'Cha đẻ' của tên gọi BRICS: Các mục tiêu của nhóm khó đạt được khi quan điểm của 2 thành viên chủ chốt vẫn có sự chia rẽ
Theo Jim O'Neill, cựu chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, người đã nghĩ ra từ viết tắt BRIC, việc khối này thách thức đồng USD là điều khó có thể diễn ra khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ có sự chia rẽ.
Thông qua hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ ra rằng Nga vẫn đứng vững trước những lệnh trừng phạt của phương Tây và nước này đang xây dựng mối quan hệ với các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Nhà kinh tế O'Neill nói với Reuters: "Ý tưởng về việc BRICS là một khối kinh tế toàn cầu, có thể thách thức phương Tây là điều khó có thể xảy ra."
Ông O'Neill đã đưa ra thuật ngữ BRIC vào năm 2001 trong một bài nghiên cứu, với nội dung nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhận định về sự kiện hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa qua, cựu chuyên gia kinh tế Goldman Sachs cho biết: "Với tôi, về cơ bản, đây là cuộc họp thường niên mang tính hình tượng. Tại đây, các nền kinh tế mới nổi quan trọng tuyên bố rằng họ không muốn phụ thuộc vào phương Tây và trật tự thế giới cần phải thay đổi."
Ông nói thêm rằng, các vấn đề thực sự mang tính toàn cầu không thể thay đổi nếu không có Mỹ và châu Âu, cũng giống như việc phương Tây không thể thay đổi các vấn đề đó nếu không có Trung Quốc, Ấn Độ hay Nga và Brazil.
BRICS ban đầu tổ chức các cuộc họp bao gồm các thành viên là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó có sự tham gia của Brazil, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Hiện tại, Ả Rập Xê Út vẫn chưa chính thức tham gia. Khối này hiện chiếm 45% dân số thế giới và đóng góp 35% cho tăng trưởng GDP toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm hơn 1 nửa tiềm lực kinh tế.
Tổng thống Putin cho biết đã có hơn 30 quốc gia bày tỏ sự quan tâm gia nhập khối, nhưng điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng nếu khối mở rộng. Nhận định về điều này, ông O'Neill cho biết BRICS kết nạp thêm nhiều thành viên sẽ khiến việc đạt được các mục tiêu trở nên khó khăn hơn.
BRICS đang trong quá trình xây dựng một nền tảng thanh toán thay thế cho các nền tảng thanh toán quốc tế và không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
O'Neill chỉ ra, chủ đề về các lựa chọn thay thế cho đồng USD đã được thảo luận sôi nổi kể từ khi ông bắt đầu làm việc trong lĩnh vực tài chính, nhưng chưa có quốc gia nào có tiềm năng thách thức đồng bạc xanh. Ngoài ra, theo ông, bất kỳ loại tiền tệ nào BRICS công bố cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.
Theo nhà kinh tế này, các nước BRICS nên theo đuổi mục tiêu thương mại ít thuế quan hơn với nhau. Ông nói: "BRICS sẽ có tiềm lực lớn hơn nếu 2 quốc gia quan trọng là Trung Quốc và Ấn Độ có sự thống nhất về mọi thứ, chứ không phải đối đầu nhau như hiện tại."
Trong khi đó, Ấn Độ đã hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này do mâu thuẫn ở vùng biên giới từ năm 2020. Mới đây, hai nước đã cam kết tăng cường hợp tác trong các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên sau 5 năm.
O'Neill nhận định thêm rằng G20 đã không trở thành "xương sống" của nền quản trị toàn cầu, vì Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra các chính sách hướng nội hơn từ giữa thập kỷ trước.
Theo Reuters
An ninh tiền tệ