MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO VCCorp: Các doanh nghiệp Việt có thực lực thật sự trong cuộc cạnh tranh với Google, Facebook

Đây là nhận định của ông Nguyễn Thế Tân tại phiên tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam: Người chơi và luật chơi”, trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2018, tổ chức ngày 5/12 ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp cho rằng, một số doanh nghiệp Việt Nam có thực lực khá mạnh trong ngành nội dung số. Dù chịu sức ép cạnh tranh từ các tập đoàn lớn của thế giới (như Google, Facebook), VNG, VCCorp và nhiều công ty khác vẫn đạt được mức doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

"Công ty hàng đầu (như Google, Facebook) cũng tạo ra nhiều cái khó khăn. Tuy nhiên, công ty Việt Nam như VNG và VCCorp vẫn có tổng khoảng 4.000 người, doanh thu hàng năm vài nghìn tỷ đồng. Cộng cả doanh thu của các doanh nghiệp khác mà tôi biết thì khoảng chục ngàn tỷ đồng. Các công ty Việt Nam có thực lực thực thật sự. Những công ty đấy có đặc trưng là đi lên bằng sức của mình, phục vụ thị trường và tự chiến đấu, đi sớm, từ khi thị trường mới mở cửa, có tiền, có công nghệ, có doanh thu" – ông Nguyễn Thế Tân nói.

Mặc dù vậy, mảng quan trọng thứ hai trong hệ sinh thái số không được như vậy. Doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang nắm lợi thế trong ngành thương mại điện tử, nền tảng mới trong lĩnh vực gọi xe, giúp việc,… Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực này cũng có tỷ lệ đầu tư từ doanh nghiệp ngoại lớn vì họ cần nguồn vốn để cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt Nam không yếu kém khi so sánh với các công ty nước ngoài. Nhưng muốn doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh hơn, cần có sự ủng hộ của người dùng và quy định pháp luật

"Khi chúng tôi đầu tư vào Indonesia, cảm nhận của chúng tôi là họ không thích công ty nước ngoài. Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực Fintech, cũng bị "đánh đập" rất nhiều, cảm thấy như có sự phân biệt đối xử vì luật tại đây quy định một số lĩnh vực phải có sự tham gia của người Indonesia. Tôi không nói Việt Nam cần có tâm lý bài ngoại như thế, nhưng chỉ mong là không "bảo hộ ngược" vì tâm thế khi bắt đầu trận đấu sẽ quyết định kết quả" – ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

Sẽ sớm chấm dứt tình trạng "Bảo hộ ngược"?

Theo ông Ngô Tuấn Anh, đại diện BKAV, cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi chính sách hiện tại để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh "sòng phẳng" trên thị trường. Hiện tại, BKAV đang nắm giữ 85% thị phần khách hàng sử dụng dịch vụ an ninh mạng có trả phí (số liệu của BKAV). Nhưng trong thị trường khách hàng tổ chức và cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp ngoại đang chiếm thị phần lớn.

"Hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường mua bán, đấu thầu đúng nghĩa nên doanh nghiệp không có nhiều đất sống. Tôi chỉ mong các quy định đi vào cuộc sống và tạo ra thị trường một cách đúng nghĩa. Chúng ta hoàn toàn có thể ngang ngửa với doanh nghiệp nước ngoài. Khi sản phẩm của chúng ta đạt đến mức 90-95% thì sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước sẽ có thể tiếp sức cho doanh nghiệp thay đổi thị trường. Tất nhiên, chỉ nên hỗ trợ khi sản phẩm có đủ độ chín" – ông Ngô Tuấn Anh nói.

Ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp cho biết, trong khi doanh nghiệp nội phải làm theo giấy phép thì doanh nghiệp ngoại, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không tuân thủ những quy định tương ứng.

"Trong ngành nội dung số, doanh nghiệp phải xin cấp phép khá nhiều và chỉ được làm những gì đã ghi trong giấy phép. Website đăng ký đăng bài viết thì chỉ được đăng bài viết nhưng ngành này thay đổi liên tục: ngày mai có video, ngày kia có livestream..." – ông Nguyễn Thế Tân nêu dẫn chứng.

Đại diện Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông rất quyết liệt trong việc tạo ra sân chơi công bằng, không phân biệt doanh nghiệp ngoại – doanh nghiệp nội. Vai trò của Tổ công tác là thúc đẩy, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà nước để cùng tháo gỡ những điểm khó khăn. Sắp tới, tổ sẽ cố gắng để giải quyết thật nhanh vấn đề như phản ánh của doanh nghiệp.

An Bình

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên