Cha đẻ phở 24 Lý Quý Trung: Covid-19 đưa tất cả quốc gia du lịch về vạch xuất phát, là cơ hội tốt để Việt Nam vươn lên
Ông Lý Quý Trung nhìn nhận Covid-19 sớm muộn cũng sẽ kết thúc. Vậy nên một mặt doanh nghiệp phải tập trung phát triển du lịch nội địa, mặt khác chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm du lịch quốc tế mở cửa trở lại.
Những ngày Covid-19 bùng phát, nguồn khách nội địa được coi là cứu cánh cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên đây chỉ là hướng đi tạm thời trong giai đoạn Covid-19 hay sẽ phát triển bền vững trong tương lai?
Từ quan điểm cá nhân, ông Lý Quý Trung, cha đẻ thương hiệu Phở 24 đình đám một thời, cho rằng du lịch nội địa là mũi nhọn không thể bỏ qua, tuy nhiên du lịch quốc tế mới là hướng đi quan trọng trong tương lại.
"Dịch bệnh chắc chắn sẽ đi qua, có thể ở lại một vài năm nhưng nhìn chung sẽ qua, du lịch quốc tế sẽ trở lại bình thường. Có chăng khác biệt chỉ là cách tổ chức du lịch, cách người ta đặt tour, cân nhắc các điểm đến,...Nếu mình quá tập trung du lịch nội địa sẽ là sai lầm lớn".
Tôi nghĩ đây là thời điểm đưa nền du lịch tất cả các quốc gia về 0, về vạch xuất phát. Khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại, quốc gia nào chuẩn bị tốt hơn sẽ vươn lên, và đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. Nếu mình không chuẩn bị tốt, đầu tư đúng mực thì mình lại chậm chân. Ví dụ khách lựa chọn điểm đến trong một số quốc gia an toàn, mình quảng bá kém hơn, thông điệp yếu hơn thì mình sẽ thua trong cuộc chạy đua này".
Ông Trung khuyên các doanh nghiệp du lịch một mặt nên tìm kiếm những nguồn doanh thu khác để lấy ngắn nuôi dài, một mặt phải nhìn nhận rằng mọi sự sớm muộn sẽ trở về giai đoạn bình thường mới. Trong giai đoạn bình thường mới đó, sẽ vẫn có những đặc điểm của bình thường cũ, nghĩa là nhu cầu cơ bản về mua sắm, du lịch, đi công tác,... vẫn còn nguyên.
"Tôi nghĩ chúng ta đừng nên quá tập trung vào du lịch nội địa, coi nó là con đường mới mà đây chỉ là một cách làm ngắn hạn thôi, trong dài hạn phải có du lịch quốc tế mới chắc chắn".
Giải oan cho thực trạng du khách quốc tế "một đi không trở lại"
Nhà sáng lập Phở 24 nói rằng trên thế giới có nhiều quốc gia thú vị nhưng khách thăm quan chỉ tới 1-2 lần chứ không quay lại. Nguyên nhân không phải vì ngành du lịch ở đó kém, mà là khách còn nhiều lựa chọn khác cần ưu tiên.
"Các con số thống kê đôi khi làm chúng ta hiểu nhầm đó. Tại sao khách không quay lại? Vì họ đi Việt Nam xong còn đi Nhật, đi Hàn và nhiều nước khác nữa. Bản thân tôi cũng đi nhiều nước, có nước tôi rất thích nhưng tôi chỉ đi 1 lần thôi chứ không quay lại. Vì lý do thời gian, nguồn lực,...nên phải ưu tiên đi các quốc gia khác".
"Đừng quá khó chịu khi khách không quay lại Việt Nam nhiều lần".
Bổ sung thêm quan điểm trên, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group giải thích rằng sự quay trở lại của khách hàng đối với một điểm đến phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ở VIệt Nam, sản phẩm du lịch chủ yếu là loại hình trải nghiệm nên khách không thể quay lại thường niên. Nếu phát triển du lịch nghỉ dưỡng thành sản phẩm tương tự Phuket, Bali,...thì khách sẽ quay lại nhiều lần, có thể là 5, 10 thậm chí 20 lần.
"Các cụm miền trong như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc đang phát triển nhiều mô hình nghỉ dưỡng, như vậy khách sẽ quay lại nhiều hơn, thời gian lưu trú lâu hơn, có thể 10-15 ngày".
Ông Kiên cũng đồng ý với ông Lý Quý Trung rằng du lịch nội địa quan trọng nhưng không thể thiếu du lịch quốc tế được. Trong năm 2019, nguồn khách quốc tế đã đóng góp tới 55% doanh thu ngành du lịch Việt Nam.
Ông nhận định thời gian Covid-19 qua đi, để cạnh tranh tốt, ngang bằng hoặc vượt qua đối thủ trong khu vực là Thái Lan, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư về mặt hạ tầng hàng không, cởi mở hơn trong vấn đề miễn thị thực, xây dựng môi trường du lịch an toàn, để khách hàng cảm thấy yên tâm khi thăm quan bất cứ tỉnh thành nào tại Việt Nam.
Trí thức trẻ