'Chấm điểm' phòng chống tham nhũng: Nhiều nơi dưới trung bình
Báo cáo tổng hợp đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2021 cho thấy, một số địa phương chưa có dấu hiệu nỗ lực cải thiện kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng và còn nhiều địa phương có điểm đánh giá dưới trung bình ở một số lĩnh vực, thậm chí không có điểm.
- 06-02-2023Kiên quyết, kiên trì là chìa khóa phòng chống tham nhũng
- 28-01-2023Đấu tranh phòng chống tham nhũng góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm
- 12-01-2023Đưa vụ Cục Đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi
Có chủ tịch tỉnh cả năm tiếp công dân được một lần
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo tổng hợp đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2021 . Báo cáo này dựa trên cơ sở điểm tự chấm và tài liệu minh chứng, cho thấy điểm trung bình công tác PCTN cấp tỉnh trong năm này đạt 62.12 điểm trên thang điểm 100 (trong đó, điểm xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN cơ cấu 20 điểm; thực hiện biện pháp phòng ngừa tham nhũng 30 điểm; phát hiện và xử lý tham nhũng 40 điểm; thu hồi tài sản tham nhũng 10 điểm).
Theo TTCP, so với năm 2020, trong năm 2021 điểm PCTN giảm, một số địa phương vẫn tiếp tục duy trì kết quả khá tốt như Quảng Ninh, TP HCM, Thanh Hóa, trong khi một số địa phương khác không giữ được kết quả khả quan, đạt điểm thấp hơn nhiều như Hà Tĩnh, Bình Định, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng…Đáng chú ý, một số địa phương chưa có dấu hiệu nỗ lực cải thiện kết quả đánh giá công tác PCTN như Bạc Liêu, Yên Bái, Bến Tre, Đắk Lắk.
Cụ thể, đối với công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, năm 2021, hầu hết các địa phương cả nước đã triển khai rất tốt, đây cũng là nội dung đạt điểm cao nhất trong các mặt của công tác PCTN. Điểm trung bình cả nước đạt tới 90,40% trên thang điểm 20. Tuy nhiên vẫn còn 4 địa phương chỉ đạt điểm dưới mức trung bình 50% trên thang điểm 20 là Đắk Lắk, Cà Mau, Cao Bằng, Phú Yên.
Về việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có điểm trung bình là 1.37/2 điểm, tăng đáng kể so với năm 2020. Song, TTCP cũng đề cập đến một số nơi việc tiếp công dân còn sơ sài, như Bắc Giang và Hưng Yên không có điểm; Đắk Nông tiếp công dân được 1 lần trong năm; các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa tiếp công dân được 2 lần trong năm.
Cạnh đó, TTCP cho rằng, việc t hực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng năm 2021 nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến tích cực so với năm trước, khi điểm trung bình chỉ đạt 19.23/30. Địa phương thực hiện tốt nhất việc này là Hậu Giang đạt 24.94 điểm, cao gấp đôi so với địa phương có kết quả thấp nhất là Đắk Lắk đạt 12.26 điểm.
Trong đó, kết quả công tác phòng ngừa tham nhũng trong khu vực Nhà nước có điểm trung bình đạt 18.07/25 điểm. Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa địa phương có điểm cao nhất và thấp nhất là Quảng Ninh 22.82 điểm và Bình Định chỉ đạt 12.10 điểm (chênh lệch gần 10.72 điểm).
Còn công tác phòng ngừa tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước chỉ đạt điểm số trung bình 1.16/5 điểm, thấp hơn so với năm 2020 là 1.84/5 điểm. Qua thống kê, đa số địa phương chỉ đạt bằng hoặc dưới điểm trung bình (47 tỉnh, thành phố); có 17 địa phương không có điểm.
Cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái và cựu Bí thư Trần Đình Thành có liên quan đến 1 vụ án tham nhũng.
Phát hiện tham nhũng cao nhất từ công tác điều tra, truy tố
Cũng trong năm 2021, kết quả chung của công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đạt 18.78/40 điểm, tương đương đạt 46,95% yêu cầu, thấp hơn so với năm 2020 là 52,91%. Chênh lệch điểm giữa địa phương cao điểm nhất là Quảng Ninh 28.11 điểm và thấp điểm nhất là Lai Châu chỉ 5 điểm. Sự chênh lệch này được cơ quan thanh tra đánh giá là tương đối lớn.
Mặt khác, công tác phát hiện hành vi tham nhũng còn ở mức thấp khi chưa đạt trung bình, chỉ ở mức 41,28%. TTCP cho biết, hiệu quả tốt nhất là công tác điều tra, truy tố, xét xử (đạt tới 85,94% yêu cầu), cao hơn nhiều so với công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát (12,19%) và công tác phản ánh, tố cáo (25,92%). Đại đa số các địa phương có kết quả tích cực, riêng Lai Châu không có điểm đánh giá, còn Gia Lai đạt 4.50/7.50 điểm, tương đương 60,00% yêu cầu.
Việc xử lý hành vi tham nhũng có kết quả khả quan hơn khi đạt mức 57,30%; việc kiến nghị để thu hồi tiền, tài sản qua phát hiện các hành vi tham nhũng đạt kết quả tốt nhất 92,30%, có tới 53/63 địa phương đạt điểm tối đa, chỉ có một số ít địa phương có kết quả thấp.
Về kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng , năm 2021 đạt trung bình 6.03/10 điểm, tương đương 60,30% yêu cầu. So với tình hình thực tiễn của cả nước, TTCP cho rằng, đây cũng là một kết quả khả quan khi có tới 19 địa phương đạt trên 80% yêu cầu, trong đó có 7 địa phương đạt điểm tối đa, có 37 địa phương đạt điểm dưới mức trung bình chung, cho thấy kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn sự chênh lệch đáng kể.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng bằng các biện pháp hành chính (đạt 62,56%) hiệu quả hơn so với việc thu hồi bằng các biện pháp tư pháp (đạt 58,05%). Một số địa phương như Hải Dương, Bắc Kạn, Lai Châu, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Trà Vinh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, có kết quả thu hồi tài sản qua biện pháp tư pháp cao nhưng có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính lại thấp.
Từ những đánh giá nêu trên, TTCP kết luận, năm 2021 công tác PCTN cấp tỉnh có một số nội dung đạt được kết quả khả quan, nhưng nhìn chung chưa cải thiện.
Do đó, TTCP đề nghị các tỉnh, thành phố cả nước phải bám sát, kết hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ về PCTN nói chung; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, phát huy vai trò của xã hội và người dân; nâng cao vai trò giám sát và chất lượng các cuộc giám sát trong việc phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản...
Ngoài ra, TTCP cũng khuyến nghị các địa phương cần tổng kết, khuyến khích phát huy nội dung có kết quả tích cực, rút kinh nghiệm, đặc biệt là những nội dung còn hạn chế phải có giải pháp khắc phục để năm sau đạt kết quả tốt hơn.
Tiền Phong