MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

07-10-2024 - 07:05 AM | Doanh nghiệp

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

"Ông vua không ngai" của thị trường tài sản thay thế, nắm trong tay tiền tấn đầu tư vào mọi lĩnh vực, từ khách sạn, năng lượng đến công nghệ. Đâu là bí quyết thành công của gã khổng lồ này?

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 tại New York vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi tiếp xúc với chủ tịch tập đoàn đầu tư hàng đầu thế giới Blackstone – ông Stephen Schwarzmann.

Việt Nam mong muốn mở ra những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng giữa hai bên, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh và phát triển bền vững.

Ở hướng ngược lại, người sáng lập Blackstone bày tỏ khả năng mở rộng đầu tư vào Việt Nam - một thị trường năng động với những chiến lược phát triển rõ ràng, đặc biệt trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 1.

Trong bức tranh đa sắc của thị trường tài chính toàn cầu, có những tập đoàn âm thầm vận hành nhưng tạo ra những thay đổi to lớn và ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Blackstone chính là một trong số đó.

Với hơn 1.000 tỷ đô la Mỹ tài sản đang được quản lý (AUM), Blackstone là "gã khổng lồ" thực sự trong lĩnh vực tài sản thay thế (alternative asset), với khả năng dẫn dắt sự phát triển của thị trường.

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 2.

Tài sản thay thế, nói một cách đơn giản là những loại hình đầu tư không thuộc các loại tài sản truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu. Thay vào đó, chúng bao gồm vốn cổ phần tư nhân (private equity), bất động sản, tín dụng tư nhân, cơ sở hạ tầng, hàng hóa và quỹ phòng hộ.

So với cổ phiếu và trái phiếu, tài sản thay thế thường kém thanh khoản hơn nhưng lại mang đến tiềm năng lợi nhuận cao hơn và khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả, giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động.

Blackstone đã và đang xây dựng một danh mục đầu tư vô cùng đa dạng. Họ không chỉ đầu tư vào các tòa nhà chọc trời, khách sạn sang trọng, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà còn tham gia vào những dự án năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng quy mô lớn và các công ty công nghệ.

Với 12.400 bất động sản và hơn 230 công ty, danh mục đầu tư của Blackstone trải dài trên khắp các châu lục, từ những thành phố sầm uất của Mỹ, châu Âu đến các thị trường mới nổi đầy tiềm năng ở châu Á.

Năm 2007, quỹ chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán New York và thu về 4,13 tỷ USD, xác lập mức định giá lên tới 33,48 tỷ USD cho Blackstone tại thời điểm này.

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 3.

Trong bốn thập kỷ hình thành phát triển, Blackstone đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư mang tính bước ngoặt.

Có thể kể đến thương vụ mua lại chuỗi khách sạn Hilton Hotels với định giá 26 tỷ đô la vào năm 2007, đánh dấu bước tiến quan trọng của Blackstone vào ngành khách sạn toàn cầu và thành công khi thu được mức lợi nhuận là 14 tỷ USD vào 11 năm sau đó.

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 4.

Thương vụ thành công nổi tiếng của Blackstone là với chuỗi khách sạn Hilton

Gần đây hơn, vào năm 2018, Blackstone đã mua lại Refinitiv, nhà cung cấp dữ liệu tài chính hàng đầu thế giới, định giá 20 tỷ đô la. Thương vụ này không chỉ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Blackstone mà còn củng cố vị thế của họ trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Vậy đâu là bí quyết tạo nên thành công của tập đoàn “khủng long” này?

Đầu tiên phải kể đến chiến lược "mua và xây dựng", tập trung vào việc tạo ra giá trị gia tăng thông qua việc cải thiện hoạt động, nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa tài sản.

Sau khi mua lại chuỗi khách sạn Hilton, Blackstone đã đầu tư mạnh vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện dịch vụ và mở rộng mạng lưới, giúp tăng đáng kể giá trị của chuỗi khách sạn này.

Thứ hai, Blackstone sở hữu một đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và am hiểu thị trường, dẫn dắt bởi nhà sáng lập tài ba Stephen A. Schwarzman và cộng sự Jonathan Gray.

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 5.

Ông Stephen Schwarzmann (trái) và Jonathan Gray (phải)

Schwarzman, với tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo xuất chúng, đã đưa Blackstone từ một công ty khởi nghiệp nhỏ bé với 400 nghìn đô la trở thành một đế chế tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, Gray, sở hữu tư duy và khả năng phân tích thị trường sắc sảo, đã dẫn dắt Blackstone thực hiện những thương vụ đầu tư thành công vang dội. Cả hai sở hữu lần lượt 38,8 tỉ đô la Mỹ và 7,4 tỉ đô la Mỹ tài sản ròng, theo tính toán của tạp chí Forbes hồi đầu năm 2024.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến mạng lưới quan hệ rộng khắp của Blackstone với các chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư trên toàn thế giới. Điều này giúp họ tiếp cận với những cơ hội đầu tư hấp dẫn, thực hiện các thương vụ một cách thuận lợi và tạo dựng niềm tin với các đối tác.

Với việc tổng tài sản quản lý liên tục phát triển, trong giai đoạn năm 2019 tới hết năm 2023, doanh thu của Blackstone tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu tới từ phí quản lý tài sản. Luỹ kế đến hết quý 2/2024, doanh thu của quỹ đạt 6,4 tỷ USD, trong đó tổng thu nhập đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ, gấp gần 8 lần cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của Blackstone cũng đạt 2,5 tỷ USD, gần gấp đôi so với luỹ kế 6 tháng năm 2023. Điều này cho thấy sự ổn định và hiệu quả của quỹ vẫn được duy trì qua năm tháng, tạo tiền đề để họ có thể tiếp tục đầu tư sang những lĩnh vực mới và mạo hiểm hơn.

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 6.

Thị trường tài sản thay thế đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến sẽ đạt quy mô khổng lồ trong những năm tới. Xu hướng này được thúc đẩy bởi nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận cao hơn và sự gia tăng của các nhà đầu tư tổ chức. Blackstone được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước không phải là không có thử thách. Blackstone cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các công ty quản lý tài sản khác, biến động thị trường và các quy định mới.

Để duy trì vị thế dẫn đầu, Blackstone đang tập trung vào việc mở rộng sang các thị trường mới; phát triển các sản phẩm đầu tư mới, như quỹ vĩnh viễn (perpetuals); và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy.

Mới nhất, quỹ này đã đầu tư khoảng 10 tỷ bảng Anh (hơn 13 tỷ USD) vào một trung tâm dữ liệu về AI tại Anh, cho thấy Blackstone đang rất quan tâm đến việc đầu tư lĩnh vực công nghệ trong thời gian tới. Song song với công nghệ, quỹ cũng quan tâm tới các dự án năng lượng tái tạo, thông qua các khoản đầu tư vào Enstall (năng lượng mặt trời), Geosyntec (địa kỹ thuật, nước), Legence…

Đáng chú ý, Blackstone đang triển khai một chiến lược đầu tư đầy tham vọng tại châu Á, với trọng tâm chuyển dịch rõ rệt.

Mặc dù vẫn duy trì sự hiện diện ở các thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Blackstone đang hướng sự tập trung mạnh mẽ hơn vào Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội tại Đông Nam Á. Chiến lược này được thúc đẩy bởi mục tiêu đa dạng hóa danh mục đầu tư, tận dụng tiềm năng tăng trưởng kinh tế của khu vực và thích ứng với bối cảnh địa chính trị biến động.

Theo Reuters, Blackstone đang huy động quỹ cổ phần tư nhân (PE) thứ ba tập trung vào châu Á, với quy mô dự kiến lên tới 10 tỷ USD, nhằm rót vốn vào các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng và dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, việc tăng cường nhân sự tại Singapore cho thấy Blackstone quyết tâm biến quốc đảo sư tử thành bàn đạp để mở rộng hoạt động sang các thị trường Đông Nam Á khác, bao gồm cả Việt Nam.

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 7.

Năm 2023, Blackstone Minerals – công ty con của quỹ này tại Úc đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào mảng đất hiếm tại Việt Nam, thông qua thỏa thuận hợp tác với Công ty đất hiếm Việt Nam (VTRE). Trước đó, doanh nghiệp này cũng đầu tư 12 triệu USD cho hai dự án về nickel tại tỉnh Sơn La.

Sự quan tâm của Blackstone đối với Việt Nam được thể hiện rõ nét qua cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và ông Stephen Schwarzman mới đây.

Với những cam kết hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng và phát triển trung tâm dữ liệu AI, Blackstone cho thấy tầm nhìn dài hạn và mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam- Ảnh 8.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Stephen Schwarzmann - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành và nhà sáng lập Quỹ đầu tư Blackstone - Ảnh: TTXVN

Theo một số chuyên gia, nếu Blackstone đầu tư vào Việt Nam, đây sẽ là dấu ấn chưa từng có cho nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thu hút đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam, đồng thời mở ra khả năng có những thương vụ "khủng" cho giới doanh nghiệp nội.

Bởi lẽ "cá mập" này có quy mô lớn hơn 2 quỹ rất lớn đã đầu tư vào Việt Nam là KKR (AUM 600 tỷ USD) và Warburg Pincus (AUM khoảng 90 tỷ USD). Và theo thống kê sơ bộ, Blackstone chưa đầu tư thương vụ nào dưới 500 triệu USD.

Dự đoán, nếu quyết định rót vốn vào Việt Nam, Blackstone có thể đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, doanh nghiệp công nghệ, bán dẫn, khởi nghiệp sáng tạo triển vọng lớn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại Việt Nam.

Sự hợp tác tiềm năng giữa 2 bên hứa hẹn tạo ra những tác động tích cực, thúc đẩy dòng vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực trong tương lai.


Tiến Đạt

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên