MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm nhất cuối năm nay, phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp

Chủ trì cuộc họp trực tuyến sáng 7/9 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng.

Thủ tướng cũng chỉ đạo hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của 675 xã, phường, thị trấn thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trong việc tổ chức thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân để đạt được mục tiêu này, vì lợi ích của chính người dân và cộng đồng, đất nước.

Chậm nhất cuối năm nay, phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương tham dự cuộc họp. Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn.

Năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp để gỡ "thẻ vàng", chúng ta đạt được một số kết quả, song mục tiêu lớn nhất là gỡ "thẻ vàng" chưa đạt được. Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để sớm đạt mục tiêu lớn nhất này, dứt khoát không để bị "thẻ đỏ", thúc đẩy phát triển ngành thủy sản đi đúng hướng.

Tổ chức không tốt thì việc nhỏ cũng không xong

Bắt đầu cuộc họp, thay vì nghe ngay báo cáo của các bộ, ngành như chương trình dự kiến, với tinh thần sâu sát cơ sở, gần dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kết nối trực tiếp với nhiều đơn vị cấp huyện, xã tại những tỉnh có nhiều ngư dân vi phạm để tìm hiểu tình hình thực tế.

Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo các địa phương này: Đã tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định về khai thác hải sản chưa? Tuyên truyền bằng cách nào? Việc tổ chức thực hiện thế nào, có khó khăn gì? Tỉnh, huyện có xuống kiểm tra thực tế ở cơ sở không? Trên địa bàn xã, phường có người vi phạm không? Việc tổ chức quản lý cần thế nào để làm tốt hơn trong tình hình hiện nay?...

Câu trả lời cho thấy lãnh đạo nhiều địa phương nắm chắc các chủ trương, quy định, nhưng cũng có những nơi chưa nắm chắc các nội dung này. Ông Đường Hữu Lý, Bí thư xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang thừa nhận "xã mới nắm được một phần".

Nghe câu trả lời này, Thủ tướng nêu rõ, cấp xã phải nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện thì mới quản lý, tổ chức thực hiện tốt. "Nếu chỉ nắm một được phần thì làm sao quản lý được 100%?", Thủ tướng đặt câu hỏi.

Chậm nhất cuối năm nay, phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cấp xã phường thị trấn trong việc tổ chức thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định về khai thác hải sản, vì lợi ích của chính người dân và cộng đồng, đất nước. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Phạm Trần Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết chính quyền các cấp đã phối hợp với các cơ quan như bộ đội biên phòng, ban tuyên giáo… tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phát tờ rơi tới từng hộ dân có phương tiện đánh bắt hải sản, các hộ này đã làm giấy cam kết không vi phạm.

Từ thực tế địa phương, ông Ninh cho biết một số người dân không biết rõ biên giới trên biển hoặc ý thức chấp hành pháp luật chưa cao nên vi phạm. Ông cho rằng, các quy định, công cụ quản lý cơ bản đầy đủ nhưng điều quan trọng là nhận thức của người dân, nếu người dân hiểu rõ quy định, đặt lợi ích chung của ngành thủy sản và của cộng đồng lên trên thì họ sẽ chấp hành rất tốt. Nếu người dân không vi phạm, thì việc xuất khẩu sẽ thuận lợi, bảo đảm lợi nhuận cho chính ngư dân.

Nghe vậy, Thủ tướng đặt câu hỏi ai phải tuyên truyền cho người dân và cấp nào làm hiệu quả nhất? Ông Ninh trả lời, từ Trung ương đến địa phương đều phải tuyên truyền, vận động nhân dân, nhưng xã, phường là mắt xích quan trọng nhất, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phải vào cuộc.

Đồng tình với câu trả lời này, Thủ tướng nhấn mạnh, trong phòng chống COVID-19, chúng ta đã lấy xã phường làm pháo đài. Để ngăn chặn vi phạm trong khai thác hải sản, phải phát huy vai trò của cấp xã, phường.

"Đây là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân. Ngay từ xã phường phải thực hiện tốt cơ chế cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vào cuộc, giám sát, vận động, kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng, tham gia, chấp hành. Cấp huyện phải kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ cấp xã. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh", Thủ tướng nhấn mạnh nội dung này tới lãnh đạo các địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý: Việc nhỏ nhưng tổ chức không tốt thì việc nhỏ cũng không xong, việc nhỏ thành việc lớn, người dân không muốn vi phạm nhưng không tuyên truyền tốt thì người dân không biết rõ quy định, không hiểu rằng vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, của địa phương, của cộng đồng và lợi ích của chính người dân thế nào.

