MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm, “ôm đất” ven biển

22-07-2022 - 09:28 AM | Bất động sản

Trong tháng 7, một số tỉnh, thành thực hiện di dời khách sạn ven biển, thu hồi diện tích đất, mặt nước tại các dự án ven biển, trả lại không gian bờ biển cho người dân.

Hiện nay, nhiều dự án che chắn tầm nhìn ra biển của người dân, du khách. Thậm chí, một số nhà hàng, resort còn giăng dây, cắm cờ, thậm chí dựng chòi, cọc rào nhằm ngăn cản người dân đi vào một khu vực bãi biển và chỉ muốn phục vụ cho khách của mình. Nhiều vị trí đắc địa bên biển lại được giao cho các nhà đầu tư, không gian biển không còn dành cho cộng đồng. Thậm chí nhiều công trình, dự án lại còn sử dụng sai mục đích.

Ngay trong tháng 7 này, tỉnh Bình Định đang đẩy nhanh tiến độ di dời 3 khách sạn cao tầng nằm phía đông biển Quy Nhơn. Nha Trang cũng lần lượt thu hồi nhiều diện tích đất, mặt nước tại các dự án ven bờ biển Nha Trang, qua đó trả lại không gian bờ biển cho người dân.

Di dời các khách sạn ven biển sai quy hoạch

Từ ngày 30/6, khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang đã chính thức ngừng đón khách lưu trú để di dời, trả lại không gian biển cho cộng đồng.

Chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm, “ôm đất” ven biển - Ảnh 1.

Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang ngừng đón khách từ ngày 30/6. (Ảnh: NLĐ)

Người dân và du khách đã chờ đợi điều này từ hàng chục năm nay. Bởi từ lâu, cả một đoạn bờ biển nằm phía đông đường Trần Phú - con đường vàng du lịch tại Nha Trang, lại bị án ngữ bởi khu du lịch này.

"Em ở khách sạn gần đây, lẽ ra khi ra biển chỉ cần bước qua đường là tới, đằng này phải đi vòng khoảng 2 km, nếu có trẻ con thì càng bất tiện", chị Bùi Thị Ngọc Mai, du khách, chia sẻ.

Ba khách sạn cao tầng Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến từng là biểu tượng về lưu trú du lịch của Quy Nhơn, Bình Định trong nhiều năm.

UBND tỉnh Bình Định thỏa thuận giao diện tích đất khoảng hơn 2.800 m2 đất ở đường Hàn Mặc Tử để khách sạn Bình Dương xây dựng lại. Khách sạn Hải Âu đã có quyết định thu hồi đất, không cho thuê thêm. Còn khách sạn Hoàng Yến 30 năm nữa mới hết hạn thuê đất.

Thành phố biển ngập nặng sau mưa lớn

Đi biển thì bị mất tầm nhìn, không ngắm được cảnh đẹp. Thậm chí, nếu vào ngày mưa nhiều, người dân phải đối mặt với cảnh ngập nước.

Mới đây, các tuyến đường tại TP Vũng Tàu ngập nặng sau cơn mưa lớn, có đoạn nước đến yên xe máy. Nhiều ô tô, xe máy chạy khó khăn. Một số người phải dắt bộ vì xe chết máy. Khánh Hòa đã tính đến phương án dùng 3.200 tỷ đồng để chống ngập khu vực phía tây thành phố Nha Trang. Thành phố biển Đà Nẵng cũng ngập sau trong mưa lớn, thậm chí một số nơi đối mặt nguy cơ sạt lở. Hạ Long cũng không ít lần chìm trong nước sau trận mưa lớn.

Dành đất vàng xây dựng dải không gian xanh dọc biển

Thiếu tầm nhìn trong quy hoạch hoặc do coi nhẹ lợi ích cộng đồng nên hậu quả là bãi biển bị biến thành nơi sở hữu riêng của nhà đầu tư. Khi quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, vừa có không gian công cộng, vừa có không gian hạ tầng đô thị, giao thông... sẽ giúp địa phương khai thác hiệu quả giá trị của biển, phát triển du lịch.

Dải đất nằm phía đông đường Độc Lập từ phường 6 đến xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa trải dài hơn 5 km là công viên xanh rợp bóng cây. Bất cứ lúc nào trong ngày, người dân địa phương và du khách có thể thong thả tập thể dục, đi bộ và tận hưởng sự trong lành của biển.

"Họ dành hết không gian này cho người dân là quá ngon rồi", bà Nguyễn Thúy Thục Quyên, người dân tỉnh Phú Yên, bày tỏ.

Trong quy hoạch không gian biển với chiều dài 30 km ven biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã và sẽ ưu tiên phần lớn đất vàng nằm phía đông đường Độc Lập để xây dựng công viên biển và các công trình công cộng. Với các công trình phụ nằm bên biển của các khách sạn xây phía Tây đường Độc Lập, thiết kế phù hợp với cảnh quan và vẫn có lối đi cho người dân.

Đầu năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Nước ta, với đường bờ biển dài 3.260 km, có những bãi biển được cho là đẹp nhất hành tinh, có những làng chài mang đậm bản sắc địa phương và khác biệt.

Đã đến lúc những nhà làm quy hoạch phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mình để có thể tối ưu các nguồn lực, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững, giữ lại tối đa hệ sinh thái tự nhiên… gắn liền với giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng đáp ứng được với tình trạng biến đổi khí hậu.

Vì sao việc di dời các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đến nay mới tiến hành được? Lượng cần di dời để trả lại không gian bên bờ biển cho người dân trên cả nước có nhiều không? Với những dự án cần phải chờ thì hướng giải pháp là như thế nào?


Theo Ban thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên