàn khỏi TikTok tại Mỹ vì đe dọa an ninh quốc gia. Trong sắc lệnh hành pháp ban hành ngày 6/8, Mỹ cáo buộc Trung Quốc có thể truy cập thông tin độc quyền và cá nhân của người Mỹ vì dữ liệu mà TikTok thu thập được.
Về phần mình, TikTok liên tục bác bỏ cáo buộc và khẳng định dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trên máy chủ trong nước và sao lưu tại Singapore. Trung tâm dữ liệu TikTok cũng đặt bên ngoài Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh thông tin của TikTok không phải đối tượng phải thực thi luật pháp Trung Quốc. Tuy vậy, các chuyên gia chỉ ra pháp luật hiện hành tại đại lục có thể buộc các công ty Trung Quốc như ByteDance phải trao dữ liệu cho chính phủ.
ByteDance đang đàm phán với Microsoft , Oracle cùng các nhà đầu tư khác về việc bán hoạt động TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Dựa trên sắc lệnh ngày 6/8, việc bán phải được thông qua trước ngày 15/9 nếu không sẽ bị cấm tại Mỹ.
Hôm 24/8, TikTok chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ vi phạm quy trình. Vụ kiện có thể trì hoãn lệnh cấm, cho TikTok thêm thời gian để thảo luận các điều khoản có lợi hơn cho mình.
ICT News