Chăm chỉ buôn đồ cũ, bà mẹ 3 con kiếm được hơn 17 tỷ đồng mỗi năm
Chia sẻ với Insider, Mona Mejia cho hay: 'Khi nhắc về những gì đã trải qua, tôi vẫn cảm thấy sốc về sự thay đổi của cả gia đình mình'.
- 01-05-2023Nói chuyện với người kinh doanh phát đạt 3 đời, tôi nhận ra: Nếu mãi là quả trứng thì một ngọn cỏ cũng làm bạn chùn bước
- 29-04-202335 tuổi cặp vợ chồng bỏ phố về quê xây homestay, bất ngờ “ẵm” giải quốc tế về kiến trúc hiếm có của châu Á
- 26-04-2023Làm 10 năm nhưng không được thăng chức, tăng lương: Tốc độ cố gắng chậm hơn độ tuổi thì bạn cũng chỉ đang dùng 1 kinh nghiệm cho 10 năm
Trước năm 2015, công việc duy nhất của Mona Mejia là chăm sóc cho 3 đứa con nhỏ. Thế nhưng, đến năm 2021, bà mẹ 44 tuổi sống tại Houston (Mỹ) này đã có thu nhập lên đến 735.000 USD (tương đương 17 tỷ đồng) một năm nhờ vào việc buôn bán quần áo second-hand, đồ tồn kho cùng các món đồ gia dụng và đồ chơi trẻ em trên mạng xã hội.
Nghe có vẻ vô lý, nhưng Mejia chưa từng đầu tư một đồng tiền túi nào vào công việc kinh doanh của mình. Thay vào đó, cô đã sử dụng số tiền kiếm được từ việc bán đồ cũ của mình để mua thêm hàng tồn kho từ các nhà sản xuất và bán lại với giá cao.
Mejia là một trong số hàng triệu người Mỹ đang tìm cách kiếm tiền mà không cần dựa vào công việc văn phòng truyền thống. Theo một nghiên cứu của Upwork vào năm 2021, 59 triệu người Mỹ - tương đương 36% lực lượng lao động cả nước - đã làm công việc tự do được ít nhất một năm, nhiều người trong số đó lựa chọn con đường tự kinh doanh.
Mặc dù tồn tại khá nhiều thách thức, lối sống này đã mang đến cho người Mỹ cơ hội cuối cùng để có thể vươn lên về mặt tài chính.
Thành công vượt ngoài mong đợi
Năm 2015, số tiền lương của chồng Mejia không còn đủ để chi trả cho mọi nhu cầu của gia đình. Đó thực sự là một khoảng thời gian khó khăn và bấp bênh đối với gia đình 5 thành viên, họ rơi vào cảnh ăn chưa xong bữa nay đã phải lo bữa mai.
Vì vậy, khi được chị gái giới thiệu cho một nền tảng bán hàng có tên Poshmark, Mejia quyết định bán một vài món đồ từ tủ quần áo của mình. Đến thời điểm hiện tại, cô vẫn nhớ về đơn hàng đầu tiên trong cuộc đời, đó là một chiếc váy có giá 36 USD và được mua sau 11 giờ kể từ khi cô đăng bán. Càng đăng tải nhiều món đồ, người phụ nữ trung niên càng nhận ra rằng mọi thứ đang được bán hết rất nhanh, và dòng tiền đang liên tục đổ về túi của cô.
Hai năm sau đó, chồng của Meija phải phẫu thuật tim và không thể tiếp tục làm việc. Trách nhiệm chu cấp cho gia đình đổ hết lên vai của người phụ nữ, buộc cô phải nỗ lực hết sức mình.
Lúc này, Mejia mở rộng việc buôn bán sang một số nền tảng khác. Từ khoản tiền 100 - 200 USD (khoảng 2,3 - 4,6 triệu đồng) kiếm được mỗi tuần lúc ban đầu, thu nhập của cô dần được nâng lên đến con số 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng)
Tuy nhiên, phải đến năm 2021, khi cô bắt đầu bán hàng thông qua các buổi phát sóng trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội, thì công việc kinh doanh của cô mới thực sự bước sang một trang mới. Dù thu về được hơn 23.000 USD (tương đương 540 triệu đồng) từ Poshmark, phần lớn thu nhập của cô vẫn đến từ các trang mạng xã hội.
Việc kinh doanh của Mejia thành công đến nỗi sau khi chồng cô hồi phục, anh không còn quay lại công việc trước kia nữa mà chuyển sang phụ giúp cho vợ mình. Cùng với nhau, cả hai đã phấn đấu để sở hữu một ngôi nhà riêng và đủ tiền cho hai người con đi học đại học mà không cần bất kỳ một khoản vay sinh viên nào.
Càng bán nhiều thứ, càng kiếm được nhiều tiền
Sau khi bán hết những món đồ có thể trong tủ quần áo, Mejia chuyển hướng kinh doanh của mình. Dùng số tiền vừa kiếm được, cô tìm đến các cửa hàng có nhiều đồ tồn kho để mua lại chúng với giá thấp. Từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đồ trẻ em đến trang sức và phụ kiện, Mejia mua mọi thứ có thể. Tiếp đó, cô bán lại những món đồ này với nhiều mức giá khác nhau, món rẻ nhất chỉ có 15 - 20 USD (khoảng 373 - 469 nghìn đồng), trong khi món đắt nhất có thể lên đến 1.300 - 1.400 USD (khoảng 32 - 33 triệu đồng).
Dù vẫn thường xuyên lui tới các cửa hàng bán lẻ, đa số giao dịch hiện tại của cô là những đơn đặt hàng số lượng lớn được mua với giá chiết khấu từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Những sản phẩm này sau đó được Mejia bán lại với giá thấp hơn khoảng 40% so với thị trường.
Nhờ mức giá mua vào đặc biệt rẻ, nên dù có bán ra với giá ưu đãi, cô vẫn có thể duy trì được mức lợi nhuận cao. Thậm chí, cô còn từng bán được một chiếc quần in hình "chim hồng hạc và ếch" với giá 100 USD, mặc dù thực tế, cô đã mua nó tại một buổi thanh lý với giá chỉ 1 USD.
Theo Mejia, chiết khấu cao là một đặc điểm điển hình của hàng hoá trên nền tảng bán lại. Chẳng hạn, cô đã từng trả 30 USD (tương đương 704 nghìn đồng) cho một chiếc váy được bán với giá gần 300 USD (tương đương 7 triệu đồng) tại các cửa hàng bán lẻ.
Dù đạt được thành công lớn trong kinh doanh, bản thân Mejia không nghĩ rằng mình có tài năng đặc biệt gì trong việc chọn mặt hàng để bán. Thay vào đó, cô cho rằng "càng bán nhiều thứ, bạn càng kiếm được nhiều tiền". Bên cạnh đó, việc chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử cũng giúp doanh số bán hàng tăng 50% so với mức trước đại dịch.
Biến kế sinh nhai thành niềm đam mê
"Tôi thích việc bán hàng này, nó như một cơn nghiện đối với tôi", đó là điều mà Mejia đã nhận ra sau khi dành từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày để làm việc dù trên thực tế, cô nghĩ về công việc suốt 24/7.
Ngay từ sáng sớm, người mẹ 3 con đã bắt đầu với việc xếp lại những chiếc hộp dùng để đóng gói hàng ở góc phòng ăn. Cô đăng tải ít nhất 100 mặt hàng mới mỗi ngày cho cửa hàng online của mình và đôi khi thức đến 3 giờ sáng để đảm bảo tất cả các gói hàng đã được giao đi. Sang ngày hôm sau, cô lại thức dậy vào lúc 7 giờ 30 phút để làm việc.
Theo Mejia, bất kỳ ai cũng có thể thành công với tư cách là một người bán đồ second-hand, miễn là bạn có đủ sự chăm chỉ và kiên trì. Ngay cả bản thân cô cũng phải mất đến 7 năm để đạt được thành tích như hiện tại.
"Rất nhiều người nhìn thấy vị trí hiện tại của tôi và tự nhủ rằng: Ồ, tôi sẽ làm theo ngay bây giờ. Tất nhiên kết quả sẽ đến, nhưng nó không thể nào xảy ra chỉ sau một đêm. Vì vậy, tôi muốn nói với mọi người rằng đừng bỏ cuộc mà hãy tiếp tục đăng tải sản phẩm, tiếp tục bán những món đồ mà bạn có, hãy cố gắng đến cùng".
Nhờ thành công trong việc bán hàng, Mejia đã trở nên nổi tiếng và được nhiều nhãn hàng mời ký hợp đồng quảng cáo, điển hình là hai trang web bán lẻ Torrid và Target. Chính những giao dịch như thế này đã phần nào giúp cô kiếm được khoản thu nhập "khủng" ở hiện tại.
Phụ nữ Việt Nam