Chân dung người phụ nữ quyền lực nhất Amazon
Beth Galetti là giám đốc nhân sự của Amazon dù là một cựu kỹ sư. Mỗi ngày, bà phụ trách việc tuyển dụng hàng trăm người vào công ty. Số lượng nhân sự tăng lên, đồng nghĩa rằng thách thức của bà cũng ngày một lớn.
Cũng như những giám đốc nhân sự khác, Beth Galetti, 46 tuổi, không được nhiều người biết đến. Nhưng với gần 6 năm làm việc tại Amazon, với tư cách là lãnh đạo của một bộ phận, bà đã trở thành một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất công ty. Galetti là người phụ nữ có chức vụ cao nhất trong Amazon, và người phụ nữ duy nhất lọt top 18 người trong danh sách "S-Team" (Ban điều hành cấp cao), đây là những người trực tiếp báo cáo lên CEO Jeff Bezos. Hơn nữa, bà cũng là người tổ chức một cuộc tuyển dụng với quy mô chưa từng có trong lịch sử.
Amazon hiện có số lượng nhân sự full-time và part-time trên toàn cầu là 647 nghìn người, nhiều gấp đôi so với Alphabet, Apple, Facebook và Microsoft cộng lại. Trong số các công ty của Mỹ, chỉ có Walmart là có số lượng nhân viên lớn hơn nhưng lại không tăng đáng kể trong nhiều năm. Ngược lại, Amazon đã sở hữu lượng nhân viên cao gấp 6 lần kể từ khi Galetti gia nhập. Trung bình, mỗi ngày lại có thêm 337 nhân sự và hiện có tới 28 nghìn vị trí "để ngỏ".
Dù con số trên là rất lớn nhưng vai trò của Galetti ở Amazon vẫn không thay đổi. Hầu như tuần nào các tin tức tiêu cực về nơi làm việc của Amazon cũng được phát tán và gây nhiều tranh cãi, từ các cuộc điều trả thời gian sử dụng WC của nhân viên, tình trạng đình công ở Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan, cho tới kế hoạch mở rộng trụ sở tại New York thất bại. Tất cả những sự việc này đều liên hệ trực tiếp tới Galetti.
Một cử nhân ngành kỹ thuật, không có kinh nghiệm trong mảng HR
Galetti là một cựu nhân viên ngành công nghệ, chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực HR khi mới gia nhập Amazon. Galetti chia sẻ: "Tôi đang tìm kiếm những cách thức để xoá bỏ rào cản, khắc phục những khuyết điểm và tạo phong trào tự tạo lợi ích cho mình." Mục tiêu đó đã dẫn đến việc tuyển dụng một số lượng nhân viên cực kỳ lớn. Amazon hiện có 600 nhân viên xuất sắc làm việc trong mảng phần mềm nội bộ, phục vụ cho việc tuyển dụng nhân sự mới và đánh giá chất lượng. Tất cả đều thuộc một phần của bộ phận HR mà Galetti "chèo lái", chứ không phải một nhóm kỹ sư nào khác.
Beth Galetti chưa từng có ý định làm việc trong lĩnh vực HR, cũng như Amazon không hề đặt mục tiêu tuyển dụng một ứng viên với nhiều thông tin, kinh nghiệm độc đáo cho bộ phận HR. Xuất thân từ một người bản địa Baltimore, là con gái của một kỹ sư và một chủ ngân hàng đầu tư, Galetti là một thần đồng toán học. Bà theo học tại Đại học Lehigh năm 16 tuổi và nhận tấm bằng kỹ sư điện. Sau khi sở hữu bằng MBA từ Đại học Kỹ thuật Colorado, bà gia nhập FedEx và trở thành phó chủ tịch chi nhánh tại Brussels, phụ trách việc giám sát các hoạt động hàng không, kỹ thuật và quy hoạch tại châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi.
16 năm gắn bó với FedEx, Galetti bắt đầu nghiên cứu về thế giới của "gã khổng lồ" ngành vận chuyển. Bà nói: "Tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi không tôi có nhiều mối quan hệ. Tôi không quen biết nhiều người bên ngoài FedEx. Vì thế tôi bắt đầu liên lạc lại với những người bạn đại học, các giáo sư, những người khác nữa và cuối cùng tôi lại có cuộc gặp gỡ với một người ở Amazon."
Kinh nghiệm trong ngành logistics của bà đã gây ấn tượng với Amazon. Susan Harker, khi ấy là trưởng phòng tuyển dụng của Amazon, cho biết: "Cô ấy sở hữu khối kinh nghiệm rất hấp dẫn đối với chúng tôi và chúng tôi trò chuyện cùng cô ấy về những hoạt động mà Amazon chưa khai thác được hết." Tuy nhiên, điều khiến Harker ấn tượng nhất là Galetti "toả sáng rực rỡ như cây thông Giáng sinh khi nói về việc phát triển con người. Cô ấy có niềm đam mê với việc dẫn dắt các team, phục vụ cho sự phát triển tài năng." Từ đó, Harker nảy ra ý tưởng đưa Galetti vào mảng HR.
Giải quyết những rắc rối tại nơi làm việc của Amazon
Việc đầu tiên bà làm là "đắm mình" vào nền văn hoá độc đáo của công ty. Amazon nổi tiếng với những quy tắc ngặt nghèo mà các giám đốc điều hành bắt buộc phải tuân theo, ví dụ như "quan tâm sâu sắc đến khách hàng", "trách nhiệm với sản phẩm" hay "chớp lấy thời cơ" được tay viết Brad Stone đề cập trong cuốn sách "Jeff Bezos và Kỷ nguyên Amazon". Còn đội ngũ HR cũng có nhiệm vụ và tiêu chuẩn riêng, đó là "Chúng tôi xây dựng một không gian làm việc cho các nhân viên Amazon để sáng tạo phục vụ khách hàng".
Galetti hiểu rằng tất cả những điều này có vẻ "quá sức" đối với những ai chưa quen với công việc. Tuy nhiên, chắc chắn rằng bà đã nắm rõ 14 nguyên tắc lãnh đạo của Amazon. Bởi khi tham gia phỏng vấn, bà luôn nhấn mạnh những điều này, đặc biệt là "nghĩ lớn" (think big" và "theo sát tình hình" (dive deep).
Bởi những kinh nghiệm mà Galetti có được, bà coi công nghệ là một con đường để đạt được mục tiêu trên. Bà nói: "Nếu dự định quyển dụng hàng chục nghìn người hoặc hàng trăm nghìn người mỗi năm, chúng tôi không đủ khả năng để thực hiện với cách thức thủ công và truyền thống."
Amazon sử dụng một sản phẩm có tên Connections, yêu cầu mọi nhân viên phải trả lời câu hỏi liên quan đến môi trường làm việc vào mỗi sáng. Việc này giúp công ty thu thập được ý kiến của nhân viên một cách nhanh chóng, vốn phải chờ đến cuộc khảo sát hàng năm mới thực hiện được. Ngoài ra còn có một hệ thống có chức năng đánh giá tương tự có tên Forte.
Từ lâu, Amazon đã nổi tiếng là một công ty với môi trường làm việc khắc nghiệt, dù có làm việc trong kho hàng hay bàn giấy. Dẫu vậy, Amazon đang đưa ra một số động thái nhằm cải thiện tình trạng nhân viên được trả lương thấp. Galetti nhấn mạnh rằng công ty không hề làm ngơ trước những sai sót của mình, ngay cả khi nhận được rất nhiều lời chỉ trích. Tháng 10 năm ngoái, Amazon cho biết họ đang thiết lập mức lương tối thiểu là 15 USD cho những nhân viên làm việc theo giờ.
Ngoài ra, "gã khổng lồ" này cũng đang hỗ trợ nhân viên có mức lương tối thiểu đa dạng hoá những kỹ năng của mình. 16 nghìn nhân viên làm việc theo giờ đã tận dụng Career Choice và các khoá học trực tuyến khác để thực hiện. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Galetti. Amazon trả 95% chi phí cho các khoá học dạy nghề và đạo tạo kỹ thuật trong các ngành đang lên như chăm sóc sức khoẻ và vận chuyển, bất chấp việc họ có thể rời công ty.
Ngoài ra, có một dự án khác do Galetti triển khai có thể sẽ mang lại những tác động lâu dài hơn. Năm ngoái, Amazon đã thành lập một liên doanh phi lợi nhuận với Berkshire Hathaway và JPMorgan để mở một công ty dược phẩm cung cấp dịch vụ giá rẻ cho người lao động Mỹ. Galetti là đại diện của Amazon trong dự án có tên Haven này. Nếu Amazon có thể cải thiện dịch vụ y tế ở Mỹ, thì họ có thể làm được bất kỳ điều gì.
Quyền lực là thế, nhưng Galetti lại không hề kiêu ngạo. Chi tiết mà bà tâm đắc nhất trong 14 quy tắc lãnh đạo của Amazon là "khiêm tốn". Bà nói: "Sau gần 6 năm, tôi không phải là một chuyên gia về HR, cũng không phải là một chuyên gia về Amazon."