"Cha đẻ" Insulin bán nghiên cứu với giá 1 USD, nhưng các tập đoàn sản xuất Insulin lại liên tục tăng giá, đẩy người nghèo Mỹ đến cái chết?
Hiện được bán với giá 285 USD/ ống, những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có hoàn cảnh khó khăn tại Mỹ phải chật vật giữ lấy mạng sống của mình khi cần ít nhất 2-4 ống Insulin mỗi tháng.
Vị cứu tinh hay Cơn ác mộng?
Tiểu đường tuýp 1 từng được cho là một "bản án tử" khi glucose tích tụ nhiều trong máu, gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở tim, mắt, thận, thần kinh, nướu và răng …
Đến năm 1923, nhà vật lý và sinh lý học Frederick Banting đã khám phá ra "vị cứu tinh" của căn bệnh quái ác này - hormon tuyến tụy insulin, nhưng ông từ chối dùng tên mình đặt cho phát minh vì Frederick không muốn kiếm tiền từ sản phẩm liên quan tới tính mạng của con người.
Hai đồng nghiệp của ông, James Collip và Charles Best, cũng đồng tình khi bán toàn bộ nghiên cứu cho Đại học Toronto với giá… 1 USD, cả ba mong muốn tất cả bệnh nhân đều có thể mua được sản phẩm.
Frederick Banting và Charles Best tại phòng thí nghiệm
Nhưng bất chấp di nguyện của những "cha đẻ", giá bán Insulin liên tục gia tăng dù bản chất chẳng hề thay đổi trong suốt hàng chục năm. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với suy nghĩ của người dân Mỹ, vì bất kể loại thuốc nào cũng chỉ được bảo hộ trong một khoảng thời gian trước khi bước vào giai đoạn cạnh tranh công khai với mức giá tốt hơn.
Theo Jeremy Greene – giáo sư tại Đại học Johns Hopkins: "Insulin đã trở nên quá đắt đỏ dù nó là một loại thuốc cũ, dù ai cũng biết được tầm quan trọng của Insulin, cũng như chi phí nghiên cứu và chế tạo Insulin đã được thu hồi từ lâu."
Hiện chỉ có 3 tập đoàn dược phẩm lớn tại Mỹ sản xuất và cung cấp Insulin cho người tiêu dùng, tuy có khả năng cạnh tranh lẫn nhau để hạ giá bán, nhưng tất cả thương hiệu dường như liên tục "bắt tay" nhau tăng giá, với tốc độ và bước giá cực kỳ giống nhau.
Những thương hiệu trên liên tục khẳng định quá trình định giá được diễn ra một cách độc lập, nhưng kết quả cuối cùng là hoàn toàn vô lý trên một thị trường cạnh tranh.
Mức giá tăng y hệt nhau giữa các nhãn hiệu Insulin
Bác sĩ nội tiết Nicholas Argento cho hay: "Các hãng dược phẩm có thể thay đổi quy trình sản xuất và cải thiện công nghệ bút tiêm Insulin, nhưng không thể nào tăng giá chóng mặt như thế được."
Cụ thể hơn, Insulin đã tăng đều đặn từ 4,34 USD/ mililit (mL) vào năm 2002 lên 12,92 USD/ mL vào năm 2013. Mức giá trên buộc các bệnh nhân tiểu đường phải chi trung bình 5.705 USD mỗi năm cho Insulin, tăng gấp đôi so với 2.841 USD vào năm 2012.
Mức giá quá cao buộc một số hoàn cảnh khó khăn tại Mỹ phải lên các trang gọi vốn cộng đồng như GoFundMe để tìm sự giúp đỡ.
Một bệnh nhân tiểu đường đang kêu gọi giúp đỡ trên GoFundMe
Nhưng không phải ai cũng tìm được sự trợ giúp cần thiết, nhiễm toan tiểu đường đã cướp đi đứa con trai của bà Nicole Smith-Holt, dù chỉ còn ba ngày nữa là đến kỳ lương tiếp theo, anh ấy đã không qua được vì thiếu Insulin.
"Chuyện này không bao giờ nên xảy ra" – bà Nicole trả lời phỏng vấn với tờ giấy báo tử của con trai trên bàn. "Cái chết do thiếu Insulin không bao giờ nên xảy ra."
Tự do hay ngang tàng?
Nhưng tại sao các hãng dược phẩm Hoa Kỳ lại có thể thực hiện những hành vi "vô đạo đức" như thế? Câu trả lời ngắn gọn là: Vì họ có thể.
Thể chế hiện tại hoàn toàn không giới hạn mức giá, kể cả giá trần hay giá sàn của một sản phẩm thuốc bất kỳ, các hãng dược phẩm cũng không cần chứng minh cấu thành giá của mình có hợp lý hay không.
Tờ Business Insider đã cố gắng liên hệ với ba tập đoàn Insulin trên, nhưng tất cả đều trả lời rằng chuỗi cung ứng phức tạp chính là nguyên nhân đằng sau mức giá "phi mã" này.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (gọi tắt là FDA) là cơ quan quyền lực nhất trong bộ máy chính phủ Mỹ về vấn đề y dược, nhưng FDA cũng chỉ có thể quản lý về mặt phân phối, bảo hộ, bản quyền… chứ không được can thiệp vào giá của doanh nghiệp.
Thậm chí Medicare - Cơ quan chính phủ Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ sức khỏe cho người dân trên 65 tuổi, còn bị cấm "thương lượng giá cả" với các hãng dược đang kinh doanh. Môi trường "không kiểm soát" này khiến không chỉ giá của Insulin mà còn EpiPens (thuốc điều trị sốc phản vệ) gia tăng liên tục trong những năm qua.
Mọi chuyện hoàn toàn khác tại Anh, khi chính phủ quốc gia này có hẳn một Cục để làm việc với các hãng dược phẩm, nhằm đưa ra mức giá phù hợp với người tiêu dùng và thị trường.
Chính phủ Anh thường quyết định một mức giá trần cho từng loại sản phẩm, và nếu không chấp nhận yêu cầu trên, thương hiệu đó sẽ bị cấm xuất hiện trên thị trường. Đây là một trong những chiến lược được đánh giá rất cao khi đã góp phần giảm giá nhiều loại thuốc quan trọng.
Thậm chí ngay tại nước hàng xóm Canada, Humalog – một thương hiệu Insulin nổi tiếng chỉ có giá khoảng 38 USD, thấp hơn nhiều so với mức giá 329 USD tại Hoa Kỳ, sự chênh lệch khủng khiếp này buộc nhiều bệnh nhân phải lái xe hàng giờ liền sang Canada hoặc Mexico để tìm được loại thuốc "giá mềm" hơn.
Những nỗ lực chống trả
Vào tháng 5 vừa rồi, nghị sĩ Jared Polis của bang Colorado đã chính thức ban hành bộ luật về mức giá trần của Insulin cho khu vực: Bệnh nhân tiểu đường giờ đây sẽ chỉ phải chi tối đa 100 USD mỗi tháng cho Insulin, bất kể số lượng cần dùng là bao nhiêu.
Luật sư chính thức của bang Colorado cũng sẽ bắt đầu điều tra tại sao mức giá Insulin lại tăng liên tục và đưa ra những gợi ý điều chỉnh luật pháp nếu cảm thấy cần thiết.
"Ngày hôm nay chính thức đánh dấu sự kết thúc của việc tăng giá Insulin trên lãnh thổ Colorado" - Jared cho hay.
Tuy dự luật trên sẽ "cứu sống" được 400.000 bệnh nhân tiểu đường tại bang Colorado, nhưng 30 triệu bệnh nhân tiểu đường và 7,4 triệu người đang sống nhờ Insulin ở các bang còn lại trên khắp nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi "cơn ác mộng" này.
Dự luật trên cũng chỉ hỗ trợ được cho những bệnh nhân đã có bảo hiểm y tế đầy đủ, một dịch vụ "xa xỉ" đối với không ít người dân nghèo tại Mỹ.
Trí thức trẻ