MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Chủ tịch Phạm Hoành Sơn: Khởi nghiệp bằng chiếc máy xát gạo tới gây dựng 'hệ sinh thái' đa ngành

15-12-2023 - 16:31 PM | Bất động sản

Chân dung Chủ tịch Phạm Hoành Sơn: Khởi nghiệp bằng chiếc máy xát gạo tới gây dựng 'hệ sinh thái' đa ngành

Khởi nghiệp từ chiếc máy xát gạo, sau hơn 20 năm Chủ tịch Phạm Hoành Sơn đã gây dựng Tập đoàn Hoành Sơn với "hệ sinh thái" đa ngành từ vận tải, cảng biển, xây dựng, bất động sản tới năng lượng tái tạo,...

Ông Phạm Hoành Sơn (SN 1972) quê ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai cả trong một gia đình có 4 anh chị em. Sau khi học xong cấp 3, ông Sơn không chọn thi đại học mà bắt đầu tập tành lập nghiệp.

Trong một lần chia sẻ với truyền thông, ông Sơn tiết lộ mẹ ông là giáo viên nhưng bỏ nghề giáo để buôn bán. Những năm 90, gia đình ông khởi đầu kinh doanh bằng việc mua một cái máy xay xát và mua bán trao đổi gạo cho người dân trong xã. Biệt danh “Sơn xay xát” cũng ra đời từ đó và nhiều năm liền gia đình ông trở thành “trùm” xay xát của vùng quê này.

Sau đó, gia đình ông chuyển sang làm đại lý cho một số hãng phân bón nhằm cung ứng cho người dân trong vùng và các địa phương lân cận.

Chân dung Chủ tịch Phạm Hoành Sơn: Khởi nghiệp bằng chiếc máy xát gạo tới gây dựng 'hệ sinh thái' đa ngành - Ảnh 1.

Chủ tịch Phạm Hoành Sơn.

Năm 1995, ông Sơn bắt đầu mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực xi măng, sắt thép. Đến năm 2001, ông chính thức làm chủ doanh nghiệp với việc thành lập công ty TNHH Hoành Sơn chuyên cung ứng xi măng, phân bón và thu mua nông sản.

Năm 2011, doanh nghiệp chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn hoạt động đa lĩnh vực như: vận tải, quản lý đội tàu biển, cho thuê tàu và các dịch vụ vận tải biển, xây dựng, tái tạo năng lượng…

Trong lĩnh vực cốt lõi, Hoành Sơn tập trung đầu tư phát triển đội xe tải. Hiện nay, Hoành Sơn đang sở hữu gần 1.000 xe đầu kéo, 3 tàu vận tải biển với trọng tải 80.000 tấn/chiếc, 3 sà lan vận chuyển hàng hóa. Đáng chú ý, công ty còn mở rộng sang Lào để vận chuyển thạch cao, quặng sắt về nước và bán dầu, than cho nước bạn.

Sau đó, tập đoàn từng bước thâu tóm nhiều cảng biển miền Trung. Năm 2016, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn – công ty con của Tập đoàn Hoành chi 460 tỷ đồng để sở hữu dự án cảng Phước An thông qua việc mua cổ phần của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP). Đây là một dự án đầy tham vọng của PVN (Tập đoàn dầu khí Việt Nam) tại Thị Vải – Cái Mép (Đồng Nai) với tổng mức đầu tư lên tới 19.000 tỷ đồng, tổng diện tích 183ha. Tuy nhiên, hiện nay Tập đoàn Hoành Sơn đã thoái vốn khỏi PAP.

Sau đó, ông Sơn cùng PAP thành lập CTCP BOT đường vào Cảng Phước An vào tháng 9/2017 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ tháng 9/2020.

Chưa dừng lại, Chủ tịch Phạm Hoành Sơn tiếp tục gây tiếng vang khi tập đoàn của ông trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Cao su Sao Vàng (MCK: SRC). Hồi tháng 6/20216, hai bên góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn nhằm xây dựng dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn trên khu đất 6,2 ha tại “đất vàng” số 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Đến tháng 12/2019, ông Phạm Hoành Sơn tiếp tục gây chú ý khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cao su Sao vàng nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong diễn biến mới đây, từ ngày 29/11- 1/12/2023, Tập đoàn Hoành Sơn đã mua thỏa thuận hơn 7,2 triệu cổ phiếu SRC từ ông Nguyễn Tiến Ngọc, ông Nguyễn Huy Hùng, bà Trần Thị Thúy Hằng, bà Nguyễn Thị Hồng, ông Hồ Viết Hùng và ông Nguyễn Tiến Dũng. Sau giao dịch, Tập đoàn Hoành Sơn nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,54% lên 50,22% qua đó trở thành cổ đông lớn nhất tại Cao su Sao Vàng, vượt mặt Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem (tỷ lệ 36%).

Trong lĩnh vực xây dựng, Hoành Sơn góp mặt tại hàng loạt dự án khủng như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng) từng vướng lùm xùm đội kinh phí đến lựa chọn chủ đầu tư không đúng quy định, Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỷ đồng); dự án khu công nghiệp Cổng Khánh 2 (350 tỷ đồng), Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng); hệ thống kênh xả lũ Khu kinh tế Vũng Áng (gần 300 tỷ đồng); dự án Trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)....

Đến nay doanh nhân Phạm Hoành Sơn vẫn đảm nhận vị trí Chủ tịch và đại diện pháp luật tại hàng loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái. Có thể kể ra như CTCP Đầu tư và Phát triển Công thương Hoành Sơn thành lập tháng 3/2009; CTCP Đầu tư và Phát triển Hoành Sơn thành lập tháng 3/2018; CTCP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng thành lập tháng 4/2011; CTCP Dịch vụ Cảng Vũng Áng thành lập tháng 11/2014; Công ty cổ phần Cảng Hoành Sơn thành lập tháng 6/20215. CTCP Vận tải biển Hoành Sơn thành lập tháng 9/2019.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoành Sơn còn thành lập hai công ty kinh doanh bất động sản là Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Bất động sản Miền Bắc 68 và Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Bất động sản Miền Bắc cùng có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và cùng thành lập tháng 2/2019. Cả hai doanh nghiệp này đều do vị đại gia người Hà Tĩnh đứng tên đại diện pháp luật.

Về việc đầu tư các dự án bất động sản, ông Phạm Hoành Sơn từng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội thành lập vào tháng 5/2014. Đây là đơn vị sở hữu 90% dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Chân dung Chủ tịch Phạm Hoành Sơn: Khởi nghiệp bằng chiếc máy xát gạo tới gây dựng 'hệ sinh thái' đa ngành - Ảnh 2.

Dự án Summit Building sau nhiều lần đổi chủ

Tuy nhiên, đến ngày 22/12/2016, Tập đoàn Hoành Sơn đã chuyển nhượng Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội cho Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Sông Hồng. Đồng thời, ông Sơn để lại vị trí người đại diện pháp luật cho ông Trịnh Hữu Hưng.

Cần nói thêm, không ít dự án do Tập đoàn Hoành Sơn đảm nhận gặp vấn đề về chậm tiến độ. Điển hình là dự án Trung tâm thương mại Trần Phú tại TP.Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 30/9/2017. Sau khi khởi công muộn tới 2 năm, đến nay, dự án này vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện được phần thô.

Cùng chung cảnh ngộ là dự án Trung tâm thương mại khách sạn và dịch vụ tổng hợp tại phường Hưng Dũng, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Mặc dù được cấp giấy phép xây dựng từ tháng 7/2019 nhưng đến nay, dự án này cũng chưa được hoàn thành.

Bên cạnh đó, một số khu “đất vàng” khác mà Hoành Sơn xin thuê lại tại Hà Tĩnh đều vướng lùm xùm. Cụ thể, khu đất trung tâm ngã tư thị xã Hồng Lĩnh được cho là có dấu hiệu sử dụng không đúng mục đích và đã cho doanh nghiệp khác thuê lại. Hiện tại, trên khu đất này là trụ sở Phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Còn khu đất tại phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, vốn được biết đến là nơi toạ lạc Dự án Văn phòng làm việc 5 tầng của Hoành Sơn vẫn là căn nhà 2 tầng được cải tạo lại.

Hoành Sơn cũng lấn sân sang mảng năng lượng tái tạo với dự án Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, ông Sơn là người đứng tên đại diện tại Công ty CP Điện mặt trời Hà Tĩnh.

Trong hệ sinh thái của mình, ông Hoành Sơn cũng là Chủ tịch đứng tên nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ uống có cồn gồm: CTCP Rượu bia Hoành Sơn thành lập tháng 11/2017, CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn thành lập tháng 6/2019 nhưng không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; CTCP Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh thành lập tháng 5/2019; CTCP Tập đoàn Bia rượu và nước giải khát Sao Vàng thành lập tháng 3/2023.

Gần đây, vị đại gia 51 tuổi đẩy mạnh lĩnh vực khai thác khoáng sản với việc thành lập các pháp nhân như: CTCP Thương mại Khoáng sản Quốc tế Group thành lập tháng 9/2022. CTCP Thương mại Hoành Sơn Quảng Trị thành lập tháng 10/2023. Trong lĩnh vực du lịch, ông Sơn đứng tên CTCP Thương mại Du lịch Hoành Sơn thành lập tháng 11/2017.

Ngoài các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, từ cuối năm 2021, Tập đoàn Hoành Sơn đầu tư vào lĩnh vực bóng đá bằng việc mua lại đội bóng CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Từ tháng 11/2022, ông Phạm Hoành Sơn chính thức là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Từ một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phân phối phân bón với chỉ 10 nhân viên, sau hơn 20 năm, chủ tịch Phạm Hoành Sơn đã mở rộng hệ sinh thái của mình ra khắp các tỉnh miền Trung với quy mô tổng tài sản lên tới 250 triệu USD và doanh thu hàng năm lên tới 180 triệu USD.

Ngoài việc sở hữu "đế chế" hàng chục nghìn tỷ, hồi tháng 3/2022, ông Phạm Hoành Sơn còn gây chú ý khi được cho là người sở hữu chiếc Rolls-Royce Cullinan đầu tiên ở Việt Nam mang biển trắng 38.

Chiếc Rolls-Royce Cullinan của đại gia Hà Tĩnh có ngoại thất sơn đen bóng, đi kèm đường coachline màu cam tạo điểm nhấn. Chiếc siêu xe được trang bị nhiều tính năng cao cấp như âm thanh 18 loa, sưởi ghế, massage, điều hòa 4 vùng độc lập, cửa ra vào hàng ghế sau đóng/mở điện...

Không chỉ có ngoại hình đẳng cấp, Cullinan còn có khả năng off-road đỉnh cao với cơ chế dẫn động AWD thay cho RWD trên các mẫu xe trước đây. Đặc biệt phải để đến khối động cơ V12 tăng áp kép với dung tích 6,75 lít cho ra công suất 563 mã lực và mô men xoắn 850 Nm.

Rolls-Royce Cullinan xuất hiện tại Việt Nam lần đầu vào giữa năm 2019 và đến nay đã có khoảng hơn 100 chiếc lăn bánh tại Việt Nam. Tuy nhiên số lượng xe Rolls-Royce Cullinan biển số trắng như chiếc xe của đại gia Hà Tĩnh là rất hiếm.

An Ninh Tiền Tệ

An Ninh Tiền Tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên