MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cha đẻ của Flappy Bird và chuyện tại sao những triệu phú đô la tự thân tuổi 20 lại ẩn danh

Social network, social media apps,… sự phát triển như vũ bão của công nghệ Internet đã tạo ra những cơ hội vàng để người ta có thể đổi đời. Đại diện Facebook mới đây hé lộ, Việt Nam đang có 50 triệu phú đô la mà mỗi tháng, có người kiếm được 100.000 USD. Nhưng, họ đều giấu mặt.

Từ dòng Twitter của Nguyễn Hà Đông…

Năm 2014, Nguyễn Hà Đông là cái tên gây bão không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Thành công nhờ trò chơi Flappy Bird đã khiến cho tờ The Richest xướng tên Nguyễn Hà Đông trong danh sách “10 triệu phú Internet phất lên từ con số 0”.

The Richest cũng cho biết, với Flappy Bird, trong suốt thời gian tồn tại của nó đã giúp Nguyễn Hà Đông kiếm được khoảng 50.000 USD (khoảng hơn 1 tỷ đồng) mỗi ngày và khoảng 3 triệu USD từ quảng cáo trong game, cho dù đây là một game hoàn toàn miễn phí.

Trước khi bị gỡ xuống, Flappy Bird đã có 50 triệu lượt tải trên cả 2 chợ ứng dụng là Apple App Store (iOS) và Google Play Store (Android). Trong tháng 1/2014, đây cũng là game có số lượng tải về lớn nhất trên toàn hệ thống App Store và vị trí này đã được giữ vững trong 20 ngày.

Tuy nhiên, ở đỉnh thành công, ngày 10/2/2014, Nguyễn Hà Đông đột ngột đăng thông báo gỡ bỏ Flappy Bird khỏi các chợ ứng dụng. Trên trang Twitter của mình, anh viết, đại ý, cuộc sống đơn giản của anh đã bị huỷ hoại bởi trò chơi đấy.

“Truyền thông đánh giá quá mức thành công của trò chơi này. Đấy là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Xin cho tôi một chút bình yên”, Đông viết.

Tuy nhiên, sau khi gỡ game, Nguyễn Hà Đông lại càng được săn đuổi dữ dội hơn, bởi lẽ, người ta càng tò mò hơn về Đông. Dưới dự săn đuổi, bám riết của báo giới trong nước và quốc tế, anh chàng đã phải chơi trò trốn tìm.

“Đông tạm rời bỏ ngôi nhà vẫn sống cùng với cha mẹ và dọn đến ở trong căn hộ của người bạn”, nhà báo David Kushner của Rollingstone cho biết. Ông là người đầu tiên thuộc giới truyền thông mà Nguyễn Hà Đông chịu tiếp xúc để chia sẻ câu chuyện của mình.

Trong bài báo của mình, David nhận xét thành công đến với Nguyễn Hà Đông quá bất ngờ, khiến anh chưa kịp tận hưởng niềm vui cùng gia đình, người thân đã phải đương đầu với những rắc rối phát sinh.

Đầu tiên là tin đồn về vụ kiện vi phạm bản quyền với Nintendo vì Flappy Bird có sử dụng một số hình ảnh trong game Mario, tiếp theo, lại là sự xuất hiện của loạt game ăn theo, trong đó, có cả những ứng dụng lợi dụng để phát tán mã độc hại. Mặt khác, trò chơi đã trở thành thứ gây nghiện chứ không đơn thuần là game di động, đặc biệt, nó dây xáo trộn lớn trong cuộc sống của chính Nguyễn Hà Đông.

“Đông thừa nhận rằng anh không thực sự cảm thấy hạnh phúc, dù trong lòng không biết tại sao”, David viết.

Tiếp đến là những câu chuyện về thuế thu nhập mà Hà Đông phải đối mặt do thông tin 50.000 USD/ngày gây ra.

Đến những triệu phú tuổi 20 giấu mặt

Cách đây 2 hôm, đại diện Facebook Huỳnh Kim Tước đã chia sẻ một câu chuyện gây sốc. Dự trên tính toán từ dữ liệu của Facebook, ông Tước cho biết có khoảng 50 triệu phú đô la tại Việt Nam và ông đã chuyện trò với một trong số họ.

“Đó là một bạn trẻ 19 tuổi, hoạt động rất sôi nổi trên Facebook. Khi tôi hỏi bạn ấy kiếm được bao nhiêu, bạn ấy bảo đợt này không nhiều bằng đợt trước, bình quân chỉ đạt 100.000 USD/tháng thôi”, ông Tước cho biết.

Đại diện Facebook nhận xét đây là một niềm vui lớn, bởi lẽ, nó chứng tỏ nhiều bạn trẻ của Việt Nam đã và đang làm chủ công nghệ, tận dụng và phát triển nó để sinh lời. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, tồn tại một nỗi buồn xoay quanh câu chuyện này.

Nỗi buồn đó, chính là việc những triệu phú này chấp nhận sống ẩn danh, không muốn xuất đầu lộ diện để chia sẻ câu chuyện, truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Ông Tước khẳng định thuế không phải là vấn đề, họ sợ chuyện khác. Như là chia sẻ của anh chàng 19 tuổi kia chính là e dè việc có thể “mỗi tuần sẽ có người đến hỏi thăm em”.

Đại diện Facebook đã không kể rõ “người hỏi thăm” ám ảnh suy nghĩ của chàng trai kia là ai, đại diện cho cái gì. Nhưng dường như, trong suy nghĩ của những người trẻ, đang mơ hồ có những nỗi sợ khi “được biết đến” mà dường như câu chuyện của Nguyễn Hà Đông là một ví dụ điển hình.

Thực tế cho thấy, mặc dù những triệu phú Internet đã trở nên rất phổ biến ở trên thế giới nhưng họ vẫn là những nhân tố hiếm hoi ở một cộng đồng công nghệ mới phát triển như Việt Nam. Do vậy, những “ngôi sao” đang lên dễ dàng trở thành tâm điểm chú ý. Một số, chọn cách “chung sống hoà bình” và xuất hiện thường xuyên trên truyền thông chỉ là người Việt ở nước ngoài như Phù thuỷ Make up Michelle Phan… nhưng một số khác, họ kiếm tiền âm thầm hơn, không bao giờ bật mí danh tính. Dường như một Nguyễn Hà Đông bị săn đuổi với dòng Twitter để “cầu xin sự bình yên” đã là quá đủ.

Min Min - Linh Bùi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên