MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm giải ngân đầu tư công: Thủ tục giải phóng mặt bằng 12 bước, dự án nhóm A gần 2 năm

Đại biểu Bế Minh Đức chỉ ra những bất cập trong thực hiện giải ngân đầu tư công - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Bế Minh Đức chỉ ra những bất cập trong thực hiện giải ngân đầu tư công - Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều ý kiến của đại biểu bày tỏ băn khoăn và sốt ruột khi tình hình giải ngân vốn đầu công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chậm trễ nên cần phải có giải pháp tháo gỡ về thủ tục.

Ngày 27-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nêu vấn đề khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, khi 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, cùng với triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhưng tiến độ mới đạt 46,7%, thấp hơn so với cùng kỳ.

Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đạt mức giải ngân thấp, mà nguyên nhân do pháp luật chưa đồng bộ, khả thi, ý thức tôn trọng kỷ cương còn kém, thái độ thực thi công vụ công chức còn hạn chế, yếu kém.

Thực tiễn địa phương, ông chỉ ra thể chế chính sách còn bất cập, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Dẫn chứng, từ khi hình thành dự án đến thi công trải qua nhiều thủ tục, như công tác giải phóng mặt bằng phải trải qua 12 bước, dự án nhóm A nếu thực hiện đúng trình tự, thủ tục mất thời gian gần 2 năm; dự án nhóm B, nhóm C mất 9-10 tháng, không kể vướng mắc gì.

Thủ tục trình tự triển khai ở nhiều văn bản pháp luật có liên quan như Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật đấu thầu, Luật đầu tư công, mỗi giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự thủ tục nên triển khai chậm; dự án liên quan điều chỉnh quy hoạch, các loại rừng mất thêm bốn tháng; nhiều quy định chồng chéo, bất cập cũng mất thêm nhiều thời gian.

Kiến nghị các giải pháp, đại biểu Đức đề nghị các bộ ngành và địa phương có thông tư hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện; xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định chặt chẽ và thực thi nghiêm túc, thực hiện nghiêm mục tiêu phát triển…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) thì bày tỏ quan ngại khi tình hình thiếu hụt xăng dầu diễn ra ở nhiều nơi, cho thấy sự lúng túng quản lý các bộ ngành liên quan, từ tính đúng tính đủ giá xăng dầu, điều tiết nguồn cung… làm cho nhân dân gặp khó khăn, bức xúc.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) lại lo lắng khi vừa qua Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất lên, kéo theo chi phí và vốn vay tăng cao, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh doanh nghiệp và đời sống người dân, nên dù lạc quan thì chưa thể tin tưởng vào sự tăng trưởng, sức chịu đựng, chống chịu của nền kinh tế còn thấp.

Đại biểu cho rằng Chính phủ cần chủ động kịch bản ứng phó lạm phát đang gia tăng toàn cầu, trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là nguy cơ lạm phát, giá cả đầu vào, dấu hiệu của thị trường tiền tệ. Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin kịch bản điều hành lãi suất, giá cả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi tín dụng.

Đồng thời, rà soát sửa đổi bổ sung tháo gỡ khó khăn về đầu tư công, sửa đổi Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật giá, gắn với cải cách hành chính, thực hiện nâng lương cho cán bộ công chức, cải cách tiền lương nhằm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công…

Theo Ngọc An

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên