Chân dung 'bà trùm thép' đất nền Bình Dương Phạm Thị Hường ôm hàng nghìn sổ đỏ tách thửa
C03 (Bộ Công an) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương ngăn chặn giao dịch đối với Công ty Cổ phần Bất động sản Phú Hồng Thịnh. Được biết, doanh nghiệp này là "hạt nhân" trong "hệ sinh thái" của nữ doanh nhân Phạm Thị Hường, "bà trùm" địa ốc tại Bình Dương.
Ngày 18-1, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương xác nhận việc Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (Bộ Công an) có công văn đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo các cơ quan liên quan cung cấp thông tin, ngăn chặn mọi giao dịch chuyển nhượng đất đai liên quan đến Công ty Cổ phần Bất động sản Phú Hồng Thịnh (Công ty Phú Hồng Thịnh) và các cá nhân.
Theo Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu, đơn vị đang xác minh vụ việc có dấu hiệu "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Trốn thuế" xảy ra tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, Ủy ban Nhân dân thành phố Thuận An, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bất động sản Phú Hồng Thịnh (nay là Công ty Cổ phần Bất động sản Phú Hồng Thịnh) và một số đơn vị có liên quan.
Để phục vụ công tác xác minh, thu hồi tài sản cho Nhà nước, Cục đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin, ngăn chặn mọi giao dịch chuyển nhượng, cập nhật thông tin đối với các quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất liên quan đến Công ty Phú Hồng Thịnh và các cá nhân liên quan đến doanh nghiệp này.
Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin, tạm dừng việc chuyển nhượng vốn góp tại các pháp nhân, các dự án bất động sản của Công ty Phú Hồng Thịnh trên địa bàn.
Bà Phạm Thị Hường (sinh năm 1966, quê Quảng Bình) được biết đến là con trong gia đình nghèo khó tại miền Trung. Vì hoàn cảnh cơ cực, thiếu thốn, cha bà Phạm Thị Hường từng phải “thắt lòng” gửi con cho một gia đình khác có điều kiện để chăm nuôi. Tuy nhiên, vì quá sợ hãi và nhớ nhà, bà đã trốn về ngủ lén cạnh xó nhà tranh.
Không ai có thể ngờ rằng, bằng ý chí và quyết tâm vô hạn, bà đã từng bước chinh phục mọi khó khăn, thử thách để đi đến thành công, vượt khó trở thành một nữ doanh nhân tiếng tăm, trong giới bất động sản và được mệnh danh là "bà trùm thép" bất động sản Hải Dương.
Công ty Phú Hồng Thịnh được thành lập từ tháng 5/2013 do bà Phạm Thị Hường đứng đầu, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản với các dự án nhà ở thương mại, đất nền tọa lạc tại các vị trí đắc địa chủ yếu trên địa bàn TP Thuận An, TP Dĩ An của tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, bà Hường cũng từng đứng tên tại Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển Đô thị Việt Nam (Đô thị Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Phong (Phú Phong), Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Chợ Phú Phong, CTCP Đầu tư bất động sản Giang Nam (Giang Nam).
Nhóm doanh nghiệp này là chủ đầu tư hơn chục dự án bất động sản tại tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, chỉ trong giai đoạn từ 1/1/2016 – 15/10/2018, riêng nhóm Phú Hồng Thịnh đã có tới 9/53 dự án nhà ở thương mại được UBND tỉnh Bình Dương cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Trong đó, riêng công ty Phú Hồng Thịnh được chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án, bao gồm: các Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh III, VI, VIII, IX, X; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Đạt; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát. Các dự án này có tổng diện tích 32,8 ha, với 2.630 căn hộ, tổng vốn đầu tư lên tới 2.108,9 tỉ đồng.
Mặc dù sở hữu số lượng dự án rất lớn nhưng điều đáng nói, cho tới cuối năm 2018, quy mô vốn chủ sở hữu của Phú Hồng Thịnh mới chỉ đạt mức 253,97 tỉ đồng. Cập nhật đến cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Phú Hồng Thịnh cũng chưa có nhiều cải thiện, chỉ đạt 257,67 tỉ đồng.
Vào năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành đã cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan 17 dự án bất động sản thuộc nhóm 4 công ty do gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ theo yêu cầu của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu.
Tổng số lượng của 17 dự án nói trên lên tới hàng ngàn nền đất. Có thể kể đến các dự án như: khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang với tổng diện tích 3,4ha (tương đương 320 nền); Phú Gia Huy 3,7ha (329 nền); Phú Hồng Lộc 2,5ha; Phú Vinh 2,6ha (247 nền), Phú Huy 1,1ha (102 nền) và hàng loạt dự án được đặt tên Phú Hồng Thịnh (đánh số lần lượt từ 1 đến 10)...
Sau khi nhận chuyển nhượng quyền thuê đất sản xuất, các công ty do gia đình bà Hường làm chủ đã xin chuyển mục đích để phân thành các nền đất ở. Với cách làm này, chỉ trong vòng 3-4 năm, các công ty của gia đình bà Hường đã "thâu tóm" và tách thửa được hàng ngàn nền đất rồi bán cho người dân.
Ngoài 17 dự án nói trên, Bộ Công an còn yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ về việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp đối với 9 khu đất khác tại TP Thuận An. Theo Tuổi trẻ, Các khu đất trên được hình thành theo công thức: bà Hường mua các khu đất nông nghiệp lớn (tổng cộng là 9 khu với tổng diện tích hơn 101.000m2) nằm ở các phường An Phú, Bình Chuẩn, Lái Thiêu của TP Thuận An.
Theo quy định của pháp luật và của UBND tỉnh Bình Dương, các khu đất muốn tách thửa sang đất ở phải có phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phù hợp quy hoạch...Thế nhưng, 9 khu đất nông nghiệp đã được "phù phép" thành 1.059 cuốn sổ đỏ với diện tích đất nhỏ rồi sau đó đã bán cho người dân.
Theo kết luận kiểm tra của UBND tỉnh Bình Dương, việc phân lô, bán nền nói trên là việc làm vi phạm pháp luật, không chỉ hình thành nên các khu dân cư tự phát, không được đầu tư hạ tầng mà còn tạo nguy cơ gây thất thu thuế cho ngân sách.Theo quy định, nếu doanh nghiệp muốn đầu tư dự án bất động sản thì phải chịu thuế thu nhập và nhiều khoản chi phí khác.
Thế nhưng với chiêu "tách thửa bằng hình thức tặng, cho các con và phân chia tài sản vợ chồng" thì toàn bộ 1.059 nền đất của gia đình bà Hường đã được miễn thuế thu nhập và không phải nộp phí trước bạ.
Trước những sai phạm liên tiếp và lặp đi lặp lại, UBND tỉnh Bình Dương chuyển vụ việc qua Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương làm rõ và có kiến nghị xử lý phù hợp.