CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên: “Càng khó thì càng vững”
“Vạn sự khởi đầu nan, càng khó thì càng vững. Tôi cũng như các bạn trẻ, khởi nghiệp từ thời rất khó khăn. Lúc ấy, nếu không khởi nghiệp thì không còn đường sống, chỉ nghĩ làm sao tạo sự khác biệt cho chính mình, cho gia đình. Khác biệt thời đó chỉ là được ăn no, được hạnh phúc…”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho biết.
- 04-03-2017CEO MOG kể chuyện khởi nghiệp trong công ty lớn: "Hồi đó, FPT dù có nhiều tiền nhưng không dám tiêu..."
- 02-03-2017Tiếp tục mở rộng đầu tư BĐS, CEO Group dự kiến tăng vốn điều lệ lên 1.544 tỷ đồng
- 02-03-2017CEO 25 tuổi chia sẻ sai lầm “giết chết” sự nghiệp mà các bạn trẻ nên biết
“Vượt qua nỗi sợ của chính mình”
Tại buổi gặp gỡ với các bạn trẻ khởi nghiệp nhân lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2017 tại TP.HCM, ông Nguyễn Lâm Viên đã nhắc nhở các bạn khởi nghiệp phải biết sở trường, thế mạnh của mình.
"Khi làm đúng sở trường sẽ tìm thấy nhiều yếu tố cộng hưởng. Tôi chọn học và làm nông nghiệp chính vì thấy quá nhiều bức xúc trong nông nghiệp, và muốn đi tìm lời giải. Cũng giống như bạn Võ Văn Tiếng ở Đồng Tháp khởi nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ chỉ vì thấy cha mẹ mình từng bị ngất xỉu vì phải xịt thuốc từ sâu quá nhiều. Từ những bức xúc đó, tôi thấy chúng ta thiếu một khâu quan trọng trong nông nghiệp là làm sao bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch", ông Viên nói.
"Các bạn trẻ đừng chạy theo người khác, vì như thế chỉ là bước chân theo sau. Phải tìm ra thế mạnh sở trường mới phát huy được, có thể bắt đầu từ quy mô rất nhỏ, chọn chiến lược giá hiệu quả, lợi thế cạnh tranh, tự tin mà làm, chắc chắn sẽ thắng. Ngày xưa khi tôi còn trẻ, luôn có phương án lấy ngắn nuôi dài, làm sao lấy cái sở đoản để nuôi cái sở trường, nuôi mục tiêu của mình. Thứ hai, mục tiêu phải rất thực tế. Thường các bạn khởi nghiệp bị thiếu tự tin, bị bắt chước chút xíu là sợ. Hoặc là … quá tự tin. Tôi có người bạn chắc chắn ngày mai sẽ thắng và đổ hết của cải ra đầu tư, rút cục mất trắng", ông Viên nói thêm.
Theo ông Viên, tác động tâm lý bầy đàn rất lớn, phải có niềm tin về con đường mình đi, đo được quy mô của nó, nếu không sẽ dễ bị tác động của bầy đàn. Nếu không tự tin về lợi thế cạnh tranh, giá cả, chỉ cần một bài báo khen là ngày mai tăng giá… sẽ dẫn đến tan vỡ rất nhanh. Bởi cơ hội nắm không chắc, đi không kịp, do mục tiêu không thực tế.
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để giữ lửa, giữ niềm tin cho đồng đội trong những ngày gian khó “vạn sự khởi đầu nan”, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng khó nhất là chiến thắng nỗi sợ trong chính mình.
“Các bạn mới là sinh viên ra trường, nỗi sợ luôn ám ảnh, bởi môi trường giáo dục đã tạo ra nỗi sợ đó. Ba mẹ luôn căn dặn con cái phải cẩn thận. Muốn có sự tự tin, bạn phải kiểm soát được sự ảnh hưởng của gia đình, đừng để nó trở thành quá lớn sẽ khiến bạn run sợ. Chưa nói đến bạn bè và tính bầy đàn. Kinh doanh lĩnh vực nào phải là khát khao, niềm đam mê cháy bỏng của chính mình mới giúp bạn bất chấp tất cả để bước tới…
Ngày xưa khi mới khởi nghiệp, tôi rất sợ gặp bố mẹ, thậm chí cả vợ nữa! Vì ai cũng ngăn cản, sợ tôi quá mạo hiểm. Nếu bị ảnh hưởng chắc chắn tôi không ngồi đây hôm nay để trò chuyện với các bạn. Nếu bạn vượt qua được nỗi sợ của chính mình, bất chấp thế nào cũng làm thì mới khiến người khác không sợ”, ông Viên chia sẻ.
“Điềm tĩnh trong lúc tụt dốc, bình thản trong lúc đi lên mới là doanh nhân vững chãi”
Chia sẻ triết lý kết quả khi bước vào giai đoạn làm chủ, ông Nguyễn Lâm Viên tỏ ra thấm thía: “Thường con đường kinh doanh phát triển theo quy luật hình sin. Khúc đầu thành công có cơ hội mở để tiến cao hơn, nhưng bùng nổ lẹ rất nguy hiểm. Bạn nổi tiếng chút là có ngàn con mắt soi vào. Luôn luôn phải cẩn thận, vì đỉnh càng cao thì vực càng sâu, giống như hình sin vậy. Nếu chúng ta đã chọn nghiệp doanh nhân, hãy cẩn trọng với con đường hình sin này. Hãy coi cách các bạn tụt dốc ra sao, đi lên thế nào?".
"Người có sự điềm tĩnh trong lúc tụt dốc, bình thản trong lúc đi lên mới là doanh nhân vững chãi. Nhưng nhiều người tụt dốc lại giấu, cứ căng ra để ghì lại. Hãy chấp nhận mình đang tụt dốc, để làm lại từ đầu. Một doanh nghiệp phải sau 20 năm mới đo được nó. Kết quả của một doanh nghiệp luôn là dài lâu, có thể xuống, rồi lại khởi nghiệp trở lại, phát triển ngành dọc rồi lại ngành ngang…
Thái độ, hành động của người khởi nghiệp cực kỳ quan trọng. Phải hết sức bình tĩnh trước sự giúp đỡ của truyền thông, của bạn bè giúp chúng ta đi lên… Khi các bạn bắt đầu lên dốc, cơ hội đến càng lớn càng khả năng kiểm soát vượt tầm, cách hay nhất là kiếm người khác giỏi hơn để cùng chia sẻ, hoặc kiếm tư vấn. Thành công hay đổ bể đều do chính mình. Tương tác để mở rộng chiếc bánh, mở rộng quy mô là cách làm hữu hiệu”, ông Viên cho biết.
Khi được hỏi có lo ngại phong trào khởi nghiệp nếu không được Nhà nước hướng dẫn và có chính sách cụ thể, sẽ đi vào “khởi nghiệp li ti”, ông Viên cho rằng: “Khởi nghiệp không chỉ dừng ở sự làm giàu của một cá nhân, sự hỗ trợ của các hiệp hội, mà cả sự vào cuộc thực sự của lãnh đạo quốc gia, để tạo nên sự cộng hưởng cho quốc gia phát triển. Nếu nhà nhà người khởi nghiệp, người người khởi nghiệp, chúng ta càng có nhiều công ty hợp tác với nhau theo chuỗi, tính chuyên nghiệp ngày càng cao hơn”.
Bizlive