MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung những “tác nhân” khiến VN-Index bốc hơi 150.000 tỷ đồng vốn hóa trong phiên 3/10, rơi về vùng điểm thấp nhất hơn 3 tháng

Chân dung những “tác nhân” khiến VN-Index bốc hơi 150.000 tỷ đồng vốn hóa trong phiên 3/10, rơi về vùng điểm thấp nhất hơn 3 tháng

Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón đều chìm trong sắc đỏ, gần trăm mã giảm sàn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm phiên giao dịch 3/10 đáng thất vọng khi sắc đỏ bao trùm, 854 mã giảm trong đó 84 cổ phiếu giảm sàn. VN-Index đóng cửa dưới 1.120 điểm, ghi nhận mức giảm 37,15 điểm (-3,22%), gần tương đương phiên 25/9 trước đó. Mức giảm trên 3% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới ngày.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón đều chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm tương đối mạnh, hàng loạt mã thậm chí còn giảm sàn với nhiều mã "trắng bên mua".

Phiên giảm mạnh cũng đã thổi bay gần 149.000 tỷ đồng (~ 6,2 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 3/10, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn gần 4,5 triệu tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 500 nghìn tỷ đồng so với vùng đỉnh ngắn hạn gần một tháng trước. Điểm đáng chú ý là việc thanh khoản ghi nhận cải thiện với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE xấp xỉ 19.800 tỷ đồng, tăng gần 90% so với phiên liền trước.

Chân dung những “tác nhân” khiến VN-Index bốc hơi 150.000 tỷ đồng vốn hóa trong phiên 3/10, rơi về vùng điểm thấp nhất hơn 3 tháng - Ảnh 1.

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong phiên 3/10

Phiên giảm mạnh diễn ra sau khi thị trường vừa có giai đoạn đi ngang với thanh khoản mất hút. Dòng vốn ngoại không gia nhập càng khiến thị trường chung mất đi lực đỡ. Ghi nhận trong phiên 3/10, khối ngoại bán ròng gần 156 tỷ đồng trên HoSE, trái ngược với động thái mua ròng trong nhiều phiên giảm sâu trước đó. Trước đó trong tháng 9, khối ngoại cũng vừa bán ròng gần 4.500 tỷ đồng.

Xét về mức độ đóng góp, hai bluechips BID và VIC đã trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tổng cộng hơn 5 điểm, trong đó BID giảm 5,5% xuống 41.550 đồng/cp trong khi VIC mất 5,1% về mức giá 44.500 đồng/cổ phiếu.

Chưa dừng lại, “anh cả” ngành thép là HPG tiếp tục là nhân tố đè mạnh lên thị trường khi lấy đi hơn 2 điểm của VN-Index với mức giảm tới 5,3% trong phiên hôm nay. VHM và GAS cũng lần lượt lấy đi 1,8 điểm và 1,7 điểm của chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai ông lớn đầu ngành bất động sản và khí này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, trong khi GAS điều chỉnh tới 3,4% thì VHm cũng giảm 3,7%. Đáng chú ý là việc GVR giảm kịch sàn qua đó khiến chỉ số chung mất 1,4 điểm.

Việc những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại đồng loạt giảm biên độ mạnh cho thấy mức độ tiêu cực của phiên giao dịch hôm nay. Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như nhóm ngân hàng VPB, CTG, STB, MBB, cổ phiếu chứng khoán SSI hay SAB, VNM, MWG,…

Chân dung những “tác nhân” khiến VN-Index bốc hơi 150.000 tỷ đồng vốn hóa trong phiên 3/10, rơi về vùng điểm thấp nhất hơn 3 tháng - Ảnh 2.

Trong báo cáo mới đây, FIDT nhận định thị trường chứng khoán trong ngắn hạn đang thiếu đi các tin tức và yếu tố vĩ mô hỗ trợ. Trong khi đó, những động lực thường được đề cấp trước đó như hạ lãi suất, nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ … đã phản ánh phần lớn vào thị trường, ngược lại các rủi ro về lạm phát, tỷ giá đang ngày càng gia tăng.

Định giá thị trường không còn quá hấp dẫn khi mức định giá P/B thực tế không còn rẻ. Theo FIDT, nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn hóa thị trường và định giá P/B của 2 nhóm này hiện tại đa phần vẫn đang nằm ở vùng thấp so với lịch sử. Do đó, nếu loại trừ nhóm ngân hàng và cổ phiếu họ nhà Vingroup (VRE, VIC, VHM) thì định giá P/B của khá nhiều nhóm ngành đã về mức trung bình.

Dù vậy, FIDT giữ vững quan điểm chu kỳ kinh tế thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi nên xu hướng trung hạn của thị trường là vẫn đi lên. Thị trường chứng khoán vẫn đang ở giai đoạn tốt để đầu tư giải ngân cho trung và dài hạn.

Chân dung những “tác nhân” khiến VN-Index bốc hơi 150.000 tỷ đồng vốn hóa trong phiên 3/10, rơi về vùng điểm thấp nhất hơn 3 tháng - Ảnh 3.

VNDirect trong báo cáo gần đây cũng dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023. VNDirect đánh giá đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào kênh chứng khoán. Theo VNDirect, thị trường còn tiềm tàng nhiều cơ hội khi bức tranh lợi nhuận trong quý 3 dự kiến sẽ tích cực hơn cũng như mặt bằng định giá thị trường đã về vùng hấp dẫn hơn. Một số chủ điểm đầu tư bao gồm (1) Mũi nhọn đầu tư công nhằm tăng trưởng kinh tế, (2) Triển vọng xuất nhập khẩu đang dần phục hồi, (3) Sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất, bán lẻ sẽ phục hồi nhờ sức mua cải thiện; (4) Dòng vốn FDI duy trì tích cực cải thiện triển vọng nhóm BĐS KCN.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên