Chân dung nữ COO tài năng của kỳ lân thanh toán Indonesia
Tessa Wijaya là đồng sáng lập và COO kỳ lân fintech Xendit của Indonesia.
Năm 2016, Tessa Wijaya quyết định thay đổi công việc, từ ngân hàng đầu tư sang một công ty khởi nghiệp thanh toán điện tử của Indonesia, không phải là vì tiền lương.
Lương của Wijaya đã giảm 80% so với công việc cũ. Tuy nhiên cô cho biết mình vẫn ổn. “Tôi nghĩ tôi cần tìm hiểu về một loại hình kinh doanh mới", cô nói. "Tôi đã có một bước nhảy vọt".
Đó là một bước nhảy vọt rất thành công cho Wijaya và Xendit - kỳ lân thanh toán mà cô là đồng sáng lập và giám đốc vận hành (COO). Bên cạnh vai trò giúp cho sự phát triển của công ty, nữ doanh nhân 40 tuổi còn là người ủng hộ nhiệt tình để có nhiều phụ nữ hơn tham gia lĩnh vực công nghệ. Cô đã khởi xướng chương trình Women in Tech Indonesia của Xendit, nơi các doanh nhân và chuyên gia công nghệ chia sẻ kinh nghiệm trong các hội thảo và diễn đàn kỹ thuật số.
Tessa Wijaya, đồng sáng lập và COO của công ty thanh toán Indonesia Xendit. Ảnh: Xendit
Kỳ lân Đông Nam Á
Xendit, chưa niêm yết, không công bố lợi nhuận nhưng rõ ràng đã nhận được sự tin tưởng của nhiều công ty đầu tư mạo hiểm. Tháng 9/2021, startup này trở thành kỳ lân sau khi huy động được 150 triệu USD trong vòng gọi vốn series C, nâng mức định giá lên 1 tỷ USD. Tám tháng sau, nền tảng này thu về thêm 300 triệu USD trong vòng seres D do Coatue và Insight Partners dẫn đầu. Khoản huy động mới nhất đã nâng tổng số vốn đầu tư lên 538 triệu USD - số tiền huy động nhiều nhất trong lĩnh vực cổng thanh toán của một công ty Đông Nam Á.
Xendit giúp các doanh nghiệp tham gia các kênh thanh toán như thẻ tín dụng, ví trực tuyến, mã QR và các công cụ khác để mua hàng điện tử. Theo website của Xendit, trong vòng chưa đầy 5 phút, nền tảng có thể thiết lập một tài khoản cho một doanh nghiệp để bắt đầu nhận các khoản thanh toán kỹ thuật số. Tại Indonesia, công ty cạnh tranh với Midtrans của Doku và Goto.
Từ chưa đầy 10 nhân viên ban đầu, công ty hiện có hơn 900 nhân sự. Xendit, ban đầu tập trung vào Indonesia, đã mở rộng sang Philippines và đang hướng đến các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Không giống như một số công ty công nghệ đang cắt giảm nhân sự khi thị trường khó khăn, Xendit cho biết họ không cắt giảm nhân viên.
Cơ duyên với fintech và Xendit
Xendit ra đời khi Moses Lo đang học MBA tại Đại học California-Berkeley. Ước mơ ban đầu của Lo, một công dân Australia và là thành viên của Forbes 30 Under 30 Asia năm 2016, là trở thành phiên bản Đông Nam Á của ứng dụng thanh toán kỹ thuật số Venmo. Lo, có mẹ là người Indonesia và cha là người Malaysia, đã chuyển sang Indonesia – khi đó đang có một môi trường khởi nghiệp khá phát triển - và điều hành một cổng thanh toán.
Lo biết các công ty khởi nghiệp nhưng không biết nhiều về Indonesia. Ngay khi ông khởi nghiệp ở đây, một người bạn chung đã giới thiệu ông với Wijaya, vốn quan tâm đến fintech như lĩnh vực để kinh doanh. Sau khi lấy một bằng tại Đại học Syracuse và bằng thứ hai tại Đại học Sydney, cô đã làm việc 6 năm tại các công ty đầu tư bao gồm Mizuho Asia Partners và Principia Management Group, do cựu bộ trưởng thương mại Indonesia Thomas Lembong thành lập.
Họ gặp nhau tại một cửa hàng Starbucks ở Jakarta và thảo luận. Một tuần sau buổi gặp này, Wijaya đồng ý hợp tác. “Ngay từ đầu Tessa đã là một lãnh đạo vô giá”, Lo viết trong một email: “Cô ấy hiểu sâu sắc về hệ sinh thái địa phương, đam mê giải quyết các vấn đề ở Đông Nam Á và mong muốn đưa công nghệ của khu vực lên tầm đẳng cấp thế giới”.
Đối với Wijaya, chuyển sang một công ty khởi nghiệp là cả một thay đổi. Văn phòng của Xendit khi đó là một ngôi nhà nhỏ với một căn phòng cho một công ty khởi nghiệp khác thuê để cắt giảm chi phí, cô nhớ lại. “Tôi biết không dễ để tạo dựng một doanh nghiệp ở Indonesia. Nhưng tôi thấy Lo và đội ngũ rất tận tâm. Họ thậm chí đã chuyển đến và ngủ tại văn phòng”.
