MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung "người gỡ bom chiến tranh thương mại Mỹ - Trung"

10-05-2019 - 12:10 PM | Tài chính quốc tế

Là quan chức đã giành cả sự nghiệp để nghiên cứu hệ thống kinh tế Trung Quốc và cũng đã chứng kiến những thất bại của hệ thống tài chính phương Tây, Lưu Hạc đã trở thành cầu nối quan trọng giữa kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc.

Những ngày này, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa leo lên nấc thang mới và vòng đàm phán cấp cao đang diễn ra tại Washington đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Trong những tin tức về sự kiện này, nếu như phía Mỹ những dòng tweet của Tổng thống Trump được chú ý hơn cả thì ở phía Trung Quốc người ta chú ý nhiều nhất đến các động thái của Phó Thủ tướng Lưu Hạc - người nhiều lần tới Washington với nỗ lực cứu vãn các cuộc đàm phán thương mại và ngăn chặn một cuộc chiến tranh lạnh nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Từ nhà nghiên cứu thầm lặng đến cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 1993, Lưu Hạc – khi đó chỉ là 1 quan chức cấp trung trong Chính phủ Trung Quốc – là một trong số các diễn giả tham gia 1 cuộc thảo luận bàn tròn về tương lai kinh tế thế giới. "Tôi là người có chức vụ thấp nhất ở đó nhưng lại nhận được nhiều câu hỏi nhất", ông nhớ lại trong 1 bài báo xuất bản năm 2008.

Trong bài báo này ông chia sẻ Lý Quang Diệu – "cha đẻ" của Singapore thời hiện đại – từng nói với ông rằng Trung Quốc phải chú ý tới đô thị hóa. "Thách thức lớn nhất của Trung Quốc là đô thị hóa... đó là quá trình sẽ thay đổi thế giới", ông Lưu tường thuật lại lời của Lý Quang Diệu.

25 năm sau, Lưu Hạc – người đã lấy bằng thạc sĩ quản lý công tại ĐH Harvard và bằng thạc sĩ kinh tế tại ĐH Renmin – đã tiến được những bước xa trên con đường chính trị. Ông nay đã trở thành Phó Thủ tướng phụ trách về chính sách kinh tế, là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình trên con đường đi tìm kiếm một giải pháp cân bằng giữa thịnh vượng và bền vững.

Trung Quốc ngày nay đã chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ kinh tế thế giới, do đó ông Tập cần đến một người hiểu sâu về kinh tế toàn cầu như ông Lưu. "Ông ấy là người có thể đặt vấn đề của Trung Quốc vào bối cảnh toàn cầu. Nếu ông ấy bật tivi lên, thường thì ông ấy sẽ xem các kênh tin tức tiếng Anh", một người từng làm việc dưới quyền Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói.

Ông Lưu chính là "bộ não" đứng sau các cải cách trọng cung hướng đến giảm dư thừa công suất và thúc đẩy các lực đẩy thị trường. Theo đánh giá của Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Mizuho, Lưu Hạc chính là phiên bản Trung Quốc kết hợp những đặc tính của cả Larry Summers và Ben Bernanke (đều là các cựu Chủ tịch Fed). "Ông ấy không chỉ quản lý toàn bộ thị trường tài chính, bao gồm cả chính sách tiền tệ và giám sát tài chính, mà còn phụ trách cả chính sách tài khóa và chính sách cải cách".

"Cây cầu" kết nối hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Là quan chức đã giành cả sự nghiệp để nghiên cứu hệ thống kinh tế Trung Quốc và cũng đã chứng kiến những thất bại của hệ thống tài chính phương Tây, Lưu Hạc đã trở thành cầu nối quan trọng giữa kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc.

Khi Washington muốn thảo luận về các vấn đề kinh tế với Bắc Kinh, ông Lưu luôn là người đầu tiên được chọn. Tháng 1/2016, khi những lo lắng về đồng nhân dân tệ và sức khỏe kinh tế Trung Quốc khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Jacob Lew đã gọi điện cho ông để thảo luận về chính sách tỷ giá của Trung Quốc.

Xa hơn, sau sự kiện Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, hai thành viên mới trong nội các của cựu Tổng thống Obama là Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner và trưởng ban cố vấn kinh tế quốc gia Lawrence Summers muốn tham khảo quan điểm của Trung Quốc về cơn bão tài chính sắp ập đến. Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cử ông Lưu tới Mỹ để tìm hiểu điều gì đang diễn ra ở Mỹ. Geithner và Summers đã lần lượt gặp Lưu hồi tháng 9/2008.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên