Chân dung tân Đại sứ Vương Quốc Anh - người viết facebook bằng tiếng Việt
Học tiếng Việt mỗi ngày 3 tiếng và viết status trên facebook bằng tiếng Việt, từng đạp xe 200km từ Hà Nội đến Hòa Bình để “phiêu lưu”, dễ hòa nhập với lối sống của người Việt Nam… và muốn nhiệm kỳ của mình thật đáng nhớ là những điểm thú vị của Gareth Ward.
- 16-08-2018Hậu Brexit, Việt Nam sẽ là một điểm sáng đối với các doanh nghiệp Anh
- 05-07-2016"Ở châu Á Việt Nam ít bị ảnh hưởng nhất từ Brexit"
- 05-07-2016Sau quả bom Brexit, Việt Nam sẽ tăng trưởng bao nhiêu?
- 28-06-2016Đại sứ EU cam kết kêu gọi thêm nhà đầu tư vào Việt Nam sau Brexit
Một buổi tối mùa thu Hà Nội, cổng nhà riêng Đại sứ Vương quốc Anh ở quận Hoàn Kiếm sáng đèn. Khoảng 30 người từ các cơ quan truyền thông đang có các cuộc trao đổi ngắn tại tiền sảnh. Phía bên trong, máy quay đã sẵn sàng.
Tân Đại sứ Anh Quốc bắt tay với từng người. Ông mặc bộ suit màu xanh, giống với buổi trình Quốc thư của Nữ hoàng Elizabeth II tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Sự sẵn sàng trước các câu hỏi là điều được phóng viên nhận thấy dù cuộc gặp gỡ chưa chính thức bắt đầu.
Sau khi ổn định vị trí, ông Gareth Ward giới thiệu về mình và nhiệm vụ được Chính phủ Anh giao phó. Tân Đại sứ phát biểu bằng tiếng Việt và không quên nhắc mọi người “kết bạn” (addfriend) và “thích” (like) những bài đăng trên trang cá nhân của ông.
“Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là 20 năm trước với tư cách là một khách du lịch. Nhiều điều đã thay đổi, nhưng hồ Hoàn Kiếm vẫn là một địa điểm lịch sử và xinh đẹp để bắt đầu khám phá Hà Nội và Việt Nam”, vị tân đại sứ chia sẻ trên một đoạn clip được đăng trên facebook.
Lần đầu đến Việt Nam, Gareth Ward là một thanh niên xứ Wales 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế London. Lúc đó, Việt Nam mới mở cửa, đã gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ tài chính với các tổ chức tài chính quốc tế, nhưng thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Sau hai thập kỷ, mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt ngưỡng trung bình. Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Anh, trong khi Anh Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU.
“Khi biết tin được nhận nhiệm vụ đại sứ tại Việt Nam, tôi đã nghĩ mình có công việc tốt nhất trên thế giới. Việt Nam có tốc độ chuyển mình mạnh mẽ. Đây là nơi mà khi một dự án được triển khai, có thể thấy kết quả ngay sau 1-2 năm, trong khi ở nhiều khu vực khác trên thế giới cần tới cả thập kỷ để thấy được các thành tựu” – Đại sứ Gareth Ward nói.
Tuy nhiên, thách thức đối với tân Đại sứ là không nhỏ. Ít ngày trước, Vương Quốc Anh và Liên minh châu Âu đã nộp đơn chia tách lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là bước tiếp theo trong tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) của Anh Quốc (gọi tắt là Brexit).
Hiện tại, EU vẫn là đại diện cho Anh tại WTO và quyền lợi thành viên của Anh không được xem xét riêng biệt. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Vương Quốc Anh (năm 2016) đặt ra một dấu hỏi lớn về tự do hóa thương mại giữa Anh Quốc với các nước.
Trong khi đó, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EV-FTA) được dự kiến trình lên Hội đồng châu Âu để phê duyệt vào cuối năm 2018. Khi Anh rời EU, doanh nghiệp có hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Anh Quốc có thể sẽ không được hưởng những thành quả sau hơn 5 năm đàm phán EV-FTA.
Anh Quốc và Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2010. Cam kết thúc đẩy tự do thương mại với Việt Nam là điều đã được phía Anh nhấn mạnh. Và, tân Đại sứ Anh Quốc muốn tái khẳng định quan điểm ấy với truyền thông Việt Nam cũng như quốc tế.
“Tôi không nghĩ quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ giảm xuống sau Brexit. Chúng ta có những lợi ích thương mại. Chúng ta cũng đang hợp tác rất tích cực và tôi đến đây để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ ấy” – ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh nói.
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2018, cuộc Đối thoại chiến lược Việt Nam – Anh lần thứ 6 đã được tổ chức tại Hà Nội. Điều được hai bên tiếp tục nhất trí là thúc đẩy thương mại tự do và tránh bất kỳ gián đoạn nào trong sự phát triển của quan hệ song phương, sau Brexit.
Đầu tháng 8, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Quốc cho biết, nước này đang tìm cách đảm bảo tính liên tục cho các giao dịch thương mại hiện có và xem xét việc tìm cách gia nhập CPTPP để hỗ trợ thương mại tự do.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi cho đến khi chính thức rời EU, Anh Quốc muốn tiến hành cùng lúc hai việc: Một là, tiếp tục hỗ trợ các cuộc đàm phán thương mại tự do của EU với Việt Nam; Hai là, xem xét các lựa chọn cho các hiệp định thương mại song phương mới.
Chia sẻ với báo chí, tân Đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam đã nhắc đến một một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Anh Quốc trong giai đoạn chuyển tiếp sắp tới. “Khi Anh Quốc rời khỏi EU, chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận với Việt Nam về hiệp định thương mại tự do chuyển tiếp, tiến đến một hiệp định chính thức giữa Anh và Việt Nam” – ông Gareth Ward cho biết.
Có một bất ngờ thú vị trong buổi họp đầu tiên giữa tân Đại sứ Anh Quốc với Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao Việt Nam) là cựu sinh nhận học bổng Chevening từ Chính phủ Anh. Không những thế, ông và tân Đại sứ còn là “đồng môn” tại Đại học Cambridge. Đây là nơi ông Gareth Ward tốt nghiệp ngành Khoa học xã hội, sau khi hoàn thành khóa học tại Đại học Kinh tế London.
Thực tế, giáo dục là một nội dung hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh. Từ năm 1993, học bổng Chevening đã được giới thiệu tại Việt Nam. Học bổng toàn phần của chính phủ Anh dành cho các khóa học thạc sĩ một năm tại Anh. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã thuộc nhóm 10 nước có số lượng thành viên Chevening đông đảo nhất, với khoảng 300 cựu sinh.
Đầu năm 2018, một khuôn viên đại học đạt chuẩn Anh Quốc đã được khánh thành tại Việt Nam. Đây là kết quả sau 3 năm triển khai dự án xây dựng cơ sở mới của Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (British University Vietnam - BUV). BUV cũng được công nhận là trung tâm đào tạo chương trình quốc tế của Đại học London tại Việt Nam, một trong 75 trường đại học trên toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, Đại sứ Anh Quốc cũng đang có những trải nghiệm về nền giáo dục Việt Nam. Để nói được tiếng Việt, trong 1 năm qua, ông Gareth Ward đã dành ra 3 tiếng học tập mỗi ngày. Một khóa học nữa tại Việt Nam được đăng ký để việc học tập không bị gián đoạn. Tháng 6/2018, người thanh niên mới tốt nghiệp đại học năm nào trở lại Hà Nội. Lần này, ông ấy là một học viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Kể từ khi sang Việt Nam, facebook của vị Đại sứ Vương quốc Anh là các status với tiếng Việt.
Song song với việc dạy ngôn ngữ, các giáo viên Việt Nam còn giải thích thêm nhiều điều về văn hóa, lịch sử. Ngày thứ bảy đầu tiên trong nhiệm kỳ Đại sứ, gia đình ông Gareth Ward đã tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là ngôi trường đại học gần 1.000 năm tuổi, nơi có những bia đá khắc tên các Tiến sĩ qua nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Sau khi tham quan, Đại sứ và hai bạn nhỏ đã chụp hình trước Khuê Văn Các.
“Tôi không sờ đầu rùa nhưng vẫn mong có một chút may mắn cho bài kiểm tra tiếng Việt của tôi!” – Đại sứ Gareth Ward kể.
Bên cạnh giáo dục và các thỏa thuận kinh tế hậu Brexit, dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước cũng là điều được ông Gareth Ward chủ động nhắc đến. Năm 2018, Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 8 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Trước khi trở thành Đại sứ tại Việt Nam, ông Gareth Ward đã gắn bó với Bộ Ngoại giao Anh hơn 20 năm, từng nhiều năm làm việc tại Nga và Trung Quốc. Nếu như tại Nga ông Gareth Ward tìm được người bạn đời, thì thời gian làm việc tại Trung Quốc lại cho ông nhiều kinh nghiệm để đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao trong gần 5 năm. Đó là lý do ông Gareth Ward muốn thời gian công tác tại Việt Nam phải trở nên thật đáng nhớ. Một chương trình kỷ niệm đặc biệt là điều được bật bí.
“Vào tháng 10, chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Chúng tôi đã mời Dàn nhạc giao hưởng London trở lại Việt Nam và trình diễn trong buổi lễ hội ở khuôn viên nơi đặt tượng đài Lý Thái Tổ. Công sứ Anh - Đại diện của Thủ tướng về thương mại cũng sẽ tới thăm TP.HCM và tham dự các sự kiện kỷ niệm” – Đại sứ Anh chia sẻ.
Ông Gareth Ward nói về chương trình kỷ niệm với giọng nhẹ nhàng, dễ gây thiện cảm, giống với khúc nhạc mở đầu tác phẩm của Benjamin Britten (nhà soạn nhạc người Anh). Trong khuôn viên Nhà riêng Đại sứ còn có một bốt điện thoại đỏ. Văn hóa Anh Quốc vẫn ở đây, giữa trung tâm Hà Nội. Nhiều người Việt Nam cũng sẽ được trải nghiệm văn hóa ấy trong chuỗi sự kiện.
Khi được hỏi về những ấn tượng văn hóa, ông Gareth Ward đã nhắc đến các lễ hội và những hoạt động thường ngày của người Việt. Hướng mắt ra phía đường lớn, ông nói: “Tôi thấy mình rất dễ dàng hòa nhập với lối sống của người Việt Nam. Dường như không có sự khác biệt nào giữa chúng ta”.
Đi dọc đất nước và khám khá các tỉnh thành Việt Nam là dự định của Đại sứ Anh. Hồi tháng 6, ông đã đạp xe trên 200km để đến Hòa Bình. Với ông Gareth Ward, đó không chỉ là hoạt động thể thao, mà là một cuộc phiêu lưu thú vị và học hỏi được nhiều điều.
Trên giá sách ở Nhà riêng Đại sứ, một chiếc đĩa sứ vẽ hình Khuê Văn Các được đặt cao và ngay ngắn.