Đó là một thời điểm thích hợp. Bên cạnh kinh nghiệm về các mô hình tài chính và thuyết trình, Wijaya đã giúp Xendit mở rộng quan hệ đối tác với mạng lưới của cô. Đồng thời, cô đảm nhận nhiều trách nhiệm liên quan đến hoạt động và tài chính hơn. Vào năm 2018, Lo đã bổ nhiệm Wijaya vào vị trí COO của công ty.
Các đồng sáng lập Juan Gonzalez, Tessa Wijaya, Moses Lo và Bo Chen (từ trái sang). Ảnh: Xendit
Thiên thời… và cách thích nghi hoàn cảnh
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, thanh toán kỹ thuật số đã tăng mạnh ở Đông Nam Á, phần lớn nhờ vào ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuy nhiên hiện tại tiền mặt vẫn là vua. Nhưng vị thế “ngai vàng” của tiền mặt có thể sẽ sớm không còn. Báo cáo dự báo, các giao dịch tiền mặt sẽ mất vị thế thống trị, từ 60% trong năm 2019 xuống còn 47% tổng giá trị giao dịch trong khu vực vào năm 2025 - mở cánh cửa rộng hơn cho các công ty cổng thanh toán như Xendit.
Reet Chaudhuri, một đối tác tại McKinsey, rất quan tâm đến lĩnh vực thanh toán ở châu Á - Thái Bình Dương cho biết, chi tiêu trực tuyến trong khu vực sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi suy thoái kinh tế xảy ra. Tuy nhiên, ông lưu ý, mức độ cạnh tranh đã lớn hơn và tỷ suất lợi nhuận trong ngành khá khiêm tốn đối với các sản phẩm cốt lõi. Do đó, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực đang chuyển sang các sản phẩm giá trị gia tăng. Các công ty cổng thanh toán “giờ đây nhận ra họ đang “nắm giữ” vô số dữ liệu vì họ biết ai đang thanh toán, số tiền là bao nhiêu, và thanh toán cho ai”, Chaudhuri nói.
Xendit đã thích nghi với sự thay đổi môi trường. Các công ty công nghệ du lịch như Traveloka của Indonesia, từng là công ty đóng góp doanh thu lớn nhất cho Xendit, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Xendit vì vậy đã tìm kiếm các khách hàng khác như thương mại điện tử và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn coi việc sử dụng kỹ thuật số là một cách để tồn tại. Wijaya cho biết, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ đã đăng ký dịch vụ của Xendit trong hai năm qua.
Wijaya đang nỗ lực thu hút nhiều nữ giới làm việc về công nghệ hơn tại Xendit. Ảnh: Forbes Asia
Theo nữ COO, việc phát triển nhiều sản phẩm hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong ba mục tiêu để huy động vốn. Hai kế hoạch còn lại là bổ sung thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng và đưa tất cả các sản phẩm ra thị trường ở khu vực. Từ năm 2021, công ty đã bắt đầu cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vào tháng 4, Xendit đã mua cổ phần thiểu số của Bank Sahabat Sampoerna, một công ty cho vay tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ có chủ sở hữu chính là các tỷ phú Indonesia Putera Sampoerna và Djoko Susanto. Với công ty cho vay, Xendit hy vọng sẽ phát triển dịch vụ ngân hàng tại Indonesia.
Mục tiêu tương lai
Ở Indonesia, kết nối di động đang nhiều hơn dân số nhưng 66% người dân nước này không sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Wijaya nhận thấy đây là một cơ hội lớn. Ngân hàng như một dịch vụ “là mục tiêu quan trọng tiếp theo", cô nói và bổ sung, Xendit đang xem xét mức độ khả thi của kế hoạch và cách thức phối hợp với ngân hàng như thế nào.
Đối với kết hoạch mở rộng tại khu vực, Xendit đã vào thị trường Philippines hồi tháng 11/2020. Tám tháng sau đó, công ty đầu tư vào nền thảng cổng thanh toán địa phương Dragonpay. Đây là doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với các khách hàng địa phương trong hơn một thập kỷ. Xendit đang hướng mục tiêu mở rộng sang Malaysia, Singapore và Việt Nam trong hai năm tới.
Wijaya đang nỗ lực thu hút nhiều nữ giới làm việc về công nghệ hơn tại Xendit. Khoảng 40% nhân viên của Xendit ở Indonesia là phụ nữ. Wijaya đã khởi xướng các chính sách để đưa nữ giới vào các vị trí quản lý. Về mặt cá nhân, Wijaya đã từng là một nhà đầu tư thiên thần trong một số công ty khởi nghiệp. Cô nói: “Không phải vì tiền vì tôi chỉ đầu tư một số tiền rất nhỏ, mà đó là lời khuyên và kinh nghiệm tôi có thể chia sẻ để giúp họ phát triển”.
NĐH