CFO Luxstay: Người châu Á có những đặc điểm để làm chủ mọi thứ, tại sao chúng ta phải đi làm thuê cho nước ngoài?
Mặc dù nhận được cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài và cơ hội nhận hộ chiếu tại châu Âu, Giám đốc tài chính của Luxstay - Hà Duy Tùng vẫn nhất quyết về Việt Nam với tham vọng xây dựng một startup “unicorn” của người Việt.
Tháng 1/2019, Luxstay - nền tảng home-sharing trực tuyến vừa công bố nhận được 3 triệu USD trong vòng gọi vốn Bridge Round đến từ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures cùng một số nhà đầu tư khác. Đây vốn không phải là lần đầu tiên startup chia sẻ nhà ở Luxstay nhận được tiền đầu tư từ những quỹ đầu tư ngoại, sau hàng loạt những cuộc hợp tác quốc tế đầu năm ngoái. Sự phát triển thần tốc này được đóng góp một phần không nhỏ bởi Hà Duy Tùng, sinh năm 1990 - Giám Đốc Tài Chính của Luxstay.
Cơ duyên nào khiến một người đang làm việc ổn định tại nước ngoài lại quyết định trở về Việt Nam để làm việc ở một công ty startup?
Đầu năm 2018, khi về nước để nghỉ Tết, tôi được một người bạn đã giới thiệu với CEO của Luxstay - anh Nguyễn Văn Dũng với mục đích ban đầu chỉ là giao lưu, trao đổi. Ngay từ lần đầu nói chuyện, tôi đã bị ấn tượng bởi tham vọng của Luxstay, nhìn thấy sự chuẩn bị vào cuộc chiến giành thị phần của một startup, viễn cảnh thị trường du lịch Việt mà anh Dũng chia sẻ. Đồng thời, tôi cảm nhận được đây là mảnh đất màu mỡ, nơi tôi có thể phát huy khả năng, vận dụng những kinh nghiệm sẵn có và truyền cảm hứng cho những người cùng làm việc.
Trước đây, tôi từng làm việc tại 3 công ty, khởi đầu đúng ngành về kiểm toán, từng trở thành trưởng phòng tài chính và sau đó là trợ lý cho chủ tịch - một tỷ phú người Do Thái. Nhưng tôi vẫn chưa thấy mình có sự đột phá trong công việc, trong khi bản thân lại đang có nhiều tham vọng và muốn có một cuộc chơi riêng. Rõ ràng những người làm tài chính sẽ công tác tại các quỹ đầu tư, còn tôi lại tập trung vào vận hành tài chính doanh nghiệp. Nếu cứ như vậy thì tôi sẽ mãi mãi chỉ là một anh trợ lý đứng đằng sau. Không chịu nổi nghịch cảnh đó, tôi đã lựa chọn về nước và bắt đầu sự nghiệp tại Luxstay.
Chấp nhận từ bỏ một công việc đáng mơ ước của nhiều người, thu nhập của anh có thay đổi nhiều không?
Thu nhập không phải điều kiện đầu tiên trong các quyết định thay đổi của tôi. Khi hoạt động tại công ty cũ, tôi được chia sẻ về cổ phần qua hình thức chuyển đổi như một khối tài sản, góp vốn vào dự án nhằm giúp tôi có được hộ chiếu châu Âu sau 3 năm làm việc. Về thu nhập của tôi trước đây tương đương thu nhập bình quân của một người sống ở châu Âu.
Mặc dù so với startup đương nhiên sẽ không nhiều, song điều khiến tôi bị thuyết phục tại Luxstay là cơ hội được làm chủ chính mình trong một công ty thiên về Internet. Nhìn về công việc cũ, ở một góc độ nào đó, tôi vẫn bị coi là người Châu Á - một người làm thuê. Rõ ràng người châu Á có những đặc điểm để làm chủ mọi thứ, tại sao chúng ta phải đi làm thuê trong khi có thể thuê lại người nước ngoài?
Liệu có sự đối lập hoàn toàn trong câu chuyện của anh khi không muốn là một người đứng đằng sau nhưng đến năm 2018 lại quyết định về Việt Nam làm Luxstay như một người hỗ trợ về mảng tài chính?
Tôi nghĩ câu chuyện không phải đứng đằng sau hay đằng trước, mà vấn đề ở chỗ những dự án bất động sản nghỉ dưỡng cần rất nhiều tiền. Một startup về công nghệ có thể chiến thắng dựa vào tinh thần trí óc, ý tưởng, nền tảng con người, còn với những dự án bất động sản lớn, sự chiến thắng phụ thuộc vào những nhà tài phiệt hoặc thế lực đằng sau.
Nếu như tôi muốn giải quyết một lô đất, tôi cần có được nhiều mối quan hệ và thành công luôn đi kèm với một bộ máy. Còn ở đây khi tôi làm startup, tất nhiên, tôi là một “anh kế toán nhỏ nhoi” đứng đằng sau, nhưng khi thành công, người ta vẫn thấy có những khái niệm về nền tảng vận hành của người làm tài chính ở đây. Tất nhiên trong một startup cũng có nhiều phòng ban, tôi làm về tài chính thì mọi người sẽ khó thấy được tôi đang làm về những gì. Nhưng thực sự, vận hành được một công ty trơn tru là thành công của tôi.
Anh có thấy mình may mắn khi gặp được những người thành công và có cơ hội làm việc trong tập đoàn lớn ở độ tuổi ngoài 20?
Tôi nghĩ rằng may mắn là do tôi tự tạo ra. Tôi may mắn được gặp người thành công, làm doanh nghiệp lớn, nhưng may mắn ấy không phải tự nhiên mà có.
Tôi đọc sách thì biết rằng có 2 loại may mắn: Một loại may mắn do bản thân tự tạo ra và may mắn do ông trời ban cho. Việc có được may mắn trời ban không phải chuyện hiếm, nhưng chuyển đổi may mắn thành thành công lại là một bài toán khác. Ở một góc độ nào đó, tôi may mắn vì gặp được những con người thú vị, trải nghiệm thú vị, nhưng tất cả là do bản thân tự đánh đổi mà ra. Ví dụ như khi thi đại học, tôi đỗ Bách Khoa, nhưng một thời gian sau thì quyết sang học RMIT.
Đa phần ở RMIT mọi người hay học Quản trị kinh doanh, ra làm các công ty bất động sản, các tập đoàn lớn, còn tôi lại học kế toán và kiểm toán. Học kế toán và kiểm toán xong mọi người thường làm cho các quỹ đầu tư, còn tôi nghỉ nghiệp kiểm toán sau 2 năm mặc dù thu nhập rất tốt. Từ những điều nhỏ nhặt đó, tôi gặp những con người thú vị. Họ đem tới cho tôi cơ hội để tôi lại làm những công việc thú vị hơn.
Chuyển đổi công việc và con đường của mình liên tục, phải chăng đã đến lúc CFO 9X của Luxstay nên chọn cho mình sự ổn định?
Những gì không còn đảm bảo tính thử thách, khiến bản thân quá ổn định thì sẽ không tạo được động lực để tôi cố gắng hơn. Trong khoảng từ 20 đến 30 tuổi tôi đang thúc đẩy bản thân có thật nhiều trải nghiệm. Càng nhiều khó khăn, tôi càng thấy được là chính mình, bởi nếu không như vậy, tôi sẽ không còn cơ hội để làm những điều điên khùng như vậy nữa. Những điều như về nước, làm startup Luxstay hay lập gia đình… trước đây tôi không ngờ mình sẽ quyết định như vậy. Giống như tổng giám đốc ở công ty trước của tôi từng chia sẻ một câu rằng: “Trong những giai đoạn nhất định thì cậu phải điên ở một góc độ nhất định, không thì sau này cậu sẽ thấy hối tiếc”.