Ông phân tích thêm, trong các phương thức lãnh đạo của Đảng, có các phương thức tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát… Tuyên truyền, vận động, kêu gọi để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân cùng làm. Nêu gương cũng là một phương thức lãnh đạo của Đảng ta và muốn dân tin, dân làm theo thì lãnh đạo phải có đủ uy tín, năng lực, phẩm chất, phải gương mẫu. Ông yêu cầu lãnh đạo địa phương nắm lại thật chắc các phương thức lãnh đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ thật tốt.

Tiếp đó, Người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi với ông Lê Nguyên Trắng, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre về tình hình vi phạm của ngư dân trên địa bàn, việc xử lý đến đâu? Tại sao người dân vi phạm? Lãnh đạo địa phương đã đến thăm, tìm hiểu gia đình người bị bắt chưa, người thân của họ nói thế nào?

Lãnh đạo địa phương tỏ ra lúng túng trước các câu hỏi này. "Các đồng chí quay sang hỏi người xung quanh, như thế là các đồng chí nắm chưa chắc. Vì lãnh đạo cơ sở nắm chưa chắc nên người dân mới vi phạm", Thủ tướng nhắc nhở và yêu cầu rút kinh nghiệm.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã nêu nhiều giải pháp, đề xuất theo tinh thần đề cao trách nhiệm trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, thực hiện các biện pháp khắc phục các hạn chế để trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay; đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều địa phương cam kết với Thủ tướng về mốc thời gian chấm dứt vi phạm của tàu cá trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, những vi phạm của một bộ phận ngư dân đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến môi trường mà còn tới sinh kế của hàng triệu ngư dân khai thác hải sản hợp pháp và các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các địa phương phải nhận thức rõ điều này để thực hiện nghiêm các giải pháp. Ông Khánh cũng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng về vai trò của chính quyền địa phương trong công tác này, hệ thống pháp luật đã tương đối đầy đủ, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ.

Thủ tướng cũng trực tiếp lắng nghe đề xuất, kiến nghị từ các cấp chính quyền. Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang Lê Thanh Hưởng kiến nghị Thủ tướng về nơi này để kiểm tra thực tế, chỉ đạo mạnh mẽ hơn các giải pháp. Nghe vậy, Thủ tướng cho biết các cơ quan dự cuộc họp sẽ ghi chép, tổng hợp, xử lý các kiến nghị. Thủ tướng khẳng định sẽ đi kiểm tra thực tế tại địa phương vào lúc phù hợp nếu bố trí được thời gian.

Chậm nhất cuối năm nay, phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

675 xã phường phải tuyên truyền, vận động, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật tới tận người dân

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Ngành thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng khoảng 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 8,5 đến 9 tỷ USD mỗi năm. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 đến 16 tỷ USD. Sự hiện diện và hoạt động của ngư dân trên các vùng biển đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan; góp phần phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc EC cảnh cáo thẻ vàng. Để gỡ "thẻ vàng" và không để bị "thẻ đỏ", Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; Ban Chỉ đạo, các Ban, Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua đã rất tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Phía EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 02 lần vào các năm 2017, 2019; ghi nhận những nỗ lực tích cực của phía Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được "thẻ vàng" mà còn có nguy cơ bị nâng lên "thẻ đỏ". Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài – đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Các tỉnh có tàu cá vi phạm đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng nêu rõ 10 tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm.

Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản, đến nay mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%); hơn nữa, còn tình trạng lắp đặt rồi thì lại ngắt kết nối khi đánh bắt. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm; có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao…

Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động chưa tốt. Một bộ phận người dân có lúc chưa có ý thức, trách nhiệm tốt trong thi hành các quy định liên quan đến khai thác thủy sản.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm nói trên. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phải hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm công việc, giám sát, kiểm tra. Các địa phương phải tổ chức quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác, đánh bắt thủy sản. "28 tỉnh thành phố, 136 huyện thị và đặc biệt là 675 xã phường thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, đạt được mục tiêu", Thủ tướng nghiêm khắc.

Thủ tướng nêu rõ, các địa phương, nhất là cấp cơ sở, phải làm tốt một số nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Theo đó, tuyên truyền, vận động, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật tới tận người dân để người dân biết, hiểu, người dân tin, người dân theo, người dân làm. Thực hiện nghiêm quản lý nhà nước, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng đối tượng, ai làm tốt phải khen, ai làm chưa tốt phải phê bình, kiểm điểm, ai vi phạm phải xử lý, kỷ luật. Đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện, thể chế, chính sách. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng trên địa bàn. Phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện, cơ hội để người dân tham gia phát triển hạ tầng, thực hiện các mục tiêu phát triển ở địa phương.

Chậm nhất cuối năm nay, phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp - Ảnh 4.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trên biển.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất rõ ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp. Tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam, phối hợp với nước sở tại thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tàu cá vi phạm để kịp thời trao đổi với cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, bằng chứng tàu cá vi phạm, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, khởi tố hình sự một số vụ việc vi phạm để răn đe, làm gương trên cơ sở quy định pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đề xuất hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, nâng cao tính răn đe để người dân có ý thức hơn. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai đầu tư, đẩy mạnh số hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, quản lý, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hỗ trợ ngư dân. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cấp, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy chế làm việc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên, cân đối, bố trí hợp lý nguồn vốn cho phát triển hạ tầng nghề cá, nhất là bến cảng, khu neo đậu cho ngư dân khi bão gió, thiên tai; đầu tư hạ tầng số để quản lý thật tốt; thực hiện các nhiệm vụ liên quan đề án phòng, chống khai thác IUU, gỡ "thẻ vàng"…

Bộ Giao thông vận tải quản lý, kiểm soát việc di chuyển của công dân và tàu cá theo chức năng, nhiệm vụ. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình đào tạo nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp quy định của Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành, cơ quan, địa phương vừa tuyên truyền, hướng dẫn, vừa động viên, khích lệ người dân để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm". Thủ tướng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung ưu tiên chỉ đạo các cơ quan thông tin - truyền thông Trung ương và địa phương tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật, nhất là tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh…

Những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau… đặc biệt là Kiên Giang cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục chung tay, đồng hành cùng nhân dân, Chính phủ, vận động các doanh nghiệp thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản không có nguồn gốc rõ ràng theo quy định. Phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.

Ngoài các biện pháp nêu trên, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chống khai thác IUU cả trong nước và ngoài nước để nâng cao nhận thức của người dân và khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trên trường quốc tế về cam kết ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ "thẻ vàng" của EC; nâng cao ý thức trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ.

Chậm nhất cuối năm nay, phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp - Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ trao đổi trực tiếp với nhiều đơn vị cấp huyện, xã tại những tỉnh có nhiều ngư dân vi phạm để tìm hiểu tình hình thực tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về các kiến nghị, Thủ tướng giao các bộ ngành giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng nhấn mạnh, cấp tỉnh, huyện phải lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tăng cường giám sát, kiểm tra; cấp thực thi chính vẫn là xã, phường, thị trấn trên cơ sở chức năng nhiệm vụ quyền hạn với phương châm" người dân vừa là chủ thể, là trung tâm".

Phải chăm lo cho nhân dân, tạo điều kiện, cơ hội cho nhân dân, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực thi nghiêm túc các quy định, nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, cùng cả nước phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

"Nâng cao nhận thức, thống nhất và quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện thật tốt, hướng dẫn nhân dân cùng làm để chậm nhất cuối năm nay, các hiện tượng vi phạm, tiêu cực chấm dứt, cùng EU gỡ thẻ vàng, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước ta nói chung và của ngư dân nói riêng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp, qua hệ thống kết nối trực tuyến, Thủ tướng đã kết hợp kiểm tra nhanh lãnh đạo nhiều huyện, xã, phường, thị trấn về công tác phòng chống COVID-19 theo phương châm xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) rút kinh nghiệm ngay việc có sơ hở trong quản lý người đi lại khiến mầm bệnh xâm nhập, sau đó lại không triệt để, chặt chẽ, hiệu quả trong giãn cách xã hội, sau gần 2 tháng áp dụng Chỉ thị 16 mà chưa kiểm soát được dịch.

Nhắc lại các nhiệm vụ cơ bản mà địa phương phải thực hiện theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang nỗ lực hết sức mình để có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất tiêm cho nhân dân. Trong lúc còn khan hiếm vaccine, chưa bao phủ được vaccine thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội, phải tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nhân dân chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng, tích cực tham gia. Còn chống dịch là quan trọng, cần thiết, đột phá, phải tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt. "Bỏ ra 1 đồng để phòng dịch, còn hơn khi chống dịch mất 1.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng, đây là bài học xương máu chúng ta đang tổng kết", Thủ tướng nói.

Theo Hà Văn

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên