‘Cha đẻ’ tên gọi BRICS lên tiếng ngay trước thềm hội nghị tại Nga: Bất ngờ khen 1 cái tên khác
Nhà kinh tế học kỳ cựu phân tích khả năng BRICS đạt được những mục tiêu đã đề ra.
- 21-10-2024BRICS đứng trước thời điểm bước ngoặt khi các thành viên "đồng sàng dị mộng"
- 19-10-2024Nga bất ngờ cấm nhập khẩu nhiều loại hàng hoá từ đối tác thương mại quan trọng ngay trước thời điểm nước này thông báo từ chối gia nhập BRICS
- 17-10-2024Quyết làm lung lay thế thống trị của đô la Mỹ, Nga đề xuất 1 loạt giải pháp với các nước BRICS, hé lộ sáng kiến cho cả lĩnh vực chứng khoán
Jim O’Neil là cựu Chủ tịch của Goldman Sachs Asset Management và cựu Bộ trưởng Tài chính Anh. Vào năm 2001, ông đã dùng từ viết tắt BRIC để gọi tên các nền kinh tế mới nổi quan trọng của thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhưng cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nga Igor Ivanov và người đồng cấp Brazil Celso Lafer đã đưa ý tưởng này đi xa hơn. Họ đổi BRIC thành BRICS sau khi Nam Phi gia nhập nhóm vào năm 2010.
Ngày 17/10, ông O’Neil đã có những bình luận về BRICS ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm tại thành phố Kazan của Nga từ ngày 22-24/10/2024. Hội nghị này sẽ là cuộc họp thường niên đầu tiên có sự xuất hiện của bốn thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Vậy điều gì sẽ xảy ra?
Theo Jim O’Neil, thông qua cuộc họp lần này, Tổng thống Putin sẽ khẳng định với thế giới rằng Nga không bị cô lập như phương Tây muốn. Ông nhận định hội nghị thường niên của BRICS là dịp lý tưởng để các nhà lãnh đạo thúc đẩy tầm nhìn về một thế giới mà Mỹ không còn là quốc gia đứng đầu.
Nhưng O’Neil bày tỏ hoài nghi rằng liệu BRICS có thực sự đạt được mục tiêu đó, hay chỉ đưa ra được những kế hoạch tượng trưng. Ông chỉ ra điều đáng chú ý là hai quốc gia được kỳ vọng gia nhập BRICS đã chưa thực hiện điều đó. Sau khi chấp nhận lời mời ban đầu, Argentina đã thay đổi quyết định sau khi ông Javier Milei được bầu làm tổng thống vào năm 2023. Trong khi đó, Saudi Arabia vẫn chưa quyết định sẽ làm gì.
Nhà kinh tế học kỳ cựu cho rằng Saudi Arabia vẫn còn coi trọng liên minh quốc phòng và an ninh với Mỹ. Mối quan hệ đó sẽ càng bền chặt nếu họ bình thường hoá quan hệ với Israel. Quan trọng hơn, họ vẫn chưa xác định được những lợi ích cụ thể từ tư cách thành viên BRICS.
Ông Jim O’Neil nhận định rằng những thách thức thực sự mang tính toàn cầu không thể được giải quyết thông qua các nhóm hẹp như BRICS hay G7, bất kể họ có thêm bao nhiêu thành viên. Ông cho rằng điều thế giới thực sự cần là có một G20 trẻ hoá. Dù khá rộng (bao gồm tất cả các thành viên của G7 và BRICS) nhưng G20 đã từng phát huy tốt vai trò của mình sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và tiếp tục phản ánh tốt thế giới ngày nay.
Ông Jim O’Neil thừa nhận BRICS có thể theo đuổi nhiều lĩnh vực để mang lại lợi ích cho các thành viên và phần còn lại của thế giới. Những lĩnh vực này bao gồm việc ủng hộ thương mại tự do hơn giữa các thành viên và và đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn để chống lại biến đổi khí hậu và các bệnh truyền nhiễm.
Quả thực việc ra mắt Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank - NDB) là một bước tiến tích cực. Nhưng tổ chức này chưa có nhiệm vụ rõ ràng, mạnh mẽ liên quan đến các mục tiêu chung.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2024 chắc chắn sẽ thảo luận xung quanh một giải pháp thay thế để thách thức sự thống trị của đồng đô la trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Nhưng chỉ khi các quốc gia thành viên chủ chốt như Trung Quốc nghiêm túc về việc nới lỏng kiểm soát tiền tệ và mở tài khoản vốn, cơ hội soán ngôi đồng bạc xanh mới xuất hiện.
Tương tự, chỉ khi hai thành viên quan trọng nhất là Trung Quốc và Ấn Độ có thể đồng ý hợp tác trong các sáng kiến chung, BRICS mới có cơ hội thực hiện các tham vọng đã đề ra.
Ông Jim O’Neil cho rằng vì những lý do nêu trên, BRICS+ có thể không đi đến đâu. Ông vẫn khẳng định G20 sẽ là phương tiện phù hợp và hiệu quả hơn cho chủ nghĩa đa phương.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Jim O’Neil, cựu Chủ tịch của Goldman Sachs Asset Management và cựu Bộ trưởng Tài chính Anh\
Nhịp Sống Thị Trường