CEO Umbala: Doanh nhân tuổi Tuất mang chất ‘điên’ trong người và tham vọng thay đổi cuộc chơi với Blockchain
Với khán giả truyền hình, Minh Thảo chỉ được biết đến khi anh gọi vốn thành công 6 tỷ đồng trong một gameshow về khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong giới công nghệ, CEO Umbala không phải gương mặt xa lạ - từng sở hữu nhiều công ty và đạt được những thành công nhất định.
- 16-01-2018[Review Umbala] Ý tưởng không mới, nhưng với Startup thì team là quan trọng nhất, ý tưởng hay mà không có đội ngũ mạnh cũng vứt!
- 12-01-2018Tiền ảo quá 'hot': CEO ứng dụng Umbala cho biết sẽ gọi vốn bằng ICO, thừa nhận 'may mắn vì được bước vào thời kỳ của Bitcoin'!
- 07-01-2018Ấn tượng bởi đội ngũ toàn người giỏi, Shark Vương và Shark Thủy 'chơi liều' đầu tư gần 6 tỷ đồng cho Umbala
Hẹn gặp Nguyễn Minh Thảo trong dịp anh ra Hà Nội xây dựng đội ngũ blockchain cho Umbala , CEO 36 tuổi có vẻ khá bận rộn với lịch trình dày đặc của mình. Không khác nhiều so với hình ảnh từng xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, Minh Thảo gây ấn tượng với người đối diện bởi vẻ ngoài giản dị, tốc độ nói ‘siêu nhanh’, dám nghĩ lớn và có cả chất gì đó ‘điên điên’ như Shark Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch Egroup) từng nhận xét.
Mơ ước thành nhà khoa học nhưng có duyên với công nghệ
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo Quảng Trị, từ thời học phổ thông, cậu cựu học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn đã nuôi mơ ước trở thành nhà khoa học để tạo ra những công trình nghiên cứu lớn có khả năng ‘thay đổi thế giới’.
Thế nhưng, như Minh Thảo nói, “cuộc đời này mọi thứ đến đều giống như một cái duyên”, anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2002 và gắn bó với lĩnh vực công nghệ hơn 15 năm từ đó đến giờ. “Tính sơ sơ đến nay tôi đã thành lập 3 công ty và phát triển trên 10 sản phẩm”, anh cho biết.
Năm 2010, công ty CNC Software của Minh Thảo tung ra Tim Books - ứng dụng đọc sách đầu tiên trên mobile tại Việt Nam và đạt giải 3 Nhân Tài Đất Việt.
“Hơn chục năm trước những ứng dụng trên mobile vẫn còn mới tại Việt Nam. Khi đó, được đọc sách trên điện thoại di động là điều rất hạnh phúc với nhiều người”, Minh Thảo chia sẻ về một trong những sản phẩm đáng nhớ của mình.
Năm 2011, anh thành lập CNC Mobile và phát triển Tim Shot – mạng xã hội hình ảnh ra đời sau Instagram chỉ vài tháng và được khá nhiều người ủng hộ. Sản phẩm này giúp công ty của Minh Thảo nằm trong top 20 doanh nghiệp sáng tạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương do Intel tổ chức. Start-up của anh cũng được Quỹ CyberAgent của Nhật Bản đầu tư 300.000 USD.
Đầu tư không ít tâm huyết vào từng sản phẩm, nhưng rồi doanh nhân sinh năm 1982 vẫn quyết định khai tử tất cả bởi chúng không thể thành công lớn như tham vọng của anh.
“Nhiều anh em trong giới công nghệ nói tôi bị điên, thay vì xóa sổ các ứng dụng đã phát triển tôi hoàn toàn có thể bán lại các start-up của mình cho bên khác và thu về một khoản tiền đáng kể. Nhưng quan điểm lúc đó của tôi là làm lớn hoặc giải tán”, Minh Thảo bộc bạch.
Giờ đây khi suy ngẫm lại, anh tự nhận mình là người ‘bốc đồng, ngây thơ’ vì với những người khởi nghiệp cần biết tích tiểu thành đại, khi có tiền sẽ làm được những điều lớn lao hơn.
Chấp nhận ‘offer’ của các Shark vì không muốn đánh mất cơ hội
Năm 2011, Minh Thảo mang TimBox (ứng dụng mạng xã hội di động dựa trên nền tảng giao tiếp nhắn tin hàng ngày) đến tham dự sự kiện công nghệ nổi tiếng TechCrunch Disrupt tại San Francisco, gây được ấn tượng với nhiều khách mời tham dự. Hai nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon ngỏ ý muốn rót 250.000 USD cho dự án của anh nhưng Minh Thảo đã từ chối vì cho rằng số tiền này không lớn. Đây cũng là điều làm anh thấy hối tiếc nhất trong quá trình khởi nghiệp của mình.
“Lúc đó, nếu đồng ý hợp tác, dù dự án thất bại tôi vẫn sẽ học được cách điều hành một công ty khởi nghiệp và gọi vốn tại Thung lũng Silicon”, doanh nhân trẻ chia sẻ.
Chính vì không muốn đánh mất thêm một cơ hội quý giá nào khác, Minh Thảo chấp nhận đề nghị đầu tư tại Shark Tank dù con số không cao như kỳ vọng. "Không quan trọng cơ hội trắng hay đen, quan trọng là tận dụng cơ hội để đưa mình đi nhanh. Cần biết tôn trọng và tận dụng khi cơ hội đến”, CEO Umbala rút ra bài học.
“Khi tham gia chương trình, tôi nghĩ mình là vua hề Sác-lô. Ông ấy luôn nghĩ một cách sáng tạo để những người xem show của mình được vui. Tôi áp dụng theo cách đó, để mọi thứ diễn ra tự nhiên, không sắp xếp nhưng Umbala vẫn tạo được dấu ấn riêng”, Minh Thảo cho biết thêm.
Xuất phát điểm của Umbala là ứng dụng nhắn tin video dài tối đa 12 giây, tồn tại trong 12 giờ, và sẽ tự mất đi khi người nhận trả lời tin nhắn. Sau đó được Minh Thảo và các cộng sự chuyển thành nền tảng quay video và live streaming với định vị là Camera Star.
Umbala tạo ra sàn diễn thông qua màn hình camera giúp mọi người thể hiện khả năng ca hát, diễn hài, đạo diễn video nhạc... Người dùng được thỏa sức sáng tạo với nhiều hiệu hứng hình ảnh khác nhau, trong khi người xem có thể lựa chọn quà tặng cho chủ nhân của các video clip và trả phí.
Ứng dụng này từng nhận được nhiều giải thưởng về khởi nghiệp như: Giải nhất cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp của tạp chí Forbes Vietnam vào năm 2015. Giành chiến thắng cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp do Đại sứ quán Israel tổ chức, lọt vào top 10 sáng tạo khởi nghiệp Singtel Challenges, được Apple chọn vào danh sách những ứng dụng nổi bật cho người dùng ở các nước trên thế giới như Australia, Đức, Canada...
Giống như nhiều start-up khác, Umbala gặp phải không ít khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Cùng với những lời động viên, khen ngợi, công ty cũng phải đối mặt với những thông tin tiêu cực trong thời gian qua.
Tham vọng đưa Umbala lên bản đồ thế giới với kế hoạch ICO
Minh Thảo cho biết, bên cạnh Việt Nam, trước đây Umbala cũng có một lượng người dùng đáng kể tại Mỹ. Tuy nhiên, vì thiếu vốn anh đã bỏ lỡ cơ hội phát triển ở quốc gia này. Hiện nay, Umbala dồn toàn bộ tâm huyết để đẩy mạnh thị trường trong nước.
CEO trẻ thừa nhận Trung Quốc đang đứng số 1 về ứng dụng livestream. Trên thế giới cũng có những sản phẩm tương tự như Umbala nhưng anh tự tin với việc am hiểu về sở thích và thói quen của người dùng trong nước, start-up của mình có cơ hội chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
“Thị trường live streaming trong lĩnh vực idol giải trí ở Việt Nam hiện có giá trị khoảng 2 triệu USD/tháng dù chỉ mới chỉ ở giai đoạn đầu. Các nước trong khu vực Đông Nam Á, con số này con cao hơn. Umbala hy vọng có thể tận dụng thị trường nội địa để có nguồn doanh thu ổn định và đánh ra các nước trong khu vực, từ đó có thể tiến xa hơn”, anh nói.
Để hiện thực hóa giấc mơ đưa Umbala lên bản đồ công nghệ thế giới, Minh Thảo cùng đội ngũ đang lên kế hoạch gọi vốn thông qua phát hành tiền ảo (ICO) cho hệ sinh thái Umbala Network. Trong đó, anh dự tính kêu gọi một số 'cá mập' và 'cá voi' lớn của Việt Nam đầu tư khoảng 5 triệu USD vào giai đoạn “Private Sale”
Người sáng lập Umbala thể hiện niềm tin rất lớn vào Blockchain và cho rằng đây là cơ hội phát triển tốt cho các quốc gia như Việt Nam nói chung và các start-up nói riêng.
“Thông qua Umbala Network, chúng tôi tham vọng xây nên một open camera protocol (giao thức camera mở) và camera token "UMB" (đồng UMB) để cùng cộng đồng phát triển ra hệ sinh thái các ứng dụng sử dụng camera - làm công cụ cơ bản phục vụ mục đích kinh doanh của từng tổ chức và loại hình kinh tế trong xã hội. Và chính Umbala.tv là một ứng dụng chạy trên hệ sinh thái này", anh cho biết.
Minh Thảo kỳ vọng có thể gọi được 30-50 triệu USD thông qua ICO. “Tôi biết nhiều người sẽ nói tôi điên khi nghe thấy con số này. Nhưng điều đó không phải ảo tưởng mà hoàn toàn có thể đạt được”, CEO tuổi Tuất tự tin khẳng định.
Người đồng hành