CEO Viettel: "Để Việt Nam trỗi dậy lần thứ 2 sau đổi mới, cần những khát vọng thần thánh"
Tổng giám đốc tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng tin rằng chỉ có khát vọng thần thánh giống như những năm tháng kháng chiến giành độc lập cho đất nước mới giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.
- 30-12-2016CEO Viettel: Dùng điểm yếu của người Việt để thắng những đối thủ hàng đầu thế giới
- 22-12-2016CEO Viettel: ‘Dám ước mơ có thể làm được điều phi thường’
- 22-12-2016Viettel đạt doanh thu “khủng” 226.558 tỷ đồng trong năm 2016
- 18-12-2016Cuộc hành trình “ngược dòng” đầu tư ra nước ngoài của Viettel
- 17-12-2016Thủ tướng đặt hàng bài toán cực khó cho Viettel
Khát vọng và động lực cho sự trỗi dậy
Trước câu hỏi người Việt Nam có thể vươn ra thế giới, gây dựng được tên tuổi và thương hiệu lớn mạnh thay vì đi làm thuê, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định người Việt Nam làm được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là khát vọng.
"Khát vọng con con sẽ chẳng ăn thua. Để giúp Việt Nam trỗi dậy và vươn lên mạnh mẽ, cần những khát vọng 'thần thánh' giống như những gì đã giúp Việt Nam giành độc lập cho đất nước trong quãng thời gian chiến tranh" - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để tiếp tục phát triển sau đổi mới, theo CEO của Tập đoàn Viettel, việc sử dụng một số cơ chế, chính sách với tác dụng cởi trói lần 2 dường như không thể giúp Việt Nam trỗi dậy một lần nữa. Chính vì thế, cần phải khơi dậy những khát vọng của toàn xã hội.
“Để từng bộ óc vận động, đó phải là khát vọng thần thánh, khát vọng dân tộc”, CEO Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Kể về những lần Viettel bị đẩy vào thế khó, ông Hùng cho rằng nếu chỉ ngồi nghĩ có làm được hay không, rõ ràng câu trả lời là không thể làm được. Khi lao động chân tay, người ta làm với 50% hay 100% sức lực thì hiệu quả có thể gấp rưỡi, hoặc gấp đôi. Tuy nhiên, khi vận dụng trí óc, việc sử dụng 100% trí tuệ có thể mang lại hiệu quả gấp 10 lần hay 20 lần.
“Việc một tổ chức hoặc quốc gia có thể đi với tốc độ nhanh gấp 5 – 6 lần hiện tại là điều hoàn toàn có thể. Đã đến lúc mà chúng ta vẫn gọi là sự trỗi dậy lần thứ 2 sau đổi mới. Để đạt được điều đó, cần thúc đẩy khát vọng dân tộc”, ông Hùng khẳng định.
"Khi chúng ta còn nghèo khó, cần phải có người chỉ cho mình làm gì. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện nay, không ai có thể nghĩ cho người khác thay vì bản thân mình. Chính vì thế, chúng ta cần khát vọng và đẩy cái khát vọng ấy lên. Nó có thể giải phóng và kích hoạt tài nguyên lớn nhất trong con người đó chính là trí não".
CEO Viettel nhấn mạnh: “Cái dẫn dắt chúng ta vượt qua khó khăn, chinh phục thách thức cũng chính là khát vọng. Trong thế giới sáng tạo, ý nghĩa của khát vọng sẽ ngày càng lớn”.
Sự xuất sắc bắt nguồn từ chính nhu cầu của con người
Theo CEO tập đoàn Viettel, mỗi công ty, doanh nghiệp chỉ cần một sản phẩm nhỏ nhưng xuất sắc là đủ để đi ra thế giới. Nghĩa của từ xuất sắc ở đây không phải là hoàn hảo và đột phá mà chỉ cần phục vụ đúng nhu cầu của con người, dù là nhu cầu cơ bản nhất.
Trở lại câu chuyện của Viettel, CEO Nguyễn Mạnh Hùng kể về ý tưởng chuyển tiền mặt tới những vùng sâu, vùng xa nhất của đất nước chỉ bằng những thao tác đơn giản trên điện thoại. Xuất phát từ nhu cầu chuyển tiền mặt với giá trị nhỏ cho người thân ở khu vực xa xôi của Lào Cai và Yên Bái của chính Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, ứng dụng chuyển tiền độc đáo của Viettel đã ra đời và nhanh chóng phát huy hiệu quả.
“Mình có bà con ở tận Lào Cai, Yên Bái, nơi mình từng trọ học trong khoảng một tháng. Ngày xưa, cuộc sống rất khó khăn nên bây giờ, khi đã có điều kiện hơn một chút, mình hay nhớ về những lúc đó. Vào ngày Tết, mình muốn gửi 500.000 hoặc 1 triệu đồng cho họ nhưng không biết gửi bằng cách nào. Chẳng lẽ Tổng giám đốc Viettel lại ra ngân hàng, xếp hàng rồi gửi đi 500.000 đồng. Trong khi đó, người muốn nhận phải đi rất xa, tới gần 150 km để lấy tiền ở chi nhánh ngân hàng gần nhất”, ông Hùng chia sẻ về lý do ra đời của ứng dụng chuyển tiền mà Viettel đang triển khai.
Từ câu chuyện đó, ông Hùng cho rằng tạo ra sản phẩm xuất sắc hoàn toàn không quá khó. Nếu xuất phát từ nhu cầu hay nỗi đau của chính bản thân mình và thỏa mãn được nhu cầu đó tốt nhất, sản phẩm hay dịch vụ sẽ trở nên xuất sắc. Ví dụ dễ thấy nhất là mạng xã hội Facebook. Sản phẩm này ra đời không phải phục vụ cả thế giới mà ban đầu chỉ thỏa mãn nhu cầu của nhà sáng lập và một nhóm bạn trước khi phổ dụng và thành công.
Khi còn quá nhỏ, các cá nhân hay công ty khó có thể chi những khoản tiền lớn để nghiên cứu thị trường như các tập đoàn nước ngoài. Vì thế, hãy nhìn vào những nhu cầu cơ bản của chính mình vì xã hội cũng sẽ có nhu cầu như thế. Khi chúng ta giải được bài toán của mình, nó sẽ giúp ích cho xã hội.