Chậm cổ phần hóa để tránh... sai sót
Cuối tháng 7, họp đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN), phê bình TPHCM chưa cổ phần hóa được DNNN nào, trong khi theo kế hoạch, địa phương này phải cổ phần hóa 39 DNNN.
- 26-09-2018Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp càng 'teo tóp'
- 25-09-2018Vinafood 1 sẽ cổ phần hóa vào 2019, Nhà nước giữ 65-75% vốn
- 23-09-2018Trục lợi từ cổ phần hóa
Năm 2017, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã nêu đích danh TPHCM là địa phương chưa cổ phần hóa được DN nào trong số 39 DN.
Xử lý hàng nghìn mặt bằng nhà, đất
Theo ông Huỳnh Trung Lâm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN TPHCM (BCĐ), Ban Thường vụ Thành ủy đang xem xét và cho ý kiến về cổ phần hóa 39 DNNN. Có một số nội dung cần xin cơ chế đặc thù, như một số DN muốn giữ 100% vốn, có DN muốn nâng tỷ lệ phần vốn nhà nước, nên BCĐ phải xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy... Nếu thống nhất cơ chế thì TPHCM sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm 2019.
Ông Lâm cho hay, trong 39 DNNN phải cổ phần hóa thì có 22 DN công ích đang được giao nhiệm vụ giữ hộ, cho thuê, quản lý hơn 1.000 mặt bằng nhà, đất. Và diện tích nhà, đất này không thể mang theo khi cổ phần hóa. Do đó, thành phố đang xem xét phương án thành lập đơn vị sự nghiệp để quản lý. Tuy nhiên, xu hướng cổ phần hóa cả đơn vị sự nghiệp không thể thực hiện được nên TPHCM vẫn đang lúng túng.
Theo báo cáo của BCĐ, giai đoạn đạt kết quả cao nhất về cổ phần hóa DNNN là từ năm 2013 đến 2015. Số vốn nhà nước TPHCM thu về hơn 4.700 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch. 46% số vốn còn lại tiếp tục thoái vào năm 2016 và số tiền thực tế đã thu về trong năm này là 3.540 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với giá trị dự toán. Cũng trong năm 2016, TPHCM thoái vốn nhà nước tại 51 DN, thực hiện các thủ tục pháp lý để xác định giá trị DN và quyết định cổ phần hóa 39/45 DN; giao tài sản để cổ phần hóa 7/45 DN khác.
Đến năm 2017, UBND TPHCM quyết định điều chỉnh kế hoạch thoái vốn của 10 tổng công ty và công ty mẹ có 100% vốn nhà nước trực thuộc thành phố, đã được phê duyệt tái cơ cấu giai đoạn 2013- 2015. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các DN trên vẫn “dậm chân tại chỗ”. Thủ tục tuy đã gần như hoàn chỉnh nhưng việc chuyển giao tài sản, mặt bằng cho DN cổ phần hóa phức tạp và mất nhiều thời gian, đặc biệt là mặt bằng nhà đất của DN ở các tỉnh bạn thì phải chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền các địa phương.
Nhiều DNNN lập phương án thoái vốn vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước chi phối, làm giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần, tỷ lệ cổ phần bán ra trên sàn giao dịch chứng khoán thấp. Công ty cổ phần Satra Tây Nam chỉ bán được 0,15%, Công ty cổ phần Thương mại Sài Gòn bán được 0,03% so với tổng số cổ phần được phê duyệt…
Tránh “vết xe đổ”
Thực tế, việc cổ phần hoá ở nhiều nơi bộc lộ nhiều bất cập. Quá trình định giá DN tại một số đơn vị chưa theo đúng nguyên tắc thị trường gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã xác định tại Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), giá trị vốn nhà nước tăng thêm hơn 12.000 tỷ đồng. Một số DNNN không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị DN, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Thực tế này xảy ra tại Vinaconex, khi DN chưa tính giá trị khu đất, tài sản trên đất số 47 Điện Biên Phủ (TPHCM) vào giá trị DN khi cổ phần hoá và UBND TPHCM đã ban hành quyết định cho phép chuyển sang thuê đất trả tiền một lần.
Theo thông tin Văn phòng UBND TPHCM vừa công bố, trong năm 2019, TPHCM sẽ cổ phần hóa 8 công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn và đã giao BCĐ hoàn chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, do tính đặc thù về chức năng hoạt động, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi sẽ được chuyển vào nhóm các DN đề nghị Chính phủ cho giữ 100% vốn Nhà nước.
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cùng 7 DN, gồm Tổng Công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 9, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Gò Vấp và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Nhà Bè sẽ tiến hành cổ phần hóa trong năm 2019.
SJC được thành lập năm 1998 và nay là một trong những DN kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là DN kinh doanh vàng duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Năm 2017, SJC đạt 22.950 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế hơn 81 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo đề xuất của BCĐ, UBND TPHCM đã chấp thuận chuyển Công ty TNHH Xổ số kiến thiết TPHCM 100% vốn nhà nước, trực thuộc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM về làm doanh nghiệp trực thuộc UBND TPHCM. TPHCM cũng sẽ duy trì 100% vốn nhà nước đối với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV (Sawaco).
Theo ông Huỳnh Trung Lâm, trong 14 tổng công ty phải cổ phần hóa, có 30 DN liên doanh với nước ngoài và theo cam kết từ khi thành lập, nếu Nhà nước rút vốn, phải có ý kiến của đối tác nước ngoài hoặc bán cho họ phần vốn đó. Ðến nay, đối tác nước ngoài không đồng ý bán phần vốn góp của Nhà nước ra ngoài. Ngoài ra, TPHCM muốn giữ lại một số DN 100% vốn nhà nước và có những DNNN muốn nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên. Những vướng mắc này cần phải chờ tổng hợp, báo cáo, xin cơ chế đặc thù của Thủ tướng Chính phủ.
Theo một số chuyên gia, Nghị định 91/2015/NĐ-CP có quy định ảnh hưởng tới chậm tiến độ cổ phần hóa DNNN. Cụ thể, đối với các DN chưa đăng ký giao dịch hay niêm yết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán trước cổ phần hóa. Thời gian từ thời điểm xác định giá trị DN đến IPO (đấu giá cổ phần lần đầu) thông thường phải mất hơn 18 tháng.
Tiền phong