MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO TransViet: "Còn tồn tại đã là chiến thắng!"

09-01-2021 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

CEO TransViet: "Còn tồn tại đã là chiến thắng!"

Sau một kỳ ngủ đông có lẽ là dài nhất, chưa từng có trong lịch sử, TransViet xác định một mục tiêu duy nhất, rõ ràng và hết sức cơ bản, chỉ gồm có 3 từ "Tồn tại – Tồn tại – Tồn tại".

Năm 2020 đã trở thành một bước ngoặt thay đổi lịch sử của ngành du lịch thế giới khi Covid-19 làm "ngăn sông cách chợ" khiến các nước gần như phải đóng cửa với khách du lịch quốc tế để ngăn chặn lây nhiễm. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải tìm cách xoay xở và dựa vào thị trường nội địa để chờ ngày mở cửa trở lại.

Chúng tôi đã có dịp phỏng vấn ông Hoàng Đức Huy, CEO TransViet Travel về chặng đường công ty đã trải qua năm Covid và góc nhìn về du lịch nội địa.

Không có khách du lịch quốc tế, anh nhận thấy khó khăn chung của ngành du lịch năm 2020 là gì?

"Không-có -khách" – người làm du lịch chưa bao giờ bị ám ảnh đến thế với cụm từ này trong năm 2020. Khó khăn chung của ngành du lịch đến từ sự xuất hiện đột ngột của Covid-19 đã tạo ra hiệu ứng domino tác động sâu rộng chỉ trong một thời gian ngắn; đặc biệt khi khách du lịch quốc tế chiếm một tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp. 

Năm 2020 có thể không phải là một năm để bạn có được mọi thứ mình mong muốn, nhưng lại là một năm để nhắc bạn biết trân trọng những gì mình đang có.

Nguồn thu bị gián đoạn đột ngột, vốn bị ứ đọng theo hiệu quả dây chuyền, tâm lý khách hàng bất ổn theo từng diễn biến dịch bệnh…..khiến cho nhiều doanh nghiệp xoay xở không kịp, mắc kẹt vào một tình thế khó khăn lớn chỉ sau vài tháng. Đặc biệt là các hãng hàng không, các cơ sở lưu trú….khi không hoạt động, không có thu, nhưng vẫn phải duy trì những khoản chi phí không hề nhỏ. Một số doanh nghiệp trước giờ chỉ chuyên phục vụ khách quốc tế cũng gặp những khó khăn nhất định khi phải thay đổi để thích nghi khi phục vụ khách trong nước. 

Dù là tình huống bất khả kháng, nhưng khó khăn do Covid chỉ mang tính thời điểm, còn khó khăn do thiếu linh hoạt, thiếu sự đa dạng về đối tượng khách và lệ thuộc vào một số thị trường sẽ là bài toán lớn hơn khi ngành du lịch, cùng với thế giới, cũng biến đổi không ngừng. Tôi nghĩ sau năm 2020 rất nhiều doanh nghiệp sẽ cùng thấm thía hơn bao giờ hết bài học "Không bao giờ được để hết trứng vào một giỏ."

Anh là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về trạng thái ngủ đông để vượt qua Covid, vậy TransViet đã vượt bão năm 2020 như thế nào?

CEO TransViet: Còn tồn tại đã là chiến thắng! - Ảnh 2.

Sau một kỳ ngủ đông có lẽ là dài nhất, chưa từng có trong lịch sử, TransViet xác định một mục tiêu duy nhất, rõ ràng và hết sức cơ bản, chỉ gồm có 3 từ "Tồn tại – Tồn tại – Tồn tại". 

Với chúng tôi, "Còn tồn tại đã là chiến thắng!". Mục tiêu sống còn này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh 95% doanh nghiệp lữ hành đã đóng cửa trong năm 2020 trước những tác động to lớn và trực tiếp của đại dịch. Và cho đến thời điểm này, chúng tôi đã thực hiện được và vẫn kiên định mục tiêu này, dù khó khăn vẫn đang chất chồng trên con đường phía trước.

Năm 2020, TransViet đã nhanh chóng tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhân sự, tiết giảm chi phí diễn ra mạnh mẽ chưa từng có. Năng suất lao động là tiêu chí sống còn để vẫn duy trì kinh doanh với chi phí hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cam kết với khách hàng.

Điều đặc biệt ở TransViet là chúng tôi coi giai đoạn ngủ đông là cơ hội vàng để nghiên cứu và phát triển, đón bắt những cơ hội mới. Ngoài việc tập trung toàn bộ nội lực để gia tăng thị phần du lịch nội địa, TransViet cho ra mắt một thương hiệu du lịch mới – Vitamin Tours ngay sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội tháng 4. Với Vitamin Tours, chúng tôi biến một tour du lịch thành một lớp học hấp dẫn giữa thiên nhiên cho trẻ nhỏ hay một cuộc hẹn hò lãng mạn cho các bạn trẻ….Điều này sẽ lại những màu sắc tươi mới hơn cho trải nghiệm của khách hàng với những nhu cầu đa dạng. 

Không chỉ là quanh đi quẩn lại thông điệp "kích cầu-giảm giá", chúng tôi mong muốn đánh thức những nhu cầu mới của khách hàng, và làm họ hài lòng bằng những sản phẩm du lịch được đầu tư chất xám và trau chuốt về chất lượng dịch vụ hơn là chỉ chắp nối những dịch vụ có sẵn. Đây không chỉ là một hướng đi tạm thời trong tâm bão Covid mà là một tầm nhìn kinh doanh dài hạn mà TransViet sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Có một năm trầm lại để quan sát, anh cho rằng du lịch nội địa cần làm gì để "rũ bùn đứng dậy sáng loà" ngay sau đại dịch?

Cá nhân tôi cho rằng, du lịch Việt Nam "Rũ bùn đứng dậy" thì có thể ngay sau đại dịch thậm chí ngay trong đại dịch nhưng để "sáng lòa" được thì cần có quá trình và một sự đầu tư nghiêm túc có tầm nhìn dài hạn. 

Ở góc độ của một doanh nghiệp du lịch, tôi nghĩ rằng Việt Nam có đầy đủ cơ hội và tiềm năng để trở thành một trong những điểm đến hàng đầu tầm cỡ thế giới. Chúng ta không thể trông chờ vào một sự may mắn nào đó để sau một đêm Việt Nam bỗng chốc nổi tiếng và "tự nhiên" trở nên hút khách. Sự may mắn đó phải đến từ chính chúng ta, là phép tính tổng của một sự chuẩn bị tốt nhất với một thời cơ thích hợp nhất. 

Covid-19 và thành tựu xuất sắc của Việt Nam trong phòng chống dịch chính là thời cơ đấy, khi ở ngoài kia, phần lớn thế giới bị giãn cách xã hội. Sự gò bó-tù túng kéo dài là một cảm giác không hề dễ chấp nhận với phần đông mọi người và tất yếu sẽ là một nhu cầu du lịch bùng nổ ngay khi dịch bệnh kết thúc. Và khi đó điểm đến nào an toàn, hấp dẫn, thân thiện và tiết kiệm sẽ chắc chắn là lựa chọn hàng đầu cho du khách. 

CEO TransViet: Còn tồn tại đã là chiến thắng! - Ảnh 3.

Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng ngàn năm có một để bứt phá lên một vị trí xứng đáng hơn trong lòng quốc tế. Sự chuẩn bị tốt nhất mà tôi nhắc tới không phải chỉ là câu chuyện hạ tầng du lịch, chuyện chúng ta có bao nhiêu resort- khách sạn chuẩn quốc tế, mà còn là câu chuyện về văn hóa dịch vụ du lịch đối với số đông người dân và nỗ lực sáng tạo hơn nữa trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và đặc biệt là các chính sách thu hút du lịch từ phía chính phủ. 

Tại sao Việt Nam không tận dụng vị thế của một quốc gia an toàn bậc nhất thế giới giữa Covid để phát triển một loại hình "du lịch tránh dịch" đặc biệt với visa lưu trú dài, và có chọn lọc dành cho những khách hàng quốc tế có nhu cầu và điều kiện chi trả nhưng đang phải làm việc tại nhà hay cách ly xã hội…ở những quốc gia có mức độ ảnh hưởng dịch lớn hơn Việt Nam. Nếu đều là làm việc từ xa, thì làm việc một bãi biển nhiệt đới siêu an toàn toàn ở Việt Nam (work from a safe tropical Vietnamese beach) sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với làm việc tại nhà (work-from-home) chứ? 

Cuộc cách mạng 4.0 mở ra cơ hội chưa từng có để đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới. Với 70% dân số sử dụng Internet, 65 triệu người dùng thường xuyên các mạng xã hội, bạn nghĩ sao về việc mỗi người Việt Nam trở thành một đại sứ du lịch. Làm đại sứ du lịch không cần sự nổi tiếng, trước hết cần tình yêu vô điều kiện đối với quê hương đất nước mình. Chúng ta hãy cùng xem cách anh chàng chăn bò dễ thương Sô Y Tiết ở Bình Định chỉ với chiếc điện thoại bé nhỏ đã làm cho cả thế giới nhắc tới Việt Nam như thế nào? Đơn giản và hiệu quả, chân thành và thiết thực, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể học được rất nhiều điều từ case-study thú vị này.

Kế hoạch kinh doanh của TransViet trong năm 2021 là gì?

Để thích ứng, tiếp tục tồn tại và phát triển, trong năm 2021, TransViet xây dựng những kế hoạch ngắn hạn theo từng quý thậm chí từng tháng và tập trung toàn lực để hoàn thành tốt các kế hoạch đó. Khác với giai đoạn ổn định trước đây, các kế hoạch kinh doanh thường được đặt ra với tầm nhìn dài hạn đi đôi với áp lực tăng trưởng cao hơn tốc độ của thị trường chung. 

Phương châm của chúng tôi là tiến bước nào, chắc chắn bước đó; nhưng cũng sẵn sàng linh hoạt trong mọi tình huống và có kịch bản để quản trị tốt những rủi ro có thể xảy ra. Sau các thay đổi cần thiết về tổ chức để thích ứng với "bình thường mới", chúng tôi tiếp tục tập trung vào năng suất và động lực làm việc của nhân viên như một đòn bẩy quan trọng để đưa công ty vượt qua cuộc khủng hoảng lớn này

Kiên định với mục tiêu trở thành Top 3 doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới; ngoài việc tập trung đẩy mạnh thị phần du lịch nội địa, duy trì tốt sợi dây liên kết với khách hàng để giữ vững uy tín và thương hiệu TransViet; chúng tôi cũng tận dụng giai đoạn này cho các kế hoạch phát triển; và đặc biệt, tìm kiếm những giá trị khác biệt để khẳng định chỗ đứng và vị thế của mình trong lòng khách hàng.

Trên Facebook anh chia sẻ rất nhiều về cuộc hành trình xuyên Việt bằng xe máy trong năm Covid, chuyến đi mang lại cho anh những điều gì về đất nước và con người Việt Nam?

CEO TransViet: Còn tồn tại đã là chiến thắng! - Ảnh 4.

Chuyến đi Xuyên Việt bằng xe máy từ Nam ra Bắc của tôi vào những ngày cuối năm 2020 được coi như "một giấc mơ muộn của tuổi trẻ" mà tôi nghĩ là người Việt Nam, ai cũng nên một lần trong đời trải nghiệm để thấy hết vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước mình. 

Trong những năm tháng học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi thấy nghịch lý khi các bạn bè quốc tế phải bỏ nhiều tiền hơn, vượt qua khoảng cách xa xôi hơn để một lần đến với Việt Nam thì chính mình, là một người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thương yêu này lại chưa khám phá hết những cảnh đẹp từ hùng vĩ đến nên thơ, những màu sắc văn hóa rất đặc trưng của từng vùng miền. 

Và bằng chuyến đi thú vị qua 22 tỉnh thành vừa rồi, tôi đã chấm dứt nghịch lý đó và muốn lan tỏa đi một thông điệp nho nhỏ "Là người Việt Nam, trước hết hãy đi du lịch Việt Nam" để thêm yêu, thêm quý đất nước mình. 

Tôi nhớ mãi  buổi chiều lái xe qua cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang trên những con đèo một bên là núi cao một bên là vực thẳm, nhìn những em bé người dân tộc bé nhỏ lầm lũi gùi những bó củi lớn đi từ hướng ngược lại, gặp ai cũng vẫy tay chào và nở nụ cười thân thiện giữa thời tiết giá lạnh. Đó chắc hẳn là những dấu ấn ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời mê xê dịch của tôi.

Anh tin rằng du lịch Việt Nam thời điểm nào sẽ hồi sinh?

CEO TransViet: Còn tồn tại đã là chiến thắng! - Ảnh 5.

Một trong những tin vui nhất của năm 2021 đó là Vaccine phòng chống Covid đã ra đời và đang gấp rút được tiêm chủng ở một số nước trên thế giới. Dù biết là cần có thời gian dài để việc tiêm chủng hoàn tất, nhưng đây đã là tín hiệu lạc quan để chỉ báo về một sự hồi sinh đang tới của ngành hàng không- du lịch nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. 

Tôi rất tin tưởng rằng khi bầu trời an toàn mở lại, du lịch Việt Nam không chỉ hồi sinh mà còn hồi sinh một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết với độ nén của thị trường cũng như sự trở lại sau kỳ "ngủ đông" của các doanh nghiệp. 

Nếu để nhận định về một thời điểm, tôi nghĩ theo một dự đoán tích cực nhất, cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ đánh dấu sự trở lại từng bước của ngành du lịch với việc mở cửa đón khách quốc tế và khai thác du lịch trở lại ở một số quốc gia điểm đến nhất định đạt tiêu chí an toàn; tuy nhiên, sẽ mất ít nhất khoảng 3 năm để ngành du lịch Việt Nam có thể phục hồi và trở lại được như trước dịch. 

Bản thân anh nhìn lại thời gian qua, bài học anh rút ra được sau khi "vượt qua giông bão" là gì?

Với thế hệ 8x như tôi, thì Covid-19 có lẽ là lần đầu tiên trong đời có một "cơn bão" lớn có tác động toàn cầu và sâu rộng đến vậy, và nhìn ở góc độ tích cực, nó cũng "tặng" cho tôi rất nhiều bài học. Đó là để quản trị một cuộc khủng hoảng kéo dài như Covid; với điều kiện ngoại cảnh cần phải ứng biến linh hoạt nhưng với tự thân lại rất cần điềm tĩnh, nhất quán và giữ được tâm lý vững vàng trước thử thách. 

Tất cả chúng ta đều hiểu rằng "Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng" nhưng vấn đề là cơn mưa thì không biết bao giờ mới chấm dứt, song song với việc trước nhất lấy dù che cho khỏi ướt hoặc bị ướt ít nhất thì vẫn cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng nhất cho câu hỏi "Ngay khi trời sáng mình sẽ làm gì?". 

Tôi tận dụng lúc chờ tạnh mưa để chuẩn bị cho câu hỏi ấy, cho doanh nghiệp và cho cả chính bản thân mình. Năm 2020 có thể không phải là một năm để bạn có được mọi thứ mình mong muốn, nhưng lại là một năm để nhắc bạn biết trân trọng những gì mình đang có.

Xin cảm ơn anh.

Châu Cao - Thiết Kế: Thạch Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên