MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung cha đẻ của mì ăn liền: Vào tù vì trốn thuế, bán sản phẩm giá "trên trời" nhưng vẫn là tượng đài của ẩm thực toàn cầu

31-08-2021 - 20:30 PM | Tài chính quốc tế

Chân dung cha đẻ của mì ăn liền: Vào tù vì trốn thuế, bán sản phẩm giá "trên trời" nhưng vẫn là tượng đài của ẩm thực toàn cầu

Qua đời ở tuổi 96 vào tháng 1/2007, di sản của người đàn ông này vẫn trường tồn do sự phổ biến rộng rãi của mì ăn liền - phát minh quan trọng hàng đầu của ẩm thực thế giới hơn nửa thế kỷ qua.

Sự trái ngược trong mục đích và giá bán của mì ăn liền

Cha đẻ mì ăn liền, ông Momofuku Ando, sinh ra tại đảo Đài Loan năm 1910. Tên khai sinh của ông là Wu Baifu. Tuy nhiên, gia đình ông là một gia đình mang dòng máu Nhật Bản và giàu có. Cha mẹ mất sớm, Baifu được ông bà nuôi dưỡng. Họ sở hữu một cửa hàng dệt may nhỏ, nơi truyền cho ông cảm hứng để thành lập công ty riêng của mình.

Sau thế chiến thứ 2, ông chuyển tới sống tại Nhật Bản và lấy tên mới là Momofuku Ando. Ở đất nước mặt trời mọc, ông đã làm nhiều công việc để mưu sinh, như may mặc, làm muối…. Tuy nhiên, trong lúc đó, ông vẫn mày mò tìm ra các công thức nấu nướng.

Chân dung cha đẻ của mì ăn liền: Vào tù vì trốn thuế, bán sản phẩm giá trên trời nhưng vẫn là tượng đài của ẩm thực toàn cầu - Ảnh 1.

Dẫu vậy, phải tới ngoài 40 tuổi, Ando mới tìm thấy thành tựu cho cuộc đời mình khi nảy sinh ý tưởng về một loại mì ăn liền. Trong tiểu sử của mình, Ando cho biết ý tưởng tạo ra loại thực phẩm mới này xuất phát khi ông nhìn thấy một nhóm người tụ tập quanh một quầy bán mì ở Osaka thời hậu chiến. Với tình trạng thiếu lương thực tràn lan, Ando tin mì ăn liền sẽ cứu thế giới khỏi nạn đói.

Dẫu vậy, phải tới năm 1958, mì ăn liền mới được ra đời. Lúc đầy, nó là một loại thực phẩm tiện lợi sang trọng bởi móm "Chikin Ramen" đầu tiên được bán ở Nhật với giá thành cao hơn nhiều lần so với mì thông thường. Với giá trên trời này, rõ ràng nó không giải quyết được vấn đề nạn đói như nhà phát minh của nó kể lại trong tiểu sử.

Những mâu thuẫn trong cuộc đời

Ando xuất thân là một doanh nhân. Tuy nhiên, có nhiều thông tin khác nhau về cuộc đời người đàn ông này. Trong tiểu sử của công ty, ông là một huyền thoại nhưng thực tế, vào năm 1948, người đàn ông này bị ngồi tù vì tội trốn thuế. Tuy nhiên, Ando biện hộ rằng ông ta chỉ đang cung cấp học bổng cho các sinh viên.

Sau khi công ty phá sản, Ando lập Nissin tại Ikeda, Osaka, Nhật Bản. Đây là công ty nhỏ do gia đình tự quản lý và hoạt động xung quanh việc sản xuất muối.

Tuy nhiên, bất kể câu chuyện về người phát minh ra mì ăn liền như thế nào, không thể phủ nhận vai trò của nó với cuộc sống. Việc một người tay ngang 48 tuổi phát minh ra món mì chiên khô, có thể nhanh chóng nấu chín bằng nước sôi, là điều không thể phủ nhận. Món mì này còn có lợi thế là bảo quản được rất lâu.

Chân dung cha đẻ của mì ăn liền: Vào tù vì trốn thuế, bán sản phẩm giá trên trời nhưng vẫn là tượng đài của ẩm thực toàn cầu - Ảnh 2.

Ando nối tiếp thành tựu của mình với phát minh mì cốc vào năm 1971. Ông lấy cảm hứng từ việc khách hàng sử dụng cốc cà phê để pha mì nên đã cho ra đời loại mì tôm đựng sẵn trong cốc. Thành công vang dội của Ando cũng khiến ngành công nghiệp mì ăn liền trở nên cạnh tranh với những phát minh mới cho một sản phẩm tiện dụng như ngày nay, nhất là sau khi chúng được giảm giá để trở thành một món đồ ăn phổ thông.

Ngoài thành tựu này, Ando còn tạo ra cơm ăn sẵn từ tháng 7/1974. Phát minh này được cơ quan quản lý thực phẩm Nhật Bản gợi ý. Nó nhanh chóng nhận mưa lời khen với các sản phẩm thử nghiệm. Truyền thông thì gọi đó là một sản phẩm diệu kỳ. Tuy nhiên, điểm yếu chết người là sản phẩm này có giá quá cao.

Gạo cốc đắt hơn cả mì cốc chứ chưa nói tới giá gạo và lúa mì. Nó quá đắt khiến người ta không còn hứng thú nữa. Điều này khiến Ando phải ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, lúc đó, ông ấy đã chi 3 tỷ yên để xây dựng nhà máy sản xuất. Số tiền này nhiều gấp 2 lần vốn công ty và tương đương doanh thu bán hàng 1 năm. Đó là thất bại lớn nhất trong đời ông.

Thành tựu cuộc đời

Vào năm Ando qua đời, doanh nghiệp mì của ông có lợi nhuận đạt 300 triệu USD. Những năm 2000, đại đa số người Nhật Bản tin rằng mì ăn liền là phát minh vĩ đại nhất của quốc gia này. Phải nhớ rằng, thời điểm đó là giai đoạn hưng thịnh của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản với hàng loạt những cái tên đang thống lĩnh thị trường khu vực và toàn cầu với những sản phẩm trở thành niềm mơ ước của cả thế giới.

Ando cũng là thành viên quan trọng trong ngành công nghiệp mỳ ăn liền. Năm 1964, ông thành lập Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm ăn liền, nơi đưa ra những hướng dẫn để đảm bảo cạnh tranh công bằng và chất lượng sản phẩm đầu ra của ngành công nghiệp này. Họ đã đưa ra những ý tưởng mà ngày nay trở thành tiêu chuẩn của ngành như ghi ngày sản xuất trên bao bì. Ando cũng là Chủ tịch của Hiệp hội các nhà sản xuất mì Ramen toàn cầu.

Chân dung cha đẻ của mì ăn liền: Vào tù vì trốn thuế, bán sản phẩm giá trên trời nhưng vẫn là tượng đài của ẩm thực toàn cầu - Ảnh 3.

Ông Ando qua đời vì suy tim ngày 5/1/2007 tại một bệnh viện ở Ikeda, tỉnh Osaka ở tuổi 96. Ông từng tuyên bố bí quyết sống lâu của mình là chơi Golf và ăn mì ramen gà hầu như mỗi ngày. Người ta cho rằng, ông vẫn luôn ăn món ăn này cho tới ngày qua đời.

Trong suốt cuộc đời mình, tên tuổi của Ando luôn được ghi nhận ở Nhật Bản và trên thế giới. Ông nhiều lần được Hoàng gia và Chính phủ Nhật Bản trao tặng những huân chương cao quý. Thế giới cũng ghi nhận công lao của người đàn ông này. Năm 2015, Google đã thay hình nền bằng bức tranh phác họa chân dung Ando nhân kỷ niệm ngày sinh của ông.

Hiện tại, mì ăn liền vẫn là món ăn phổ biến bậc nhất thế giới. Ở châu Á, loại mì chiên giống như phát minh của Ando vẫn đang được ưa chuộng. Trong khi đó, ở châu Âu, người ta thích các loại mì ăn liền được sấy khô bằng không khí.

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên