Cha mẹ dại khờ thường nói 3 điều này với con cái, càng nói nhiều thì con cái càng xa cách!
Nhiều trường hợp, lời nói của cha mẹ khiến mối quan hệ gia đình bất hòa.
01
Nói những điểu mà cha mẹ không làm gương
Một đứa trẻ thường xuyên chơi điện thoại mà không chịu học bài. Bố cậu bé thấy vậy liền nói: "Đừng chơi nữa, đi làm bài tập đi", hay "Bỏ điện thoại xuống, cầm cuốn sách lên mà đọc". Mỗi lần nghe bố nói vậy, cậu bé đều tỏ ra khó chịu. Rồi hai bố con bắt đầu cãi vã to tiếng.
Tuy nhiên người bố cũng phải thừa nhận: "Thật ra cũng không thể trách con, vì bố nó về nhà cũng chỉ biết chơi điện thoại, chẳng làm gì cả, mà lại cứ la mắng con".
Người xưa có câu: "Ngôn truyền thân giáo" - Cha mẹ không chỉ cần dạy bảo mà còn phải làm gương, trở thành hình mẫu cho con cái noi theo.
Từng có một video nổi tiếng trên MXH, trong đó đứa trẻ đang chơi điện thoại trên ghế sofa. Lúc đó, bố của cậu bé cầm một quyển sách đi tới, ngồi xuống và bắt đầu đọc. Một lát sau, anh trai của cậu cũng đến ngồi xuống và bắt đầu đọc sách. Khi thấy bố và anh trai đều đang đọc sách, cậu bé tự động đặt điện thoại xuống và lấy sách ra đọc.
Nói cả nghìn lời cũng không bằng làm gương. Nếu cha mẹ muốn con mình bỏ điện thoại xuống và cầm sách lên, thì trước tiên cha mẹ phải làm điều đó. Nếu cha mẹ muốn con học cách kiểm soát cảm xúc, không bộc phát tức giận, thì cha mẹ phải làm gương trong việc này. Nếu cha mẹ muốn con rèn luyện những thói quen tốt, thì chính cha mẹ phải trở nên kỷ luật.
Khi cha mẹ giáo dục con cái, thường nói một đằng làm một nẻo, điều này khiến con cái không thể tin tưởng. Trước khi dạy bảo con, cha mẹ cần tự mình thực hiện trước, để trở thành tấm gương cho con noi theo.
Nếu không, trẻ sẽ nghĩ rằng những điều mà người lớn còn không làm được, lại yêu cầu chúng làm, và từ đó chúng sẽ không tin tưởng, không chấp nhận những lời dạy của cha mẹ.
02
Nói những đạo lý mà trẻ chưa từng trải qua, không thể nào hiểu hết được
Trước 3 tuổi đừng giảng đạo lý với con! Lý do là vì trước 3 tuổi, sự phát triển của trẻ chưa hoàn thiện, khả năng nhận thức chưa cao, nên trẻ không thể hiểu được những gì cha mẹ nói.
Có một đứa trẻ hơn 1 tuổi, rất muốn chạm vào ấm nước nóng. Mẹ và bà ngoại sợ cậu bé gặp nguy hiểm, nên lập tức ngăn lại. Cả hai liên tục nói: "Đừng chạm vào cái ấm này, con sẽ bị bỏng, sẽ bị đau". Nhưng cậu bé vẫn muốn chạm vào. Vì vậy, người mẹ đã cầm tay cậu bé, nhẹ nhàng chạm vào ấm nước nóng. Khi bị bỏng, con ngay lập tức rụt tay lại.
Lần sau, khi người mẹ cầm tay con định chạm vào ấm, cậu bé đã biết rút tay ra ngay, không muốn chạm vào nữa.
Kể từ lần đó, chỉ cần bà và mẹ nói rằng thứ này nóng, đừng chạm vào, cậu bé liền lập tức tránh xa. Nhiều khi, khi trẻ chưa từng trải qua điều gì, lý lẽ của cha mẹ khó mà được chúng chấp nhận.
Giống như khi đi học, thầy cô và cha mẹ liên tục nói rằng học tập chăm chỉ, điểm số không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Nhưng khi đó, chúng ta chỉ cảm thấy thầy cô và cha mẹ thật phiền phức, suốt ngày nhắc đi nhắc lại những điều đó.
Đến khi bị "đánh bại" bởi cuộc sống, chúng ta mới nhận ra rằng những lời thầy cô và cha mẹ nói là hoàn toàn đúng.
Chỉ khi trải qua, một số lời nói mới có thể đi vào lòng trẻ.
Trên mạng có một video, một học sinh tố cáo với thầy giáo rằng các bạn trong lớp đang lan truyền tin đồn sai sự thật về mình. Trong giờ học, thầy giáo chơi một trò chơi truyền tin. 7 nhóm học sinh lần lượt truyền tai nhau những lời thầy giáo đã viết trên tờ giấy.
Kết thúc trò chơi, chỉ có một nhóm có câu trả lời chính xác. Lúc này, thầy giáo mới nói ra đạo lý mà ông muốn dạy cho học sinh: Thông tin có thể bị thay đổi trong quá trình truyền tải, vì vậy các em đừng tin vào những tin đồn chưa được xác thực.
Thầy giáo không rao giảng một cách trống rỗng hay ra lệnh cho học sinh đừng tin vào tin đồn. Thay vào đó, thầy giáo dùng trò chơi để học sinh tự mình trải nghiệm sự nguy hiểm của tin đồn, sau đó mới giải thích đạo lý cho các em.
Trẻ thường phản đối những lời dạy bảo của cha mẹ, vì chúng cảm thấy những đạo lý này rất trừu tượng, không liên quan đến mình. Cha mẹ hãy để trẻ trải nghiệm một số việc, sau đó giải thích cho chúng những đạo lý liên quan, trẻ sẽ dễ dàng hiểu hơn.
03.
Nói những đạo lý không phù hợp thời điểm, sẽ trở thành bạo lực ngôn từ
Cha mẹ thường được khuyên không nên dạy dỗ trẻ khi chúng đang khóc lóc, mè nheo. Khi trẻ đang chìm trong cảm xúc, chúng sẽ không lắng nghe, và lời nói của cha mẹ trong một số trường hợp có thể gây tổn thương cho trẻ.
Tương tự, việc giảng dạy đạo lý của cha mẹ không đúng lúc cũng có thể gây tổn thương cho trẻ. Khi cha mẹ giảng đạo lý mà không quan tâm đến cảm xúc của con, chỉ làm tình hình tệ hơn. Nếu thời điểm không phù hợp, tốt hơn là không nên nói.
Có một bé gái đi chơi với bố mẹ, trên đường về rất mệt. Em vừa đi vừa cúi người xuống một chút vì như vậy sẽ dễ đi hơn. Mẹ em thấy vậy liền hét to: "Đi thẳng lưng lên, đi thế này không tốt cho sức khỏe".
Đó là lúc đang ở trên phố, đứa trẻ liền cảm thấy rất mất mặt, nên giả vờ như không nghe thấy lời mẹ. Nhưng mẹ vẫn tiếp tục hét: "Đừng cúi lưng, con gái đi thế này không đẹp, phải giữ dáng" khiến em càng không muốn nghe hơn.
Dù biết những gì mẹ nói là đúng, là muốn tốt cho mình, nhưng trong tình huống đó,đứa trẻ thực sự không muốn nghe. Đạo lý không khó hiểu, điều khó là cha mẹ chọn đúng thời điểm để nói.
Khi thời điểm phù hợp, những lời dạy bảo của cha mẹ sẽ dễ dàng đi vào lòng trẻ, được trẻ chấp nhận. Nhưng nếu nói không đúng lúc, sẽ chỉ mang lại tác dụng ngược, thậm chí có thể gây tổn thương cho trẻ.
Thực ra, việc giảng đạo lý không vô ích, vấn đề là ở cách làm. Thời điểm phù hợp, phương pháp thích hợp, đạo lý sẽ có sức thuyết phục, và con cái sẽ tự nhiên chấp nhận.
Phụ nữ số